Cần tiêm những loại vắc-xin nào trong khi mang thai và sau khi sinh?
Bảo vệ mẹ và bé bằng cách tiêm vắc-xin
Mẹ có biết bé được hưởng một phần khả năng miễn dịch từ cơ thể mẹ trong thời gian mang thai? Khả năng miễn dịch này bảo vệ bé khỏi một số bệnh trong vài tháng đầu đời nhưng điều này chỉ là tạm thời và sẽ giảm dần theo thời gian.
Tiêm vắc-xin ho gà và cúm vào mỗi lần mang thai
Vào mỗi lần mang thai, mẹ bầu nên tiêm vắc-xin phòng bệnh ho gà, bạch hầu và uốn ván (vắc-xin Tdap) và vắc-xin phòng cúm.
Vắc-xin phòng bệnh ho gà
Bất kỳ ai cũng có thể bị bệnh ho gà nghiêm trọng nhưng ở trẻ sơ sinh, căn bệnh này có thể đe dọa tính mạng. Theo thống kê, cứ 10 ca tử vong do bệnh ho gà thì có đến 7 ca là trẻ sơ sinh dưới 2 tháng tuổi. Những trẻ này còn quá nhỏ nên chưa thể tiêm vắc-xin. Trẻ càng nhỏ khi bị ho gà thì nguy cơ phải nhập viện điều trị càng cao. Đôi khi bố mẹ sẽ khó phát hiện con mình bị ho gà vì nhiều trẻ mắc bệnh này mà hoàn toàn không có triệu chứng ho điển hình. Tuy nhiên, bệnh có thể khiến trẻ ngừng thở và da chuyển sang màu tái xanh.
Khi người mẹ tiêm vắc-xin phòng ho gà trong thai kỳ thì cơ thể sẽ tạo ra các kháng thể bảo vệ và một phần lượng kháng thể này sẽ truyền qua nhau thai vào thai nhi. Những kháng thể này sẽ tạo sự bảo vệ tạm thời cho em bé khỏi bệnh ho gà trong một thời gian ngắn sau khi chào đời. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh CDC khuyến nghị nên tiêm phòng ho gà vào tuần thứ 27 đến tuần thứ 36 của mỗi thai kỳ, tốt nhất là vào đầu giai đoạn này.
Vắc-xin phòng cúm
Phụ nữ mang thai thường bị cúm nặng hơn và nguy cơ xảy ra biến chứng do cúm cũng cao hơn. Nguyên nhân có thể là do những thay đổi về chức năng miễn dịch, tim và phổi trong thai kỳ.
Tiêm phòng cúm khi mang thai, đặc biệt là mang thai trong mùa cúm, là cách tốt nhất để ngăn ngừa hoặc giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh và bảo vệ em bé trong vòng vài tháng sau khi sinh khỏi các biến chứng do cúm. Phụ nữ có thể tiêm phòng cúm vào bất cứ lúc nào trong mỗi lần mang thai.
Các loại vắc-xin khác
Ngoài vắc-xin phòng bệnh ho gà và cúm thì còn có một số loại vắc-xin khác mà mẹ bầu có thể cần tiêm trước, trong khi mang thai hoặc sau khi sinh. Ví dụ, những phụ nữ làm việc trong phòng thí nghiệm của bệnh viện hoặc di chuyển đến một quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh viêm não mô cầu cao thì có thể phải tiêm vắc-xin phòng viêm não mô cầu. Bên cạnh đó còn có một số loại vắc-xin khác như:
- Vắc-xin viêm gan B: Những trẻ có mẹ bị viêm gan B sẽ có nguy cơ bị lây truyền virus viêm gan B rất cao trong khi sinh. Do đó, mẹ bầu cần làm xét nghiệm viêm gan B và hỏi bác sĩ xem có cần tiêm phòng hay không.
- Vắc-xin viêm gan A: Đối với những phụ nữ mang thai có tiền sử bệnh gan mạn tính, bác sĩ có thể sẽ đề nghị tiêm vắc-xin phòng viêm gan A.
- Các vắc-xin nên tiêm trước khi đi nước ngoài: Những phụ nữ mang thai có kế hoạch sang nước ngòai cần đến gặp bác sĩ ít nhất 4 đến 6 tuần trước chuyến đi để được tư vấn về những biện pháp phòng ngừa cần thiết, ví dụ như tiêm vắc-xin.
Tiêm vắc-xin sau khi sinh
Bác sĩ có thể sẽ chỉ định tiêm một số loại vắc-xin ngay sau khi sinh. Việc tiêm phòng sau sinh sẽ giúp bảo vệ mẹ khỏi một số bệnh và các kháng thể sẽ được truyền sang cho trẻ qua sữa mẹ nếu trẻ bú mẹ. Tiêm phòng sau khi sinh là điều đặc biệt quan trọng đối với những phụ nữ chưa tiêm một số loại vắc-xin được khuyến nghị trước hoặc trong thai kỳ.
Tuy nhiên, nếu để sau khi sinh mới tiêm vắc-xin thì cơ thể người mẹ và bé sẽ chưa được bảo vệ khỏi bệnh tật ngay vì thường phải mất khoảng 2 tuần sau khi tiêm thì cơ thể mới tạo ra đủ lượng kháng thể. Sau khi chào đời, em bé cũng sẽ bắt đầu được tiêm vắc-xin để phòng ngừa các bệnh nghiêm trọng có thể xảy ra ở trẻ em.
Các câu hỏi thường gặp về tiêm chủng khi mang thai
Ở những phụ nữ đang mang thai hoặc dự định mang thai, các loại vắc-xin cụ thể cần tiêm sẽ phụ thuộc vào độ tuổi, lối sống, tình trạng sức khỏe và những lần tiêm phòng trước đó.
Sảy thai: Những điều cần biết
Sảy thai có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân nhưng đa phần là do thai nhi không phát triển bình thường chứ không phải do lỗi của người mẹ.
Mang thai ngoài tử cung
Thai ngoài tử cung không thể tồn tại và phát triển bình thường cho đến ngày sinh. Nếu không can thiệp xử lý kịp thời, túi thai sẽ bị vỡ và gây chảy máu nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng của người mẹ.
Các loại vắc-xin nên tiêm theo từng độ tuổi
Tiêm vắc-xin là một trong những cách tốt nhất để phòng ngừa một số bệnh tật. Các bệnh này có thể gây hại nghiêm trọng và thậm chí là dẫn đến tử vong.
Ý kiến bạn đọc