Các nguyên nhân khiến nước tiểu có màu bất thường
Màu nước tiểu thế nào là bình thường?
Màu nước tiểu bình thường có thể thay đổi từ vàng nhạt đến vàng đậm tùy theo nồng độ một loại sắc tố có tên là urochrome và độ đặc loãng của nước tiểu.
Sắc tố và các hợp chất khác trong một số loại thực phẩm và thuốc có thể làm thay đổi màu nước tiểu. Nước tiểu đổi màu là một hiện tượng thường gặp sau khi ăn các loại thực phẩm có màu đậm như củ dền, thanh long ruột đỏ, quả mọng và đậu răng ngựa (đậu tằm). Nhiều loại thuốc, bao gồm cả thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn có thể làm cho nước tiểu có màu đỏ, vàng hoặc xanh lục.
Tuy nhiên, màu nước tiểu bất thường có thể là dấu hiệu của vấn đề về sức khỏe. Ví dụ, nước tiểu có màu đỏ đậm đến nâu là một trong những triệu chứng của rối loạn chuyển hóa porphyrin - một bệnh di truyền hiếm gặp có liên quan đến hồng cầu.
Màu nước tiểu bất thường
Nước tiểu bình thường có nhiều màu sắc khác nhau, tùy thuộc vào lượng nước uống. Uống nước sẽ làm loãng sắc tố vàng trong nước tiểu nên càng uống nhiều thì nước tiểu càng nhạt màu và ngược lại, lượng nước uống càng ít thì màu sắc nước tiểu càng đậm. Khi cơ thể bị mất nước nghiêm trọng, nước tiểu có thể chuyển sang màu vàng đậm.
Tuy nhiên, nếu nước tiểu chuyển màu đỏ, xanh lam, xanh lục, nâu sẫm hay trắng đục thì đó lại là dấu hiệu của những vấn đề bất thường với sức khỏe.
Khi nào cần đi khám?
Hãy đi khám sức khỏe nếu nhận thấy nước tiểu có những thay đổi như:
Có máu trong nước tiểu: Nước tiểu có máu thường là triệu chứng của bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu và sỏi thận. Những vấn đề này thường gây cảm giác đau đớn. Còn nếu nước tiểu có máu nhưng không kèm theo đau thì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo một vấn đề nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như ung thư.
Nước tiểu sẫm màu hoặc màu cam: Nếu nước tiểu có màu sẫm hoặc màu cam, đặc biệt là khi đi kèm triệu chứng phân nhạt màu, da và mắt vàng thì rất có thể gan đang có vấn đề.
Nguyên nhân khiến nước tiểu có màu bất thường
Nước tiểu đổi màu thường là do thuốc, sắc tố tự nhiên trong một số loại thực phẩm hoặc chất tạo màu thực phẩm. Tuy nhiên, sự thay đổi về màu sắc nước tiểu cũng có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe.
Nước tiểu hồng hoặc đỏ
Mặc dù trông có vẻ đáng sợ nhưng nước tiểu màu đỏ không phải lúc nào cũng chỉ ra vấn đề nghiêm trọng. Nước tiểu chuyển màu hồng hoặc đỏ có thể là do:
- Máu: Các nguyên nhân có thể gây tiểu ra máu gồm có nhiễm trùng đường tiết niệu, phì đại tiền liệt tuyến, khối u ác tính (ung thư) và u lành tính, nang thận, tập luyện quá sức và sỏi thận hoặc sỏi bàng quang.
- Thực phẩm: Ăn củ dền, thanh long ruột đỏ hay quả dâu tằm chín có thể làm nước tiểu chuyển sang màu đỏ hoặc hồng.
- Thuốc: Rifampin - một loại thuốc kháng sinh để điều trị bệnh lao - có thể khiến nước tiểu chuyển sang màu đỏ cam. Điều tương tự có thể xảy ra khi dùng phenazopyridine - một loại thuốc có tác dụng làm giảm triệu chứng khó chịu ở đường tiết niệu và thuốc nhuận tràng chứa senna.
Nước tiểu màu cam
Nước tiểu màu cam có thể là do:
- Thuốc: Các loại thuốc có thể khiến nước tiểu chuyển màu cam gồm có thuốc chống viêm sulfasalazine, phenazopyridine, một số loại thuốc nhuận tràng và một số thuốc hóa trị.
- Vấn đề sức khỏe: Trong một số trường hợp, nước tiểu màu cam có thể là do gan hoặc ống mật có vấn đề, đặc biệt là khi còn đi ngoài ra phân nhạt màu. Mất nước cũng có thể khiến cho nước tiểu trở nên cô đặc và có màu vàng cam.
Nước tiểu xanh lam hoặc xanh lục
Nước tiểu có màu xanh lam hoặc xanh lục có thể là do:
- Chất tạo màu thực phẩm: Một số chất tạo màu thực phẩm màu sắc rực rỡ có thể khiến cho nước tiểu đổi màu xanh lục. Thuốc cản quang được sử dụng trong một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh để kiểm tra chức năng thận và bàng quang có thể khiến nước tiểu chuyển màu xanh lam.
- Thuốc: Một số loại thuốc có thể khiến nước tiểu có màu xanh lam hoặc xanh lục là amitriptyline, indomethacin và propofol.
- Vấn đề sức khỏe: Tăng canxi máu lành tính có tính gia đình - một dạng rối loạn di truyền hiếm gặp - có thể khiến nước tiểu chuyển màu xanh lam. Nước tiểu màu xanh lục đôi khi là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu do vi khuẩn pseudomonas.
Nước tiểu màu nâu đỏ hoặc nâu sẫm
Nước tiểu màu nâu đỏ hoặc nâu sẫm có thể là do:
- Thực phẩm: Ăn một lượng lớn đậu răng ngựa hoặc lô hội có thể khiến nước tiểu chuyển màu nâu sẫm.
- Thuốc: Một số loại thuốc có thể khiến nước tiểu trở nên sẫm màu là thuốc điều trị sốt rét chloroquine và primaquine , thuốc kháng sinh metronidazole và nitrofurantoin, thuốc nhuận tràng có chứa cascara hoặc senna và methocarbamol (một loại thuốc giãn cơ).
- Vấn đề sức khỏe: Một số bệnh về gan, thận và một số bệnh nhiễm trùng ở đường tiết niệu có thể khiến nước tiểu chuyển sang màu nâu sẫm.
- Tập thể dục quá sức: Tổn thương cơ do tập thể dục quá sức có thể khiến nước tiểu có màu hồng hoặc màu nâu đỏ và tổn thương thận.
Nước tiểu đục
Nước tiểu đục có thể là triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc sỏi thận.
Các yếu tố nguy cơ
Đôi khi, nước tiểu đổi màu không phải do thức ăn hay thuốc mà là do vấn đề về sức khỏe. Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý làm thay đổi màu nước tiểu màu gồm có:
- Tuổi tác: Tiểu ra máu có thể là triệu chứng của ung thư bàng quang và ung thư thận. Người lớn tuổi có nguy cơ mắc những bệnh ung thư này cao hơn. Nam giới trên 50 tuổi còn có nguy cơ cao bị phì đại tiền liệt tuyến, bệnh lý này cũng có thể gây tiểu ra máu.
- Tiền sử gia đình: Những người có tiền sử gia đình mắc bệnh thận hoặc sỏi thận sẽ có nguy cơ gặp phải những vấn đề này cao hơn bình thường. Cả hai bệnh lý đều có thể gây tiểu ra máu.
- Tập cường độ cao: Bất kỳ ai tập thể dục cường độ cao đều có nguy cơ tiểu ra máu nhưng những người chạy bộ cự ly dài có nguy cơ cao nhất.
Chẩn đoán nguyên nhân
Ngoài đánh giá kỹ bệnh sử và khám lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm máu và xét nghiệm nước tiểu để xác định nguyên nhân khiến nước tiểu có màu bất thường:
- Xét nghiệm nước tiểu: giúp phát hiện tế bào hồng cầu, lượng protein cao và các khoáng chất được bài tiết trong nước tiểu – dấu hiệu chỉ ra các vấn đề ở thận hoặc đường tiết niệu. Phân tích mẫu nước tiểu còn giúp phát hiện sự hiện diện của vi khuẩn gây nhiễm trùng.
- Xét nghiệm máu: nồng độ creatinin và nitơ urê trong máu ở mức cao là những dấu hiệu cho thấy thận đang bị tổn thương và không thể thực hiện chức lọc máu bình thường. Xét nghiệm máu còn giúp phát hiện men gan cao và các bệnh lý như tiểu đường.
Điều trị
Nếu nước tiểu đổi màu do thực phẩm hay thuốc thì không cần phải điều trị. Trong trường hợp nước tiểu đổi màu do các vấn đề về sức khỏe thì việc điều trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân.
Khi cơ thể bị mất nước, nước tiểu sẽ trở nên cô đặc và có màu sẫm hơn. Lúc này cần uống thêm nước để cung cấp đủ nước cho cơ thể. Khi cơ thể đủ nước, nước tiểu sẽ có màu vàng nhạt. Uống đủ nước mỗi ngày là điều rất quan trọng để các cơ quan hoạt động bình thường và có sức khỏe tốt.
Nguồn: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/urine-color/symptoms-causes/syc-20367333
Nguyên nhân nào gây tăng cân trong thời kỳ mãn kinh và cách khắc phục
Dễ tăng cân và khó giảm cân khi bước vào thời kỳ mãn kinh là điều mà rất nhiều phụ nữ gặp phải.
Bỏng: Nguyên nhân, biện pháp phòng ngừa và điều trị
Nếu chỉ bị bỏng nhẹ thì có thể điều trị tại nhà. Các vết bỏng ngoài da thường lành lại trong vòng vài tuần. Nhưng khi bị bỏng nặng thì phải đến ngay cơ sở y tế.
Cước tay chân: Nguyên nhân và cách khắc phục
Cước là một phản ứng của cơ thể khi tiếp xúc với môi trường lạnh. Đây là một hiện tượng bình tường xảy ra vào mùa đông.
Hăm tã ở trẻ em: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị
Hăm tã khiến cho trẻ khó chịu, khóc quấy nhưng đây là vấn đề có thể xử lý đơn giản bằng các biện pháp khắc phục tại nhà, chẳng hạn như thay tã thường xuyên hơn, giữ cho da luôn khô ráo và dùng một số loại thuốc bôi ngoài da.
Ngứa: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa
Ngứa có thể chỉ xảy ra ở một vùng da nhỏ hoặc lan rộng ra toàn bộ cơ thể. Tùy vào nguyên nhân mà vùng da bị ngứa có thể còn xuất hiện các triệu chứng khác.
Ý kiến bạn đọc