Hội chứng Sheehan

Hội chứng Sheehan có thể xảy ra ở bất kỳ phụ nữ nào nên cần đi kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc đi khám khi có các biểu hiện bất thường sau khi sinh.

Hội chứng Sheehan là gì?

Hội chứng Sheehan hay suy tuyến yên sau sinh là một tình trạng xảy ra ở những phụ nữ bị mất một lượng máu lớn trong quá trình sinh nở và những người bị tụt huyết áp nghiêm trọng trong hoặc sau khi sinh, điều này làm giảm lượng oxy trong cơ thể. Tình trạng thiếu oxy gây tổn hại tuyến yên và dẫn đến hội chứng Sheehan.

Hội chứng Sheehan khiến tuyến yên không sản xuất đủ các hormone tuyến yên (suy tuyến yên). Tình trạng này có thể xảy ra ở bất kỳ phụ nữ nào nên cần đi kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc đi khám khi có các biểu hiện bất thường sau khi sinh.

Những người bị hội chứng Sheehan có thể phải điều trị bằng liệu pháp hormone thay thế suốt đời.

Triệu chứng

Các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng Sheehan xảy ra do nồng độ hormone tuyến yên quá thấp và thường xuất hiện từ từ, sau khoảng thời gian vài tháng cho đến vài năm. Nhưng đôi khi vấn đề lại xảy ra ngay lập tức, chẳng hạn như không thể cho con bú sau khi sinh.

Các triệu chứng bệnh gồm có:

  • Không tiết sữa hoặc lượng sữa tiết ra không đủ để cho con bú
  • Không có kinh nguyệt trở lại hoặc kinh nguyệt không đều sau sinh
  • Không mọc lại lông mu đã cạo hoặc lông nách thưa
  • Chức năng thần kinh kém, giảm tập trung, dễ tăng cân và khó giữ ấm cơ thể do tuyến giáp hoạt động kém (suy giáp)
  • Giảm ham muốn tình dục
  • Huyết áp thấp
  • Đường huyết thấp
  • Mệt mỏi
  • Nhịp tim không đều
  • Ngực teo nhỏ
  • Co giật, hôn mê

Nhiều triệu chứng của hội chứng Sheehan thường bị nhầm lẫn với những nguyên nhân khác. Ví dụ, mệt mỏi là một hiện tượng bình thường xảy ra trong thời gian đầu mới sinh. Nhiều người không biết rằng mình mắc chứng bệnh này cho đến khi cần phải điều trị suy giáp hoặc suy tuyến thượng thận.

Cũng có những trường hợp hội chứng Sheehan không biểu hiện triệu chứng, điều này tùy thuộc vào mức độ tổn thương của tuyến yên. Tuyến yên có thể hoạt động kém trong suốt nhiều năm mà hầu như không gây ra vấn đề bất thường nào. Sau đó, một tác nhân gây căng thẳng về thể chất, chẳng hạn như nhiễm trùng nặng hoặc phẫu thuật, sẽ dẫn đến suy tuyến thượng thận - một tình trạng nghiêm trọng trong đó tuyến thượng thận sản xuất quá ít hormone cortisol.

Nguyên nhân

Hội chứng Sheehan xảy ra do mất máu nghiêm trọng hoặc huyết áp tụt xuống thấp trong hoặc sau khi sinh nở. Những yếu tố này gây tổn hại lớn đến tuyến yên - cơ quan to ra trong thời kỳ mang thai – và phá hủy các mô sản xuất hormone, khiến tuyến yên không thể hoạt động bình thường.

Hormone tuyến yên có vai trò điều hòa phần còn lại của hệ nội tiết, báo cho các tuyến khác tăng hoặc giảm sản xuất các hormone kiểm soát sự trao đổi chất, khả năng sinh sản, huyết áp, sự tiết sữa mẹ và nhiều quá trình quan trọng khác. Sự thiếu hụt bất kỳ loại hormone nào trong số này đều có thể gây ra các vấn đề trên toàn cơ thể.

Các hormone được sản xuất bởi tuyến yên gồm có:

  • Hormone tăng trưởng (growth hormone  - GH): hormone này kiểm soát sự phát triển của xương, mô và duy trì sự cân bằng giữa mô cơ và mô mỡ.
  • Hormone kích thích tuyến giáp (thyroid-stimulating hormone - TSH): hormone này kích thích tuyến giáp sản xuất các hormone quan trọng để điều hòa sự trao đổi chất. Thiếu hụt TSH dẫn đến suy giáp hay tình trạng tuyến giáp hoạt động kém.
  • Hormone tạo hoàng thể (luteinizing hormone - LH): ở phụ nữ, LH có vai trò điều hòa nồng độ estrogen.
  • Hormone kích thích nang trứng (follicle-stimulating hormone - FSH): cùng với LH, FSH giúp kích thích trứng phát triển và rụng trứng ở phụ nữ.
  • Hormone vỏ thượng thận (adrenocorticotropic hormone  - ACTH): hormone này kích thích tuyến thượng thận sản xuất cortisol và các hormone khác. Cortisol giúp cơ thể đối phó với căng thẳng và ảnh hưởng đến nhiều chức năng của cơ thể, gồm có huyết áp, hoạt động của tim và hệ miễn dịch. Tình trạng nồng độ ACTH giảm thấp do tổn thương tuyến yên được gọi là suy tuyến thượng thận thứ phát.
  • Prolactin: hormone này kiểm soát sự phát triển của ngực phụ nữ và sự tiết sữa mẹ.

Các yếu tố nguy cơ

Bất kỳ vấn đề nào làm tăng nguy cơ chảy máu nhiều (xuất huyết) hoặc tụt huyết áp trong khi sinh, chẳng hạn như mang đa thai hoặc vấn đề ở nhau thai, đều có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng Sheehan.

Tuy nhiên, chảy máu nhiều là một biến chứng hiếm gặp khi sinh nở và hội chứng Sheehan còn hiếm khi xảy ra hơn. Cả hai nguy cơ đều sẽ giảm đáng kể nếu sản phụ được chăm sóc và theo dõi cẩn thận trong quá trình chuyển dạ sinh nở.

Biến chứng

Vì các hormone tuyến yên tham gia kiểm soát nhiều giai đoạn của quá trình trao đổi chất nên hội chứng Sheehan có thể gây ra nhiều vấn đề như:

  • Suy tuyến thượng thận - một tình trạng nghiêm trọng trong đó tuyến thượng thận sản xuất quá ít hormone cortisol
  • Huyết áp thấp
  • Sụt cân ngoài ý muốn
  • Kinh nguyệt thất thường

Suy tuyến thượng thận

Biến chứng lớn nhất của hội chứng Sheehan là suy tuyến thượng thận - một tình trạng xảy ra đột ngột, có thể đe dọa đến tính mạng và dẫn đến huyết áp tụt thấp, sốc, hôn mê và thậm chí tử vong.

Suy tuyến thượng thận thường xảy ra khi sức khỏe bị sụt giảm nghiêm trọng, chẳng hạn như trong khi phẫu thuật hoặc bị bệnh nặng và tuyến thượng thận sản xuất quá ít hormone cortisol.

Biện pháp chẩn đoán

Đôi khi, việc chẩn đoán hội chứng Sheehan sẽ rất khó khăn vì có nhiều triệu chứng tương tự với các vấn đề khác. Một số biện pháp để chẩn đoán bệnh lý này gồm có:

  • Khai thác bệnh sử: cần báo với bác sĩ nếu từng gặp bất kỳ biến chứng sinh nở nào trước đây. Ngoài ra, bác sĩ sẽ dựa trên các dấu hiệu chính của hội chứng Sheehan là không tiết sữa hoặc không có kinh nguyệt trở lại sau khi sinh.
  • Xét nghiệm máu: để kiểm tra nồng độ hormone tuyến yên.
  • Test kích thích hormone tuyến yên: tiêm hormone và làm xét nghiệm máu để xem phản ứng của tuyến yên.
  • Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh: cũng có thể sẽ cần thực hiện các phương pháp chẩn đoán hình ảnh, chẳng hạn như chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp CT để kiểm tra kích thước của tuyến yên và tìm các nguyên nhân khác có thể gây ra các triệu chứng, chẳng hạn như u tuyến yên.

Phương pháp điều trị

Phương pháp để điều trị hội chứng Sheehan là dùng liệu pháp hormone thay thế suốt đời để bổ sung những hormone mà cơ thể đang thiếu hụt. Bác sĩ sẽ kê các loại thuốc sau:

  • Corticoid: sử dụng hydrocortisone hoặc prednisone để thay thế các hormone tuyến thượng thận không được sản xuất do sự thiếu hụt hormone vỏ thượng thận (ACTH). Sẽ cần điều chỉnh liều lượng thuốc cho những trường hợp bị bệnh nặng hoặc đang trải qua căng thẳng về thể chất vì trong thời gian này, cơ thể thường sản xuất thêm cortisol. Việc điều chỉnh liều lượng cũng cần thiết cho những trường hợp bị cúm, tiêu chảy, nôn mửa, mới phẫu thuật, thực hiện các thủ thuật nha khoa, những phụ nữ đang mang thai hoặc tăng cân/giảm cân quá nhiều. Dùng thuốc với liều thích hợp sẽ giúp tránh xảy ra các tác dụng phụ.
  • Levothyroxine: thuốc này làm tăng nồng độ các hormone tuyến giáp bị thiếu hụt do sự sản xuất hormone kích thích tuyến giáp (TSH) kém. Phải dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Cho dù thấy các triệu chứng có sự cải thiện thì cũng không được giảm liều hoặc ngừng thuốc. Một khi ngừng thuốc thì các triệu chứng sẽ dần quay trở lại.
  • Estrogen: những phụ nữ đã phẫu thuật cắt tử cung có thể chỉ dùng estrogen nhưng những người vẫn còn tử cung phải dùng kết hợp estrogen với progesterone để giảm nguy cơ ung thư nội mạc tử cung. Ngoài ra, bổ sung estrogen có thể làm tăng nguy cơ đông máu và đột quỵ ở những phụ nữ mà buồng trứng vẫn đang sản sinh estrogen tự nhiên. Các chế phẩm có chứa hormone luteinizing và hormone kích thích nang trứng (FSH) có thể giúp mang thai trong tương lai và được tiêm để kích thích sự rụng trứng. Sau tuổi 50 - khoảng thời gian mãn kinh tự nhiên, hãy hỏi bác sĩ về những rủi ro và lợi ích của việc tiếp tục dùng liệu pháp estrogen hay estrogen kết hợp với progesterone.
  • Hormone tăng trưởng: hormone tăng trưởng có thể cải thiện tỷ lệ cơ - mỡ trong cơ thể, duy trì khối lượng xương và giảm nồng độ cholesterol. Hormone tăng trưởng có giá khá cao và đi kèm một số tác dụng phụ như cứng khớp và tích nước.

Người bệnh cần đi tái khám định kỳ để làm xét nghiệm máu đo nồng độ hormone trong cơ thể và điều chỉnh liều lượng thuốc nếu cần thiết.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)

Các dấu hiệu, triệu chứng của hội chứng buồng trứng đa nang thường xuất hiện vào kỳ kinh nguyệt đầu tiên trong độ tuổi dậy thì nhưng đôi khi, các triệu chứng xuất hiện muộn hơn và chỉ biểu hiện rõ khi tăng cân đáng kể.

Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS)

Các triệu chứng tiền kinh nguyệt thường diễn ra tương đối đều đặn hàng tháng. Tuy nhiên, những thay đổi về thể chất và cảm xúc mà mỗi người gặp phải là khác nhau, với mức độ từ nhẹ cho đến dữ dội, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.

Hội chứng Mittelschmerz

Trong hầu hết các trường hợp, hội chứng Mittelschmerz sẽ tự hết và không cần phải điều trị hoặc chỉ cần dùng thuốc giảm đau không kê đơn và các biện pháp khắc phục tại nhà khác là đủ.

Hội chứng quá kích buồng trứng

Hội chứng quá kích buồng trứng có thể xảy ra ở những phụ nữ trải qua quá trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) hoặc tiêm thuốc kích thích rụng trứng.

Lý do trẻ cần được tiêm chủng đúng lịch

Các bậc cha mẹ đều được khuyến nghị nên đưa con đi tiêm vắc-xin đầy đủ theo đúng lịch để phòng ngừa bệnh tật. Vậy tại sao lại phải tiêm đúng lịch?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây