Dị ứng ánh nắng

Các trường hợp dị ứng ánh nắng nhẹ thường tự khỏi mà không cần điều trị. Các trường hợp nặng hơn có thể cần điều trị bằng steroid tại chỗ hoặc đường uống.

Dị ứng ánh nắng là gì?

Dị ứng ánh nắng là tình trạng da nổi mẩn đỏ và ngứa sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Dạng dị ứng ánh nắng phổ biến nhất là ban đa dạng do ánh sáng, hay còn được gọi là ngộ độc ánh nắng mặt trời.

Một số người bị dị ứng nắng do di truyền trong khi ở một số khác thì các triệu chứng được kích hoạt bởi các yếu tố như dùng thuốc hoặc để da tiếp xúc với các loài thực vật.

Các trường hợp dị ứng ánh nắng nhẹ thường tự khỏi mà không cần điều trị. Các trường hợp nặng hơn có thể cần điều trị bằng steroid tại chỗ hoặc đường uống. Những người bị dị ứng nặng với ánh nắng mặt trời nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ví dụ như mặc quần áo dài khi đi ngoài trời.

Triệu chứng dị ứng ánh nắng

Các biểu hiện trên da khi bị dị ứng ánh nắng mặt trời ở mỗi người là khác nhau nhưng một số triệu chứng thường gặp gồm có:

  • Da ửng đỏ
  • Ngứa ngáy
  • Da có cảm giác nóng, bỏng rát
  • Nổi các sẩn nhỏ, thường tạo thành cụm
  • Nổi mày đay
  • Da khô, đóng vảy, bong tróc, thậm chí chảy máu
  • Nổi mụn nước

Các triệu chứng thường chỉ xảy ra ở vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và thường xuất hiện trong vòng vài phút đến vài giờ sau khi ra nắng.

Khi nào cần đi khám?

Đi khám bác sĩ nếu có những phản ứng bất thường, khó chịu trên da sau khi tiếp xúc với ánh nắng, đặc biệt là khi có các triệu chứng nghiêm trọng hoặc kéo dài dai dẳng.

Nguyên nhân gây dị ứng ánh nắng

Một số loại thuốc, hóa chất và bệnh lý nền có thể khiến da nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời. Khoa học vẫn chưa lý giải được tại sao một số người lại có phản ứng dị ứng khi tiếp xúc với nắng nhưng rất có thể một phần là do gen di truyền.

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố làm tăng nguy cơ xảy ra phản ứng dị ứng khi ra nắng gồm có:

  • Chủng tộc: Bất cứ ai cũng có thể bị dị ứng với ánh nắng mặt trời nhưng vấn đề này xảy ra phổ biến hơn ở những người có da sáng màu.
  • Tiếp xúc với một số chất: Một số triệu chứng dị ứng da được kích hoạt khi tiếp xúc với một chất nào đó trước khi tiếp xúc với nắng. Các chất phổ biến gây ra phản ứng này gồm có nước hoa, chất khử trùng và thậm chí là một số thành phần trong kem chống nắng.
  • Đang dùng một số loại thuốc: Một số loại thuốc có thể khiến da dễ cháy nắng hơn, gồm có thuốc kháng sinh tetracycline, thuốc chứa sulfa và thuốc giảm đau, chẳng hạn như ketoprofen.
  • Mắc một bệnh về da khác: Bị viêm da sẽ làm tăng nguy cơ dị ứng với ánh nắng mặt trời.
  • Có tiền sử gia đình dị ứng ánh nắng: Nguy cơ dị ứng ánh nắng sẽ tăng cao nếu có anh chị em ruột hoặc bố mẹ cũng bị vấn đề này.

Điều trị dị ứng ánh nắng

Việc điều trị sẽ tùy thuộc vào dạng dị ứng ánh nắng cụ thể. Các trường hợp dị ứng nhẹ thường chỉ cần tránh nắng trong vài ngày là da sẽ tự trở về bình thường nhưng nếu nặng thì sẽ phải dùng thuốc hoặc liệu pháp điều trị.

Các biện pháp tự khắc phục

Mặc dù da có thể tự phục hồi khi bị dị ứng nắng nhẹ nhưng có thể làm giảm các triệu chứng bằng các cách sau đây:

  • Tránh tiếp xúc với ánh nắng: Hầu hết các triệu chứng dị ứng với ánh nắng mặt trời đều sẽ cải thiện trong vòng 1 - 2 ngày nhưng phải tránh để vùng da bị tổn thương tiếp tục tiếp xúc với nắng.
  • Ngừng sử dụng các loại thuốc khiến da nhạy cảm với ánh sáng: Nếu loại thuốc đang dùng khiến cho da bị nhạy cảm với ánh nắng thì cân nhắc đổi sang loại thuốc khác có tác dụng tương đương hoặc ngừng thuốc. Nếu là thuốc kê đơn thì phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi ngừng hay đổi thuốc.
  • Dưỡng ẩm da: Bôi kem dưỡng ẩm có thể giúp giảm tình trạng da khô ráp, kích ứng và đau rát do dị ứng.
  • Sử dụng sản phẩm làm dịu da: Thử bôi kem có thành phần calamine hoặc gel lô hội để làm dịu các triệu chứng.

Điều trị bằng thuốc

Nếu đã thử các biện pháp tự khắc phục mà tình trạng da không đỡ thì có thể chuyển sang dùng corticoid tại chỗ. Các sản phẩm này có cả dạng kê đơn và không kê đơn với nồng độ thấp hơn. Đối với các trường hợp có phản ứng dị ứng nghiêm trọng thì có thể phải điều trị bằng một đợt corticoid đường uống, chẳng hạn như prednisone. Corticoid đường uống thường chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn vì nếu dùng lâu dài thì sẽ gây ra các tác dụng phụ.

Ngoài ra, thuốc trị sốt rét hydroxychloroquine cũng có thể làm dịu các triệu chứng của một số dạng dị ứng ánh nắng.

Các phương pháp trị liệu

Những người bị dị ứng với ánh nắng nghiêm trọng có thể sẽ cần tập cho da thích nghi dần với ánh nắng khi thời tiết bắt đầu ấm lên sau mùa đông hoặc điều trị bằng liệu pháp ánh sáng (quang trị liệu), trong đó sử dụng một loại đèn đặc biệt chiếu tia cực tím nhẹ lên những vùng cơ thể thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng để giảm độ nhạy cảm của da. Phương pháp này thường được thực hiện 2 – 3 lần một tuần trong thời gian vài tuần.

Phòng ngừa dị ứng ánh nắng

Những người bị dị ứng với ánh nắng hoặc nhạy cảm với ánh nắng có thể ngăn ngừa xảy ra phản ứng bằng các biện pháp dưới đây:

  • Tránh ánh nắng mặt trời vào giờ cao điểm: Không nên ra ngoài và không để nắng chiếu lên da trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều vì đây là lúc cường độ nắng mạnh nhất.
  • Tránh tiếp xúc đột ngột với ánh nắng mạnh: Ở nhiều người, các triệu chứng dị ứng ánh nắng thường xảy ra khi thời tiết bắt đầu chuyển sang mùa nóng. Nên tăng dần thời gian hoạt động ngoài trời để tế bào da có thời gian thích ứng với ánh nắng.
  • Sử dụng kem chống nắng: Bôi kem chống nắng phổ rộng với chỉ số SPF ít nhất là 30. Mỗi lần cần bôi đủ lượng kem đều khắp bề mặt da và bôi lại sau mỗi 2 tiếng hoặc thường xuyên hơn nếu đi bơi hoặc đổ mồ hôi.
  • Mang kính râm và quần áo dài: Dù đã sử dụng kem chống nắng thì vẫn phải mặc quần áo dài, đội mũ, đeo kính râm và khẩu trang khi ra nắng để tăng cường sự bảo vệ cho da. Tia UV có thể xuyên qua lớp vải mỏng nên phải chọn quần áo dày, dệt khít mà tốt nhất là bằng chất liệu vải có khả năng chống lại tia UV (chỉ số UPF 50+).
  • Tránh các tác nhân kích hoạt phản ứng da: Nếu một tác nhân nào đó gây ra phản ứng trên da, chẳng hạn như thuốc hoặc tiếp xúc với một số loài thực vật thì cần tránh xa tác nhân đó.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

U nang tuyến Bartholin

U nang và áp-xe tuyến Bartholin là những vấn đề phổ biến. Việc điều trị u nang tuyến Bartholin phụ thuộc vào kích thước của u nang, mức độ nặng nhẹ của triệu chứng và có bị nhiễm trùng hay không.

U nang buồng trứng

U nang buồng trứng là một bệnh phụ khoa mà rất nhiều phụ nữ gặp phải nhưng đa phần đều chỉ có ít hoặc không gây triệu chứng và vô hại. Phần lớn u nang buồng trứng đều tự biến mất trong vòng vài tháng mà không cần điều trị.

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)

Các dấu hiệu, triệu chứng của hội chứng buồng trứng đa nang thường xuất hiện vào kỳ kinh nguyệt đầu tiên trong độ tuổi dậy thì nhưng đôi khi, các triệu chứng xuất hiện muộn hơn và chỉ biểu hiện rõ khi tăng cân đáng kể.

Nang tụy

Nang tụy đa phần không có triệu chứng và thường chỉ được phát hiện ra trong quá trình thực hiện các biện pháp chẩn đoán hình ảnh vì một lý do khác.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây