Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS)
Hội chứng tiền kinh nguyệt là gì?
Hội chứng tiền kinh nguyệt (premenstrual syndrome - PMS) là những thay đổi về thể chất và tinh thần mà phụ nữ trải qua trong vài ngày trước khi bắt đầu có kinh nguyệt. Hội chứng tiền kinh nguyệt gồm có nhiều biểu hiện khác nhau, gồm có tâm trạng thay đổi thất thường, dễ cáu gắt, ngực căng, thèm ăn, mệt mỏi, đau bụng, mỏi lưng,… Ước tính cứ 4 phụ nữ có kinh nguyệt thì có đến 3 người phải trải qua hội chứng tiền kinh nguyệt.
Các triệu chứng tiền kinh nguyệt thường diễn ra tương đối đều đặn hàng tháng. Tuy nhiên, những thay đổi về thể chất và cảm xúc mà mỗi người gặp phải là khác nhau, với mức độ từ nhẹ cho đến dữ dội, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Có nhiều biện pháp để làm giảm hoặc kiểm soát các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt.
Triệu chứng
Hội chứng tiền kinh nguyệt có rất nhiều triệu chứng khác nhau nhưng hầu hết phụ nữ đều chỉ gặp một vài trong số những triệu chứng này.
Các triệu chứng về cảm xúc và hành vi
- Căng thẳng, lo âu, bồn chồn
- Tâm trạng buồn bã, chán nản
- Nhạy cảm, dễ khóc
- Thay đổi tâm trạng thất thường và cáu kỉnh
- Thèm ăn
- Chán ăn
- Khó ngủ, mất ngủ
- Không muốn tiếp xúc với mọi người
- Kém tập trung
- Thay đổi ham muốn tình dục
Các triệu chứng về thể chất
- Đau khớp hoặc nhức mỏi cơ
- Đau đầu
- Mệt mỏi
- Tăng cân do cơ thể tích nước
- Đầy hơi, chướng bụng
- Đau bụng
- Mỏi thắt lưng
- Ngực căng
- Da tiết nhiều dầu, nổi mụn trứng cá
- Táo bón hoặc tiêu chảy
Ở nhiều phụ nữ, cảm giác khó chịu về thể chất và những thay đổi về cảm xúc, tinh thần nghiêm trọng đến mức gây gián đoán cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, bất kể là nhẹ hay nặng thì đa phần các triệu chứng tiền kinh nguyệt đều sẽ tự hết trong vòng 3 - 4 ngày sau khi bắt đầu hành kinh.
Một số ít phụ nữ phải trải qua các triệu chứng về tinh thần nặng hơn bình thường trước khi đến kỳ kinh hàng tháng. Dạng PMS này được gọi là rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (premenstrual dysphoric disorder - PMDD) với các triệu chứng là trầm cảm, thay đổi tâm trạng, bực bội, rối loạn lo âu, cảm giác vô cùng mệt mỏi, khó chịu, khó tập trung và căng thẳng.
Khi nào cần đi khám?
Nếu đã thử nhiều biện pháp khắc phục nhưng vẫn không thể kiểm soát hội chứng tiền kinh nguyệt và các triệu chứng đang ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe cũng như là các hoạt động hàng ngày thì nên đi khám bác sĩ.
Nguyên nhân
Hội chứng tiền kinh nguyệt là do nhiều yếu tố khác nhau góp phần gây nên:
- Sự thay đổi nội tiết tố theo chu kỳ: Các triệu chứng tiền kinh nguyệt thay đổi theo sự dao động của nồng độ nội tiết tố trong cơ thể và thường sẽ biến mất khi mang thai hoặc mãn kinh.
- Thay đổi các chất hóa học trong não: Sự dao động của nồng độ serotonin - một chất hóa học trong não bộ (chất dẫn truyền thần kinh) có vai trò kiểm soát tâm trạng - có thể là nguyên nhân góp phần gây ra hội chứng tiền kinh nguyệt. Lượng serotonin thấp khiến cho tâm trạng buồn bã, lo âu, chán nản trước và trong thời gian đầu có kinh nguyệt, kèm theo đó là cảm giác mệt mỏi, thèm ăn và các vấn đề về giấc ngủ.
- Trầm cảm: Một số phụ nữ bị hội chứng tiền kinh nguyệt nghiêm trọng và bị trầm cảm mà không được chẩn đoán.
Biện pháp chẩn đoán
Không có biện pháp nào có thể chẩn đoán chính xác hội chứng tiền kinh nguyệt. Bác sĩ sẽ đánh giá dựa trên các triệu chứng gặp phải như đau bụng, mỏi lưng, mệt mỏi, cáu gắt, nổi mụn trứng cá,… Nếu các triệu chứng này diễn ra đều đặn hàng tháng trước thời gian hành kinh thì có thể kết luận đó là hội chứng tiền kinh nguyệt.
Để xác định thì bạn nên theo dõi và ghi lại các dấu hiệu, triệu chứng mà mình gặp phải trong ít nhất 2 chu kỳ kinh nguyệt liên tiếp. Lưu ý ngày mà bạn bắt đầu nhận thấy các triệu chứng và ngày các triệu chứng biến mất. Ngoài ra, hãy nhớ đánh dấu ngày bắt đầu và ngày kết thúc kỳ kinh.
Một số bệnh lý, vấn đề sức khỏe có triệu chứng giống với hội chứng tiền kinh nguyệt, ví dụ như hội chứng mệt mỏi mãn tính, bệnh lý tuyến giáp và các vấn đề về tinh thần, chẳng hạn như trầm cảm và lo âu. Đôi khi có thể sẽ cần thực hiện một số xét nghiệm, biện pháp kiểm tra chẳng hạn như xét nghiệm chức năng tuyến giáp hoặc kiểm tra tình trạng tâm thần để bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác.
Biện pháp khắc phục, điều trị
Các biện pháp không cần dùng thuốc
Có thể kiểm soát các triệu chứng tiền kinh nguyệt bằng những biện pháp đơn giản, không cần dùng thuốc, ví dụ như thay đổi chế độ ăn uống, tập thể dục và một số mẹo dưới đây.
Điều chỉnh chế độ ăn uống
- Ăn các bữa nhỏ hơn thay vì ba bữa lớn trong ngày để giảm đầy hơi và chướng bụng.
- Hạn chế lượng muối để giảm đầy hơi và tích nước.
- Chọn các loại thực phẩm giàu carb phức tạp, chẳng hạn như trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên hạt.
- Ăn nhiều thực phẩm giàu canxi. Nếu như không thể dung nạp các sản phẩm từ sữa hoặc chế độ ăn uống không có đủ lượng canxi thì nên uống bổ sung canxi hàng ngày.
- Tránh caffeine và đồ uống có cồn.
Tập thể thể dục đều đặn
Hãy dành ra ít nhất 30 phút đi bộ nhanh, đạp xe, bơi lội hoặc thực hiện các bài tập cardio khác hàng ngày. Mặc dù cảm giác khó chịu và cơ thể nặng nề sẽ khiến cho bạn không muốn vận động nhưng tập thể dục thường xuyên sẽ giúp nâng cao sức khỏe tổng thể và giảm bớt một số triệu chứng nhất định, chẳng hạn như mệt mỏi, đau bụng và cải thiện tâm trạng.
Hạn chế căng thẳng
Căng thẳng có thể góp phần gây ra hoặc làm nặng thêm các triệu chứng tiền kinh nguyệt. Để giảm căng thẳng thì nên:
- Ngủ đủ giấc
- Thực hiện các bài tập giãn cơ hoặc hít thở sâu để giảm đau đầu, lo âu hoặc mất ngủ
- Thử tập yoga hoặc mát-xa để thư giãn và giảm căng thẳng.
Theo dõi các triệu chứng trong vài tháng
Theo dõi và ghi chép lại các triệu chứng để xác định các yếu tố tác động và thời gian xuất hiện triệu chứng. Bằng cách này, bạn sẽ biết phải làm thế nào để tránh hoặc giảm bớt hội chứng tiền kinh nguyệt hàng tháng.
Dùng thuốc
Mặc dù thường thì chỉ cần các biện pháp nêu trên là đủ để giảm hội chứng tiền kinh nguyệt nhưng nếu có các triệu chứng nghiêm trọng thì có thể sẽ phải dùng đến thuốc.
Tùy vào các triệu chứng gặp phải và mức độ nặng nhẹ mà sẽ cần dùng các loại khác nhau. Một số loại thuốc thường được dùng để điều trị, khắc phục hội chứng tiền kinh nguyệt gồm có:
- Thuốc chống trầm cảm: Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI), gồm có fluoxetine (Prozac, Sarafem), paroxetine (Paxil, Pexeva), sertraline (Zoloft)… có tác dụng làm giảm các triệu chứng về cảm xúc, tâm trạng. Đây thường là phương pháp điều trị đầu tiên trong những trường hợp bị rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt. Những loại thuốc này thường được dùng hàng ngày hoặc cũng có thể chỉ dùng thuốc chống trầm cảm trong thời gian 2 tuần trước khi bắt đầu có kinh nguyệt.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Được dùng trước hoặc trong thời gian đầu hành kinh. Các NSAID như ibuprofen hoặc naproxen sodium có thể làm giảm triệu chứng đau bụng, đau lưng và ngực căng đau.
- Thuốc lợi tiểu: Nếu đã tập thể dục và hạn chế ăn mặn nhưng vẫn bị tích nước, sưng phù, chướng bụng và tăng cân thì có thể uống thuốc lợi tiểu để giúp cơ thể đào thải bớt chất lỏng dư thừa qua thận. Spironolactone (Aldactone) là một loại thuốc lợi tiểu có thể giúp giảm bớt một số triệu chứng tiền kinh nguyệt.
- Thuốc tránh thai nội tiết tố: Các loại thuốc tránh thai nội tiết tố có tác dụng làm ngừng sự rụng trứng và có thể giảm các triệu chứng tiền kinh nguyệt.
Các biện pháp khác
Ngoài các biện pháp kể trên, có thể làm dịu hội chứng tiền kinh nguyệt bằng một số loại thảo dược, thực phẩm chức năng và châm cứu:
- Viên uống bổ sung vitamin: canxi, magiê, vitamin E và vitamin B6 đều đã được nghiên cứu chứng minh là có thể làm dịu các triệu chứng tiền kinh nguyệt.
- Các loại thảo dược: Nhiều loại thảo dược đã được sử dụng trong y học cổ truyền để giúp phụ nữ cảm thấy dễ chịu hơn mỗi khi đến kỳ kinh hàng tháng, chẳng hạn như bạch quả (ginkgo biloba), gừng, chasteberry (Vitex agnus), tinh dầu hoa anh thảo (evening primrose oil) và rong biển St. John (St. John's wort).
- Châm cứu: là phương pháp dùng các cây kim châm mảnh bằng thép không gỉ đã qua khử trùng đâm vào da tại các điểm cụ thể (huyệt) trên cơ thể. Phương pháp này có thể làm giảm nhiều triệu chứng khó chịu tiền kinh nguyệt.
Cần tìm hiểu cẩn thận trước khi dùng bất kỳ loại thảo dược hay thực phẩm chức năng nào vì các sản phẩm này đều có tác dụng phụ hoặc có thể tương tác với các loại thuốc khác đang dùng. Ví dụ, St. John's wort có thể làm giảm hiệu quả của thuốc tránh thai.
Tiền mãn kinh
Mỗi phụ nữ bắt đầu tiền mãn kinh ở một độ tuổi khác nhau. Đa số phụ nữ gặp các dấu hiệu tiền mãn kinh, chẳng hạn như kinh nguyệt không đều, từ khoảng độ tuổi 40 những cũng có nhiều người nhận thấy những thay đổi ngay từ giữa độ tuổi 30.
Chu kỳ kinh nguyệt: Thế nào là bình thường? Thế nào là không bình thường?
Chu kỳ kinh nguyệt nói lên rất nhiều điều về sức khỏe người phụ nữ. Do đó mà mỗi phụ nữ đều phải theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của mình và biết cách xử lý khi nhận thấy những điều bất thường.
Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
Các dấu hiệu, triệu chứng của hội chứng buồng trứng đa nang thường xuất hiện vào kỳ kinh nguyệt đầu tiên trong độ tuổi dậy thì nhưng đôi khi, các triệu chứng xuất hiện muộn hơn và chỉ biểu hiện rõ khi tăng cân đáng kể.
Vô kinh
Vô kinh có thể xảy ra vì nhiều lý do. Một số trong đó là những hiện tượng bình thường diễn ra trong cuộc đời của phụ nữ nhưng cũng có thể là do tác dụng phụ của thuốc hoặc dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe.
Rong kinh
Một số trường hợp bị rong kinh mà không rõ nguyên nhân nhưng ở nhiều phụ nữ thì vấn đề này là dấu hiệu của một bệnh lý tiềm ẩn.
Ý kiến bạn đọc