Bệnh vảy nến

Hầu hết các dạng bệnh vảy nến đều gồm có các đợt bùng phát kéo dài vài tuần hoặc vài tháng, sau đó thuyên giảm hoặc thậm chí hoàn toàn không có biểu hiện gì một thời gian.

Bệnh vảy nến là gì?

Bệnh vảy nến là một bệnh da liễu có triệu chứng là các mảng da đóng vảy đỏ, ngứa, thường xảy ra chủ yêu ở đầu gối, khuỷu tay, thân trên và da đầu.

Bệnh vảy nến là một bệnh phổ biến, mãn tính và không có cách chữa khỏi. Các triệu chứng của bệnh này bùng phát theo từng đợt, mỗi đợt kéo dài vài tuần hoặc vài tháng rồi sau đó các triệu chứng thuyên giảm hoặc biến mất một thời gian. Mặc dù không thể chữa khỏi nhưng có nhiều phương pháp điều trị để kiểm soát các triệu chứng bệnh vảy nến.

Triệu chứng bệnh vảy nến

Các triệu chứng của bệnh vảy nến ở mỗi người không hoàn toàn giống nhau. Các triệu chứng phổ biến gồm có:

  • Các mảng da đóng vảy dày, cứng màu đỏ, bề mặt màu trắng bạc
  • Các đốm vảy nhỏ (thường thấy ở trẻ em)
  • Da khô, nứt nẻ, có thể chảy máu hoặc ngứa
  • Ngứa ngáy, đau rát
  • Móng dày, rỗ hoặc nổi gờ
  • Sưng và cứng khớp

Các mảng vảy nến có thể là một cụm gồm nhiều đốm vảy nhỏ hoặc là mảng vảy lớn trên bề mặt da. Các khu vực trên cơ thể thường bị vảy nến là lưng dưới, khuỷu tay, đầu gối, chân, lòng bàn chân, da đầu, mặt và lòng bàn tay.

Hầu hết các dạng bệnh vảy nến đều gồm có các đợt bùng phát kéo dài vài tuần hoặc vài tháng, sau đó thuyên giảm hoặc thậm chí hoàn toàn không có biểu hiện gì một thời gian. Khi có tác nhân kích hoạt, triệu chứng bệnh sẽ lại tái phát.

Một số dạng bệnh vảy nến phổ biến gồm có:

  • Bệnh vảy nến thể mảng: đây là dạng phổ biến nhất. Bệnh vảy nến thể mảng có triệu chứng là các mảng da đóng vảy khô cứng, hơi nhô lên và đỏ, bề mặt có màu trắng bạc. Các mảng vảy có thể ngứa ngáy hoặc sưng đau. Triệu chứng thường xuất hiện trên khuỷu tay, đầu gối, lưng dưới và da đầu.
  • Bệnh vảy nến ở móng: dạng này xảy ra ở móng tay và móng chân, gây rỗ móng, móng bị biến dạng và đổi màu. Móng tay, móng chân bị vảy nến có thể lỏng ra và tách khỏi giường móng (ly móng). Trường hợp nặng có thể khiến móng bị giòn và gãy vụn.
  • Bệnh vảy nến thể giọt: dạng này chủ yếu xảy ra ở người trẻ tuổi và trẻ nhỏ. Vảy nến thể giọt thường được kích hoạt bởi các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, ví dụ như như viêm họng liên cầu khuẩn và có triệu chứng là các mảng tổn thương nhỏ, hình giọt nước, đóng vảy trên thân trên, tay hoặc chân.
  • Vảy nến thể nghịch đảo: chủ yếu xảy ra ở các nếp gấp da vùng bẹn, mông và ngực. Bệnh vảy nến thể nghịch đảo có đặc điểm là các mảng da đỏ mịn và triệu chứng thường trở nên rõ rệt hơn khi ma sát hoặc đổ mồ hôi. Dạng bệnh vảy nến này có thể bị kích hoạt khi nhiễm nấm.
  • Bệnh vảy nến thể mủ: một dạng bệnh vảy nến hiếm gặp có biểu hiện là nổi các nốt chứa đầy mủ, tạo thành mảng lớn lan rộng hoặc hình thành dưới dạng cụm nhỏ hơn trên lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân.
  • Bệnh vảy nến thể đỏ da toàn thân: dạng vảy nến hiếm gặp nhất, triệu chứng xuất hiện trên toàn bộ cơ thể ở dạng phát ban đỏ, bong tróc da, gây ngứa hoặc nóng rát dữ dội.
  • Viêm khớp vảy nến: viêm khớp vảy nến khiến các khớp xương sưng tấy, đau nhức – đây là những biểu hiện điển hình của bệnh viêm khớp. Đôi khi, các triệu chứng xảy ra ở khớp là dấu hiệu đầu tiên hoặc duy nhất của bệnh vảy nến. Trong một số trường hợp, bệnh này chỉ gây ra những thay đổi ở móng. Các triệu chứng của bệnh viêm khớp vảy nến có mức độ từ nhẹ đến nặng và có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào. Người bệnh có thể bị cứng khớp và tổn thương khớp tiến triển, những trường hợp nghiêm trọng thậm chí có thể bị hỏng khớp vĩnh viễn.

Khi nào cần đi khám?

Nếu nhận thấy những dấu hiệu nghi là bệnh vảy nến thì nên đi khám bác sĩ. Nếu như đã được chẩn đoán mắc bệnh vảy nến thì cần đến gặp bác sĩ trong trường hợp:

  • Tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hoặc lan rộng
  • Triệu chứng bệnh gây khó chịu và đau đớn
  • Triệu chứng bệnh ảnh hưởng nhiều đến vẻ ngoài
  • Gặp các vấn đề về khớp, chẳng hạn như đau, sưng hoặc không thể thực hiện các hoạt động hàng ngày
  • Không cải thiện dù đã điều trị

Nguyên nhân gây bệnh vảy nến

Nguyên nhân gây ra bệnh vảy nến được cho là do hệ miễn dịch cơ thể có vấn đề, khiến da tái tạo với tốc độ nhanh hơn bình thường. Ở dạng vảy nến phổ biến nhất - bệnh vảy nến thể mảng – tốc độ thay tế bào da quá nhanh dẫn đến sự hình thành các mảng da dày cứng.

Khoa học hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác khiến cho hệ miễn dịch xảy ra “trục trặc” và dẫn đến bệnh vảy nến. Các nhà nghiên cứu cho rằng cả yếu tố di truyền và các yếu tố môi trường đều góp phần gây ra tình trạng này. Vảy nến là bệnh không lây.

Các tác nhân kích hoạt bệnh vảy nến

Nhiều người mắc bệnh vảy nến nhưng không hề biểu hiện triệu chứng trong suốt nhiều năm cho đến khi bệnh được kích hoạt bởi một số yếu tố môi trường. Các tác nhân kích hoạt bệnh vảy nến phổ biến gồm có:

  • Nhiễm trùng, chẳng hạn như viêm họng do liên cầu khuẩn hoặc nhiễm trùng da
  • Thời tiết, đặc biệt là thời tiết lạnh, khô
  • Tổn thương da, chẳng hạn như vết cắt, vết xước, côn trùng cắn hoặc cháy nắng nghiêm trọng
  • Căng thẳng
  • Hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc
  • Uống nhiều rượu
  • Một số loại thuốc, ví dụ như lithium, thuốc trị cao huyết áp và thuốc trị sốt rét
  • Đột ngột ngừng sử dụng corticoid đường uống hoặc đường toàn thân

Các yếu tố làm tăng nguy cơ

Bất cứ ai cũng có thể bị bệnh vảy nến. Khoảng một phần ba số trường hợp bị bệnh này bắt đầu khởi phát từ khi còn nhỏ. Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh vảy nến gồm có:

  • Tiền sử gia đình: bệnh vảy nến có thể di truyền qua các thế hệ trong một gia đình. Có bố hoặc mẹ bị vảy nến sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh và nếu cả bố cả mẹ đều mắc bệnh thì nguy cơ sẽ càng tăng cao.
  • Căng thẳng: vì căng thẳng có thể ảnh hưởng đến hệ miễn dịch nên tình trạng căng thẳng có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh vảy nến.
  • Hút thuốc lá: hút thuốc không chỉ làm tăng nguy cơ bị vảy nến mà còn có thể làm gia tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Biến chứng của bệnh vảy nến

Bệnh vảy nến gây ảnh hưởng đến vẻ ngoài và khiến cho người bệnh cảm thấy mặc cảm, xấu hổ. Vảy nến còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh khác, ví dụ như:

  • Viêm khớp vảy nến, gây đau, cứng và sưng tấy trong và xung quanh khớp
  • Các bệnh về mắt, chẳng hạn như viêm kết mạc, viêm bờ mi và viêm màng bồ đào
  • Béo phì
  • Bệnh tiểu đường tuýp 2
  • Cao huyết áp
  • Bệnh tim mạch
  • Các bệnh tự miễn khác như bệnh celiac, xơ cứng bì và bệnh Crohn

Biện pháp chẩn đoán

Bác sĩ sẽ hỏi một số câu hỏi về tình trạng sức khỏe và khám da toàn thân, bao gồm cả da đầu và móng tay. Sau đó lấy một mẫu da nhỏ (sinh thiết da) và kiểm tra dưới kính hiển vi. Phương pháp này giúp xác định dạng vảy nến và loại trừ các vấn đề khác cũng có triệu chứng tương tự.

Điều trị bệnh vảy nến

Các phương pháp điều trị bệnh vảy nến nhằm mục đích ngăn chặn các tế bào da phát triển quá nhanh và loại bỏ vảy cứng. Các lựa chọn điều trị gồm có thuốc bôi tại chỗ, thuốc uống, thuốc tiêm và liệu pháp ánh sáng.

Phương pháp điều trị được lựa chọn dựa trên mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh và mức độ đáp ứng với phương pháp điều trị trước đó. Có thể sẽ cần phải thử nhiều loại thuốc khác nhau để tìm ra loại phù hợp và phải kết hợp nhiều phương pháp lại với nhau để có hiệu quả cao nhất. Dù là phương pháp nào thì cũng không thể chữa khỏi dứt điểm bệnh vảy nến. Tuy nhiên, nếu điều trị hiệu quả thì sẽ giảm được mức độ nghiêm trọng của triệu chứng, giúp các đợt bùng phát nhanh khỏi hơn và kéo dài giai đoạn bệnh thuyên giảm.

Thuốc bôi tại chỗ

  • Corticoid: Nhóm thuốc này thường được sử dụng để điều trị bệnh vảy nến mức độ từ nhẹ đến vừa. Các loại thuốc corticoid có nhiều dạng khác nhau như thuốc mỡ, kem, lotion, gel, bọt, thuốc xịt… Thuốc mỡ corticoid nồng độ thấp (hydrocortisone) thường được dùng cho các vùng nhạy cảm, chẳng hạn như mặt hoặc các nếp gấp trên da và điều trị các mảng vảy nến lan rộng. Corticoid tại chỗ có thể được bôi mỗi ngày một lần trong khoảng thời gian bùng phát và cách ngày hoặc bôi 1 – 2 lần/tuần vào giai đoạn thuyên giảm để ngăn ngừa triệu chứng tái phát. Nếu mảng vảy nến hình thành trên vùng da nhỏ, ít nhạy cảm hơn hoặc khó điều trị hơn thì bác sĩ có thể kê thuốc mỡ hoặc kem corticoid mạnh hơn, ví dụ như triamcinolone, clobetasol. Lưu ý, sử dụng corticoid trong thời gian dài hoặc lạm dụng corticoid nồng độ cao có thể làm mỏng da. Sau một thời gian, hiệu quả của corticoid tại chỗ sẽ giảm dần.
  • Dạng tổng hợp của vitamin D: Các dạng tổng hợp của vitamin D, chẳng hạn như calcipotriene và calcitriol có tác dụng làm chậm sự phát triển của tế bào da. Loại thuốc này có thể được sử dụng một mình hoặc kết hợp với corticoid tại chỗ. Calcitriol ít gây kích ứng hơn ở những vùng nhạy cảm. Calcipotriene và calcitriol thường có giá cao hơn corticoid tại chỗ.
  • Retinoid: Tazarotene là một loại retinoid có cả dạng gel và dạng kem, được sử dụng một hoặc hai lần mỗi ngày. Các tác dụng phụ thường gặp nhất là kích ứng da và tăng nhạy cảm với ánh sáng.  Không dùng tazarotene cho phụ nữ đang mang thai, cho con bú hoặc đang có ý định mang thai.
  • Thuốc ức chế calcineurin: Thuốc ức chế calcineurin - chẳng hạn như tacrolimus và pimecrolimus - có tác dụng giảm viêm và tích tụ tế bào da. Loại thuốc này phù hợp cho những vùng da mỏng, chẳng hạn như quanh mắt. Nếu dùng steroid hoặc retinoid ở những vùng da này thì sẽ rất dễ bị kích ứng hoặc xảy ra các vấn đề không mong muốn khác. Không dùng thuốc ức chế calcineurin cho phụ nữ đang mang thai, cho con bú hoặc đang có ý định mang thai. Thuốc này cũng không được dùng trong thời gian dài vì có thể làm tăng nguy cơ ung thư da và ung thư hạch.
  • Salicylic acid: Dầu gội và các loại thuốc dùng cho da dầu có chứa salicylic acid có tác dụng làm giảm sự hình thành các mảng vảy nến. Các sản phẩm này có thể được sử dụng một mình hoặc kết hợp để tăng hiệu quả và giúp cho các loại thuốc khác dễ thẩm thấu vào da hơn.
  • Nhựa than đá (coal tar): Nhựa than đá có tác dụng làm giảm vảy cứng, ngứa và viêm. Các sản phẩm có chứa thành phần này có cả dạng kê đơn và không kê đơn. Nhựa than đá có thể gây kích ứng da, làm bẩn quần áo, chăn ga gối đệm và có mùi khó chịu. Việc điều trị bằng nhựa than đá không được khuyến khích cho phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú.
  • Liệu pháp Goeckerman: Đây là phương pháp điều trị kết hợp nhựa than đá với liệu pháp ánh sáng (sử dụng tia UVB). Phương pháp này sẽ mang lại hiệu quả cao hơn vì nhựa than đá làm cho da dễ tiếp nhận tia UVB hơn.
  • Anthralin: Anthralin là một loại thuốc được sử dụng để làm chậm sự phát triển của tế bào da. Anthralin còn có tác dụng loại bỏ vảy cứng và giúp da mềm mại, mịn màng hơn. Không sử dụng thuốc này trên mặt hoặc bộ phận sinh dục. Anthralin có thể gây kích ứng da và làm bẩn các bề mặt tiếp xúc với thuốc. Anthralin thường được bôi trên da trong một thời gian ngắn và sau đó rửa sạch.

Liệu pháp ánh sáng

Liệu pháp ánh sáng thường là phương pháp điều trị bước đầu trong những trường hợp vảy nến từ vừa đến nặng, có thể thực hiện một mình hoặc kết hợp với thuốc. Đây là phương pháp để da tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên hoặc nhân tạo một cách có kiểm soát. Thường sẽ phải điều trị nhiều buổi để có hiệu quả.

  • Ánh nắng mặt trời: Tiếp xúc trong thời gian ngắn, đều đặn hàng ngày với ánh nắng mặt trời (liệu pháp tắm nắng) có thể cải thiện bệnh vảy nến. Trước khi bắt đầu điều trị bằng ánh nắng mặt trời nên hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn về thời điểm tắm nắng, tần suất và các biện pháp đảm bảo an toàn.
  • Tia UVB dải rộng: Để da tiếp xúc một cách có kiểm soát với tia UVB từ nguồn nhân tạo có thể điều trị các mảng vảy nến đơn lẻ, vảy nến lan rộng hoặc bệnh vảy nến không đáp ứng với các loại thuốc bôi tại chỗ. Các tác dụng phụ tạm thời có thể xảy ra sau điều trị gồm có mẩn đỏ, ngứa và khô da. Dưỡng ẩm thường xuyên cho da có thể giúp giảm bớt những tác dụng phụ này.
  • UVB dải hẹp: Liệu pháp điều trị bằng tia UVB dải hẹp có thể cho hiệu quả cao hơn liệu pháp tia UVB dải rộng. Phương pháp này thường được thực hiện 2 hoặc 3 lần một tuần cho đến khi da được cải thiện và sau đó giảm tần suất để điều trị duy trì. Tuy nhiên, đèn chiếu tia UVB dải hẹp có thể gây bỏng nặng hơn và lâu lành hơn.
  • Psoralen kết hợp tia UVA (PUVA): Trong phương pháp điều trị này, da được bôi một loại thuốc có tác dụng làm tăng độ nhạy cảm với ánh sáng (psoralen) và sau đó được chiếu tia UVA. Tia UVA thâm nhập vào da sâu hơn so với tia UVB và psoralen làm cho da phản ứng nhanh hơn khi tiếp xúc với tia UVA. Phương pháp điều trị này giúp cải thiện tình trạng da một cách nhất quán và thường được sử dụng cho các trường hợp vảy nến nặng. Các tác dụng phụ ngắn hạn có thể xảy ra sau điều trị gồm có buồn nôn, nhức đầu, nóng rát và ngứa. Các tác dụng phụ kéo dài hơn gồm có da khô, nhăn, tàn nhang, tăng nhạy cảm với ánh nắng mặt trời và tăng nguy cơ ung thư da, gồm có cả ung thư hắc tố.
  • Laser Excimer: Trong phương pháp trị liệu bằng ánh sáng này, tia UVB mạnh chỉ nhắm vào vùng da bị bệnh. Số buổi trong một liệu trình điều trị với liệu pháp laser Excimer thường ít hơn so với liệu pháp ánh sáng truyền thống vì laser Excimer sử dụng tia UVB cường độ cao hơn. Các tác dụng phụ có thể xảy ra gồm có mẩn đỏ và phồng rộp.

Thuốc uống hoặc thuốc tiêm

Trong những trường hợp bị bệnh vảy nến từ vừa đến nặng hoặc đã thử các phương pháp điều trị khác nhưng không hiệu quả, bác sĩ sẽ kê các loại thuốc đường uống hoặc thuốc tiêm (thuốc điều trị toàn thân). Do nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ nghiêm trọng nên một số loại thuốc chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn và có thể xen kẽ với các phương pháp điều trị khác.

  • Steroid: Nếu có một vài mảng vảy nến nhỏ và tồn tại dai dẳng thì bác sĩ có thể chỉ định tiêm triamcinolone ngay vào các vùng tổn thương.
  • Retinoid: Acitretin (Soriatane) và các loại retinoid đường uống khác có tác dụng giảm sản sinh tế bào da. Các tác dụng phụ có thể xảy ra gồm có khô da và đau cơ. Không dùng những loại thuốc này cho phụ nữ đang mang thai, cho con bú hoặc có ý định mang thai.
  • Methotrexate: Thường được uống hàng tuần dưới dạng đơn liều, methotrexate có tác dụng làm giảm sự sản sinh tế bào da và ngăn chặn phản ứng viêm. Thuốc này có hiệu quả kém hơn adalimumab và infliximab. Một số tác dụng phụ của methotrexate là đau bụng, chán ăn và mệt mỏi. Những người dùng methotrexate lâu dài cần xét nghiệm thường xuyên để theo dõi công thức máu và chức năng gan. Nên ngừng dùng methotrexate ít nhất 3 tháng trước khi bắt đầu thụ thai. Thuốc này không được khuyến khích dùng cho phụ nữ đang cho con bú.
  • Cyclosporine: Một loại thuốc đường uống dùng cho các trường hợp vảy nến nặng, có tác dụngức chế miễn dịch. Cyclosporine có hiệu quả tương tự như methotrexate nhưng không được sử dụng liên tục quá một năm. Giống như các loại thuốc ức chế miễn dịch khác, cyclosporine cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và các vấn đề sức khỏe khác, bao gồm cả ung thư. Những người dùng cyclosporine cần theo dõi huyết áp và chức năng thận thường xuyên. Không sử dụng cyclosporine cho phụ nữ đang mang thai, cho con bú hoặc có ý định mang thai
  • Thuốc sinh học: Những loại thuốc này thường được tiêm vào tĩnh mạch, có tác dụng điều chỉnh hệ miễn dịch để phá vỡ chu kỳ bệnh vảy nến, giúp cải thiện các triệu chứng bệnh trong vòng vài tuần. Một số loại thuốc trong nhóm này được phê chuẩn để trị bệnh vảy nến từ vừa đến nặng cho những trường hợp không đáp ứng với các phương pháp điều trị bước đầu. Một số thuốc sinh học thường được sử dụng gồm có etanercept, infliximab, adalimumab, ustekinumab, secukinumab và ixekizumab. Thuốc sinh học thường có giá khá cao và cần phải sử dụng một cách thận trọng vì tác dụng ức chế miễn dịch sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, bao gồm cả các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng. Những người điều trị bằng loại thuốc này được khuyến nghị nên tầm soát bệnh lao.
  • Các loại thuốc khác: Thioguanine và hydroxyurea là hai loại thuốc có thể được sử dụng cho những người không dùng được các loại thuốc khác. Ngoài ra còn có một lựa chọn nữa là apremilast. Đây là một loại thuốc đường uống, dùng 2 lần/ngày, đặc biệt hiệu quả trong việc giảm ngứa.

Lưu ý khi điều trị bệnh vảy nến

Mặc dù bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị dựa trên dạng và mức độ nghiêm trọng của bệnh vảy nến cũng như là các khu vực bị ảnh hưởng trên cơ thể nhưng đa phần đều sẽ bắt đầu bằng các phương pháp nhẹ nhất, ví dụ như thuốc bôi tại chỗ và liệu pháp ánh sáng (tia cực tím) ở những trường hợp có tổn thương da điển hình (vảy nến thể mảng) và sau đó chuyển sang các phương pháp điều trị mạnh hơn nếu cần thiết. Tuy nhiên, những người bị bệnh vảy nến thể mủ, thể đỏ da toàn thân hoặc kèm theo viêm khớp thường cần điều trị bằng các phương pháp toàn thân ngay từ đầu. Mục đích là tìm ra cách hiệu quả nhất để làm chậm quá trình thay tế bào da với các tác dụng phụ tối thiểu.

Các phương pháp hỗ trợ điều trị

Ngoài các phương pháp điều trị truyền thống kể trên thì còn có các biện pháp khác cũng giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh vảy nến, ví dụ như điều chỉnh chế độ ăn uống, dùng thực phẩm chức năng và thảo dược. Dưới đây là một số biện pháp an toàn giúp làm giảm ngứa và đóng vảy ở những người bị bệnh vảy nến từ nhẹ đến vừa hoặc giúp hạn chế các tác nhân kích hoạt triệu chứng bệnh, chẳng hạn như căng thẳng.

  • Kem dưỡng chứa chiết xuất lô hội: Chiết xuất lô hội (aloe vera) có thể làm giảm mẩn đỏ, làm mềm các mảng vảy cứng, giảm ngứa và viêm.
  • Viên uống dầu cá: Uống dầu cá trong thời gian điều trị bằng liệu pháp UVB có thể làm giảm triệu chứng bệnh vảy nến. Ngoài ra, có thể bôi dầu cá trực tiếp lên vùng da bị bệnh, sau đó băng lại và để nguyên trong 6 tiếng, thực hiện liên tục trong vòng 4 tuần. Cách này sẽ giúp cải thiện tình trạng hình thành vảy cứng trên da.
  • Tinh dầu: Tinh dầu (liệu pháp mùi thơm) đã được chứng minh là có tác dụng giảm căng thẳng và lo âu – một trong các yếu tố kích hoạt bệnh vảy nến.

Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thảo dược hay thực phẩm chức năng nào để điều trị bệnh vảy nến. Những sản phẩm này đều đi kèm các tác dụng phụ nhất định và có thể tương tác với các loại thuốc đang dùng.

Chăm sóc da và thay đổi lối sống khi bị bệnh vảy nến

Ngoài dùng thuốc, những người bị bệnh vảy nến cũng nên thực hiện các biện pháp chăm sóc da và thay đổi thói quen sống sau đây để kiểm soát tình trạng bệnh:

  • Tắm hàng ngày: Tắm hàng ngày giúp loại bỏ hoặc làm mềm các mảng vảy cứng trên da và làm dịu vùng da bị viêm. Có thể thêm dầu tắm, bột yến mạch hoặc muối Epsom vào nước và ngâm mình trong ít nhất 15 phút. Sử dụng nước ấm và xà phòng hoặc sữa tắm dịu nhẹ có chứa nhiều dầu và chất béo.
  • Sử dụng kem dưỡng ẩm: Sau khi tắm, thâm khô da nhẹ nhàng và thoa kem dưỡng ngay khi da vẫn còn ẩm. Nên chọn kem dưỡng ẩm có kết cấu đặc. Đối với da rất khô thì dưỡng ẩm dạng dầu có thể sẽ hiệu quả hơn vì có khả năng lưu lại trên bề mặt da lâu hơn so với các sản phẩm dạng kem hoặc dạng sữa (lotion). Dưỡng ẩm cho da từ 1 đến 3 lần mỗi ngày.
  • Che vùng da bị bệnh khi ngủ vào ban đêm: Trước khi đi ngủ, hãy thoa kem dưỡng ẩm lên vùng da bị vảy nến và dùng màng bọc thực phẩm che lên. Gỡ màng ra và rửa sạch khi thức dậy vào sáng hôm sau. Cọ nhẹ nhàng trong khi rửa để loại bỏ vảy cứng.
  • Cho da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời: Hỏi ý kiến bác sĩ về việc điều trị cho da bằng ánh nắng mặt trời tự nhiên. Việc để da tiếp xúc với ánh nắng một cách vừa phải có thể giúp cải thiện bệnh vảy nến nhưng tiếp xúc quá nhiều với nắng có thể kích hoạt hoặc làm trầm trọng thêm các đợt bùng phát và làm tăng nguy cơ ung thư da. Khi tắm nắng cần bảo vệ cho những vùng da khỏe mạnh không bị vảy nến bằng kem chống nắng có chỉ số chống nắng (SPF) ít nhất là 30.
  • Bôi hydrocortisone hoặc salicylic acid: Bôi kem hoặc thuốc mỡ không kê đơn có chứa hydrocortisone hoặc salicylic acid để giảm ngứa và đóng vảy. Nếu bị bệnh vảy nến ở da đầu thì có thể thử dùng dầu gội thuốc có chứa thành phần coal tar.
  • Tránh các yếu tố kích hoạt: Tự mình theo dõi và xác định những yếu tố có thể kích hoạt bệnh vảy nến để từ đó có biện pháp phòng tránh. Các yếu tố như nhiễm trùng, tổn thương trên da, căng thẳng, hút thuốc lá và tiếp xúc với ánh nắng gắt đều có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.
  • Không uống rượu: Uống rượu có thể làm giảm hiệu quả của một số loại thuốc điều trị vảy nến. Do đó, nếu bị bệnh vảy nến thì nên hạn chế uống rượu mà tốt nhất là không nên uống.
  • Cố gắng duy trì lối sống lành mạnh: Ngoài việc bỏ thuốc lá và không uống rượu, người bị bệnh vảy nến nên suy nghĩ tích cực, ngủ nghỉ điều độ, ăn uống lành mạnh và duy trì cân nặng khỏe mạnh.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Bệnh cơ tuyến tử cung

Hiện khoa học vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác gây ra bệnh cơ tuyến tử cung nhưng bệnh này thường tự khỏi sau khi mãn kinh.

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD)

STD không phải lúc nào cũng biểu hiện triệu chứng. Vì thế nên nhiều người mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục trong suốt một thời gian dài mà không hề hay biết và tiếp tục lây sang người khác.

Bệnh viêm vùng chậu (PID)

Các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh viêm vùng chậu có thể chỉ rất nhẹ và khó nhận biết. Đôi khi, bệnh còn không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào.

Bệnh giang mai

Nếu không được điều trị thì bệnh giang mai có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến tim, não hoặc các cơ quan khác và có thể đe dọa đến tính mạng.

Bệnh lây truyền qua đường tình dục chlamydia

Chlamydia chủ yếu xảy ra ở phụ nữ trẻ, nhưng cũng có thể xảy ra ở cả nam giới và phụ nữ ở mọi nhóm tuổi. Bệnh này không khó điều trị, nhưng nếu không được điều trị thì có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây