Lỗ tiểu lệch thấp

Lỗ tiểu lệch thấp có nghĩa là lỗ tiểu không nằm ở đầu dương vật mà hình thành lệch xuống bên dưới. Trong hầu hết các trường hợp, lỗ tiểu nằm ở phần quy đầu nhưng đôi khi, lỗ tiểu lại hình thành ở thân hoặc gốc dương vật.

Lỗ tiểu lệch thấp là gì?

Lỗ tiểu lệch thấp (hypospadias) là một dạng dị tật bẩm sinh ở bé trai mà lỗ niệu đạo nằm ở mặt dưới của dương vật thay vì nằm ở đầu dương vật như bình thường. Niệu đạo là ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài.

Lỗ tiểu lệch thấp là một vấn đề phổ biến và không gây ảnh hưởng gì đến việc chăm sóc trẻ ở giai đoạn sơ sinh nhưng có thể ảnh hưởng đến chức năng tình dục và khả năng sinh sản về sau này của nam giới. Do đó, các trường hợp lỗ tiểu lệch thấp thường phải phẫu thuật để điều chỉnh lại cấu tạo đường tiết niệu. Sau khi phẫu thuật thành công, hầu hết nam giới đều có thể đi tiểu và có chức năng sinh sản bình thường.

Biểu hiện của lỗ tiểu lệch thấp

Lỗ tiểu lệch thấp có nghĩa là lỗ tiểu không nằm ở đầu dương vật mà hình thành lệch xuống bên dưới. Trong hầu hết các trường hợp, lỗ tiểu nằm ở phần quy đầu nhưng đôi khi, lỗ tiểu lại hình thành ở thân hoặc gốc dương vật. Thậm chí cũng có những trường hợp lỗ tiểu nằm ở trong hoặc dưới bìu.

Các biểu hiện của lỗ tiểu lệch thấp gồm có:

  • Lỗ tiểu (nơi nước tiểu chảy ra ngoài) không nằm ở đầu dương vật
  • Dương vật cong, hướng xuống dưới
  • Bao quy đầu có hình dạng bất thường vì chỉ có nửa trên của dương vật được bao phủ bởi bao quy đầu.
  • Dòng chảy nước tiểu bất thường khi đi tiểu
  • Dương vật bị biến dạng khi cương cứng
  • Xuất tinh kém
  • Vô sinh

Khi nào cần đi khám?

Hầu hết trẻ sơ sinh có lỗ tiểu lệch thấp đều được phát hiện ngay sau khi sinh. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp lỗ tiểu chỉ bị lệch nhẹ và khó phát hiện. Bố mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ nếu nhận thấy dương vật của trẻ có điểm bất thường hoặc trẻ gặp vấn đề khi tiểu tiện.

Nguyên nhân gây lỗ tiểu lệch thấp

Lỗ tiểu lệch thấp là một vấn đề bẩm sinh, có nghĩa là xảy ra ngay từ khi trẻ còn trong bụng mẹ. Khi thai nhi hình thành dương vật, một số hormone sẽ kích thích sự hình thành niệu đạo và bao quy đầu. Lỗ tiểu lệch thấp xảy ra khi hoạt động của các hormone này có vấn đề, khiến cho niệu đạo phát triển bất thường.

Hầu hết các trường hợp lỗ tiểu lệch thấp đều không xác định được nguyên nhân chính xác. Đôi khi, lỗ tiểu lệch thấp là do di truyền nhưng các yếu tố môi trường cũng có thể góp phần gây ra  vấn đề này.

Các yếu tố nguy cơ

Mặc dù thường không xác định được nguyên nhân gây lỗ tiểu lệch thấp nhưng một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ trẻ bị dạng dị tật bẩm sinh này:

  • Tiền sử gia đình: Trẻ sẽ có nguy cơ lỗ tiểu lệch thấp cao hơn nếu có bố hoặc một người thân khác trong gia đình bị lỗ tiểu lệch thấp.
  • Gen di truyền: Một số biến thể gen nhất định có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các hormone tham gia vào sự hình thành bộ phận sinh dục nam và việc mang những biến thể gen này làm tăng nguy cơ lỗ tiểu lệch thấp.
  • Tuổi tác của người mẹ khi mang thai: Một số nghiên cứu cho thấy nếu như người mẹ mang thai ở độ tuổi ngoài 35 thì trẻ sẽ có nguy cơ bị lỗ tiểu lệch thấp cao hơn.
  • Tiếp xúc với một số chất trong thời kỳ mang thai: Có một số nghiên cứu cho thấy rằng nguy cơ lỗ tiểu lệch thấp tăng cao khi người mẹ tiếp xúc với một số hormone hoặc hợp chất nhất định trong thời gian mang thai, chẳng hạn như thuốc trừ sâu hoặc hóa chất công nghiệp nhưng cần có thêm các nghiên cứu chuyên sâu hơn để xác nhận điều này.

Vấn đề phát sinh do lỗ tiểu lệch thấp

Nếu không được điều trị, lỗ tiểu lệch thấp có thể dẫn đến các vấn đề như:

  • Dương vật có hình dạng bất thường
  • Trẻ gặp khó khăn khi bắt đầu học cách tự đi vệ sinh
  • Dương vật cong bất thường khi cương cứng
  • Xuất tinh kém
  • Vô sinh

Chẩn đoán lỗ tiểu lệch thấp

Bác sĩ có thể phát hiện lỗ tiểu lệch thấp ngay khi trẻ vừa sinh ra hoặc phát hiện khi khám sức khỏe định kỳ và trao đổi với bố mẹ về phương án điều trị.

Nếu lỗ tiểu nằm ở vị trí bất thường và không sờ thấy tinh hoàn thì sẽ khó xác định bộ phận sinh dục là nam hay nữ (liên giới tính). Trong những trường hợp này, trẻ sẽ được kiểm tra thêm để xác định chính xác vấn đề và hướng can thiệp.

Điều trị lỗ tiểu lệch thấp

Nếu như lỗ tiểu chỉ bị lệch nhẹ thì có thể không cần phải điều chỉnh. Tuy nhiên, nếu lỗ tiểu lệch nhiều thì sẽ phải tiến hành phẫu thuật để đưa lỗ tiểu về vị trí bình thường và làm thẳng trục dương vật nếu cần thiết. Ca phẫu thuật thường được thực hiện trong giai đoạn từ 6 đến 12 tháng tuổi.

Nếu dương vật có hình dạng bất thường thì không nên cắt bao quy đầu.

Quy trình phẫu thuật

Hầu hết các trường hợp lỗ tiểu lệch thấp đều chỉ cần trải qua một ca phẫu thuật duy nhất và trẻ có thể về nhà ngay trong ngày mà không cần phải ở lại viện. Tuy nhiên, một số dạng lỗ tiểu lệch thấp cần phải phẫu thuật nhiều lần để chỉnh sửa hoàn thiện.

Khi lỗ tiểu nằm gần gốc dương vật, bác sĩ sẽ dùng mô lấy từ bao quy đầu hoặc mô ở một vị trí khác trên cơ thể, chẳng hạn như bên trong miệng để nối dài niệu đạo và làm cho niệu đạo mở ra ở vị trí bình thường trên đầu dương vật.

Kết quả phẫu thuật

Trong hầu hết các trường hợp, ca phẫu thuật chỉnh sửa lỗ tiểu lệch thấp có tỷ lệ thành công cao. Đa phần thì dương vật sẽ có hình dạng bình thường sau khi phẫu thuật. Trẻ sẽ có thể đi tiểu và có chức năng sinh sản bình thường khi trưởng thành.

Tuy nhiên, đôi khi có thể phát sinh một số vấn đề không mong muốn, chẳng hạn như hình thành lỗ rò ở mặt dưới của dương vật, dẫn đến rò rỉ nước tiểu, vết thương chậm lành hoặc để lại sẹo. Nếu xảy ra những vấn đề này thì sẽ phải phẫu thuật thêm để khắc phục.

Theo dõi sau phẫu thuật

Bố mẹ cần đưa trẻ đi tái khám theo lịch hẹn sau ca phẫu thuật chỉnh sửa lỗ tiểu lệch thấp để theo dõi quá trình lành vết thương và chức năng của lỗ tiểu mới. Sau đó, trẻ sẽ cần được kiểm tra thường xuyên khi bắt đầu tự đi vệ sinh và ở tuổi dậy thì.

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hypospadias/symptoms-causes/syc-20355148

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Tiểu đường thai kỳ

Nếu không được điều trị, tiểu đường thai kỳ có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng nhưng mẹ bầu có thể kiểm soát tình trạng bệnh bằng cách ăn các loại thực phẩm lành mạnh, tập thể dục đều đặn và dùng thuốc nếu cần.

Tiêu chảy do kháng sinh

Đa số các trường hợp tiêu chảy do kháng sinh chỉ nhẹ và không cần điều trị. Vấn đề thường khỏi trong vòng vài ngày sau khi ngừng thuốc. Nhưng cũng có nhiều trường hợp bị nặng và phải điều trị bằng các loại thuốc khác.

Tiểu ra máu

Tiểu ra máu xảy ra khi thận hoặc các bộ phận khác của đường tiết niệu có vấn đề và khiến cho tế bào máu rò rỉ vào nước tiểu. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Són tiểu do tăng áp lực

Són tiểu do tăng áp lực khiến người bệnh cảm thấy xấu hổ, mặc cảm, tự ti và ảnh hưởng không nhỏ đến công việc cũng như là sinh hoạt hàng ngày.

Tiểu không tự chủ (són tiểu)

Việc điều trị chứng tiểu không tự chủ tùy thuộc vào loại tiểu không tự chủ, mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân gây ra. Có thể cần kết hợp nhiều phương pháp điều trị và nếu nguyên nhân là do một bệnh lý khác thì sẽ phải điều trị bệnh lý đó.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây