Nang tụy

Nang tụy đa phần không có triệu chứng và thường chỉ được phát hiện ra trong quá trình thực hiện các biện pháp chẩn đoán hình ảnh vì một lý do khác.

Nang tụy là gì?

Nang tụy là những túi chứa dịch hình thành ở trên hoặc trong tuyến tụy. Tuyến tụy là một cơ quan nằm ở phía sau dạ dày, có chức năng sản xuất ra các hormone và enzyme giúp tiêu hóa thức ăn. Nang tụy thường được phát hiện trong quá trình thăm khám một vấn đề khác.

Nang tụy được chia thành hai nhóm chính là u nang không tân lập và u nang có sự tân lập. Mỗi nhóm lại gồm có nhiều loại khác nhau, chẳng hạn như nang giả, nang thanh dịch và nang nhầy. Hầu hết các loại này đều lành tính, không phải ung thư và nhiều loại còn không gây ra triệu chứng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nang tụy là khối u ác tính hoặc có thể phát triển thành ung thư.

Bác sĩ sẽ lấy mẫu dịch trong nang tụy để xác định xem có tế bào ung thư hay không hoặc người bệnh phải đi khám định kỳ để theo dõi nang tụy và phát hiện sớm những thay đổi bất thường.

Triệu chứng

Nang tụy đa phần không có triệu chứng và thường chỉ được phát hiện ra trong quá trình thực hiện các biện pháp chẩn đoán hình ảnh vì một lý do khác.

Tuy nhiên, đôi khi nang tụy gây ra các triệu chứng như:

  • Đau bụng dai dẳng, có thể lan ra sau lưng
  • Buồn nôn và nôn mửa
  • Chán ăn, nhanh no dù không ăn nhiều
  • Chướng bụng
  • Sụt cân

Khi nào cần đi khám?

Trong một số trường hợp, nang tụy bị nhiễm trùng. Hãy đi khám ngay nếu bị sốt và đau bụng dai dẳng.

Ngoài ra, mặc dù hiếm nhưng nang tụy có thể bị vỡ và một khi điều này xảy ra thì sẽ cần can thiệp khẩn cấp. Nang tụy bị vỡ có thể gây nhiễm trùng ổ bụng (viêm phúc mạc).

Nguyên nhân

Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân cụ thể gây hình thành nang tụy. Một số nghiên cứu cho thấy nang tụy có thể liên quan đến các bệnh hiếm gặp, ví dụ như bệnh thận đa nang hoặc bệnh Von Hippel-Lindau - một rối loạn di truyền ảnh hưởng đến tuyến tụy và các cơ quan khác.

Nang giả tụy thường xuất hiện sau khi bị viêm tụy – một bệnh gây đau đớn do các enzyme tiêu hóa bắt đầu hoạt động quá sớm (ngay khi còn ở trong tuyến tụy) và gây kích thích cơ quan này. Nang giả tụy cũng có thể hình thành do chấn thương vùng bụng, chẳng hạn như do tai nạn xe.

Các yếu tố nguy cơ

Uống nhiều rượu và sỏi mật là các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm tụy và viêm tụy là một trong các yếu tố nguy cơ của nang giả tụy. Chấn thương vùng bụng cũng làm tăng nguy cơ hình thành nang giả tụy.

Biện pháp chẩn đoán

Hiện nay, nang tụy được phát hiện dễ dàng hơn nhờ các công nghệ chẩn đoán hình ảnh hiện đại. Đa số các trường hợp nang tụy đều được phát hiện trong quá trình thăm khám để tìm các vấn đề khác.

Sau khi đánh giá bệnh sử và khám lâm sàng, bác sĩ sẽ thực hiện các biện pháp chẩn đoán hình ảnh dưới đây để xác định vấn đề và đưa ra kế hoạch điều trị:

  • Chụp cắt lớp vi tính (chụp CT): cung cấp thông tin chi tiết về kích thước và cấu trúc của nang tụy.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): cho biết các chi tiết của nang tụy, ví dụ như nang tụy có thành phần chỉ ra nguy cơ ung thư hay không.
  • Siêu âm nội soi: giống như chụp MRI, phương pháp siêu âm nội soi cũng cung cấp hình ảnh chi tiết của nang tụy. Ngoài ra, trong quá trình siêu âm nội, bác sĩ có thể lấy mẫu dịch từ nang tụy để phân tích và tìm các dấu hiệu của ung thư.
  • Chụp cộng hưởng từ mật tụy (MRCP): MRCP là phương pháp chẩn đoán hình ảnh được sử dụng để theo dõi nang tụy. Phương pháp này đặc biệt hữu ích trong việc đánh giá nang trong ống tụy.

Dựa trên các đặc điểm và vị trí của u nang, cùng với độ tuổi và giới tính của người bệnh mà bác sĩ sẽ xác định loại nang tụy cụ thể:

  • Nang giả tụy: không phải ung thư (lành tính) và thường hình thành do viêm tụy. Nang giả tụy cũng có thể là do chấn thương.
  • Nang thanh dịch: có thể phát triển đủ lớn đến mức ảnh hưởng đến các cơ quan lân cận, gây đau bụng, chướng bụng và cảm giác nhanh no khi ăn. Nang thanh dịch chủ yếu hình thành ở phụ nữ trên 60 tuổi và hiếm khi trở thành ung thư.
  • Nang nhầy: thường nằm ở thân hoặc đuôi của tuyến tụy và đa phần hình thành ở phụ nữ, nhất là phụ nữ trung niên. Nang nhầy được coi là tiền ung thư, có nghĩa là nó có thể trở thành khối u ác tính nếu không được điều trị. Trong một số trường hợp, khi được phát hiện ra thì nang nhầy cỡ lớn đã phát triển thành ung thư.
  • U nhú nhầy nội ống tụy (IPMN): hình thành trong ống tụy chính hoặc một trong các nhánh phụ. U nhú nhầy nội ống tụy có thể là tiền ung thư hoặc ung thư. Loại này có thể hình thành ở cả nam giới và phụ nữ trên 50 tuổi. Tùy thuộc vào vị trí và các yếu tố khác mà u nhú nhầy nội ống tụy có thể phải phẫu thuật cắt bỏ.
  • U đặc giả nhú tuyến tụy: thường nằm ở thân hoặc đuôi của tuyến tụy và xuất hiện chủ yếu ở phụ nữ dưới 35 tuổi. Loại này rất hiếm gặp và đôi khi là ung thư.
  • U thần kinh nội tiết dạng nang: chủ yếu có dạng rắn nhưng cũng có thể chứa các thành phần dạng dịch lỏng. Loại này có thể bị nhầm với các loại nang tụy khác và có thể là tiền ung thư hoặc ung thư.

Điều trị

Việc điều trị nang tụy sẽ phụ thuộc vào loại u nang, kích thước, đặc điểm và có triệu chứng hay không.

Theo dõi

Trong những trường hợp nang giả tụy lành tính, nếu không gây triệu chứng khó chịu thì có thể không cần điều trị, kể cả là nang cỡ lớn. Nang thanh dịch hiếm khi trở thành ung thư nên cũng có thể không cần điều trị trừ khi gây ra triệu chứng hoặc phát triển to lên. Một số loại nang tụy cần được theo dõi để phát hiện sớm nếu có thay đổi bất thường.

Dẫn lưu dịch trong nang tụy

Nếu nang giả tụy gây ra các triệu chứng khó chịu hoặc ngày càng phát triển to lên thì có thể cần phải dẫn lưu dịch bên trong. Một ống nội soi được đưa qua miệng xuống dạ dày và ruột non. Ống nội soi này được gắn đầu dò siêu âm và một kim nhọn để dẫn lưu dịch từ u nang. Đôi khi cần phải dẫn lưu qua da.

Phẫu thuật

Một số loại nang tụy cần phẫu thuật cắt bỏ do có nguy cơ phát triển thành ung thư. Nếu nang giả tụy to lên và nang thanh dịch gây đau hoặc có các triệu chứng khác thì cũng cần phẫu thuật.

Ở những người bị viêm tụy cấp tính, nang giả tụy có thể hình thành trở lại sau khi cắt bỏ.

Biện pháp phòng ngừa

Cách tốt nhất để tránh hình thành nang giả tụy là phòng ngừa bệnh viêm tụy. Nếu sỏi mật là nguyên nhân gây viêm tụy thì có thể phải phẫu thuật cắt bỏ túi mật. Nếu viêm tụy là do lạm dụng rượu thì cần phải bỏ rượu để giảm thiểu nguy cơ.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

U nang tuyến Bartholin

U nang và áp-xe tuyến Bartholin là những vấn đề phổ biến. Việc điều trị u nang tuyến Bartholin phụ thuộc vào kích thước của u nang, mức độ nặng nhẹ của triệu chứng và có bị nhiễm trùng hay không.

U nang buồng trứng

U nang buồng trứng là một bệnh phụ khoa mà rất nhiều phụ nữ gặp phải nhưng đa phần đều chỉ có ít hoặc không gây triệu chứng và vô hại. Phần lớn u nang buồng trứng đều tự biến mất trong vòng vài tháng mà không cần điều trị.

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)

Các dấu hiệu, triệu chứng của hội chứng buồng trứng đa nang thường xuất hiện vào kỳ kinh nguyệt đầu tiên trong độ tuổi dậy thì nhưng đôi khi, các triệu chứng xuất hiện muộn hơn và chỉ biểu hiện rõ khi tăng cân đáng kể.

Viêm nang lông

Viêm nang lông không phải vấn đề nguy hiểm nhưng có thể gây ngứa ngáy, khó chịu, đau và còn ảnh hưởng đến vẻ ngoài. Viêm nang lông nặng có thể để lại sẹo và rụng lông/tóc vĩnh viễn.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây