Hăm tã ở trẻ em: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị

Hăm tã khiến cho trẻ khó chịu, khóc quấy nhưng đây là vấn đề có thể xử lý đơn giản bằng các biện pháp khắc phục tại nhà, chẳng hạn như thay tã thường xuyên hơn, giữ cho da luôn khô ráo và dùng một số loại thuốc bôi ngoài da.

Hăm tã là gì?

Hăm tã là một dạng viêm da rất phổ biến, xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ với biểu hiện đặc trưng là da ửng đỏ ở vùng mặc tã.

Hăm tã thường là do dùng tã ẩm hoặc không thay tã thường xuyên, da nhạy cảm và cọ xát với tã. Mặc dù vấn đề này chủ yếu xảy ra ở trẻ nhỏ nhưng cũng có thể xảy ra ở cả những người lớn phải dùng bỉm, ví dụ như người cao tuổi.

Hăm tã khiến cho trẻ khó chịu, khóc quấy nhưng đây là vấn đề có thể xử lý đơn giản bằng các biện pháp khắc phục tại nhà, chẳng hạn như thay tã thường xuyên hơn, giữ cho da luôn khô ráo và dùng một số loại thuốc bôi ngoài da.

Dấu hiệu, triệu chứng hăm tã

Hăm tã có các dấu hiệu, triệu chứng đặc trưng là:

  • Dấu hiệu ngoài da: có các mảng da mẩn đỏ, có thể hơi sưng ở những vùng quấn tã như mông, đùi, bẹn và bộ phận sinh dục.
  • Những thay đổi về tính tình của trẻ: trẻ có vẻ khó chịu, khóc quấy nhiều hơn bình thường, đặc biệt là trong quá trình thay tã.

Khi nào cần đi khám?

Nếu tình trạng da của trẻ không đỡ sau một vài ngày tự khắc phục tại nhà thì nên đưa trẻ đi khám bác sĩ. Đôi khi sẽ cần dùng các loại thuốc kê đơn để điều trị hăm tã.

Bố mẹ cần đưa con đi khám nếu:

  • có các triệu chứng nghiêm trọng hoặc bất thường
  • các triệu chứng ngày càng nặng hơn dù đã thử các biện pháp tự điều trị tại nhà
  • da bị chảy máu hoặc chảy dịch
  • trẻ khóc quấy dữ dội, bỏ ăn
  • trẻ bị sốt

Nguyên nhân gây hăm tã

Hăm tã có thể là do các nguyên nhân dưới đây gây ra:

  • Kích ứng do phân và nước tiểu: tiếp xúc lâu với nước tiểu hoặc phân có thể gây kích ứng làn da nhạy cảm của trẻ. Trẻ sẽ dễ bị hăm tã hơn nếu đi ngoài thường xuyên hoặc bị tiêu chảy vì phân dễ gây kích thích hơn nước tiểu.
  • Cọ xát: tã hoặc quần áo chật chội cọ xát vào da có thể khiến cho da mẩn đỏ.
  • Kích ứng do một sản phẩm mới: da của bé có thể phản ứng với khăn ướt, một loại tã giấy mới, sữa tắm, kem dưỡng ẩm hoặc chất làm mềm vải được sử dụng để giặt tã.
  • Nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nấm men: tình trạng nhiễm trùng da thông thường có thể lây lan sang các khu vực xung quanh. Những vùng tiếp xúc với tã như mông, đùi và bộ phận sinh dục đặc biệt dễ bị tổn thương vì đây là những khu vực ấm và ẩm, tạo môi trường lý tưởng cho vi khuẩn và nấm men sinh sôi, phát triển. Hiện tượng nổi mẩn thường xảy ra trong các nếp gấp da và xung quanh các nếp gấp có thể xuất hiện các chấm đỏ.
  • Bắt đầu ăn một loại thực phẩm mới: khi trẻ bắt đầu ăn dặm, thành phần trong phân của trẻ sẽ thay đổi. Điều này làm tăng nguy cơ bị hăm tã. Những thay đổi trong chế độ ăn của trẻ cũng có thể làm tăng tần suất đi ngoài và điều này có thể khiến cho trẻ dễ bị hăm tã hơn. Những trẻ còn đang bú sữa mẹ có thể bị hăm tã do phản ứng với các chất trong sữa.
  • Da nhạy cảm: trẻ sơ sinh mắc các bệnh về da, chẳng hạn như viêm da cơ địa (bệnh chàm) hoặc viêm da tiết bã có thể dễ bị hăm tã hơn. Tuy nhiên, các triệu chứng viêm da cơ địa và viêm da tiết bã thường xảy ra ở các vùng da khác ngoài vùng quấn tã.
  • Sử dụng thuốc kháng sinh: thuốc kháng sinh tiêu diệt cả vi khuẩn có hại và vi khuẩn có lợi. Khi trẻ uống thuốc kháng sinh, số lượng những vi khuẩn có lợi vốn có vai trò kiểm soát sự phát triển của nấm men có thể bị giảm và dẫn đến hăm tã do nhiễm trùng nấm men. Sử dụng kháng sinh còn có thể gây tiêu chảy và điều này làm tăng nguy cơ hăm tã. Những trẻ bú mẹ có mẹ dùng thuốc kháng sinh cũng có nguy cơ bị hăm tã cao hơn.

Điều trị hăm tã

Biện pháp tự điều trị tại nhà

Cách tốt nhất để điều trị chứng hăm tã là giữ cho da của trẻ sạch sẽ và khô ráo.

Nói chung, hăm tã thường có thể tự điều trị được tại nhà bằng các biện pháp sau:

  • Giữ cho vùng quấn tã sạch sẽ và khô ráo: thay tã ngay sau khi bị ướt hoặc bẩn. Sau khi đã nhẹ nhàng làm sạch và lau khô da, hãy thoa kem hoặc thuốc mỡ trị hăm tã. Không chà xát mạnh để tránh làm tổn thương làn da nhạy cảm của trẻ.
  • Tăng lưu thông khí: để vùng hăm tã nhanh lành lại thì cần để da tiếp xúc nhiều hơn với không khí bằng những cách sau:
    • Có những khoảng thời gian không quấn tã. Có thể thực hiện điều này 3 lần một ngày, mỗi lần 10 phút.
    • Không mặc quần và tã bằng chất liệu gây bí.
    • Sử dụng tã lớn hơn bình thường cho đến khi da hết mẩn đỏ.
  • Bôi thuốc mỡ, kem trị hăm hoặc kem dưỡng da: bố mẹ có thể mua các loại thuốc trị hăm tã không kê đơn và kem dưỡng ẩm cho trẻ sơ sinh tại các hiệu thuốc. Kẽm oxit (zinc oxide) là thành phần hoạt tính trong nhiều sản phẩm trị hăm tã. Những sản phẩm này thường được bôi lên vùng da mẩn đỏ trong suốt cả ngày để làm dịu và bảo vệ da. Không cần bôi quá dày mà chỉ cần một lớp mỏng là đủ. Có thể bôi bên trên các loại thuốc khác, chẳng hạn như thuốc kháng nấm hoặc steroid nếu cần thiết. Ngoài ra cũng có thể bôi một lớp Vaseline lên trên để kem không bị dính vào tã.
    Thuốc mỡ thường ít gây kích ứng hơn dạng kem nhưng thuốc mỡ sẽ tạo ra một lớp rào cản và ngăn da tiếp xúc với không khí. Kem sẽ thẩm thấu vào da hoặc khô trên da và không khí có thể lưu thông qua.
    Lưu ý phải chọn các sản phẩm dành riêng cho trẻ sơ sinh. Không dùng các loại thuốc bôi da dành cho người lớn và tránh các sản phẩm có chứa các thành phần có thể gây hại cho làn da trẻ sơ sinh như boric acid, camphor, phenol, benzocaine, diphenhydramine và salicylate.
  • Tắm rửa sạch sẽ cho trẻ hàng ngày bằng nước ấm và sữa tắm dịu nhẹ dành riêng cho trẻ sơ sinh.

Thuốc kê đơn

Nếu tình trạng hăm tã vẫn không đỡ dù đã thử các biện pháp điều trị tại nhà thì nên cho trẻ đi khám. Bác sĩ có thể sẽ kê các loại thuốc như:

  • Hydrocortisone (steroid) nồng độ thấp
  • Thuốc kháng nấm tại chỗ nếu bị hăm tã do nhiễm nấm
  • Thuốc kháng sinh tại chỗ hoặc kháng sinh đường uống nếu trẻ bị nhiễm trùng do vi khuẩn

Chỉ sử dụng các loại thuốc có chứa steroid khi được bác sĩ chỉ định. Việc dùng steroid mạnh hoặc sử dụng thường xuyên trong thời gian dài có thể dẫn đến các vấn đề không mong muốn.

Tình trạng hăm tã thường sẽ cải thiện sau vài ngày nhưng có thể tái phát nhiều lần.

Các biện pháp khác

  • Witch hazel: một nghiên cứu được thực hiện ở 309 trẻ sơ sinh cho thấy việc bôi thuốc mỡ có thành phần witch hazel có tác dụng trị hăm tã. Tuy nhiên, witch hazel có thể gây dị ứng. Do đó, cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
  • Sữa mẹ: một nghiên cứu được thực hiện ở 141 trẻ sơ sinh đã chỉ ra rằng bôi sữa mẹ trực tiếp lên da là một phương pháp hiệu quả và an toàn để điều trị hăm tã. Theo nghiên cứu này, sữa mẹ có hiệu quả tương đương với thuốc mỡ hydrocortisone 1%.

Phòng ngừa hăm tã

Cách tốt nhất để phòng ngừa hăm tã là giữ cho vùng quấn tã luôn sạch sẽ và khô ráo. Dưới đây là một vài biện pháp đơn giản để giảm nguy cơ trẻ bị hăm tã:

  • Thay tã thường xuyên: khi nhận thấy tã ướt hoặc bẩn thì cần phải thay ngay.
  • Rửa sạch mông của trẻ bằng nước ấm mỗi lần thay tã: dùng khăn mềm thấm nước nhẹ nhàng lau mông cho trẻ để làm sạch nước tiểu và phân. Nếu sử dụng khăn giấy ướt thì nên chọn loại không có cồn và mùi thơm.
  • Nhẹ nhàng thấm khô da bằng khăn sạch hoặc để khô tự nhiên: không nên mặc tã ngay khi mông còn ẩm và không lau mông bé quá mạnh. Cọ xát có thể khiến da bị kích ứng thêm.
  • Không quấn tã quá chặt: quấn tã quá chặt sẽ gây cản trở sự lưu thông không khí ở vùng quấn tã, tạo môi trường ẩm ướt thuận lợi cho vi khuẩn hoặc nấm sinh sôi và dẫn đến hăm tã. Tã quá chặt còn có thể gây trầy da ở vùng thắt lưng và đùi.
  • Có những khoảng thời gian không quấn tã: để da tiếp xúc với không khí là một cách tự nhiên và nhẹ nhàng để da khô thoáng. Bố mẹ có thể đặt con lên một chiếc khăn lớn hoặc tấm lót chống thấm.
  • Cân nhắc sử dụng thuốc mỡ thường xuyên: nếu trẻ thường xuyên bị hăm tã thì bố mẹ có thể bôi thuốc mỡ mỗi lần thay tã để ngăn ngừa kích ứng da. Dầu khoáng (petroleum jelly) và oxit kẽm (zinc oxide) là những thành phần đã được chứng minh là có tác dụng ngăn ngừa hăm tã.
  • Rửa tay sạch sẽ sau khi thay tã để ngăn ngừa sự lây truyền vi khuẩn hoặc nấm men sang các bộ phận khác trên cơ thể trẻ.

Nhiều người thường dùng phấn rôm để hút ẩm và bảo vệ làn da của trẻ nhỏ nhưng các bác sĩ khuyến cáo không nên sử dụng các sản phẩm này vì khi hít vào, phấn rôm có thể gây kích ứng phổi.

Nên dùng tã vải hay tã giấy dùng một lần?

Nhiều bậc cha mẹ băn khoăn không biết nên sử dụng tã vải hay tã giấy cho con. Trên thực tế, các nghiên cứu cho thấy rằng cả hai loại đều có nguy cơ hăm tã như nhau.

Do đó, hãy sử dụng loại tã mà bạn cảm thấy tiện lợi và phù hợp nhất. Nếu một nhãn hiệu tã giấy dùng một lần gây kích ứng da của trẻ thì hãy thử sang loại khác cho đến khi chọn được sản phẩm ưng ý nhất.

Cho dù sử dụng tã vải, tã giấy dùng một lần hay cả hai thì đều phải nhớ thay tã thường xuyên để da bé luôn sạch sẽ và khô ráo.

Giặt tã vải

Nếu sử dụng tã vải thì cần giặt và phơi khô cẩn thận để ngăn ngừa hăm tã. Bố mẹ không nên sử dụng bột giặt, nước giặt và nước xả vải thông thường vì những sản phẩm này có thể là thủ phạm gây kích ứng làn da nhạy cảm của trẻ và dẫn đến hăm tã. Nên chọn những sản phẩm dịu nhẹ dành riêng cho trẻ sơ sinh. Bố mẹ có thể tham khảo các bước giặt tã như sau:

  1. Loại bỏ chất thải dính trên tã
  2. Ngâm tã vải bị bẩn trong nước lạnh trong vài giờ. Có thể thêm một ít giấm trắng hoặc baking soda vào nước ngâm để khử mùi và làm mềm tã.
  3. Giặt tã bằng nước giặt dịu nhẹ và nước nóng (tùy từng loại vải).
  4. Vò kỹ bằng nước lạnh để loại bỏ hoàn toàn bọt xà phòng. Không dùng nước xả vải vì những sản phẩm này có thể gây kích ứng da của bé.
  5. Phơi khô dưới ánh nắng hoặc dùng máy sấy quần áo. Vào những ngày có nắng tốt nhất nên phơi đồ ngoài trời vì ánh nắng có tác dụng diệt khuẩn. Còn nếu thời tiết âm u, mưa ẩm thì nên dùng máy sấy vì độ ẩm không khí cao sẽ tạo điều kiện cho nấm và vi khuẩn phát triển trên vải.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Ngứa: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa

Ngứa có thể chỉ xảy ra ở một vùng da nhỏ hoặc lan rộng ra toàn bộ cơ thể. Tùy vào nguyên nhân mà vùng da bị ngứa có thể còn xuất hiện các triệu chứng khác.

Nguyên nhân nào gây tăng cân trong thời kỳ mãn kinh và cách khắc phục

Dễ tăng cân và khó giảm cân khi bước vào thời kỳ mãn kinh là điều mà rất nhiều phụ nữ gặp phải.

Bỏng: Nguyên nhân, biện pháp phòng ngừa và điều trị

Nếu chỉ bị bỏng nhẹ thì có thể điều trị tại nhà. Các vết bỏng ngoài da thường lành lại trong vòng vài tuần. Nhưng khi bị bỏng nặng thì phải đến ngay cơ sở y tế.

Cước tay chân: Nguyên nhân và cách khắc phục

Cước là một phản ứng của cơ thể khi tiếp xúc với môi trường lạnh. Đây là một hiện tượng bình tường xảy ra vào mùa đông.

Các nguyên nhân khiến nước tiểu có màu bất thường

Nước tiểu bình thường có nhiều màu sắc khác nhau, tùy thuộc vào lượng nước uống. Tuy nhiên, nếu nước tiểu chuyển màu đỏ, xanh lam, xanh lục, nâu sẫm hay trắng đục thì đó lại là dấu hiệu của những vấn đề bất thường với sức khỏe.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây