Bệnh trứng cá đỏ

Bệnh trứng cá đỏ có thể xảy ra ở bất kỳ ai nhưng phổ biến nhất ở phụ nữ trung niên có da trắng. Bệnh này hiện không có cách nào chữa khỏi nhưng các phương pháp điều trị có thể kiểm soát và làm giảm các triệu chứng.

Bệnh trứng cá đỏ là gì?

Bệnh trứng cá đỏ (rosacea) là một bệnh lý mãn tính gây nổi các mảng mụn viêm đỏ và nhìn thấy các mạch máu nhỏ bên dưới da. Những triệu chứng này có thể bùng phát trong vài tuần đến vài tháng và sau đó biến mất một thời gian. Bệnh trứng cá đỏ có thể bị nhầm với mụn trứng cá thông thường, các vấn đề về da khác hoặc hiện tượng da đỏ bừng tự nhiên.

Bệnh trứng cá đỏ có thể xảy ra ở bất kỳ ai nhưng phổ biến nhất ở phụ nữ trung niên có da trắng. Bệnh này hiện không có cách nào chữa khỏi nhưng các phương pháp điều trị có thể kiểm soát và làm giảm các triệu chứng.

Triệu chứng bệnh trứng cá đỏ

Các triệu chứng của bệnh trứng cá đỏ gồm có:

  • Đỏ bừng mặt: Bệnh trứng cá đỏ thường gây hiện tượng đỏ bừng ở phần giữa khuôn mặt. Các mạch máu nhỏ ở vùng mũi và má bị phình lên (giãn ra) và có thể nhìn thấy được. Những vùng da bị đỏ có thể có cảm giác ngứa, nóng rát và châm chích giống như kích ứng.
  • Nổi nhiều sẩn nhỏ: Nhiều người bị bệnh trứng cá đỏ còn bị nổi những các cụm sẩn nhỏ màu hồng đỏ. Những sẩn này đôi khi có chứa mủ giống như mụn trứng cá. Sờ lên da có cảm giác ấm nóng và nhạy cảm.
  • Những vấn đề về mắt: Đôi khi bệnh trứng cá đỏ còn gây khô, kích ứng, đỏ mắt, chảy nước mắt liên tục, sưng mí mắt và nhạy cảm với ánh sáng. Đây được gọi là bệnh trứng cá đỏ ở mắt. Ở một số người, các triệu chứng ở mắt xuất hiện trước các triệu chứng trên da.
  • Mũi phình to: Theo thời gian, bệnh trứng cá đỏ có thể khiến da vùng mũi dày lên, làm cho mũi to và trở nên sần sùi, biến dạng (mũi sư tử). Triệu chứng này thường phổ biến ở nam giới hơn là phụ nữ.

Khi nào cần đi khám?

Nếu mặt thường xuyên bị đỏ và nổi nhiều sẩn chứa mủ thì nên đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán và điều trị thích hợp.

Nguyên nhân gây bệnh trứng cá đỏ

Nguyên nhân gây ra bệnh trứng cá đỏ hiện vẫn chưa được xác định rõ nhưng có thể là do sự kết hợp của các yếu tố di truyền và yếu tố môi trường. Bệnh này không phải do vệ sinh da kém.

Một số yếu tố có thể khiến triệu chứng bệnh bùng phát gồm có:

  • Đồ uống nóng và đồ ăn cay
  • Rượu bia và các loại đồ uống có cồn khác
  • Nhiệt độ khắc nghiệt
  • Ánh nắng mặt trời hoặc gió
  • Căng thẳng và cảm xúc tiêu cực
  • Tập thể dục
  • Thuốc làm giãn mạch máu, ví dụ như một số loại thuốc trị cao huyết áp
  • Một số loại mỹ phẩm

Các yếu tố làm tăng nguy cơ

Bất kỳ ai cũng có thể bị bệnh trứng cá đỏ. Tuy nhiên, nguy cơ sẽ cao hơn ở những người:

  • Là phụ nữ
  • Có làn da trắng, đặc biệt là da bị tổn thương do ánh nắng mặt trời
  • Trên 30 tuổi
  • Hút thuốc lá
  • Có tiền sử gia đình bị bệnh trứng cá đỏ

Biến chứng của bệnh trứng cá đỏ

Theo thời gian, các tuyến bã nhờn trong mũi và má sẽ giãn rộng, dẫn đến sự tích tụ mô ở trên và xung quanh mũi. Điều này khiến cho mũi trở nên phì đại và biến dạng (mũi sư tử). Biến chứng này thường xảy ra ở nam giới và phát triển dần dần trong khoảng thời gian nhiều năm.

Biện pháp chẩn đoán

Không có phương pháp xét nghiệm cụ thể nào có thể phát hiện bệnh trứng cá đỏ. Để chẩn đoán bệnh này, bác sĩ sẽ dựa vào các triệu chứng và thăm khám da. Có thể làm một số xét nghiệm để loại trừ các bệnh lý khác, chẳng hạn như bệnh vảy nến, bệnh viêm da cơ địa hoặc bệnh lupus ban đỏ. Những bệnh này đôi khi cũng gây ra các dấu hiệu và triệu chứng tương tự như bệnh trứng cá đỏ.

Nếu có các triệu chứng ở mắt thì người bệnh sẽ cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa mắt để kiểm tra.

Điều trị bệnh trứng cá đỏ

Các phương pháp điều trị bệnh trứng cá đỏ đều nhằm mục đích kiểm soát các triệu chứng. Thông thường, người bị bệnh này sẽ cần kết hợp dùng thuốc với một chu trình chăm sóc da phù hợp hàng ngày.

Thời gian điều trị sẽ phụ thuộc vào dạng bệnh trứng cá đỏ và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Cần lưu ý, kể cả khi được điều trị thì bệnh vẫn sẽ tái phát.

Dùng thuốc

Các loại thuốc trị bệnh trứng cá đỏ mới đã được đưa vào sử dụng trong vài năm trở lại đây. Loại thuốc mà bác sĩ kê sẽ tùy thuộc vào các triệu chứng cụ thể của mỗi người. Có thể cần phải thử một vài loại thuốc khác nhau hoặc kết hợp nhiều loại thuốc để tìm ra phương pháp điều trị phù hợp nhất.

Các loại thuốc để trị bệnh trứng cá đỏ gồm có:

  • Thuốc bôi làm giảm đỏ: Đối với các trường hợp bệnh trứng cá đỏ nhẹ đến vừa, bác sĩ thường kê thuốc bôi ngoài da, ví dụ như brimonidine và oxymetazolin. Hai loại thuốc này giúp làm giảm tình trạng đỏ bừng mặt bằng cách làm co các mạch máu dưới da và triệu chứng sẽ cải thiện trong vòng 12 giờ sau khi sử dụng. Tác dụng của thuốc đến mạch máu chỉ là tạm thời nên cần bôi thuốc thường xuyên để duy trì hiệu quả.
  • Các loại thuốc bôi ngoài da khác như azelaic acid, metronidazole và ivermectin có hiệu quả giảm đỏ mặt kém hơn so với brimonidine và oxymetazolin nhưng cũng giúp kiểm soát bệnh trứng cá đỏ dạng nhẹ. Khi dùng azelaic acid và metronidazole, thường phải sau  2 đến 6 tuần thì mới thấy sự cải thiện rõ rệt. Hiệu quả của ivermectin thậm chí còn đến chậm hơn nhưng loại thuốc này lại giúp duy trì giai đoạn thuyên giảm dài hơn so với metronidazole.
  • Thuốc kháng sinh đường uống: Các loại kháng sinh đường uống như doxycycline có thể điều trị bệnh trứng cá đỏ từ vừa đến nặng kèm theo mụn mủ.
  • Thuốc uống trị mụn: Với những trường hợp bị bệnh trứng cá đỏ nặng và không đáp ứng với các loại thuốc khác, bác sĩ sẽ chỉ định isotretinoin. Đây là một loại thuốc uống trị mụn giúp làm giảm triệu chứng nổi sẩn chứa mủ của bệnh trứng cá đỏ. Không sử dụng thuốc này trong khi mang thai vì có thể gây ra dị tật bẩm sinh nghiêm trọng.

Các liệu pháp điều trị

Liệu pháp laser và các liệu pháp ánh sáng khác có thể làm giảm tình trạng giãn mạch máu của bệnh trứng cá đỏ. Thường sẽ cần điều trị lặp lại định kỳ để duy trì hiệu quả.

Chăm sóc da khi bị bệnh trứng cá đỏ

Các phương pháp dưới đây có thể giúp kiểm soát các triệu chứng của bệnh trứng cá đỏ và ngăn ngừa bệnh bùng phát:

  • Xác định và tránh các yếu tố kích hoạt: Tự theo dõi để xác định những yếu tố nào kích hoạt triệu chứng bệnh bùng phát, từ đó biết cách tránh.
  • Bảo vệ da mặt: Bôi kem chống nắng hàng ngày. Nên sử dụng kem chống nắng phổ rộng có chỉ số SPF từ 30 trở lên để bảo vệ da khỏi cả tia UVA và UVB. Bôi kem chống nắng sau khi bôi thuốc và trước khi trang điểm. Ngoài ra, cần che chắn cho da khi ra ngoài trời bằng khẩu trang và đội mũ rộng vành. Khi thời tiết lạnh và có gió cần quàng khăn kín và đeo khẩu trang dày.
  • Nhẹ nhàng với làn da: Không chà xát và chạm lên da mặt quá nhiều. Sử dụng sữa rửa mặt nhẹ dịu và dưỡng ẩm cẩn thận cho da mỗi ngày. Tránh các sản phẩm có chứa cồn hoặc các chất gây kích ứng da.
  • Giảm đỏ da bằng cách trang điểm: Sử dụng kem nền và kem che khuyết điểm để che đi những vùng da ửng đỏ. Nên chọn kem nền dạng lì (matte) và kem che khuyết điểm màu xanh lá để che những vùng da và sẩn đỏ tốt hơn.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Hội chứng Sweet (bệnh da tăng bạch cầu đa nhân trung tính)

Hầu hết các trường hợp mắc hội chứng Sweet đều không xác định được nguyên nhân. Bệnh này đôi khi có liên quan đến các bệnh ung thư máu.

Bệnh cơ tuyến tử cung

Hiện khoa học vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác gây ra bệnh cơ tuyến tử cung nhưng bệnh này thường tự khỏi sau khi mãn kinh.

U nang buồng trứng

U nang buồng trứng là một bệnh phụ khoa mà rất nhiều phụ nữ gặp phải nhưng đa phần đều chỉ có ít hoặc không gây triệu chứng và vô hại. Phần lớn u nang buồng trứng đều tự biến mất trong vòng vài tháng mà không cần điều trị.

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)

Các dấu hiệu, triệu chứng của hội chứng buồng trứng đa nang thường xuất hiện vào kỳ kinh nguyệt đầu tiên trong độ tuổi dậy thì nhưng đôi khi, các triệu chứng xuất hiện muộn hơn và chỉ biểu hiện rõ khi tăng cân đáng kể.

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD)

STD không phải lúc nào cũng biểu hiện triệu chứng. Vì thế nên nhiều người mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục trong suốt một thời gian dài mà không hề hay biết và tiếp tục lây sang người khác.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây