Cước tay chân: Nguyên nhân và cách khắc phục

Cước là một phản ứng của cơ thể khi tiếp xúc với môi trường lạnh. Đây là một hiện tượng bình tường xảy ra vào mùa đông.

Cước là gì?

Cước là tình trạng da ở bàn tay và bàn chân bị ngứa, nóng đỏ, sưng lên và phồng rộp do tiếp xúc trong thời gian dài với không khí lạnh, ẩm.

Tình trạng này thường xảy ra vào mùa đông và tự hết trong vòng một vài tuần nhưng đôi khi có thể dẫn đến nhiễm trùng và gây tổn thương da nghiêm trọng nếu không được điều trị.

Để tránh bị cước thì cần mặc quần áo ấm và hạn chế để hở tay, chân khi trời lạnh.

Biểu hiện khi bị cước

Các biểu hiện thường gặp khi bị cước:

  • Da bị ngứa, thường xảy ra ở bàn chân hoặc bàn tay
  • Sưng đỏ
  • Cảm giác căng, nóng ở các đầu ngón tay, ngón chân
  • Da khô, nứt nẻ

Nếu nặng có thể bị phồng rộp hoặc loét da, da chuyển từ màu đỏ sang xanh tím, kèm theo cảm giác đau đớn

Khi nào cần đi khám?

Cước tay chân thường tự hết khi ấm lên nhưng nếu bị đau đớn dữ dội bất thường hoặc tình trạng khó chịu kéo dài dai dẳng không đỡ thì cần đi khám, đặc biệt là khi có các dấu hiệu nhiễm trùng như mưng mủ, lở loét. Nếu hiện tượng cước vẫn không hết dù thời tiết đã ấm lên thì đó có thể là dấu hiệu của một bệnh lý tiềm ẩn.

Nguyên nhân

Mặc dù khoa học chưa thể lý giải chính xác nguyên nhân gây ra hiện tượng cước nhưng có khả năng đó là một phản ứng của cơ thể khi tiếp xúc với môi trường lạnh. Thời tiết lạnh khiến các mạch máu nhỏ gần bề mặt da bị co lại. Khi cơ thể đột ngột ấm lên, những mạch nhỏ này sẽ bị giãn nở quá nhanh. Điều này làm cho máu rò rỉ vào vùng mô lân cận, dẫn đến sưng tấy và khó chịu. Sau đó, tình trạng sưng sẽ kích thích các dây thần kinh và gây đau.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị cước

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị cước tay, chân vào mùa đông gồm có:

  • Quần áo bó sát hoặc để hở tay, chân khi trời lạnh: Mặc quần áo và đi giày ôm sát trong thời tiết lạnh, ẩm có thể khiến tay, chân dễ bị cước. Việc để hở tay, chân vào mùa đông cũng làm tăng nguy cơ xảy ra hiện tượng này.
  • Giới tính: Phụ nữ dễ bị cước hơn nam giới.
  • Thiếu cân: Những người thiếu cân thường dễ bị cước hơn so với người có cân nặng khỏe mạnh.
  • Khí hậu và mùa trong năm: Hiện tượng cước thường xảy ra phổ biến ở những khu vực có khí hậu lạnh và độ ẩm cao, thường là từ tháng 11 đến tháng 2 hàng năm. Vấn đề này ít khi xảy ra ở những nơi có khí hậu khô hanh.
  • Lưu thông máu kém: Những người có tuần hoàn máu kém thường nhạy cảm hơn với sự thay đổi nhiệt độ nên dễ bị cước hơn.
  • Bị hội chứng Raynaud: Những người mắc hội chứng Raynaud thường dễ bị cước hơn. Hội chứng Raynaud là tình trạng mà các mạch máu bị co hẹp lại khi bị lạnh hoặc bị căng thẳng.
  • Bị bệnh tự miễn: Lupus ban đỏ là bệnh tự miễn phổ biến nhất có liên quan đến hiện tương cước tay chân.

Biến chứng

Cước có thể gây ra loét và nhiễm trùng da nếu bị phồng rộp. Ngoài gây đau đớn, nhiễm trùng còn có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị.

Ở những người bị tiểu đường hoặc tuần hoàn máu kém, quá trình da lành lại sẽ chậm hơn bình thường và da dễ bị tổn thương hơn nên cần đặc biệt cẩn thận.

Biện pháp chẩn đoán

Nói chung, không cần phải đi khám khi bị cước. Tuy nhiên, nếu tình trạng kéo dài dai dẳng không đỡ hoặc bị đau đớn dữ dội thì sẽ cần thực hiện một số biện pháp chẩn đoán ví dụ như sinh thiết da để loại trừ hoặc phát hiện các vấn đề tiềm ẩn có thể là nguyên nhân gây ra các triệu chứng.

Phương pháp điều trị

Hiện tượng cước thường tự hết trong vòng 1 đến 3 tuần. Trong thời gian đó thì có thể thực hiện các biện pháp dưới đây để giảm bớt cảm giác khó chịu:

  • Làm ấm vùng da bị cước một cách từ từ, không xoa bóp, chà xát hay chườm nóng trực tiếp
  • Giữ cho chân tay khô và ấm nhưng tránh xa nguồn nhiệt
  • Bôi kem dưỡng ẩm để giảm ngứa
  • Nếu bị phồng rộp hoặc có vết thương hở thì phải bôi thuốc sát trùng và băng bó nhẹ nhàng để tránh nhiễm trùng
  • Tránh để da bị trầy xước
  • Bỏ thuốc lá nếu hút vì hút thuốc có thể làm co mạch máu và làm chậm quá trình lành vết thương

Nếu vẫn không đỡ thì có thể sẽ cần dùng đến các loại thuốc như:

  • Nifedipine (Procardia): là một loại thuốc chẹn kênh canxi, vốn được sử dụng để điều trị cao huyết áp nhưng cũng có thể điều trị cước bằng cách làm giãn nở các mạch máu và cải thiện sự lưu thông máu. Một số tác dụng phụ của thuốc gồm có đỏ bừng mặt, buồn nôn, chóng mặt và sưng ở các chi.
  • Corticoid tại chỗ: bôi kem corticoid lên đầu ngón tay, ngón chân có thể giúp giảm bớt cảm giác khó chịu.

Biện pháp phòng ngừa

Để tránh bị cước thì cần:

  • Hạn chế tiếp xúc với không khí hoặc nước lạnh
  • Mặc quần áo ấm, thoải mái vào mùa đông
  • Không để hở tay, chân khi trời lạnh
  • Đeo găng tay nếu phải ngâm lâu trong nước lạnh
  • Không hút thuốc lá

Sau khi ở ngoài trời lạnh hoặc ngâm lâu trong nước lạnh thì hãy làm ấm cơ thể một cách từ từ vì sự tăng nhiệt quá nhanh sẽ làm giãn nỡ mạch máu đột ngột và dẫn đến cước.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Nguyên nhân nào gây tăng cân trong thời kỳ mãn kinh và cách khắc phục

Dễ tăng cân và khó giảm cân khi bước vào thời kỳ mãn kinh là điều mà rất nhiều phụ nữ gặp phải.

Hăm tã ở trẻ em: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị

Hăm tã khiến cho trẻ khó chịu, khóc quấy nhưng đây là vấn đề có thể xử lý đơn giản bằng các biện pháp khắc phục tại nhà, chẳng hạn như thay tã thường xuyên hơn, giữ cho da luôn khô ráo và dùng một số loại thuốc bôi ngoài da.

Ngứa: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa

Ngứa có thể chỉ xảy ra ở một vùng da nhỏ hoặc lan rộng ra toàn bộ cơ thể. Tùy vào nguyên nhân mà vùng da bị ngứa có thể còn xuất hiện các triệu chứng khác.

Bỏng: Nguyên nhân, biện pháp phòng ngừa và điều trị

Nếu chỉ bị bỏng nhẹ thì có thể điều trị tại nhà. Các vết bỏng ngoài da thường lành lại trong vòng vài tuần. Nhưng khi bị bỏng nặng thì phải đến ngay cơ sở y tế.

Các nguyên nhân khiến nước tiểu có màu bất thường

Nước tiểu bình thường có nhiều màu sắc khác nhau, tùy thuộc vào lượng nước uống. Tuy nhiên, nếu nước tiểu chuyển màu đỏ, xanh lam, xanh lục, nâu sẫm hay trắng đục thì đó lại là dấu hiệu của những vấn đề bất thường với sức khỏe.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây