U nang buồng trứng
U nang buồng trứng là gì?
U nang buồng trứng là những túi chứa dịch hình thành trong buồng trứng hoặc trên bề mặt của buồng trứng. Mỗi phụ nữ có hai buồng trứng nằm ở hai bên tử cung. Ở độ tuổi sinh sản, hàng tháng buồng trứng sẽ phóng trứng (noãn) trưởng thành vào ống dẫn trứng. Nếu trứng gặp được tinh trùng thì sẽ diễn ra sự thụ tinh còn nếu không thì trứng sẽ phân hủy và ra ngoài cùng với niêm mạc tử cung, tạo thành hiện tượng kinh nguyệt.
U nang buồng trứng là một bệnh phụ khoa mà rất nhiều phụ nữ gặp phải nhưng đa phần đều chỉ có ít hoặc không gây triệu chứng và vô hại. Phần lớn u nang buồng trứng đều tự biến mất trong vòng vài tháng mà không cần điều trị.
Tuy nhiên, đôi khi u nang buồng trứng lại gây ra các triệu chứng nghiêm trọng, đặc biệt là khi u nang bị vỡ. Để bảo vệ sức khỏe thì phụ nữ nên đi khám phụ khoa định kỳ và nhận biết các dấu hiệu bất thường để kịp thời can thiệp.
Các triệu chứng của u nang buồng trứng
Hầu hết u nang buồng trứng không biểu hiện triệu chứng và sẽ tự biến mất. Tuy nhiên, nếu có thì các triệu chứng thường gặp của u nang buồng trứng thường là:
- Đau vùng chậu, có thể là đau âm ỉ hoặc đau nhói ở bên có u nang ở vùng bụng dưới
- Chướng bụng
- Đau khi quan hệ tình dục
- Khó đại tiện
- Buồn tiểu thường xuyên
- Kinh nguyệt ra nhiều, không đều hoặc ra ít hơn bình thường
- Cảm giác nhanh no khi ăn
Khi nào cần đi khám?
Cần đến bệnh viện ngay lập tức nếu:
- Đột nhiên đau bụng dưới hoặc vùng chậu dữ dội
- Đau kèm theo sốt hoặc nôn mửa
- Cảm giác ớn lạnh
- Vã mồ hôi
- Thở gấp
- Choáng váng, hoa mắt
Những hiện tượng này có thể là dấu hiệu cho thấy u nang buồng trứng đã bị vỡ và cần phải can thiệp khẩn cấp.
Nguyên nhân
Trong hầu hết các trường hợp thì u nang buồng trứng phát triển là do kết quả của chu kỳ kinh nguyệt (u nang cơ năng). Ngoài ra còn có các loại u nang buồng trứng khác nhưng ít phổ biến hơn.
U nang cơ năng
Mỗi tháng, buồng trứng hình thành các cấu trúc được gọi là nang trứng (nang noãn). Các nang trứng tạo ra hormone estrogen, progesterone và vỡ ra để phóng trứng khi trứng trưởng thành.
Nếu nang trứng tiếp tục phát triển thì sẽ hình thành nên u nang cơ năng. Có hai loại u nang cơ năng là:
- U nang noãn: Vào khoảng giữa chu kỳ kinh nguyệt, trứng sẽ tách ra khỏi nang trứng và di chuyển vào ống dẫn trứng. U nang noãn bắt đầu hình thành khi nang trứng không vỡ hoặc không phóng trứng ra ngoài mà vẫn tiếp tục phát triển.
- U nang hoàng thể: Khi một nang trứng phóng trứng thì sẽ bắt đầu sản xuất estrogen và progesterone để thụ thai. Nang trứng này giờ được gọi là hoàng thể. Đôi khi, chất lỏng tích tụ bên trong và làm cho hoàng thể phát triển thành u nang.
U nang cơ năng buồng trứng thường vô hại, hiếm khi gây đau và thường tự tiêu trong vòng hai hoặc ba chu kỳ kinh nguyệt.
Các loại u nang khác
Các loại u nang buồng trứng không liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt gồm có:
- U quái: còn được gọi là u bì, u quái là loại u chứa nhiều loại mô khác nhau, chẳng hạn như tóc, da hoặc răng vì chúng hình thành từ các tế bào phôi. Loại u nang này hiếm khi là ung thư.
- U nang tuyến: hình thành trên bề mặt của buồng trứng và chứa nước hoặc chất nhầy.
- U nang buồng trứng dạng lạc nội mạc tử cung: hình thành do lạc nội mạc tử cung - tình trạng mà các tế bào nội mạc tử cung phát triển ở bên ngoài tử cung. Một số mô nội mạc tử cung có thể bám vào buồng trứng và hình thành u nang.
U quái và u nang tuyến có thể to lên và khiến buồng trứng lệch khỏi vị trí bình thường. Điều này làm tăng nguy cơ bị xoắn buồng trứng. Xoắn buồng trứng sẽ gây cản trở sự lưu thông máu đến buồng trứng.
Các yếu tố nguy cơ
Nguy cơ hình thành u nang buồng trứng sẽ tăng lên do:
- Sự thay đổi nội tiết tố: ví dụ như dùng thuốc hỗ trợ sinh sản clomiphene (Clomid), loại thuốc có tác dụng kích thích rụng trứng.
- Mang thai: đôi khi, u nang buồng trứng hình thành khi rụng trứng vẫn ở trên buồng trứng trong suốt thai kỳ.
- Lạc nội mạc tử cung: đây là tình trạng mà các tế bào niêm mạc tử cung phát triển ở những nơi khác bên ngoài tử cung, ví dụ như buồng trứng.
- Viêm vùng chậu nghiêm trọng: nếu tình trạng nhiễm trùng lan đến buồng trứng thì có thể gây ra u nang.
- Từng bị u nang buồng trứng: nếu đã có một u nang buồng trứng thì sẽ dễ hình thành thêm.
Biện pháp chẩn đoán
U nang buồng trứng có thể được phát hiện khi khám phụ khoa. Tùy thuộc vào kích thước của u nang và loại vật chất chứa bên trong là chất lỏng, rắn hay hỗn hợp mà bác sĩ sẽ tiến hành các biện pháp kiểm tra để xác định loại u nang và có cần điều trị hay không. Các biện pháp thường được thực hiện gồm có:
- Thử thai: nếu kết quả xét nghiệm dương tính thì đó có thể là u nang hoàng thể.
- Siêu âm vùng chậu: đầu dò siêu âm được đưa vào trong âm đạo, phát ra sóng âm thanh tần số cao (sóng siêu âm) để tạo ra hình ảnh của tử cung và buồng trứng rồi hiển thị trên màn hình. Bác sĩ sẽ dựa trên hình ảnh thu được để xác nhận sự hiện diện của u nang buồng trứng, xác định vị trí và loại vật chất bên trong là rắn, lỏng hay hỗn hợp.
- Nội soi ổ bụng: đưa một thiết bị dạng ống dài, nhỏ có gắn đèn vào ổ bụng qua một đường rạch nhỏ để quan sát buồng trứng. Nếu phát hiện thấy u nang thì có thể loại bỏ luôn trong quá trình nội soi. Đây là một thủ thuật cần gây mê.
- Xét nghiệm CA-125: Nồng độ một loại protein có tên là CA-125 (kháng nguyên ung thư 125) thường tăng cao ở phụ nữ bị ung thư buồng trứng. Nếu u nang là dạng rắn và có yếu tố nguy cơ ung thư buồng trứng thì sẽ cần làm xét nghiệm này. Nồng độ CA-125 tăng cao cũng có thể là dấu hiệu của các vấn đề không phải ung thư, chẳng hạn như lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung và bệnh viêm vùng chậu.
Điều trị
Tùy thuộc vào độ tuổi của người bệnh, loại và kích thước của u nang cũng như là các triệu chứng mà bác sĩ sẽ chỉ định biện pháp điều trị thích hợp:
- Theo dõi: Nhiều trường hợp u nang buồng trứng không cần điều trị mà chỉ cần theo dõi và tái khám định kỳ trong vòng vài tháng để xem u nang có tự biến mất hay không. Bác sĩ thường chỉ định theo dõi nếu không có triệu chứng và hình ảnh siêu âm cho thấy u nang cơ năng kích thước nhỏ, chứa chất lỏng. Trong thời gian đó sẽ cần siêu âm vùng chậu định kỳ để xem u nang có thay đổi kích thước hay không.
- Dùng thuốc: có thể sử dụng các biện pháp tránh thai nội tiết tố, chẳng hạn như thuốc tránh thai đường uống để ngăn chặn u nang buồng trứng tái phát. Tuy nhiên, thuốc tránh thai không thể thu nhỏ hay loại bỏ u nang hiện có.
- Phẫu thuật: đối với những trường hợp có u nang buồng trứng cỡ lớn, trông không giống u nang cơ năng, đang phát triển và không biến mất sau 2 – 3 chu kỳ kinh nguyệt hoặc gây đau thì thường sẽ phải làm phẫu thuật cắt bỏ. Có thể chỉ cần cắt u nang và giữ nguyên buồng trứng hoặc phải cắt bỏ bên buồng trứng có u nang và giữ bên buồng trứng còn lại. Sau khi cắt bỏ, u nang sẽ được đem đi phân tích. Nếu là ung thư thì có thể sẽ phải cắt bỏ tử cung, cổ tử cung, buồng trứng và ống dẫn trứng, đôi khi còn phải hóa trị hoặc xạ trị. Nếu u nang buồng trứng hình thành sau khi mãn kinh thì có thể cũng phải làm phẫu thuật.
Biến chứng
U nang buồng trứng hình thành sau thời kỳ mãn kinh có thể là ung thư (u ác tính). Đó là lý do tại sao phụ nữ nên đi khám phụ khoa định kỳ để có thể phát hiện sớm các vấn đề bất thường.
Các biến chứng thường gặp liên quan đến u nang buồng trứng gồm có:
- Xoắn buồng trứng: U nang to ra có thể khiến buồng trứng di chuyển và làm tăng nguy cơ xoắn buồng trứng. Các triệu chứng của xoắn buồng trứng gồm có đột ngột đau vùng chậu dữ dội, buồn nôn và nôn. Xoắn buồng trứng còn có thể làm giảm hoặc ngừng sự lưu thông máu đến buồng trứng.
- Vỡ u nang: U nang buồng trứng bị vỡ có thể gây đau dữ dội và chảy máu trong. U nang càng lớn thì nguy cơ vỡ càng cao. Các hoạt động mạnh ảnh hưởng đến vùng chậu, chẳng hạn như quan hệ tình dục thô bạo đều sẽ làm tăng nguy cơ vỡ u nang buồng trứng.
Phòng ngừa
Mặc dù không có cách nào có thể ngăn ngừa u nang buồng trứng nhưng khám phụ khoa định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm những thay đổi trong buồng trứng. Hãy chú ý đến những thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng, gồm có các triệu chứng bất thường, đặc biệt là khi những triệu chứng đó tiếp diễn vài kỳ kinh liên tục.
Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
Các dấu hiệu, triệu chứng của hội chứng buồng trứng đa nang thường xuất hiện vào kỳ kinh nguyệt đầu tiên trong độ tuổi dậy thì nhưng đôi khi, các triệu chứng xuất hiện muộn hơn và chỉ biểu hiện rõ khi tăng cân đáng kể.
Ung thư buồng trứng
Ung thư buồng trứng giai đoạn đầu hiếm khi biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào. Ung thư buồng trứng giai đoạn cuối cũng ít gây triệu chứng và các triệu chứng cũng không đặc hiệu, có nghĩa là giống như nhiều vấn đề sức khỏe lành tính phổ biến, ví dụ như u nang buồng trứng.
Suy buồng trứng nguyên phát
Suy buồng trứng nguyên phát thường bị nhầm với mãn kinh sớm nhưng thực chất đây là hai vấn đề khác nhau.
Hội chứng quá kích buồng trứng
Hội chứng quá kích buồng trứng có thể xảy ra ở những phụ nữ trải qua quá trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) hoặc tiêm thuốc kích thích rụng trứng.
Ý kiến bạn đọc