Ngứa: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa

Ngứa có thể chỉ xảy ra ở một vùng da nhỏ hoặc lan rộng ra toàn bộ cơ thể. Tùy vào nguyên nhân mà vùng da bị ngứa có thể còn xuất hiện các triệu chứng khác.

Ngứa là một hiện tượng phổ biến, có thể là do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra mà thường là do da khô. Tình trạng ngứa xảy ra phổ biến ở người lớn tuổi vì da ngày càng trở nên khô hơn theo tuổi tác.

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ngứa mà da sẽ có các biểu hiện khác nhau, ví dụ như mẩn đỏ, khô ráp, bong tróc, sần sùi, nổi mụn nước hay trợt loét. Việc gãi nhiều ở vùng bị ngứa có thể khiến da bị trầy xước, chảy máu hoặc nhiễm trùng và thậm chí để lại sẹo

Nếu nguyên nhân gây ngứa chỉ là do kích ứng, dị ứng nhẹ hay côn trùng đốt thì có thể dễ dàng giảm ngứa bằng các biện pháp như dưỡng ẩm da, rửa nhẹ nhàng và chườm mát. Nhưng nếu bị ngứa dai dẳng hay nghiêm trọng thì đó có thể là dấu hiệu của một bệnh lý tiềm ẩn và cần xác định, điều trị.

Các triệu chứng đi kèm

Ngứa có thể chỉ xảy ra ở một vùng da nhỏ hoặc lan rộng ra toàn bộ cơ thể. Tùy vào nguyên nhân mà vùng da bị ngứa có thể còn xuất hiện các triệu chứng khác như:

  • Phát ban, mẩn đỏ
  • Trầy xước
  • Nổi sẩn hoặc nổi mụn nước
  • Da khô, nứt nẻ, bong tróc
  • Các mảng da sần sùi hoặc đóng vảy

Da có thể bị ngứa dữ dội hoặc kéo dài dai dẳng và càng gãi thì lại càng ngứa. Điều này tạo nên một vòng luẩn quẩn.

Khi nào cần đi khám?

Đi khám bác sĩ da liễu nếu tình trạng ngứa:

  • kéo dài hơn 2 tuần và không cải thiện dù đã thử nhiều biện pháp khắc phục
  • dữ dội và gây ảnh hưởng đến giấc ngủ, sinh hoạt hàng ngày
  • lan rộng toàn bộ cơ thể
  • đi kèm với các dấu hiệu và triệu chứng khác, chẳng hạn như sụt cân, sốt hoặc đổ mồ hôi về đêm

Nếu tình trạng ngứa vẫn kéo dài dai dẳng dù đã điều trị thì cần đến gặp bác sĩ để được kiểm tra. Có thể cần đến khám bác sĩ nội khoa nếu nghi ngờ ngứa là dấu hiệu của một bệnh lý tiểm ẩn.

Các nguyên nhân gây ngứa

Một số nguyên nhân gây ngứa phổ biến gồm có:

  • Vấn đề về da: ngứa là một triệu chứng thường gặp của các vấn đề về da như da khô, bệnh chàm (viêm da cơ địa), viêm da tiếp xúc, bệnh vẩy nến, ghẻ, nhiễm ký sinh trùng, côn trùng cắn và phát ban…
  • Các bệnh nội khoa: ngứa toàn thân có thể là triệu chứng của các bệnh lý, chẳng hạn như bệnh gan, bệnh thận, thiếu máu, tiểu đường, các vấn đề về tuyến giáp, đa u tủy hoặc ung thư hạch.
  • Rối loạn thần kinh, ví dụ như bệnh đa xơ cứng, dây thần kinh bị chèn ép và bệnh zona thần kinh.
  • Vấn đề về tâm thần, ví dụ như rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế và trầm cảm.
  • Kích ứng và phản ứng dị ứng: các chất gây kích ứng và chất gây dị ứng khiến cho da bị mẩn đỏ và ngứa. Thường sẽ còn kèm theo các triệu chứng khác, tùy thuộc vào chất đã tiếp xúc và mức độ phản ứng của da.
  • Tác dụng phụ của thuốc: một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc giảm đau opioid có thể gây ngứa.

Đôi khi, da bị ngứa mà không thể xác định được nguyên nhân.

Các vấn đề phát sinh do ngứa

Ngứa ngáy dữ dội hoặc kéo dài (ngứa mạn tính) có thể làm giảm chất lượng cuộc sống. Tình trạng này làm gián đoạn giấc ngủ, ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày hoặc gây lo âu, bực bội, mệt mỏi. Gãi nhiều khi bị ngứa sẽ dẫn đến tổn thương da, nhiễm trùng và để lại sẹo.

Chẩn đoán nguyên nhân gây ngứa

Để tìm ra nguyên nhân gây ngứa, bác sĩ sẽ khám lâm sàng và đặt câu hỏi để khai thác bệnh sử. Nếu nghi ngờ ngứa là do một bệnh lý tiềm ẩn thì sẽ cần thực hiện các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh như:

  • Xét nghiệm máu: xét nghiệm công thức máu toàn bộ giúp phát hiện một số vấn đề có thể gây ngứa, chẳng hạn như thiếu máu.
  • Xét nghiệm chức năng tuyến giáp, gan và thận: bệnh gan hoặc thận và các vấn đề bất thường ở tuyến giáp, chẳng hạn như cường giáp, có thể gây ngứa ngáy.
  • Chụp X-quang lồng ngực: giúp phát hiện sưng hạch bạch huyết - một vấn đề cũng có thể gây ngứa.

Các phương pháp điều trị

Có rất nhiều phương pháp khác nhau để điều trị ngứa da, tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể. Nếu đã thử các biện pháp chăm sóc da và tự khắc phục tại nhà mà vẫn không đỡ thì bác sĩ sẽ kê thuốc hoặc các phương pháp khác. Đôi khi sẽ cần phải điều trị lâu dài. Các biện pháp trị ngứa gồm có:

  • Corticoid tại chỗ: Nếu da bị ngứa và mẩn đỏ thì có thể điều trị bằng cách bôi corticoid tại chỗ. Sau đó đắp một miếng bông hoặc gạc ẩm lên vùng da đã bôi thuốc. Điều này giúp da hấp thụ thuốc tốt hơn và giúp làm mát da. Nếu bị ngứa dữ dội hoặc kéo dài thì có thể thử cách sau đây: Tắm bằng nước ấm trong 20 phút, sau đó thấm khô da và khi da còn ẩm thì bôi thuốc mỡ triamcinolone 0,025% đến 0,1%. Điều này giúp giữ độ ẩm lại trong da và giúp thuốc thẩm thấu tốt hơn. Lặp lại trong vài ngày liên tục.
  • Các loại thuốc bôi ngoài da khác: Một số loại thuốc bôi da khác để giảm ngứa gồm có thuốc ức chế calcineurin (chẳng hạn như tacrolimus và pimecrolimus), thuốc gây tê tại chỗ, capsaicin hay doxepin.
  • Thuốc đường uống: Một số nhóm thuốc chống trầm cảm, ví dụ như thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (fluoxetine, sertraline,…) hoặc thuốc chống trầm cảm ba vòng (doxepin) có thể giúp làm giảm một số dạng ngứa mạn tính.
  • Liệu pháp ánh sáng: Liệu pháp ánh sáng hay quang trị liệu là phương pháp để da tiếp xúc với một loại ánh sáng đặc biệt. Đây là một giải pháp dành cho những người không thể điều trị bằng thuốc đường uống. Thường sẽ phải điều trị nhiều buổi để có hiệu quả tối ưu.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Bỏng: Nguyên nhân, biện pháp phòng ngừa và điều trị

Nếu chỉ bị bỏng nhẹ thì có thể điều trị tại nhà. Các vết bỏng ngoài da thường lành lại trong vòng vài tuần. Nhưng khi bị bỏng nặng thì phải đến ngay cơ sở y tế.

Hăm tã ở trẻ em: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị

Hăm tã khiến cho trẻ khó chịu, khóc quấy nhưng đây là vấn đề có thể xử lý đơn giản bằng các biện pháp khắc phục tại nhà, chẳng hạn như thay tã thường xuyên hơn, giữ cho da luôn khô ráo và dùng một số loại thuốc bôi ngoài da.

Nguyên nhân nào gây tăng cân trong thời kỳ mãn kinh và cách khắc phục

Dễ tăng cân và khó giảm cân khi bước vào thời kỳ mãn kinh là điều mà rất nhiều phụ nữ gặp phải.

Cước tay chân: Nguyên nhân và cách khắc phục

Cước là một phản ứng của cơ thể khi tiếp xúc với môi trường lạnh. Đây là một hiện tượng bình tường xảy ra vào mùa đông.

Vắc-xin ngừa HPV

Tiêm vắc-xin ngừa HPV trong độ tuổi được khuyến nghị là cách tốt nhất để phòng tránh các bệnh ung thư do nhiễm HPV.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây