Trào ngược dịch mật

Viêm dạ dày do trào ngược dịch mật sẽ làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.

Trào ngược dịch mật là gì?

Trào ngược dịch mật là tình trạng mà dịch mật bị trào ngược vào dạ dày và đôi khi là cả thực quản (ống nối miệng và dạ dày). Dịch mật là chất dịch được tạo ra trong gan và có vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa, đặc biệt là tiêu hóa chất béo.

Trào ngược dịch mật có thể đi kèm với trào ngược axit dạ dày – tình trạng axit trong dạ dày trào lên thực quản. Trào ngược axit có thể dẫn đến bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) - một vấn đề nghiêm trọng gây kích ứng và viêm mô thực quản.

Khác với trào ngược dạ dày thực quản, trào ngược dịch mật là tình trạng không thể kiểm soát được hoàn toàn bằng những thay đổi trong chế độ ăn uống và lối sống. Những trường hợp nặng phải điều trị bằng thuốc hoặc thậm chí phẫu thuật.

Triệu chứng

Vì có các triệu chứng giống nhau nên trào ngược dịch mật có thể bị nhầm với trào ngược dạ dày thực quản. Hai chứng bệnh này cũng có thể xảy ra đồng thời.

Một số triệu chứng thường gặp khi bị trào ngược dịch mật gồm có:

  • Đau ở vùng bụng trên
  • Thường xuyên ợ chua và có cảm giác nóng rát ở ngực, có thể lan đến cổ họng, kèm theo vị chua trong miệng
  • Buồn nôn, nôn, có thể nôn ra dịch mật màu vàng xanh
  • Ho khan và khàn giọng
  • Đầy bụng, khó tiêu
  • Sụt cân

Khi nào cần đi khám?

Cần đi khám khi gặp các dấu hiệu trào ngược dịch mật, đặc biệt là bị sụt cân không chủ đích.

Nếu đã được chẩn đoán mắc chứng trào ngược dạ dày thực quản và đã dùng thuốc nhưng không cải thiện thì cũng nên đi khám.

Nguyên nhân

Dịch mật là chất dịch cần thiết cho quá trình tiêu hóa chất béo cũng như là quá trình đào thải các hồng cầu bị hỏng và một số chất độc ra khỏi cơ thể. Dịch mật được sản xuất trong gan và tích trữ trong túi mật.

Khi ăn thực phẩm chứa chất béo, túi mật sẽ co bóp đẩy dịch mật qua ống mật vào phần trên của ruột non (tá tràng).

Trào ngược dịch mật vào dạ dày

Dịch mật và thức ăn được trộn lẫn trong tá tràng và sau đó đi vào phần bên dưới của ruột non. Ở phần dưới của dạ dày có một bộ phận gọi là môn vị, được tạo nên từ cơ và có vai trò như chiếc van ngăn cách dạ dày với ruột non. Môn vị thường chỉ mở ra một chút, đủ để cho phép một lượng thức ăn hóa lỏng rất nhỏ (khoảng 3.75ml) đi qua xuống ruột non và ngăn dịch tiêu hóa trào ngược lên dạ dày.

Đôi khi, môn vị bị giãn và khiến cho dịch mật trào ngược lên dạ dày. Điều này có thể dẫn đến viêm niêm mạc dạ dày (viêm dạ dày do trào ngược dịch mật).

Trào ngược dịch mật vào thực quản

Khi cơ vòng thực quản dưới – chiếc van ngăn cách dạ dày và thực quản – cũng không hoạt động bình thường thì dịch mật và axit dạ dày có thể trào ngược lên thực quản. Bình thường khi ăn, cơ vòng thực quản dưới chỉ giãn ra trong một khoảng thời gian đủ để thức ăn đi từ thực quản xuống dạ dày nhưng nếu cơ này bị suy yếu hoặc giãn ra bất thường thì dịch mật có thể trào ngược trở lại thực quản.

Điều gì dẫn đến trào ngược dịch mật?

Trào ngược dịch mật có thể xảy ra do:

  • Biến chứng sau phẫu thuật: Các quy trình phẫu thuật dạ dày, ví dụ như cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần dạ dày và các phương pháp phẫu thuật giảm cân có thể là nguyên nhân dẫn đến chứng trào ngược dịch mật.
  • Loét dạ dày tá tràng: Tình trạng này có thể làm hỏng môn vị và khiến cho bộ phận này không thể đóng mở bình thường. Thức ăn ứ lại trong dạ dày sẽ làm tăng áp lực và tạo điều kiện cho dịch mật cùng với axit dạ dày trào ngược lên thực quản.
  • Phẫu thuật túi mật: Những người đã cắt bỏ túi mật sẽ có nguy cơ bị trào ngược dịch mật cao hơn rất nhiều so với những người còn túi mật.

Biến chứng

Viêm dạ dày do trào ngược dịch mật sẽ làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Việc mắc đồng thời cả chứng trào ngược dịch mật và trào ngược axit dạ dày sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra các biến chứng sau:

  • Trào ngược dạ dày thực quản: Tình trạng này thường xảy ra do dư thừa axit dạ dày nhưng dịch mật có thể trộn lẫn với axit. Nhiều trường hợp bị trào ngược dạ dày thực quản và không đáp ứng hoặc đáp ứng không hoàn toàn với các loại thuốc giảm tiết axit thường là do còn bị cả chứng trào ngược dịch mật.
  • Barrett thực quản: Tình trạng nghiêm trọng này có thể xảy ra khi mô viêm mạc ở phần dưới của thực quản thường xuyên bị tổn thương do tiếp xúc với axit dạ dày hoặc axit trộn lẫn với dịch mật. Các tế bào thực quản bị tổn thương có thể trở thành tế bào ung thư. Một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa trào ngược dịch mật với bệnh Barrett thực quản.
  • Ung thư thực quản: Trào ngược dạ dày thực quản và trào ngược dịch mật có thể dẫn đến ung thư thực quản. Bệnh ung thư này thường được phát hiện khi đã tiến triển nặng do không biểu hiện triệu chứng ở các giai đoạn đầu.

Biện pháp chẩn đoán

Thông thường, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán trào ngược dựa trên các triệu chứng và bệnh sử. Tuy nhiên, để xác định cụ thể là trào ngược dịch mật hay trào ngược axit dạ dày thì sẽ cần thực hiện các phương pháp kiểm tra. Các phương pháp này cũng sẽ giúp phát hiện tổn thương thực quản và dạ dày cũng như là các thay đổi tiền ung thư.

Các biện pháp chẩn đoán bệnh gồm có:

  • Nội soi: Một ống dài có gắn camera (ống nội soi) được đưa xuống cổ họng. Hình ảnh hiển thị trên màn hình sẽ cho thấy các dấu hiệu bất thường, chẳng hạn như loét dạ dày tá tràng hoặc viêm trong dạ dày và thực quản. Bác sĩ có thể lấy mẫu mô trong quá trình nội soi để làm xét nghiệm tìm dấu hiệu Barrett thực quản hoặc ung thư thực quản.
  • Thử nghiệm thăm dò axit ambulatory (pH): Phương pháp này sử dụng một đầu dò đo axit để xác định xem axit trào ngược vào thực quản khi nào và trong bao lâu. Thử nghiệm thăm dò axit ambulatory giúp loại trừ khả năng trào ngược axit dạ dày. Trong phương pháp này, một ống thông dài có gắn đầu dò được luồn qua mũi xuống thực quản. Đầu dò sẽ đo axit trong thực quản trong khoảng thời gian 24 tiếng. Trong một phương pháp xét nghiệm khác có tên là xét nghiệm pH thực quản Bravo, đầu dò được gắn vào phần dưới của thực quản trong quá trình nội soi và ống thông được rút ra.
  • Theo dõi trở kháng thực quản: Sử dụng một ống thông có gắn đầu dò được đưa vào thực quản, phương pháp này kiểm tra xem khí hoặc chất lỏng có trào ngược lên thực quản hay không và thường được thực hiện trong những trường hợp chất nôn không có tính axit (chẳng hạn như dịch mật) và không thể phát hiện bằng đầu dò đo axit.

Điều trị

Thông thường, chỉ cần điều chỉnh lối sống và dùng thuốc là có thể điều trị chứng trào ngược dạ dày thực quản một cách hiệu quả nhưng trào ngược dịch mật sẽ khó điều trị hơn, có thể cần phải phẫu thuật.

Dùng thuốc

Các loại thuốc được dùng để điều trị trào ngược dịch mật:

  • Axit ursodeoxycholic: có tác dụng làm giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
  • Sucralfate: tạo thành một lớp phủ bảo vệ niêm mạc dạ dày và thực quản chống lại hiện tượng trào ngược dịch mật.
  • Thuốc cô lập axit mật: có tác dụng làm gián đoạn dòng chảy dịch mật nhưng các nghiên cứu cho thấy rằng loại thuốc này cho hiệu quả kém hơn so với các loại thuốc khác. Ngoài ra thuốc cô lập axit mật còn đi kèm một số tác dụng phụ như đầy hơi, táo bón, nôn, tiêu chảy…

Phẫu thuật

Nếu đã dùng thuốc nhưng các triệu chứng vẫn không thuyên giảm hoặc phát hiện những thay đổi tiền ung thư trong dạ dày hoặc thực quản thì sẽ cần điều trị bằng phương pháp phẫu thuật.

Các lựa chọn phẫu thuật gồm có:

  • Phẫu thuật chuyển hướng: tạo ra một đường dẫn mới để đưa dịch mật xuống ruột non, chuyển dịch mật ra khỏi dạ dày.
  • Phẫu thuật chống trào ngược: phần dạ dày gần thực quản được gấp lại và sau đó khâu vào quanh cơ vòng thực quản dưới. Phương pháp này giúp củng cố cơ vòng thực quản dưới và giảm trào ngược axit dạ dày.

Chế độ ăn và thói quen sinh hoạt

Không giống như trào ngược dạ dày thực quản, chứng trào ngược dịch mật thường không liên quan đến các yếu tố lối sống. Tuy nhiên, vì nhiều người mắc phải cả hai vấn đề này nên có thể giảm bớt các triệu chứng bằng một số thay đổi trong thói quen sinh hoạt và chế độ ăn uống hàng ngày như sau:

  • Bỏ thuốc lá: Hút thuốc lá làm tăng sự sản xuất axit dạ dày và giảm tiết nước bọt. Điều này có thể dẫn đến trào ngược axit và thực quản sẽ bị tổn thương hơn.
  • Ăn nhiều bữa nhỏ: Ăn thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngay thay vì ba bữa lớn sẽ làm giảm áp lực lên cơ vòng thực quản dưới và giúp tránh tình trạng cơ mở không đúng lúc.
  • Không nằm ngay sau khi ăn: Sau bữa ăn nên ngồi thẳng từ 2 – 3 tiếng trước khi nằm.
  • Hạn chế đồ dầu mỡ: Các món ăn chứa nhiều chất béo sẽ làm giãn cơ vòng thực quản dưới và làm chậm tốc độ thức ăn rời khỏi dạ dày.
  • Tránh các món gây trào ngược: Một số loại thực phẩm, đồ uống có thể làm tăng tiết axit dạ dày và làm giãn cơ vòng thực quản dưới, ví dụ như đồ uống có ga, sô cô la, đồ chua, trái cây có múi, giấm, hành tây, đồ cay và bạc hà.
  • Hạn chế uống rượu: Rượu có thể làm giãn cơ vòng thực quản dưới và gây kích thích thực quản.
  • Giảm cân nếu thừa cân: Mỡ thừa vùng bụng chèn ép lên dạ dày và gây ợ chua, trào ngược axit.
  • Kê cao giường: Nâng cao phần thân trên từ 10 đến 15 cm khi nằm có thể giúp ngăn ngừa các triệu chứng trào ngược. Nên kê chân giường hoặc lót thêm đệm bên dưới lưng. Nếu chỉ kê thêm gối sẽ không hiệu quả.
  • Thư giãn: Khi bị căng thẳng, quá trình tiêu hóa sẽ chậm lại và điều này làm trầm trọng thêm các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản. Có thể cải thiện tình trạng bằng các biện pháp thư giãn, chẳng hạn như hít thở sâu, ngồi thiền hoặc tập yoga.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)

Trào ngược dạ dày thực quản được định nghĩa là những trường hợp bị trào ngược axit nhẹ từ 2 lần một tuần trở lên hoặc trào ngược axit mức độ từ vừa đến nặng xảy ra ít nhất một lần một tuần.

Trào ngược bàng quang – niệu quản

Trào ngược bàng quang - niệu quản là tình trạng nước tiểu chảy theo hướng bất thường. Tình trạng này chủ yếu xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Lông mọc ngược

Thông thường, lông mọc ngược sẽ tự khỏi mà không cần điều trị. Có thể tránh lông mọc ngược bằng cách không cạo, nhổ hay wax lông.

Tràn dịch màng tim

Tràn dịch màng ngoài tim có thể xảy ra do viêm màng ngoài tim sau khi bị bệnh hoặc chấn thương. Đôi khi, tràn dịch màng ngoài tim là do bệnh ung thư gây ra. Tình trạng nghẽn ứ dịch màng tim hoặc tụ máu trong màng ngoài tim cũng có thể dẫn đến tràn dịch màng ngoài tim.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây