Bệnh giun kim

Bệnh giun kim thường xảy ra chủ yếu ở trẻ em trong độ tuổi đi học và trứng giun kim rất dễ lây lan từ trẻ này qua trẻ khác. Bệnh này được điều trị bằng các loại thuốc uống.

Bệnh giun kim là gì?

Bệnh giun kim là một bệnh do nhiễm ký sinh trùng, xảy ra ở đường tiêu hóa. Giun kim có hình dạng dẹt, màu trắng, có chiều dài khoảng 6 đến 15 mm.

Giun kim cái đẻ hàng nghìn trứng vào các nếp gấp da xung quanh hậu môn, gây ngứa ngáy và làm gián đoạn giấc ngủ.

Bệnh giun kim thường xảy ra chủ yếu ở trẻ em trong độ tuổi đi học và trứng giun kim rất dễ lây lan từ trẻ này qua trẻ khác. Bệnh này được điều trị bằng các loại thuốc uống.

Dấu hiệu

Các dấu hiệu thường gặp của bệnh giun kim gồm có:

  • Ngứa ngáy, khó chịu ở vùng hậu môn hoặc âm đạo, thường xảy ra vào ban đêm khi ngủ do đây là lúc giun cái đẻ trứng
  • Cáu kỉnh và bồn chồn
  • Trẻ khó ngủ, khóc đêm
  • Thi thoảng đau bụng và buồn nôn
  • Chán ăn, khó tiêu
  • Đi ngoài phân lỏng hoặc nát, có thể lẫn chất nhầy hoặc máu

Tuy nhiên, nhiều trường hợp nhiễm giun kim mà không có bất kỳ triệu chứng nào.

Khi nào cần đi khám?

Hãy đi khám nếu thường xuyên bị ngứa ngáy hậu môn, đặc biệt là vào ban đêm.

Nguyên nhân

Bệnh giun kim xảy ra sau khi vô tình nuốt hoặc hít phải trứng giun kim. Những quả trứng có kích thước cực nhỏ thường đi vào cơ thể qua thức ăn, đồ uống hoặc khi mút tay, cắn móng tay. Sau khi vào cơ thể, trứng giun kim nở ra ấu trùng trong ruột và trở thành giun trưởng thành trong vòng vài tuần.

Giun kim cái di chuyển đến vùng hậu môn để đẻ trứng và gây ngứa ngáy. Trứng giun kim có thể bám vào các bề mặt như chăn ga trải giường, khăn lau hay bề mặt toilet rồi lây sang người khác. Khi gãi ở chỗ ngứa, trứng giun sẽ bám vào ngón tay và chui vào kẽ móng tay. Sau đó, trứng sẽ theo ngón tay di chuyển sang các đồ vật, chẳng hạn như đồ chơi, đồ ăn, thức uống hoặc sang cơ thể người khác.

Trứng giun kim có thể tồn tại từ 2 đến 3 tuần trên các bề mặt.

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm giun kim:

  • Trẻ nhỏ: Bệnh giun kim chủ yếu xảy ra ở trẻ em từ 5 đến 10 tuổi. Bệnh này không phổ biến ở trẻ em dưới 2 tuổi.
  • Sống chung với nhiều người: Những người sống ở môi trường tập thể, ví dụ như doanh trại quân đội ký túc xá có nguy cơ bị nhiễm giun kim cao hơn.

Biến chứng

Bệnh giun kim thường không gây ra vấn đề nghiêm trọng nhưng trong một số ít trường hợp, bệnh này gây nhiễm trùng ở bộ phận sinh dục nữ.

Giun kim có thể di chuyển từ vùng hậu môn lên âm đạo đến tử cung, ống dẫn trứng và xung quanh các cơ quan vùng chậu. Điều này dẫn đến các vấn đề như viêm âm đạo và viêm nội mạc tử cung.

Mặc dù hiếm khi xảy ra nhưng nhiễm giun kim còn có thể dẫn đến các vấn đề khác như :

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Sụt cân
  • Viêm phúc mạc

Biện pháp chẩn đoán

Khi thường xuyên bị ngứa hậu môn và nghi ngờ do giun kim thì nên đi khám. Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh giun kim qua sự hiện diện của giun hoặc trứng giun. Phương pháp kiểm tra là dùng băng dính trong dán lên vùng da xung quanh hậu môn. Nếu có thì trứng giun sẽ dính vào băng dính và được phát hiện khi soi dưới kính lúp hoặc kính hiển vi. Để có kết quả chính xác thì việc kiểm tra nên được thực hiện vào buổi sáng, trước khi đi vệ sinh hoặc tắm rửa.

Điều trị

Bệnh giun kim được điều trị bằng các loại thuốc đường uống. Vì trứng giun rất dễ lây nên tất cả mọi người sống cùng với người bị giun kim đều nên điều trị để ngăn ngừa tái nhiễm.

Các loại thuốc thường được sử dụng để điều trị bệnh giun kim là mebendazole, albendazole hoặc pyrantel pamoate. Các loại thuốc này có thể gây ra một số tác dụng phụ nhẹ về tiêu hóa như buồn nôn, chán ăn, tiêu chảy,… Một đợt điều trị thường gồm có 2 liều, liều sau cách liều trước từ 2 đến 3 tuần. Thường sẽ phải điều trị ít nhất 2 đợt để loại bỏ hoàn toàn trứng giun. Để làm dịu tình trạng ngứa ngáy quanh hậu môn thì có thể dùng các loại thuốc bôi.

 Biện pháp phòng ngừa

Trứng giun kim có thể bám vào các bề mặt, gồm có đồ chơi, vòi nước, chăn ga trải giường, bồn cầu… và tồn tại trong thời gian lên đến 2 tuần. Vì vậy, cần thường xuyên vệ sinh các bề mặt và ngoài ra nên thực hiện các biện pháp dưới đây để ngăn ngừa sự lây lan trứng giun kim:

  • Rửa vùng kín vào buổi sáng: Vì giun kim đẻ trứng vào ban đêm nên việc vệ sinh vùng hậu môn vào buổi sáng sẽ giúp giảm số lượng trứng giun trên cơ thể.
  • Không tắm bồn để tránh trứng giun bám vào bề mặt bồn tắm và xâm nhập vào bộ phận sinh dục.
  • Thay giặt chăn ga thường xuyên để loại bỏ trứng giun
  • Giặt đồ bằng nước nóng: Giặt ga trải giường, đồ ngủ, đồ lót, khăn mặt và khăn tắm bằng nước nóng sẽ tiêu diệt trứng giun kim. Nếu có thể thì nên sấy ở nhiệt độ cao sau khi giặt.
  • Không gãi để tránh làm trầy xước vùng hậu môn và để trứng giun không bám vào tay. Nên cắt gọn móng tay cho trẻ để hạn chế trứng dính vào kẽ móng tay khi gãi ngứa. Ngoài ra cần rèn trẻ không được cắn móng tay.
  • Rửa tay thường xuyên: Để giảm nguy cơ nhiễm hoặc lây lan giun kim thì hãy rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh, thay tã và trước khi ăn.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Bệnh cơ tuyến tử cung

Hiện khoa học vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác gây ra bệnh cơ tuyến tử cung nhưng bệnh này thường tự khỏi sau khi mãn kinh.

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD)

STD không phải lúc nào cũng biểu hiện triệu chứng. Vì thế nên nhiều người mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục trong suốt một thời gian dài mà không hề hay biết và tiếp tục lây sang người khác.

Bệnh viêm vùng chậu (PID)

Các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh viêm vùng chậu có thể chỉ rất nhẹ và khó nhận biết. Đôi khi, bệnh còn không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào.

Bệnh giang mai

Nếu không được điều trị thì bệnh giang mai có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến tim, não hoặc các cơ quan khác và có thể đe dọa đến tính mạng.

Bệnh lây truyền qua đường tình dục chlamydia

Chlamydia chủ yếu xảy ra ở phụ nữ trẻ, nhưng cũng có thể xảy ra ở cả nam giới và phụ nữ ở mọi nhóm tuổi. Bệnh này không khó điều trị, nhưng nếu không được điều trị thì có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây