Hội chứng quá kích buồng trứng
Hội chứng quá kích buồng trứng là gì?
Hội chứng quá kích buồng trứng (ovarian hyperstimulation syndrome – OHSS) là phản ứng quá mức của buồng trứng đối với lượng hormone dư thừa. Vấn đề này thường xảy ra ở những phụ nữ phải tiêm hormone để kích thích sự phát triển của trứng trong buồng trứng. Hội chứng quá kích buồng trứng khiến buồng trứng sưng và đau.
Hội chứng quá kích buồng trứng có thể xảy ra ở những phụ nữ trải qua quá trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) hoặc tiêm thuốc kích thích rụng trứng. Đôi khi, tình trạng này còn xảy ra trong thời gian sử dụng các loại thuốc hỗ trợ sinh sản đường uống, chẳng hạn như thuốc kích trứng clomiphene.
Việc điều trị tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng quá kích buồng trứng. Hội chứng quá kích buồng trứng có thể tự khỏi trong các trường hợp nhẹ nhưng nếu nặng thì có thể cần phải nhập viện để điều trị.
Triệu chứng
Các triệu chứng của hội chứng quá kích buồng trứng thường bắt đầu trong vòng một tuần sau khi tiêm thuốc kích thích rụng trứng nhưng đôi khi phải sau hai tuần hoặc lâu hơn thì các triệu chứng mới xuất hiện. Các triệu chứng ở mỗi người có mức độ nặng nhẹ khác nhau và có thể nặng thêm hoặc đỡ dần theo thời gian.
Hội chứng quá kích buồng trứng nhẹ đến vừa
Hội chứng quá kích buồng trứng mức độ từ nhẹ đến vừa có các triệu chứng như:
- Đau bụng dưới
- Đầy bụng hoặc bụng chướng to
- Buồn nôn
- Nôn
- Tiêu chảy
- Khó chịu ở khu vực buồng trứng
Phụ nữ sử dụng thuốc hỗ trợ sinh sản dạng tiêm thường bị hội chứng quá kích buồng trứng dạng nhẹ và các triệu chứng biến mất sau khoảng một tuần. Tuy nhiên, nếu thụ thai thành công thì các triệu chứng có thể sẽ trầm trọng hơn và kéo dài từ vài ngày đến vài tuần.
Hội chứng quá kích buồng trứng nặng
Hội chứng quá kích buồng trứng nặng thường gây ra các triệu chứng như:
- Tăng cân nhanh chóng, hơn 1 kg trong vòng 24 giờ
- Đau bụng dữ dội
- Buồn nôn và nôn liên tục
- Giảm đi tiểu
- Khó thở, hụt hơi
- Bụng to và căng lên
Khi nào cần đi khám?
Nếu đang trong thời gian điều trị vô sinh hiếm muộn và gặp các triệu chứng quá kích buồng trứn thì hãy thông báo với bác sĩ. Ngay cả khi chỉ bị nhẹ thì cũng cần phải theo dõi để xem các triệu chứng có tiến triển nặng hơn hay không.
Cần đến gặp bác sĩ ngay lập tức nếu có vấn đề về hô hấp hoặc đau ở chân trong quá trình điều trị. Đó có thể là những dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng cần phải can thiệp khẩn cấp.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây hội chứng quá kích buồng trứng là do có một lượng lớn hCG hay gonadotropin màng đệm ở người (một loại hormone được sản xuất trong thai kỳ) được đưa vào cơ thể. Các mạch máu trong buồng trứng phản ứng bất thường với hCG và bắt đầu rò rỉ chất lỏng. Lượng chất lỏng này làm cho buồng trứng sưng lên và đôi khi một phần chất lỏng còn di chuyển vào ổ bụng.
Trong các biện pháp hỗ trợ sinh sản, hCG được sử dụng làm chất kích thích nang trứng trưởng thành phóng trứng. Hội chứng quá kích buồng trứng thường xảy ra trong vòng một tuần sau khi tiêm hCG. Nếu thụ thai thành công sau đó thì tình trạng này có thể trở nên trầm trọng hơn do cơ thể bắt đầu tự sản xuất hCG để chuẩn bị cho thai kỳ và khiến cho nồng đọ hCG càng tăng cao.
Các loại thuốc hỗ trợ sinh sản dạng tiêm dễ gây ra hội chứng quá kích buồng trứng hơn là thuốc đường uống như clomiphene. Đôi khi hội chứng quá kích buồng trứng xảy ra một cách tự phát, không liên quan đến các phương pháp hỗ trợ sinh sản.
Các yếu tố nguy cơ
Đôi khi, hội chứng quá kích buồng trứng xảy ra ở cả những phụ nữ không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào. Nhưng một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ xảy ra vấn đề này gồm có:
- Bị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) – tình trạng mà buồng trứng hình thành nhiều nang nhỏ, khiến chu kỳ kinh nguyệt bất thường, lông mọc nhiều, tăng cân, da nổi mụn, rụng tóc và vô sinh
- Có số lượng lớn nang trứng
- Dưới 35 tuổi
- Khối lượng cơ thể thấp
- Nồng độ estradiol (một loại estrogen) tăng cao nhanh chóng trước khi tiêm hCG
- Từng bị hội chứng quá kích buồng trứng trước đây
Biện pháp chẩn đoán
Bác sĩ có thể chẩn đoán hội chứng quá kích buồng trứng dựa trên:
- Các triệu chứng lâm sàng, ví dụ như tăng cân, bụng chướng to và đau bụng dưới.
- Siêu âm: nếu bị quá kích buồng trứng thì hình ảnh siêu âm sẽ cho thấy buồng trứng lớn hơn bình thường và có các bọc chứa dịch nơi các nang trứng phát triển. Trong quá trình sử dụng các loại thuốc hỗ trợ sinh sản, buồng trứng sẽ được kiểm tra thường xuyên bằng phương pháp siêu âm qua đường âm đạo.
- Xét nghiệm máu: các phương pháp xét nghiệm máu giúp phát hiện nồng độ bất thường của một số chất trong máu và chức năng thận có bị suy giảm do quá kích buồng trứng hay không.
Phương pháp điều trị
Hội chứng quá kích buồng trứng thường tự khỏi trong vòng 1 đến 2 tuần hoặc lâu hơn nếu thụ thai thành công. Việc điều trị nhằm mục đích làm giảm triệu chứng, hỗ trợ hoạt động của buồng trứng và tránh xảy ra các biến chứng.
Hội chứng quá kích buồng trứng nhẹ đến vừa
Hội chứng quá kích buồng trứng nhẹ thường tự hết và người bệnh vẫn có thể thực hiện được các công việc hàng ngày một cách bình thường. Các phương pháp để điều trị hội chứng quá kích buồng trứng mức độ vừa gồm có:
- Thử dùng các loại thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen để giảm cảm giác khó chịu ở bụng nhưng không dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen và naproxen sodium nếu vừa mới chuyển phôi vì những loại này thuốc có thể cản trở phôi thai bám vào thành tử cung
- Uống nhiều nước
- Siêu âm thường xuyên để theo dõi
- Đo vòng bụng và cân nặng hàng ngày để kiểm tra, nếu tăng thì cần báo cho bác sĩ.
- Đo lượng nước tiểu mỗi ngày
- Xét nghiệm máu để theo dõi tình trạng mất nước, mất cân bằng điện giải và các vấn đề khác
- Dẫn lưu chất lỏng trong ổ bụng bằng thủ thuật dẫn lưu dịch ổ bụng
- Dùng thuốc ngăn ngừa đông máu (thuốc chống đông máu)
Ngoài ra, không được quan hệ tình dục vì việc này sẽ gây đau đớn và có thể làm vỡ u nang buồng trứng. Nên duy trì hoạt động thể chất nhẹ nhàng và tránh vận động nặng.
Nếu các triệu chứng ngày càng nặng hơn thì cần thông báo cho bác sĩ.
Hội chứng quá kích buồng trứng nặng
Những phụ nữ bị hội chứng quá kích buồng trứng nặng có thể cần phải nhập viện để theo dõi và điều trị tích cực, gồm có truyền dịch qua đường tĩnh mạch. Bác sĩ có thể sẽ cho dùng thuốc cabergoline để giảm bớt các triệu chứng. Đôi khi sẽ phải dùng thêm loại thuốc khác, chẳng hạn như thuốc đối vận Gn-RH hoặc letrozole để ức chế hoạt động của buồng trứng.
Nếu có biến chứng nghiêm trọng thì sẽ cần các phương pháp điều trị khác, chẳng hạn như phẫu thuật loại bỏ u nang buồng trứng bị vỡ hoặc điều trị biến chứng liên quan đến gan, phổi. Cũng có thể cần dùng thuốc chống đông máu để giảm nguy cơ hình thành cục máu đông ở chân.
Biến chứng
Rất ít trường hợp bị hội chứng quá kích buồng trứng nghiêm trọng nhưng nếu xảy ra thì có thể đe dọa đến tính mạng. Một số biến chứng gồm có:
- Tích nước ở bụng và đôi khi ở lồng ngực
- Rối loạn điện giải (natri, kali và các chất khác)
- Hình thành cục máu đông trong các mạch máu lớn, thường là ở chân
- Suy thận
- Xoắn buồng trứng
- Vỡ u nang buồng trứng, có thể dẫn đến chảy máu ồ ạt
- Các vấn đề về hô hấp
- Sảy thai hoặc phải chủ động kết thúc thai kỳ do các biến chứng
- Tử vong
Biện pháp phòng ngừa
Để giảm nguy cơ xảy ra hội chứng quá kích buồng trứng thì phải cẩn thận trong quá trình sử dụng các loại thuốc hỗ trợ sinh sản. Bác sĩ phải theo dõi cẩn thận từng chu kỳ điều trị bằng cách siêu âm thường xuyên để kiểm tra sự phát triển của các nang trứng và xét nghiệm máu để đo nồng độ hormone.
Một số biện pháp để ngăn ngừa hội chứng quá kích buồng trứng:
- Điều chỉnh liều lượng thuốc: chỉ sử dụng liều hCG thấp nhất có thể để kích thích buồng trứng và kích hoạt rụng trứng.
- Sử dụng thuốc: một số loại có tác dụng làm giảm nguy cơ quá kích buồng trứng mà không ảnh hưởng đến khả năng thụ thai. Các loại thuốc này gồm có aspirin liều thấp, thuốc chủ vận dopamine như carbergoline hoặc quinogloide và canxi dạng tiêm truyền. Những phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang có thể dùng thuốc metformin trong quá trình kích thích buồng trứng để ngăn ngừa tình trạng quá kích.
- Dừng tạm thời: nếu nồng độ estrogen tăng cao hoặc có quá nhiều nang trứng phát triển thì bác sĩ sẽ chỉ định ngừng tiêm thuốc và nghỉ một vài ngày trước khi tiêm lại.
- Không sử dụng hCG: Vì hội chứng quá kích buồng trứng thường xảy ra sau khi tiêm hCG nên để tránh vấn đề này thì có thể sử dụng giải pháp thay thế để kích thích buồng trứng, đó là dùng các thuốc chủ vận Gn-RH, chẳng hạn như leuprolide.
- Đông lạnh phôi: Nếu đang thực hiện phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm thì tất cả các nang trứng (cả trưởng thành và chưa trưởng thành) có thể bị tách khỏi buồng trứng để giảm khả năng bị quá kích buồng trứng. Các nang trứng trưởng thành được đem đi thụ tinh và đông lạnh, cho phép buồng trứng được nghỉ ngơi. Sau một thời gian, khi cơ thể đã sẵn sàng thì có thể tiếp tục quá trình thụ tinh trong ống nghiệm.
Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
Các dấu hiệu, triệu chứng của hội chứng buồng trứng đa nang thường xuất hiện vào kỳ kinh nguyệt đầu tiên trong độ tuổi dậy thì nhưng đôi khi, các triệu chứng xuất hiện muộn hơn và chỉ biểu hiện rõ khi tăng cân đáng kể.
U nang buồng trứng
U nang buồng trứng là một bệnh phụ khoa mà rất nhiều phụ nữ gặp phải nhưng đa phần đều chỉ có ít hoặc không gây triệu chứng và vô hại. Phần lớn u nang buồng trứng đều tự biến mất trong vòng vài tháng mà không cần điều trị.
Ung thư buồng trứng
Ung thư buồng trứng giai đoạn đầu hiếm khi biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào. Ung thư buồng trứng giai đoạn cuối cũng ít gây triệu chứng và các triệu chứng cũng không đặc hiệu, có nghĩa là giống như nhiều vấn đề sức khỏe lành tính phổ biến, ví dụ như u nang buồng trứng.
Suy buồng trứng nguyên phát
Suy buồng trứng nguyên phát thường bị nhầm với mãn kinh sớm nhưng thực chất đây là hai vấn đề khác nhau.
Ý kiến bạn đọc