Tiêu chảy do kháng sinh

Đa số các trường hợp tiêu chảy do kháng sinh chỉ nhẹ và không cần điều trị. Vấn đề thường khỏi trong vòng vài ngày sau khi ngừng thuốc. Nhưng cũng có nhiều trường hợp bị nặng và phải điều trị bằng các loại thuốc khác.

Tiêu chảy do kháng sinh  là gì?

Tiêu chảy do kháng sinh là tình trạng đi ngoài ra phân lỏng từ 3 lần trở lên một ngày sau khi dùng thuốc kháng sinh – loại thuốc được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn.

Đa số các trường hợp tiêu chảy do kháng sinh chỉ nhẹ và không cần điều trị. Vấn đề thường khỏi trong vòng vài ngày sau khi ngừng thuốc. Nhưng cũng có nhiều trường hợp bị nặng và phải điều trị bằng các loại thuốc khác.

Triệu chứng

Ở hầu hết mọi người, tình trạng tiêu chảy do kháng sinh chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ, gồm có đi ngoài nhiều hơn bình thường và phân lỏng.

Hiện tượng tiêu chảy có thể bắt đầu xảy ra khoảng một tuần sau khi bắt đầu dùng kháng sinh. Tuy nhiên, đôi khi phải sau vài ngày hoặc thậm chí vài tuần kể từ khi kết thúc đợt kháng sinh thì vấn đề mới xảy ra.

Nhiễm vi khuẩn Clostridium difficile

Clostridium difficile hay C. difficile là một loại vi khuẩn sản sinh độc tố có thể gây ra một dạng tiêu chảy do kháng sinh nặng hơn bình thường. Bên cạnh triệu chứng đi ngoài nhiều và phân lỏng, nhiễm C. difficile còn có thể gây ra:

  • Tiêu chảy nặng và mất nước
  • Đau quặn bụng dưới
  • Sốt nhẹ
  • Buồn nôn
  • Chán ăn

Khi nào cần đi khám?

Đến bệnh viện khám ngay lập tức nếu có các dấu hiệu nghiêm trọng của tiêu chảy do kháng sinh. Điều này thường xảy ra ở những người đang mắc một bệnh lý khác và sẽ phải làm xét nghiệm để xác định nguyên nhân.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy sau khi dùng kháng sinh là do các loại thuốc kháng sinh làm đảo lộn sự cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại trong đường tiêu hóa.

Các loại thuốc kháng sinh dễ gây tiêu chảy nhất

Gần như tất cả các loại thuốc kháng sinh đều có thể gây tiêu chảy nhưng một số loại thuốc dễ gây ra vấn đề này nhất gồm có:

  • Cephalosporin, chẳng hạn như cefdinir và cefpodoxime
  • Penicillin, chẳng hạn như amoxicillin và ampicillin
  • Macrolides như clarithromycin
  • Fluoroquinolones, như ciprofloxacin và levofloxacin

Nhiễm C. difficile

Khi thuốc kháng sinh phá vỡ sự cân bằng vi khuẩn trong hệ tiêu hóa, vi khuẩn C. difficile có thể nhanh chóng phát triển vượt tầm kiểm soát và lấn át những vi khuẩn có lợi. Vi khuẩn C. difficile tạo ra độc tố tấn công lớp niêm mạc của ruột. Các loại kháng sinh có thể khiến cho C. difficile phát triển quá mức gồm có fluoroquinolones, cephalosporin, penicillin và clindamycin.

Các yếu tố nguy cơ

Tiêu chảy do kháng sinh có thể xảy ra ở bất kỳ ai dùng kháng sinh. Nhưng nguy cơ sẽ cao hơn nếu như:

  • Đã từng bị tiêu chảy do kháng sinh trước đây
  • Dùng thuốc kháng sinh trong một thời gian dài
  • Đang dùng nhiều hơn một loại thuốc kháng sinh

Chẩn đoán

Để chẩn đoán tiêu chảy do kháng sinh, trước tiên bác sĩ sẽ hỏi về bệnh sử và những loại thuốc kháng sinh từng dùng. Nếu có dấu hiệu bị nhiễm C. difficile thì sẽ cần làm xét nghiệm mẫu phân để tìm sự hiện diện của vi khuẩn này.

Điều trị

Việc điều trị tiêu chảy do kháng sinh tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.

Tiêu chảy nhẹ

Ở những người chỉ bị tiêu chảy nhẹ do kháng sinh, các triệu chứng thường tự hết trong vòng vài ngày sau khi đợt điều trị kết thúc. Tuy nhiên có thể sẽ phải tạm thời ngừng dùng thuốc cho đến khi tình trạng tiêu chảy thuyên giảm. Khi bị tiêu chảy trong thời gian dùng thuốc kháng sinh thì cần thông báo cho bác sĩ để được hướng dẫn biện pháp khắc phục chứ không được tự ý ngừng thuốc.

Ngoài ra, có thể dùng thuốc chống tiêu chảy, chẳng hạn như loperamide. Tuy nhiên cần hỏi ý kiến ​​bác sĩ trước khi dùng vì thuốc chống tiêu chảy có thể cản trở khả năng đào thải độc tố của cơ thể và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

Điều trị nhiễm C. difficile

Nếu bị nhiễm C. difficile thì có thể bác sĩ sẽ chỉ định ngừng tất cả các loại kháng sinh đang dùng và kê loại thuốc kháng sinh khác để tiêu diệt vi khuẩn này. Nếu đang dùng các loại thuốc kháng axit dạ dày thì cũng phải dừng. Ở những trường hợp bị nhiễm vi khuẩn C. difficile, triệu chứng tiêu chảy có thể tái đi tái lại và cần phải điều trị nhiều lần.

Các phương pháp điều trị khác

Để khắc phục tình trạng tiêu chảy thì nên:

  • Uống đủ nước: Để đối phó với tình trạng mất nước nhẹ do tiêu chảy thì hãy uống nhiều nước hơn. Nếu mất nước nặng thì cần uống các loại chất lỏng có chứa đường và muối, ví dụ như nước dùng (súp lỏng) hoặc nước ép hoa quả không thêm đường. Tránh các loại đồ uống chứa nhiều đường, cồn và caffeine như cà phê, trà và nước ngọt có ga vì những đồ uống này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng tiêu chảy. Nếu trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị tiêu chảy, bố mẹ hãy hỏi bác sĩ về việc sử dụng dung dịch bù nước và điện giải đường uống.
  • Tránh một số loại thực phẩm: Nên tránh đồ ăn cay và đồ nhiều dầu mỡ khi đang bị tiêu chảy. Có thể trở lại chế độ ăn uống bình thường ngay sau khi các triệu chứng khỏi hoàn toàn.

Ngoài ra có thể uống bổ sung men vi sinh (probiotic) hoặc ăn các loại thực phẩm chứa lợi khuẩn như sữa chua. Mặc dù đến nay vẫn chưa được chính thức chứng minh về tính hiệu quả đối với tình trạng tiêu chảy do kháng sinh nhưng men vi sinh sẽ cung cấp thêm vi khuẩn có lợi cho cơ thể và khôi phục lại sự cân bằng hệ vi khuẩn lành mạnh trong đường tiêu hóa. Hơn nữa, uống men vi sinh cũng không gây hại, ngoại trừ những trường hợp bị suy giảm miễn dịch.

Biến chứng

Một trong những biến chứng phổ biến nhất của bất kỳ dạng tiêu chảy nào là mất nước và điện giải. Mất nước nghiêm trọng có thể đe dọa đên tính mạng. Các dấu hiệu gồm có rất khô miệng, khát nước dữ dội, ít hoặc không đi tiểu và cơ thể mệt mỏi.

Biện pháp phòng ngừa

Để phòng ngừa tiêu chảy do kháng sinh thì nên:

  • Chỉ dùng thuốc kháng sinh khi cần thiết: Không lạm dụng thuốc kháng sinh khi không cần thiết. Thuốc kháng sinh có thể điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn nhưng sẽ không có tác dụng đối với các trường hợp nhiễm trùng do vi-rút, chẳng hạn như cảm lạnh và cúm. Tốt nhất nên đi khám để bác sĩ xác định nguyên nhân chính xác và kê thuốc điều trị phù hợp.
  • Cho bác sĩ biết nếu đã từng bị tiêu chảy do kháng sinh trước đây: Nếu từng bị tiêu chảy sau khi dùng kháng sinh thì khả năng cao là vấn đề sẽ lại tái phát khi tiếp tục dùng loại thuốc kháng sinh đó. Trong những trường hợp như vậy, bác sĩ sẽ kê một loại thuốc kháng sinh khác.

Nguồn tham khảo

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/antibiotic-associated-diarrhea/symptoms-causes/syc-20352231

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Mụn rộp sinh dục

Hiện chưa có cách nào có thể chữa khỏi bệnh mụn rộp sinh dục nhưng dùng thuốc có thể làm giảm các triệu chứng và giảm nguy cơ lây bệnh sang người khác.

Mụn cóc sinh dục

Mụn cóc thường hình thành ở những vị trí ẩm ướt trên cơ thể, trong đó có vùng sinh dục. Mụn cóc sinh dục có dạng những sẩn nhỏ, màu da và trông giống như súp lơ. Trong nhiều trường hợp, mụn cóc có kích thước rất nhỏ và không thể nhìn thấy được.

Trầm cảm sau sinh

Trầm cảm sau sinh có thể xảy đến với bất kỳ ai, kể cả những người trước đây vẫn luôn vui vẻ, lạc quan. Đôi khi đây chỉ đơn giản là một biến chứng của việc sinh nở.

Tiền sản giật sau sinh

Tiền sản giật sau sinh cần được điều trị kịp thời. Nếu không được điều trị thì vấn đề có thể gây co giật và các biến chứng nghiêm trọng khác.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây