Mang thai ngoài tử cung

Thai ngoài tử cung không thể tồn tại và phát triển bình thường cho đến ngày sinh. Nếu không can thiệp xử lý kịp thời, túi thai sẽ bị vỡ và gây chảy máu nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng của người mẹ.

Thai ngoài tử cung là gì?

Quá trình mang thai bắt đầu khi trứng được thụ tinh với tinh trùng. Bình thường, trứng sau khi thụ tinh sẽ bám vào niêm mạc tử cung và phát triển thành bào thai. Mang thai ngoài tử cung xảy ra khi trứng đã thụ tinh làm tổ và phát triển ở bên ngoài buồng tử cung.

Điều này đa phần diễn ra trong ống dẫn trứng – bộ phận mang trứng từ buồng trứng đến tử cung nhưng cũng có thể xảy ra ở cả các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như buồng trứng, khoang bụng hoặc phần dưới của tử cung (cổ tử cung).

Thai ngoài tử cung không thể tồn tại và phát triển bình thường cho đến ngày sinh. Nếu không can thiệp xử lý kịp thời, túi thai sẽ bị vỡ và gây chảy máu nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng của người mẹ.

Dấu hiệu mang thai ngoài tử cung

Ban đầu, thai ngoài tử cung thường không có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào. Những phụ nữ mang thai ngoài tử cung cũng gặp phải các dấu hiệu giống như mang thai bình thường, gồm có mất kinh nguyệt, vú căng tức, mệt mỏi, buồn nôn,…

Khi thử thai, que thử vẫn cho kết quả dương tính. Chỉ có điều, thai ngoài tử cung sẽ không thể duy trì được.

Vì trứng đã thụ tinh bám ở vị trí bất thường nên các triệu chứng sẽ dần trở nên rõ rệt hơn.

Các dấu hiệu đầu tiên

Thông thường, dấu hiệu đầu tiên cảnh báo thai ngoài tử cung là chảy máu âm đạo và đau vùng chậu.

Nếu máu chảy ra từ ống dẫn trứng thì sản phụ sẽ có cảm giác đau vai hoặc buồn đi ngoài thường xuyên. Các dấu hiệu cụ thể phụ thuộc vào vị trí bị tụ máu và dây thần kinh bị kích thích.

Các dấu hiệu khẩn cấp

Nếu túi thai tiếp tục phát triển thì sẽ gây vỡ ống dẫn trứng và dẫn đến chảy máu ồ ạt bên trong ổ bụng. Các dấu hiệu cho thấy túi thai đã vỡ gồm có:

  • Ra máu
  • Choáng váng
  • Ngất
  • Mạch nhanh
  • Đau nhói dữ dội ở bụng dưới hoặc vùng chậu.
  • Tụt huyết áp

Cần đến bệnh viện ngay khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào kể trên.

Nguyên nhân

Phần lớn các trường hợp thai ngoài tử cung xảy ra ở ống dẫn trứng. Điều này xảy ra khi trứng sau khi được thụ tinh bị mắc kẹt trên đường đến tử cung, thường là do ống dẫn trứng bị tắc nghẽn sau khi viêm nhiễm hoặc có hình dạng bất thường. Sự mất cân bằng nội tiết tố hoặc sự phát triển bất thường của trứng đã thụ tinh cũng có thể góp phần dẫn đến mang thai ngoài tử cung.

Các yếu tố nguy cơ

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung:

  • Từng mang thai ngoài tử cung trước đây: nếu đã từng mang thai ngoài tử cung trước đây thì nguy cơ xảy ra vấn đề tương tự vào lần mang thai sau sẽ cao hơn.
  • Viêm hoặc nhiễm trùng: các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI), chẳng hạn như bệnh lậu hoặc chlamydia, có thể gây viêm trong ống dẫn trứng và các cơ quan lân cận. Điều này làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung.
  • Mang thai nhờ các phương pháp hỗ trợ sinh sản: một số nghiên cứu cho thấy rằng những phụ nữ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) hoặc sử dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản tương tự có nguy cơ mang thai ngoài tử cung cao hơn so với những người thụ thai tự nhiên.
  • Từng phẫu thuật ống dẫn trứng: phẫu thuật điều trị tắc ống dẫn trứng hoặc các vấn đề khác có thể làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung.
  • Các biện pháp kiểm soát sinh sản: khả năng mang thai sau khi đặt vòng tránh thai (IUD) là rất thấp nhưng không phải là không thể. Nếu vẫn thụ thai trong thời gian đang sử dụng vòng tránh thai thì sẽ có nguy cơ cao bị thai ngoài tử cung. Thắt ống dẫn trứng - một phương pháp ngừa thai vĩnh viễn ở phụ nữ - cũng làm tăng nguy cơ nếu như có thai sau khi thực hiện thủ thuật.
  • Hút thuốc: hút thuốc lá ngay trước khi mang thai sẽ làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung. Càng hút nhiều thì nguy cơ càng cao.

Biện pháp chẩn đoán

Bác sĩ sẽ khám lâm sàng để xác định những vùng bị đau hoặc bất thường trong ống dẫn trứng và buồng trứng. Sau đó sẽ cần xét nghiệm máu và siêu âm.

Thử thai

Trước tiên cần xét nghiệm máu để đo nồng độ hCG (gonadotropin màng đệm ở người). HCG là hormone được sản xuất trong thai kỳ. Nồng độ tăng cao có nghĩa là đã mang thai. Có thể cần làm xét nghiệm lại cách vài ngày một lần cho đến khi siêu âm có thể kiểm tra khả năng mang thai ngoài tử cung - thường là khoảng 5 đến 6 tuần sau khi thụ thai.

Siêu âm

Phương pháp siêu âm qua đường âm đạo cho phép xác định chính xác vị trí của thai. Đầu dò siêu âm có dạng thuôn dài được đưa vào trong âm đạo và phát ra sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của tử cung, buồng trứng cùng với ống dẫn trứng và hiển thị lên màn hình.

Ngoài ra có thể kết hợp cả siêu âm qua thành bụng, trong đó đầu dò siêu âm được di chuyển trên bụng để xác nhận đã mang thai hoặc đánh giá tình trạng chảy máu trong ổ bụng.

Các xét nghiệm máu khác

Nếu đã xác nhận thai ngoài tử cung thì có thể cần phải tiến hành xét nghiệm công thức máu toàn bộ để kiểm tra tình trạng thiếu máu hoặc các dấu hiệu mất máu khác. Xét nghiệm máu còn cho biết nhóm máu trong trường hợp cần truyền máu.

Điều trị

Trứng đã thụ tinh không thể phát triển bình thường ở bên ngoài buồng tử cung. Để ngăn ngừa các biến chứng đe dọa đến tính mạng thì thai ngoài tử cung cần được loại bỏ sớm. Tùy thuộc vào các triệu chứng và thời điểm phát hiện mà thai sẽ được loại bỏ bằng thuốc hoặc phẫu thuật.

Dùng thuốc

Với các trường hợp thai ngoài tử cung phát hiện sớm thì có thể xử lý bằng methotrexate – một loại thuốc làm ngừng sự phát triển của tế bào và làm tan các tế bào hiện có. Thuốc này được tiêm vào tĩnh mạch. Phải xác nhận chắc chắn mang thai ngoài tử cung trước khi điều trị bằng methotrexate.

Sau khi tiêm, sản phụ cần làm xét nghiệm hCG để kiểm tra hiệu quả và xem có cần phải tiêm thêm hay không. Khi bắt đầu phát huy tác dụng, methotrexate sẽ gây ra các hiện tượng tương tự như sảy thai, gồm có đau bụng dưới và chảy máu âm đạo kèm theo mô thai. Methotrexate có ưu điểm là không có rủi ro tổn thương ống dẫn trứng giống như phẫu thuật nhưng sẽ không thể có thai trong vòng vài tháng sau khi dùng thuốc.

Phẫu thuật nội soi

Mổ thông tắc ống dẫn trứng và cắt ống dẫn trứng là hai phương pháp phẫu thuật để xử lý các trường hợp mang thai ngoài tử cung. Trong quy trình phẫu thuật, bác sĩ rạch một đường nhỏ ở gần hoặc ngay tại rốn. Sau đó đưa ống nội soi vào để quan sát ống dẫn trứng.

Trong ca mổ thông tắc ống dẫn trứng, túi thai bị loại bỏ và để cho ống dẫn trứng tự lành. Khi phẫu thuật cắt ống dẫn trứng, cả túi thai và ống dẫn trứng đều bị loại bỏ.

Bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phù hợp tùy vào mức độ chảy máu, tổn thương và khả năng bị vỡ ống dẫn trứng. Ngoài ra, một yếu tố khác cần cân nhắc là ống dẫn trứng còn lại có bình thường không hay cũng có dấu hiệu bị tổn hại.

Phẫu thuật khẩn cấp

Nếu thai ngoài tử cung bị vỡ và gây chảy máu ồ ạt thì sẽ phải phẫu thuật khẩn cấp. Ca phẫu thuật có thể được thực hiện bằng phương pháp nội soi hoặc mổ mở qua một đường rạch dài ở bụng. Mặc dù đôi khi vẫn có thể giữ được ống dẫn trứng nhưng đa phần thì sẽ phải cắt bỏ bên bị vỡ.

Biến chứng

Biến chứng thường gặp nhất của thai ngoài tử cung là vỡ ống dẫn trứng và gây chảy máu nhiều trong ổ bụng. Nếu không can thiệp kịp thời, tình trạng này sẽ đe dọa tính mạng của người mẹ. Trong số các trường hợp sản phụ tử vong do mang thai trong ba tháng đầu thì thai ngoài tử cung là nguyên nhân phổ biến nhất.

Phòng ngừa

Không có cách nào có thể ngăn ngừa mang thai ngoài tử cung nhưng có thể giảm nguy cơ bằng các cách sau đây:

  • Hạn chế số lượng bạn tình và sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục để tránh mắc phải các bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu hay chlamydia. Các bệnh này là nguyên nhân chính gây bệnh viêm vùng chậu và viêm vùng chậu sẽ làm hỏng ống dẫn trứng, dẫn đến tắc nghẽn và tăng nguy cơ thai ngoài tử cung.
  • Khám phụ khoa định kỳ và làm xét nghiệm bệnh lây truyền qua đường tình dục để phát hiện và điều trị sớm các vấn đề có thể dẫn đến mang thai ngoài tử cung.
  • Không hút thuốc lá: nếu hút thuốc thì hãy cố gắng bỏ càng sớm càng tốt trước khi mang thai.
  • Khi mang thai cần đi khám định kỳ theo đúng lịch: mặc dù điều này không giúp ngăn ngừa thai ngoài tử cung nhưng sẽ có thể phát hiện sớm vấn đề để điều trị và phòng ngừa biến chứng.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Các câu hỏi thường gặp về tiêm chủng khi mang thai

Ở những phụ nữ đang mang thai hoặc dự định mang thai, các loại vắc-xin cụ thể cần tiêm sẽ phụ thuộc vào độ tuổi, lối sống, tình trạng sức khỏe và những lần tiêm phòng trước đó.

Cần tiêm những loại vắc-xin nào trong khi mang thai và sau khi sinh?

Mẹ bầu nên tiêm vắc-xin phòng bệnh ho gà và cúm trong mỗi lần mang thai để bảo vệ bản thân và thai nhi trong những tháng đầu đời.

Xơ cứng bì khu trú dạng mảng

Bệnh xơ cứng bì khu trú dạng mảng có nhiều triệu chứng khác nhau, tùy thuộc vào từng dạng cụ thể và giai đoạn bệnh.

U xơ tử cung

thông tin

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây