Bệnh tả

Bệnh tả là do vi khuẩn Vibrio cholerae gây ra. Những triệu chứng của căn bệnh này là kết quả do độc tố mà vi khuẩn tạo ra trong ruột non.

Bệnh tả là gì?

Bệnh tả là một bệnh về tiêu hóa do nhiễm vi khuẩn gây ra. Nguồn lây nhiễm thường là từ nguồn nước. Bệnh tả gây tiêu chảy nặng và mất nước. Nếu không được điều trị, bệnh có thể dẫn đến tử vong trong vòng vài giờ, ngay cả ở những người khỏe mạnh.

Công nghệ xử lý nước hiện đại ngày nay đã khiến cho bệnh tả gần như bị “xóa sổ” hoàn toàn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, căn bệnh này vẫn còn tồn tại ở những khu vực nghèo đói, lạc hậu, có chiến tranh hoặc thiên tai, những nơi mà người dân phải sống trong môi trường đông đúc và không đảm bảo đủ điều kiện vệ sinh.

Bệnh tả là bệnh có thể điều trị được dễ dàng. Có thể ngăn ngừa nguy cơ tử vong do mất nước nghiêm trọng bằng biện pháp bù nước đơn giản và không tốn kém.

Triệu chứng

Trong hầu hết các trường hợp, bệnh tả gây ra triệu chứng tiêu chảy mức độ từ nhẹ đến vừa và có thể nhầm lẫn với tiêu chảy do các nguyên nhân khác. Tuy nhiên, bệnh này cũng có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng, thường là trong vòng vài ngày sau khi nhiễm vi khuẩn.

Một số triệu chứng thường gặp của bệnh tả gồm có:

  • Tiêu chảy: Triệu chứng tiêu chảy do bệnh tả xảy ra đột ngột và có thể nhanh chóng gây mất nước nguy hiểm ở mức khoảng 1 lít một giờ. Phân của người bệnh có đặc điểm lỏng, chủ yếu là nước và có màu trắng đục như nước vo gạo.
  • Buồn nôn và nôn mửa: Triệu chứng này thường xảy ra trong giai đoạn đầu của bệnh tả và có thể kéo dài nhiều giờ liên tục.
  • Mất nước: Tình trạng mất nước có thể xảy ra trong vòng vài giờ sau khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng bệnh tả. Mất nước có thể nghiêm trọng đến mức gây sụt cân. Các biểu hiện của tình trạng mất nước do bệnh tả gồm có khó chịu, mệt mỏi, mắt trũng sâu, khô miệng, cực kỳ khát nước, da khô và mất đi độ đàn hồi, đi tiểu ít hoặc không đi tiểu, tụt huyết áp và nhịp tim không đều.
  • Mất nước có thể dẫn đến sự sụt giảm nhanh chóng các khoáng chất trong máu. Các khoáng chất này vốn có vai trò duy trì sự cân bằng chất lỏng trong cơ thể. Tình trạng này được gọi là sự mất cân bằng điện giải.

Mất cân bằng điện giải

Sự mất cân bằng điện giải có thể dẫn đến các triệu chứng nghiêm trọng như:

  • Co rút cơ: Nguyên nhân là do sự sụt giảm nhanh chóng các khoáng chất trong cơ thể như natri, clorua và kali.
  • Sốc: Đây là một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất của tình trạng mất nước, xảy ra khi thể tích máu giảm dẫn đến tụt huyết áp và giảm lượng oxy trong cơ thể. Nếu không được can thiệp kịp thời, sốc giảm thể tích máu nghiêm trọng có thể gây tử vong trong vòng vài phút.

Khi nào cần đi khám?

Ở những nước mà người dân được tiếp cận nguồn nước sạch, nguy cơ mắc bệnh tả là gần như bằng 0. Ngay cả ở những khu vực có bệnh này thì khả năng bị nhiễm bệnh cũng rất thấp nếu tuân theo các khuyến nghị về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, căn bệnh này vẫn xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới. Nếu bị tiêu chảy nặng và có khả năng đã bị nhiễm vi khuẩn tả thì cần đến bệnh viện ngay. Tiêu chảy sẽ dẫn đến mất nước nghiêm trọng và là trường hợp cần được can thiệp khẩn câp.

Nguyên nhân

Bệnh tả là do vi khuẩn Vibrio cholerae gây ra. Những triệu chứng của căn bệnh này là kết quả do độc tố mà vi khuẩn tạo ra trong ruột non. Chất độc khiến cơ thể giải phóng một lượng lớn nước, dẫn đến tiêu chảy và mất nước cũng như là các chất điện giải một các nhanh chóng.

Mặc dù không phải ai bị nhiễm vi khuẩn tả cũng bị bệnh tả nhưng vi khuẩn vẫn có trong phân và có thể lây truyền sang người khác qua thực phẩm và nguồn nước.

Các con đường lây truyền vi khuẩn tả chính gồm có:

  • Nước mặt hoặc nước giếng: Việc sử dụng nước từ giếng công cộng, ao hoặc hồ là nguyên nhân chính gây bùng phát dịch tả ở nhiều khu vực. Những người sống trong điều kiện đông đúc và không có đủ điều kiện vệ sinh có nguy cơ mắc bệnh đặc biệt cao.
  • Hải sản: Ăn hải sản sống hoặc nấu chưa chín kĩ, đặc biệt là các loài có vỏ như hàu cũng là con đường lây truyền vi khuẩn tả.
  • Trái cây và rau củ: Có thể bị nhiễm vi khuẩn tả khi ăn rau sống và trái cây không rửa kỹ, không gọt vỏ. Những thực phẩm này có thể bị nhiễm vi khuẩn tả từ phân chuồng chưa ủ hoặc nước tưới chứa chất thải chưa qua xử lý.

Các yếu tố nguy cơ

Tất cả mọi người đều có thể mắc bệnh tả, ngoại trừ những trẻ sơ sinh bú mẹ và có mẹ đã từng mắc bệnh tả. Kháng thể của cơ thể người mẹ sẽ truyền sang cho trẻ. Tuy nhiên, một số người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn và một khi mắc thì cũng gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng hơn.

Các yếu tố nguy cơ của bệnh tả gồm có:

  • Sống ở nơi có điều kiện vệ sinh kém: Bệnh tả chủ yếu xảy ra ở những nơi không được tiếp cận nước sạch và có điều kiện vệ sinh kém, ví dụ như các trại tị nạn, các nước nghèo, khu vực có nạn đói, chiến tranh hoặc thiên tai.
  • Axit dạ dày thấp: Axit dạ dày có vai trò bảo vệ cơ thể khỏi một số bệnh nhiễm trùng, trong đó có bệnh tả vì vi khuẩn tả không thể tồn tại trong môi trường axit. Tuy nhiên, ở những người có lượng axit dạ dày thấp, chẳng hạn như trẻ nhỏ, người lớn tuổi và những người dùng thuốc kháng axit, thuốc chẹn histamine H2 hoặc thuốc ức chế bơm proton,… thì sự bảo vệ này chỉ ở mức yếu nên sẽ có nguy cơ mắc bệnh tả cao hơn.
  • Tiếp xúc hộ gia đình: Những người sống chung nhà với người bị bệnh tả sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Nhóm máu O: Vì một số lý do, những người nhóm máu O có nguy cơ bị bệnh tả cao gấp đôi so với những người có nhóm máu khác.
  • Ăn động vật có vỏ sống hoặc nấu không kỹ: Thói quen ăn sống các loài động vật có vỏ như hàu sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tả.

Biện pháp chẩn đoán

Ở các khu vực đang có dịch, bệnh tả thường được phát hiện dễ dàng qua các dấu hiệu và triệu chứng nhưng để xác nhận chẩn đoán chính xác thì vẫn cần làm xét nghiệm mẫu phân.

Bộ kit xét nghiệm nhanh giúp các bác sĩ ở những vùng sâu vùng xa có thể nhanh chóng xác nhận chẩn đoán bệnh tả. Điều này giúp làm giảm tỷ lệ tử vong khi bắt đầu bùng phát dịch tả và giúp cán bộ y tế có thể đưa ra biện pháp can thiệp sớm để kiểm soát ổ dịch.

Điều trị

Bệnh tả cần được điều trị ngay lập tức vì bệnh có thể gây tử vong chỉ trong vòng vài giờ. Các phương pháp điều trị gồm có:

  • Bù lại lượng nước và chất điện giải đã mất cho cơ thể bằng dung dịch bù nước và điện giải Oresol. Oresol có dạng bột pha với nước đun sôi để nguội. Không pha bằng nước khoáng. Nếu không được bù nước, người bị bệnh tả có thể tử vong nhanh chóng. Khi được can thiệp kịp thời, tỷ lệ tử vong giảm xuống chưa đầy 1%.
  • Truyền dịch tĩnh mạch: Ở hầu hết những trường hợp bị bệnh tả, chỉ cần bù nước và chất điện giải bằng dung dịch đường uống là đủ để giảm các triệu chứng nhưng những người bị mất nước nghiêm trọng có thể phải truyền dịch qua đường tĩnh mạch.
  • Thuốc kháng sinh: Mặc dù không phải phương pháp điều trị bắt buộc nhưng một số loại thuốc kháng sinh có thể làm giảm triệu chứng tiêu chảy do bệnh tả và rút ngắn thời gian hồi phục ở những người bị bệnh nặng.
  • Bổ sung kẽm: Nghiên cứu đã chỉ ra rằng kẽm có thể làm giảm tiêu chảy và rút ngắn thời gian hồi phục ở trẻ em bị bệnh tả.

Biến chứng

Bệnh tả có thể nhanh chóng gây tử vong. Trong những trường hợp rất nghiêm trọng, việc bị mất đi một lượng lớn nước và chất điện giải có thể dẫn đến tử vong chỉ trong vòng vài giờ. Kể cả ở những ca bệnh nhẹ hơn, người mắc bệnh tả không được điều trị cũng có thể chết do mất nước và sốc trong vòng vài ngày sau khi các triệu chứng bắt đầu xuất hiện.

Mặc dù sốc và mất nước nghiêm trọng là những biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh tả nhưng ngoài ra còn có thể xảy ra các vấn đề khác như:

  • Hạ đường huyết: Bệnh tả có thể khiến cho lượng đường (glucose) trong máu - nguồn năng lượng chính của cơ thể - tụt xuống mức thấp nguy hiểm. Điều này xảy ra khi người bệnh không thể ăn uống. Trẻ em có nguy cơ gặp phải biến chứng này cao nhất và có thể bị co giật, bất tỉnh và thậm chí tử vong.
  • Mức kali thấp: Những người bị bệnh tả sẽ bị mất một lượng lớn khoáng chất, trong đó có cả kali do bị đào thải qua phân. Nồng độ kali trong cơ thể quá thấp sẽ gây ảnh hưởng đến chức năng tim và thần kinh, có thể đe dọa đến tính mạng.
  • Suy thận: Khi thận mất khả năng lọc thì lượng chất lỏng dư thừa, một số chất điện giải và chất thải sẽ tích tụ trong cơ thể, dẫn đến một tình trạng nguy hiểm. Ở những người bị bệnh tả, suy thận thường kèm theo sốc.

Phòng ngừa bệnh tả

Dưới đây là các biện pháp để phòng ngừa bệnh tả:

  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn. Nên sử dụng xà phòng kháng khuẩn và xoa kỹ hai tay ít nhất 30 giây trước khi rửa với nước. Nếu không có điều kiện rửa tay bằng xà phòng và nước thì có thể dùng dung dịch sát khuẩn tay có chứa cồn.
  • Uống nước sạch: không được uống nước lã mà chỉ được uống nước đun sôi để nguội hoặc nước đóng chai đảm bảo chất lượng.  Khi đến những nơi khác, nếu như không an tâm về nguồn nước thì có thể dùng nước đóng chai để đánh răng và hạn chế uống đồ uống có đá.
  • Nấu chín kỹ thức ăn, không ăn đồ sống như sushi, gỏi, rau sống hay hàu sống. Ngoài ra nên hạn chế ăn uống ở các quán hàng rong.
  • Rửa sạch trái cây, rau củ và gọt vỏ trước khi ăn.

Tiêm vắc-xin phòng bệnh tả

Ngoài các biện pháp phòng ngừa nêu trên, mỗi người cũng có thể phòng bệnh tả bằng một loại vắc-xin đường uống có tên là mORCVAX. Vắc-xin này được khuyến nghị cho trẻ em trên 2 tuổi và người lớn sống trong những khu vực có dịch tả hoặc sắp đến vùng có dịch. Lịch uống vắc-xin cơ bản gồm có 2 liều, liều sau cách liều trước ít nhất 2 tuần. Lịch uống vắc-xin nhắc lại thường là sau lịch cơ bản 2 năm hoặc trước khi đến vùng có dịch tả. Kể cả khi đã uống vắc-xin thì vẫn cần chú ý đến đồ ăn, thức uống để đảm bảo an toàn vệ sinh.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Bệnh cơ tuyến tử cung

Hiện khoa học vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác gây ra bệnh cơ tuyến tử cung nhưng bệnh này thường tự khỏi sau khi mãn kinh.

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD)

STD không phải lúc nào cũng biểu hiện triệu chứng. Vì thế nên nhiều người mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục trong suốt một thời gian dài mà không hề hay biết và tiếp tục lây sang người khác.

Bệnh viêm vùng chậu (PID)

Các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh viêm vùng chậu có thể chỉ rất nhẹ và khó nhận biết. Đôi khi, bệnh còn không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào.

Bệnh giang mai

Nếu không được điều trị thì bệnh giang mai có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến tim, não hoặc các cơ quan khác và có thể đe dọa đến tính mạng.

Bệnh lây truyền qua đường tình dục chlamydia

Chlamydia chủ yếu xảy ra ở phụ nữ trẻ, nhưng cũng có thể xảy ra ở cả nam giới và phụ nữ ở mọi nhóm tuổi. Bệnh này không khó điều trị, nhưng nếu không được điều trị thì có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây