Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
Hội chứng buồng trứng đa nang là gì?
Hội chứng buồng trứng đa nang (polycystic ovary syndrome - PCOS) là một bệnh phụ khoa do rối loạn nội tiết tố thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Những phụ nữ bị bệnh này thường có chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc kéo dài và lượng nội tiết tố nam (androgen) cao hơn bình thường. Buồng trứng hình thành nhiều túi nhỏ chứa dịch (nang) và không phóng trứng đều đặn.
Nguyên nhân chính xác gây buồng trứng đa nang hiện vẫn đang được nghiên cứu. Phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp làm giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng về lâu dài như bệnh tiểu đường tuýp 2 và bệnh tim mạch.
Dấu hiệu, triệu chứng
Các dấu hiệu, triệu chứng của hội chứng buồng trứng đa nang thường xuất hiện vào kỳ kinh nguyệt đầu tiên trong độ tuổi dậy thì nhưng đôi khi, các triệu chứng xuất hiện muộn hơn và chỉ biểu hiện rõ khi tăng cân đáng kể.
Biểu hiện của vấn đề này ở mỗi người là khác nhau. Một phụ nữ sẽ được chẩn đoán mắc buồng trứng đa nang khi có ít nhất 2 trong số các dấu hiệu sau:
- Kinh nguyệt không đều: Chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc kéo dài là dấu hiệu phổ biến nhất của hội chứng buồng trứng đa nang, ví dụ như chỉ có 9 kỳ kinh một năm, mỗi kỳ kinh cách nhau đến 35 ngày và kinh nguyệt ra nhiều bất thường.
- Nồng độ androgen cao: Nồng độ nội tiết tố nam tăng cao có thể dẫn đến các dấu hiệu về thể chất, chẳng hạn như mọc lông mặt và lông ở những vị trí không mong muốn trên cơ thể (chứng rậm lông), da tiết nhiều dầu, nổi mụn trứng cá nghiêm trọng và rụng tóc.
- Buồng trứng có nhiều nang nhỏ: Buồng trứng có thể to lên và chứa các nang bao quanh trứng. Kết quả là buồng trứng không thể hoạt động một cách bình thường.
Những phụ nữ bị thừa cân, béo phì thường có các triệu chứng nghiêm trọng hơn.
Khi nào cần đi khám?
Hãy đi gặp bác sĩ nếu có chu kỳ kinh nguyệt bất thường, khó thụ thai hoặc có các dấu hiệu thừa androgen như rậm lông, nổi nhiều mụn trứng cá và hói đầu.
Nguyên nhân
Hiện chưa rõ nguyên nhân tại sao buồng trứng của một số phụ nữ lại hình thành nhiều nang nhỏ nhưng có thể là do tác động của các yếu tố như:
- Nồng độ insulin cao: Insulin là hormone được sản xuất trong tuyến tụy với vai trò giúp các tế bào lấy đường vào từ máu và tạo năng lượng cung cấp cho các hoạt động của cơ thể. Khi các tế bào phản ứng kém với insulin thì lượng đường trong máu sẽ tăng cao và cơ thể tiếp tục sản xuất nhiều insulin hơn. Nồng độ insulin cao có thể làm tăng sự sản xuất androgen và gây cản trở sự rụng trứng.
- Phản ứng viêm cấp thấp: Phản ứng viêm là quá trình mà tế bào bạch cầu sản xuất các chất chống lại nhiễm trùng. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng ở những phụ nữ bị buồng trứng đa nang, cơ thể diễn ra một loại phản ứng viêm cấp thấp kích thích buồng trứng sản xuất hormone androgen, điều này có thể dẫn đến các vấn đề về tim và mạch máu.
- Di truyền: Nghiên cứu cho thấy một số gen nhất định có liên quan đến hội chứng buồng trứng đa nang.
- Nồng độ androgen cao: Buồng trứng tạo ra lượng androgen cao bất thường sẽ dẫn đến chứng rậm lông và nổi mụn trứng cá.
Biến chứng
Một số biến chứng của hội chứng buồng trứng đa nang:
- Vô sinh
- Tiểu đường thai kỳ hoặc cao huyết áp khi mang thai
- Sảy thai hoặc sinh non
- Viêm gan nhiễm mỡ không do rượu - tình trạng viêm gan nặng do tích tụ mỡ trong gan
- Hội chứng chuyển hóa - một nhóm các vấn đề gồm có cao huyết áp, lượng đường trong máu, mức cholesterol và triglyceride cao, làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim mạch
- Bệnh tiểu đường tuýp 2 hoặc tiền tiểu đường
- Chứng ngưng thở khi ngủ
- Trầm cảm, lo âu và rối loạn ăn uống
- Chảy máu tử cung bất thường
- Ung thư nội mạc tử cung
Béo phì làm tăng nguy cơ mắc buồng trứng đa nang và còn có thể làm trầm trọng thêm các biến chứng của bệnh lý này.
Biện pháp chẩn đoán
Không có phương pháp nào có thể chẩn đoán chính xác hội chứng buồng trứng đa nang. Khi có các dấu hiệu bất thường thì trước tiên bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử, gồm có cả chu kỳ kinh nguyệt và sự thay đổi cân nặng. Tiếp theo sẽ kiểm tra các dấu hiệu như mọc lông, da tiết nhiều dầu, rụng tóc và nổi mụn trứng cá.
Sau đó sẽ thực hiện các biện pháp sau để xác nhận:
- Khám vùng chậu: bác sĩ quan sát và dùng tay kiểm tra các cơ quan sinh dục để tìm các điểm bất thường.
- Xét nghiệm máu: nhằm đo nồng độ hormone. Xét nghiệm máu giúp loại trừ các nguyên nhân khác cũng gây ra triệu chứng kinh nguyệt bất thường và nồng độ androgen cao giống như buồng trứng đa nang. Đôi khi, mục đích xét nghiệm là để đo mức độ dung nạp glucose cũng như là nồng độ cholesterol và triglyceride lúc đói.
- Siêu âm: kiểm tra hình dạng buồng trứng và độ dày của niêm mạc tử cung. Đầu dò siêu âm được đưa vào trong âm đạo (siêu âm qua đường âm đạo) và phát ra sóng âm thanh, sau đó sóng âm thanh được chuyển thành hình ảnh hiển thị trên màn hình máy tính.
Sau khi xác nhận mắc buồng trứng đa nang thì có thể sẽ tiếp tục phải thực hiện thêm các biện pháp dưới đây để kiểm tra biến chứng:
- Đo huyết áp định kỳ
- Xét nghiệm máu để đánh giá mức độ dung nạp glucose, mức cholesterol và triglyceride
- Khám sàng lọc trầm cảm và lo âu
- Khám sàng lọc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn
Điều trị
Các phương pháp điều trị buồng trứng đa nang có mục đích chính là khắc phục các triệu chứng, chẳng hạn như kinh nguyệt không đều, khó thụ thai, rậm lông, mụn trứng cá hoặc rụng tóc. Thường sẽ phải kết hợp thay đổi chế độ ăn uống, lối sống và dùng thuốc.
Thay đổi chế độ ăn uống và lối sống
Để giảm các tác động của hội chứng buồng trứng đa nang thì cần:
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Ở những người thừa cân, béo phì, giảm cân có thể làm giảm nồng độ insulin và androgen, từ đó phục hồi lại sự rụng trứng. Cách giảm cân hiệu quả nhất là thực hiện chế độ ăn ít calo và kết hợp với thói quen tập thể dục đều đặn. Ngay cả khi chỉ giảm một phần nhỏ khối lượng cơ thể, ví dụ như 5% thì cũng có thể cải thiện đáng kể các triệu chứng buồng trứng đa nang. Hơn nữa, giảm cân còn làm tăng hiệu quả của các loại thuốc điều trị và cải thiện khả năng sinh sản.
- Hạn chế carb trong chế độ ăn: Chế độ ăn ít chất béo, nhiều carb có thể làm tăng mức insulin. Do đó, hãy cố gắng cắt giảm bớt lượng carb nếu bị buồng trứng đa nang. Nên chọn các loại thực phẩm chứa carb phức tạp (complex carbohydrate) vì loại carb này làm tăng lượng đường trong máu chậm hơn so với carb đơn giản (simple carbohydrate).
- Tăng cường vận động: Tập thể dục giúp giảm lượng đường trong máu. Nếu bị buồng trứng đa nang thì việc tích cực vận động hàng ngày và duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên có thể điều trị hoặc thậm chí ngăn ngừa tình trạng kháng insulin, giúp kiểm soát cân nặng và tránh mắc bệnh tiểu đường.
Dùng thuốc
Các biện pháp điều hòa chu kỳ kinh nguyệt:
- Thuốc tránh thai kết hợp: Thuốc tránh thai có chứa cả estrogen và progestin có tác dụng làm giảm mức sản xuất androgen và tăng nồng độ estrogen. Việc điều chỉnh nồng độ nội tiết tố có thể làm giảm nguy cơ ung thư nội mạc tử cung và khắc phục tình trạng ra máu bất thường, mọc lông và mụn trứng cá. Ngoài thuốc tránh thai đường uống, người bệnh cũng có thể chọn miếng dán tránh thai hoặc vòng âm đạo có chứa cả estrogen và progestin.
- Liệu pháp progestin: Sử dụng progestin trong 10 đến 14 ngày, mỗi đợt cách nhau từ 1 đến 2 tháng để điều hòa chu kỳ kinh nguyệt và giảm nguy cơ ung thư nội mạc tử cung. Liệu pháp progestin không cải thiện nồng độ androgen và cũng không có tác dụng tránh thai. Do đó, thuốc tránh thai chỉ chứa progestin hoặc vòng tránh thai chứa progestin sẽ là lựa chọn phù hợp hơn nếu như còn muốn tránh mang thai ngoài ý muốn.
Các biện pháp kích thích sự rụng trứng:
- Clomiphene: Đây là một loại thuốc kháng estrogen đường uống được dùng trong giai đoạn đầu của chu kỳ kinh nguyệt.
- Letrozole: Loại thuốc này vốn được dùng để điều trị ung thư vú nhưng cũng có thể dùng cho cả những phụ nữ bị buồng trứng đa nang để kích thích buồng trứng phóng trứng.
- Metformin: Thuốc điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2 này giúp cải thiện tình trạng kháng insulin và giảm nồng độ insulin trong máu. Nếu vẫn không thể có thai khi sử dụng clomiphene thì bác sĩ có thể sẽ kê thêm metformin. Ở những người bị tiền tiểu đường, metformin còn giúp làm chậm sự tiến triển thành tiểu đường tuýp 2 và giảm cân.
- Gonadotropin: Nhóm thuốc nội tiết tố này được tiêm vào tĩnh mạch.
Các biện pháp khắc phục triệu chứng mọc lông:
- Thuốc tránh thai: Các loại thuốc này làm giảm sự sản xuất hormone androgen – nguyên nhân gây mọc lông bất thường trên cơ thể.
- Spironolactone: Thuốc này ức chế tác động của androgen trên da. Spironolactone có thể gây dị tật bẩm sinh nên phải sử dụng biện pháp tránh thai trong thời gian dùng thuốc và không được dùng cho phụ nữ mang thai hoặc đang dự định có thai.
- Eflornithine: Loại thuốc bôi này có tác dụng làm chậm sự mọc lông mặt ở phụ nữ bị buồng trứng đa nang.
- Triệt lông bằng phương pháp điện phân: Một cây kim siêu nhỏ được đưa vào từng nang lông. Kim phát ra xung điện để làm hỏng và cuối cùng phá hủy nang lông. Một liệu trình triệt lông thường gồm nhiều buổi.
U nang buồng trứng
U nang buồng trứng là một bệnh phụ khoa mà rất nhiều phụ nữ gặp phải nhưng đa phần đều chỉ có ít hoặc không gây triệu chứng và vô hại. Phần lớn u nang buồng trứng đều tự biến mất trong vòng vài tháng mà không cần điều trị.
Hội chứng quá kích buồng trứng
Hội chứng quá kích buồng trứng có thể xảy ra ở những phụ nữ trải qua quá trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) hoặc tiêm thuốc kích thích rụng trứng.
Ung thư buồng trứng
Ung thư buồng trứng giai đoạn đầu hiếm khi biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào. Ung thư buồng trứng giai đoạn cuối cũng ít gây triệu chứng và các triệu chứng cũng không đặc hiệu, có nghĩa là giống như nhiều vấn đề sức khỏe lành tính phổ biến, ví dụ như u nang buồng trứng.
Suy buồng trứng nguyên phát
Suy buồng trứng nguyên phát thường bị nhầm với mãn kinh sớm nhưng thực chất đây là hai vấn đề khác nhau.
Ý kiến bạn đọc