Cháy nắng

Bất kỳ bộ phận nào của cơ thể tiếp xúc với nắng, bao gồm cả tai, da đầu và môi đều có thể bị cháy nắng. Ngay cả những khu vực được che phủ cũng có thể bị cháy nắng nếu mặc quần áo quá mỏng hoặc vải thưa khiến cho tia cực tím có thể xuyên qua.

Cháy nắng là gì?

Cháy nắng là tình trạng da bị tổn thương do tiếp xúc với ánh nắng mạnh trong thời gian dài với biểu hiện là da đỏ, rát và có cảm giác nóng khi chạm lên. Cháy nắng thường chủ yếu xảy ra do ở lâu ngoài trời nắng nhưng cũng có thể là do tiếp xúc nhiều với các nguồn tia cực tím (UV) nhân tạo, chẳng hạn như đèn tia cực tím hay giường nhuộm da. Có nhiều biện pháp để làm dịu vùng da cháy nắng nhưng những vùng da này sẽ bị sạm đen trong một thời gian dài.

Tiếp xúc với tia UV cường độ cao, lặp đi lặp lại còn làm gây ra nhiều vấn đề khác cho làn da, chẳng hạn như đốm nâu, da sần sùi, thô ráp hoặc nhăn nheo và làm tăng nguy cơ ung thư da, ví dụ như ung thư hắc tố.

Để ngăn ngừa cháy nắng và các vấn đề khác do ánh nắng gây ra thì cần bảo vệ làn da khỏi tia cực tím. Đây là điều đặc biệt quan trọng khi ở ngoài trời, ngay cả trong những ngày thời tiết mát mẻ hoặc nhiều mây.

Các biểu hiện khi bị cháy nắng

Các biểu hiện thường gặp khi bị cháy nắng gồm có:

  • Da đỏ ửng
  • Da có cảm nóng và bỏng rát, đặc biệt là khi chạm vào
  • Da trở nên nhạy cảm
  • Sưng tấy
  • Nổi mụn nước, có thể bị vỡ
  • Nhức đầu, sốt, buồn nôn và mệt mỏi nếu cháy nắng nghiêm trọng
  • Mắt có cảm giác đau, cộm vướng và chảy nước mắt liên tục

Bất kỳ bộ phận nào của cơ thể tiếp xúc với nắng, bao gồm cả tai, da đầu và môi đều có thể bị cháy nắng. Ngay cả những khu vực được che phủ cũng có thể bị cháy nắng nếu mặc quần áo quá mỏng hoặc vải thưa khiến cho tia cực tím có thể xuyên qua. Đôi mắt vốn vô cùng nhạy cảm với tia cực tím nên rất dễ bị tổn thương khi tiếp xúc lâu với nắng.

Các dấu hiệu cháy nắng thường xuất hiện trong vòng vài giờ sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhưng có thể phải sau một ngày hoặc lâu hơn thì mới biết được mức độ nghiêm trọng của tình trạng cháy nắng.

Trong vòng vài ngày, cơ thể sẽ bắt đầu tự chữa lành vùng bị cháy nắng bằng cách bong lớp da bị tổn thương ở trên cùng. Sau khi bong, da sẽ tạm thời có màu không đều. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng mà có thể phải mất vài ngày hoặc lâu hơn thì vùng da cháy nắng mới lành lại.

Khi nào cần đi khám?

Cần đi khám bác sĩ nếu:

  • Bị cháy nắng trên một vùng rộng và phồng rộp
  • Nổi mụn nước trên mặt, tay hoặc bộ phận sinh dục
  • Bị sưng tấy, đau rát nghiêm trọng
  • Có dấu hiệu nhiễm trùng, chẳng hạn như đau đớn, mưng mủ hoặc xuất hiện vệt đỏ từ vết phồng rộp bị vỡ
  • Tình trạng không cải thiện sau vài ngày

Đến ngay cơ sở y tế nếu bị cháy nắng và có các triệu chứng:

  • Sốt cao trên 39 độ C
  • Đầu óc lú lẫn, không tỉnh táo
  • Ngất xỉu
  • Mất nước

Nguyên nhân gây cháy nắng

Cháy nắng là do tiếp xúc với tia cực tím (UV) liên tục trong thời gian dài. Tia cực tím có thể đến từ ánh nắng mặt trời hoặc các nguồn nhân tạo, chẳng hạn như đèn tia cực tím và giường nhuộm da.

Lớp ngoài cùng của da (lớp thượng bì) có chứa melanin - sắc tố tạo nên màu sắc cho làn da. Khi tiếp xúc với tia cực tím, cơ thể sẽ tự bảo vệ bằng cách sản xuất nhiều melanin hơn. Lượng melanin dư thừa khiến cho da bị sạm đen. Đây là cơ chế tự nhiên của cơ thể để ngăn cản tia UV gây hại da và tránh bị cháy nắng. Tuy nhiên, khả năng tự bảo vệ này là có hạn và việc tiếp với tia UV quá nhiều vẫn sẽ khiến da bị tổn thương.

Da có thể bị cháy nắng ngay cả vào những ngày trời mát mẻ hoặc nhiều mây. Tia UV có thể xuyên qua các đám mây và chiếu lên da. Tuyết, cát, nước và các bề mặt khác có thể phản xạ tia cực tím và gây hại cho da tương tự như khi tiếp xúc trực tiếp.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ cháy nắng

Các yếu tố làm tăng nguy cơ cháy nắng gồm có:

  • Da sáng, mắt xanh và tóc đỏ hoặc vàng
  • Sống ở những nơi có khí hậu nóng, nhiều nắng
  • Thường xuyên làm việc ngoài trời
  • Bơi lội hoặc thường xuyên tiếp xúc với nước vì da ướt dễ bị cháy nắng hơn da khô
  • Tham gia các hoạt động ngoài trời và uống rượu bia
  • Thường xuyên để da tiếp xúc với tia UV từ ánh nắng mặt trời hoặc các nguồn nhân tạo, chẳng hạn như giường nhuộm da mà không có biện pháp bảo vệ
  • Đang dùng các loại thuốc khiến da trở nên nhạy cảm hơn với ánh nắng

Các vấn đề phát sinh do cháy nắng

Thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mạnh trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra các dạng tổn thương da khác và một số bệnh về da như lão hóa da sớm, tổn thương da tiền ung thư và ung thư da.

Lão hóa da sớm

Thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời và bị cháy nắng nhiều lần sẽ đẩy nhanh quá trình lão hóa da và khiến cho chúng ta trông già hơn tuổi. Những thay đổi ở da do tia cực tím gây ra được gọi là lão hóa do ánh nắng mặt trời (photoaging). Làn da bị lão hóa có những biểu hiện như:

  • Mô liên kết bị suy yếu, làm giảm sự săn chắc và độ đàn hồi của da
  • Xuất hiện các nếp nhăn sâu
  • Da khô ráp
  • Nhìn thấy các mạch máu nhỏ bên dưới da ở má, mũi và tai
  • Xuất hiện đốm nâu (đốm đồi mồi) ở những vùng thường phơi nắng như mặt, mu bàn tay, cánh tay, ngực trên và vai

Tổn thương da tiền ung thư

Tổn thương da tiền ung thư thường có dạng các mảng sần sùi, thô ráp, đóng vảy ở những vùng da bị tổn hại do ánh nắng, thường là ở đầu, mặt, cổ và tay. Những người có da sáng màu có nguy cơ cao hơn so với người có da tối màu. Các mảng tổn thương da tiền ung thư được gọi là dày sừng quang hóa hay dày sừng ánh sáng và có thể tiến triển thành ung thư da.

Ung thư da

Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá nhiều, ngay cả khi không bị cháy nắng, sẽ làm tăng nguy cơ ung thư da, chẳng hạn như ung thư tế bào hắc tố. Tia cực tím làm hỏng DNA của tế bào da, khiến cho các tế bào phát triển mất kiểm soát và tập hợp lại, hình thành nên u ác tính. Việc từng bị cháy nắng có thể làm tăng nguy cơ ung thư hắc tố (u hắc tố ác tính).

Ung thư da xảy ra chủ yếu trên các vùng cơ thể tiếp xúc nhiều nhất với ánh nắng mặt trời, gồm có da đầu, mặt, môi, tai, cổ, ngực, cánh tay, bàn tay, chân và lưng.

Một số dạng ung thư da có dấu hiệu là xuất hiện nốt sần nhỏ hoặc vết loét trên da. Các vết loét này dễ chảy máu, sau đó đóng vảy, lành lại và rồi lại loét ra. Khi bị ung thư hắc tố, dấu hiệu thường là xuất hiện nốt ruồi mới bất thường trên da hoặc nốt ruồi có từ trước đột nhiên thay đổi về mắc sắc, hình dạng hay kích thước. U hắc tố ác tính tại chỗ (lentigo maligna) là một dạng ung thư hắc tố hình thành ở những vùng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài, có dấu hiệu ban đầu là xuất hiện đốm phẳng màu nâu nhạt, sau đó từ từ trở nên sẫm màu và to ra.

Cần đi khám bác sĩ nếu phát hiện da xuất hiện nốt ruồi mới đáng ngờ, nốt ruồi cũ thay đổi bất thường hoặc có vết loét không lành.

Tổn thương mắt

Ánh nắng mặt trời còn có thể gây tổn hại đến mắt. Tiếp xúc với tia cực tím mạnh hoặc trong thời gian dài sẽ làm hỏng võng mạc, thủy tinh thể hoặc giác mạc. Tác động của ánh nắng mặt trời đến thủy tinh thể có thể dẫn đến bệnh đục thủy tinh thể. Khi bị tổn thương do ánh nắng, mắt sẽ có cảm giác đau nhức, cộm và chảy nước mắt liên tục.

Phòng ngừa cháy nắng

Thực hiện các biện pháp dưới đây để ngăn ngừa cháy nắng, ngay cả trong những ngày trời nhiều mây hoặc âm u. Cần đặc biệt cẩn thận khi xung quanh có nhiều nước, tuyết hoặc cát trắng vì những bề mặt này có thể phản chiếu tia UV trong ánh nắng. Ngoài ra, càng lên cao thì cường độ tia UV càng mạnh.

  • Không ra ngoài trời nắng trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều: Ánh nắng mặt trời có cường độ mạnh nhất trong khoảng thời gian này nên nếu không có việc thật sự cần thiết thì không nên ra ngoài. Cố gắng sắp xếp các hoạt động ngoài trời trước 10 giờ sáng hoặc sau 4 giờ chiều. Nếu bắt buộc phải ra ngoài thì cần phải có biện pháp bảo vệ da và ở trong bóng râm khi có thể.
  • Không tắm nắng và nằm giường nhuộm da: Giường nhuộm da phát ra tia cực tím và cũng có thể gây tổn thương da và làm tăng nguy cơ ung thư da giống như ánh nắng mặt trời tự nhiên.
  • Che kín da khi ra ngoài: Khi ra ngoài trời cần đội mũ rộng vành, đeo khẩu trang, kính râm và mặc quần áo dài che kín người. Nên chọn quần áo màu tối và bằng vải dày để bảo vệ da hiệu quả hơn. Nếu có thể thì nên tìm mua áo khoác chống nắng có chỉ số chống tia cực tím (UPF) 50 trở lên. Hiệu quả bảo vệ da khỏi tia UV của những loại áo này có thể lên đến 98%.
  • Luôn bôi kem chống nắng: Sử dụng kem chống nắng chống nước có chỉ số SPF 30 trở lên và phổ rộng để bảo vệ da khỏi tia UVA và UVB. Ngoài ra nên dùng cả son dưỡng môi có chỉ số SPF. Bôi kem chống nắng khoảng 15 đến 30 phút trước khi ra ngoài, chú ý bôi đủ lượng kem theo khuyến nghị đều khắp vùng da cần bảo vệ và bôi lại sau mỗi 2 tiếng hoặc thường xuyên hơn nếu đi bơi hoặc ra nhiều mồ hôi. Nếu còn sử dụng thuốc chống côn trùng thì hãy bôi kem chống nắng trước. Không nên sử dụng các sản phẩm kết hợp cả thuốc chống côn trùng và kem chống nắng vì kem chống nắng cần bôi lại sau một vài tiếng còn thuốc chống côn trùng thì chỉ cần sử dụng một lượng vừa đủ trên da là có thể bảo vệ da trong suốt một thời gian dài. Kiểm tra hạn sử dụng của kem chống nắng và bỏ ngay nếu đã hết hạn. Khi chưa mở nắp, kem chống nắng có hạn sử dụng là 3 năm kể từ ngày sản xuất nhưng một khi đã mở thì chỉ sử dụng được trong vòng 1 năm.
  • Bảo vệ da cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: Da của trẻ rất nhạy cảm và cần được bảo vệ cẩn thận khỏi ánh nắng. Không nên cho trẻ ra ngoài khi trời nắng mạnh, nếu cần ra ngoài thì phải mặc quần áo dài, che chắn kỹ và sử dụng kem chống nắng dành riêng cho trẻ em lên mặt và mu bàn tay. Bố mẹ nên chọn mua kem chống nắng vật lý có các thành phần như titanium oxide hay zinc oxide để tránh gây kích ứng da và chỉ số SPF ít nhất là 15. Tuy nhiên, không sử dụng kem chống nắng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi. Gần giữ mát cho cơ thể, cho trẻ uống đủ nước và tránh ánh nắng trực tiếp.
  • Đeo kính râm khi ra ngoài trời: Chọn kính râm có tác dụng ngăn cả tia UVA và UVB. Không phải cứ kính tối màu là có thể ngăn tia UV hiệu quả. Điều quan trọng là phải chọn mua loại kính có chỉ số chống tia UV cao và ôm sát mặt.

Lưu ý đến các loại thuốc khiến da nhạy cảm với ánh nắng mặt trời: Một số loại thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn, ví dụ như thuốc kháng sinh, retinoid và ibuprofen có thể khiến da trở nên nhạy cảm hơn với ánh nắng. Nếu đang dùng những loại thuốc này thì cần chú ý bảo vệ da kỹ hơn khi ra ngoài trời.

Biện pháp chẩn đoán

Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám và đặt các câu hỏi về các triệu chứng gặp phải, mức độ tiếp xúc với tia cực tím và tiền sử bị cháy nắng.

Nếu bị cháy nắng hoặc phản ứng da sau khi mới chỉ tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong thời gian ngắn thì bác sĩ sẽ thực hiện phương pháp test ánh sáng (phototesting), trong đó chiếu tia UVA và UVB cường độ yếu lên một vùng da nhỏ. Nếu xảy ra phản ứng thì chứng tỏ da bị nhạy cảm với ánh sáng (photosensitive).

Điều trị cháy nắng

Khi bị cháy nắng, thường sau 1 – 2 ngày thì các biểu hiện mới trở nên rõ rệt và sau vài ngày tiếp theo da mới bắt đầu lành lại.

Các phương pháp điều trị không thể làm cho da hết cháy nắng nhưng có thể làm dịu cảm giác đau rát, phồng rộp và khó chịu. Trước tiên có thể thử các biện pháp tự phục hồi da tại nhà và nếu không đỡ hoặc tình trạng cháy nắng quá nghiêm trọng thì nên đi khám để bác sĩ kê thuốc hoặc chỉ định các phương pháp điều trị phù hợp.

Các biện pháp phục hồi da

Một khi đã bị cháy nắng thì da sẽ bị tổn thương và không có cách nào cứu vãn được nhưng các biện pháp dưới đây có thể làm giảm đau rát, sưng tấy và phồng rộp:

  • Uống thuốc giảm đau: Để giảm đau rát thì nên dùng thuốc giảm đau không kê đơn, ví dụ như ibuprofen hoặc natri naproxen càng sớm càng tốt sau khi tiếp xúc ánh mặt trời. Một số loại thuốc giảm đau có dạng gel bôi trực tiếp lên da.
  • Làm mát da: Đắp một chiếc khăn sạch thấm nước lên vùng da bị tổn thương vài lần mỗi ngày hoặc ngâm trong bồn nước mát, có thể cho thêm một ít muối nở baking soda.
  • Bôi kem dưỡng ẩm: Dùng gel lô hội hoặc kem dưỡng có thành phần calamine để làm dịu da.
  • Uống nhiều nước để ngăn ngừa mất nước.
  • Không làm vỡ các nốt mụn rộp: Nếu da bị nổi mụn nước thì nên nhẹ nhàng vệ sinh da hàng ngày bằng xà bông dịu nhẹ và nước, sau đó bôi thuốc mỡ kháng sinh lên vết thương rồi băng nhẹ lên. Không bóp hay chọc vỡ mụn nước để tránh bị nhiễm trùng.
  • Chăm sóc cho vùng da bị bong tróc: Trong vòng vài ngày, vùng bị cháy nắng sẽ bắt đầu bong lớp da bên trên. Đây là cách cơ thể tự loại bỏ các tế bào da bị hỏng. Để cho da tự bong, không nên lột và trong thời gian này cần dưỡng ẩm kỹ cho da.
  • Uống thuốc trị ngứa: Các thuốc kháng histamin như diphenhydramine có tác dụng giảm ngứa khi da bắt đầu bong tróc và thay da mới.
  • Bôi corticoid: Nếu bị cháy nắng nhẹ đến vừa thì có thể thoa corticoid tại chỗ lên vùng bị tổn thương.
  • Không để vùng cháy nắng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời: Trong thời gian da đang lành lại thì phải tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng bằng cách che chắn kỹ cho da khi ra ngoài.
  • Tránh các sản phẩm chứa thành phần có đuôi “-caine”, chẳng hạn như benzocaine: Những thành phần này có thể gây kích ứng hoặc dị ứng da. Benzocain có thể gây ra một tình trạng hiếm gặp nhưng nguy hiểm, đó là làm giảm lượng oxy trong máu (methemoglobin huyết). Không sử dụng benzocaine cho trẻ em dưới 2 tuổi mà không có sự giám sát của bác sĩ. Người lớn không được dùng vượt quá liều lượng khuyến cáo và trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

U nang tuyến Bartholin

U nang và áp-xe tuyến Bartholin là những vấn đề phổ biến. Việc điều trị u nang tuyến Bartholin phụ thuộc vào kích thước của u nang, mức độ nặng nhẹ của triệu chứng và có bị nhiễm trùng hay không.

U nang buồng trứng

U nang buồng trứng là một bệnh phụ khoa mà rất nhiều phụ nữ gặp phải nhưng đa phần đều chỉ có ít hoặc không gây triệu chứng và vô hại. Phần lớn u nang buồng trứng đều tự biến mất trong vòng vài tháng mà không cần điều trị.

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)

Các dấu hiệu, triệu chứng của hội chứng buồng trứng đa nang thường xuất hiện vào kỳ kinh nguyệt đầu tiên trong độ tuổi dậy thì nhưng đôi khi, các triệu chứng xuất hiện muộn hơn và chỉ biểu hiện rõ khi tăng cân đáng kể.

Tiêu chảy do kháng sinh

Đa số các trường hợp tiêu chảy do kháng sinh chỉ nhẹ và không cần điều trị. Vấn đề thường khỏi trong vòng vài ngày sau khi ngừng thuốc. Nhưng cũng có nhiều trường hợp bị nặng và phải điều trị bằng các loại thuốc khác.

Nang tụy

Nang tụy đa phần không có triệu chứng và thường chỉ được phát hiện ra trong quá trình thực hiện các biện pháp chẩn đoán hình ảnh vì một lý do khác.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây