Són tiểu do tăng áp lực

Són tiểu do tăng áp lực khiến người bệnh cảm thấy xấu hổ, mặc cảm, tự ti và ảnh hưởng không nhỏ đến công việc cũng như là sinh hoạt hàng ngày.

Són tiểu do tăng áp lực là gì?

Són tiểu hay tiểu không tự chủ là tình trạng rò rỉ nước tiểu ra khỏi bàng quang một cách không kiểm soát. Có nhiều mức độ són tiểu, từ chỉ rò rỉ một lượng nước tiểu rất nhỏ cho đến một lượng nước tiểu lớn đủ làm ướt quần. Són tiểu do tăng áp lực xảy ra khi một cử động hoặc hoạt động thể chất, chẳng hạn như ho, cười, hắt hơi, chạy hoặc nâng vật nặng gây áp lực lên bàng quang và  dẫn đến rò rỉ nước tiểu. Són tiểu do tăng áp lực không liên quan đến căng thẳng hay áp lực về tâm lý.

Són tiểu do tăng áp lực khác với són tiểu cấp kỳ và bàng quang tăng hoạt (bàng quang hoạt động quá mức). Són tiểu cấp kỳ hay bàng quang tăng hoạt xảy ra do cơ bàng quang co thắt không tự chủ, gây ra cảm giác buồn tiểu đột ngột và rò rỉ nước tiểu trước khi kịp vào nhà vệ sinh. Tình trạng són tiểu do tăng áp lực xảy ra phổ biến ở phụ nữ hơn so với nam giới.

Són tiểu do tăng áp lực khiến người bệnh cảm thấy xấu hổ, mặc cảm, tự ti và ảnh hưởng không nhỏ đến công việc cũng như là sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, có nhiều phương pháp điều trị để kiểm soát tình trạng tiểu không tự chủ và cải thiện sức khỏe tổng thể.

Triệu chứng són tiểu do tăng áp lực

Khi bị són tiểu do tăng áp lực, người bệnh thường bị rò rỉ nước tiểu khi:

  • Ho
  • Hắt hơi
  • Cười
  • Cúi người
  • Bê vác vật nặng
  • Tập thể dục
  • Quan hệ tình dục

Không phải lúc nào những hoạt động này cũng gây són tiểu nhưng bất kỳ hoạt động nào làm tăng áp lực lên bàng quang đều có thể khiến cho nước tiểu bị đẩy ra ngoài một cách không kiểm soát, nhất là khi bàng quang đầy.

Khi nào cần đi khám?

Nên đi khám bác sĩ nếu các triệu chứng gây khó chịu hoặc cản trở sinh hoạt hàng ngày.

Nguyên nhân gây són tiểu do tăng áp lực

Són tiểu do tăng áp lực xảy ra khi các cơ và các mô khác hỗ trợ niệu đạo (cơ sàn chậu) và các cơ kiểm soát việc đào thải sự giải phóng nước tiểu (cơ thắt niệu đạo) bị suy yếu.

Bàng quang căng lên khi chứa đầy nước tiểu. Bên trong niệu đạo (ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể) có các cơ với vai trò giống như chiếc van. Các cơ này đóng lại khi bàng quang căng đầy để ngăn nước tiểu rò rỉ và mở ra khi đi tiểu để cho phép nước tiểu thoát ra ngoài. Khi các cơ này trở nên suy yếu, bất cứ điều gì tác động lên cơ bụng và cơ sàn chậu, ví dụ như hắt hơi, cúi gập người, nhấc vật nặng hoặc cười lớn… đều có thể gây áp lực lên bàng quang và dẫn đến rò rỉ nước tiểu.

Cơ sàn chậu và cơ thắt niệu đạo có thể trở nên suy yếu do những nguyên nhân như:

  • Sinh con: Ở phụ nữ, tổn thương mô hoặc dây thần kinh khi sinh nở có thể làm suy yếu cơ sàn chậu hoặc cơ thắt niệu đạo. Són tiểu do tăng áp lực có thể xảy ra ngay sau khi sinh hoặc vài năm sau đó.
  • Phẫu thuật tuyến tiền liệt: Ở nam giới, phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt để điều trị ung thư tuyến tiền liệt là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến chứng són tiểu do tăng áp lực. Ca phẫu thuật này có thể làm suy yếu cơ thắt niệu đạo ngoài (cơ nằm ngay bên dưới tuyến tiền liệt và bao quanh niệu đạo).

Các yếu tố khác có thể làm trầm trọng thêm tình trạng són tiểu do tăng áp lực gồm có:

  • Các bệnh gây ho mạn tính
  • Béo phì
  • Ho kéo dài do hút thuốc lá
  • Thường xuyên thực hiện các hoạt động gây tác động mạnh, chẳng hạn như chạy và nhảy trong thời gian dài

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố làm tăng nguy cơ són tiểu do tăng áp lực gồm có:

  • Tuổi tác: Những thay đổi về thể chất khi có tuổi, chẳng hạn như sự suy yếu của các cơ, có thể làm tăng nguy cơ són tiểu do tăng áp lực. Tuy nhiên, tình trạng thi thoảng bị són tiểu do tăng áp lực có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.
  • Phương pháp sinh nở: Những phụ nữ sinh thường có nguy cơ bị tiểu không tự chủ cao hơn so với những phụ nữ sinh mổ. Việc sử dụng forcep để hỗ trợ quá trình sinh nở cũng làm tăng nguy cơ són tiểu do tăng áp lực. Phương pháp sinh giác hút không làm tăng nguy cơ gặp phải vấn đề này.
  • Cân nặng: Những người thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ mắc chứng són tiểu do tăng áp lực cao hơn. Khối lượng cơ thể lớn làm tăng áp lực lên các cơ quan vùng bụng và vùng chậu.
  • Tiền sử phẫu thuật vùng chậu: Phẫu thuật cắt tử cung ở phụ nữ và phẫu thuật điều trị ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới có thể làm suy yếu các cơ nâng đỡ bàng quang và niệu đạo, điều này làm tăng nguy cơ són tiểu do tăng áp lực.

Vấn đề phát sinh do són tiểu do tăng áp lực

Chứng són tiểu do tăng áp lực có thể dẫn đến các vấn đề như:

  • Ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý: Tiểu không tự chủ sẽ làm gián đoạn các hoạt động hàng ngày và khiến cho người bệnh cảm thấy xấu hổ, tự ti. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến công việc, các hoạt động xã hội, các mối quan hệ và thậm chí cả đời sống tình dục.
  • Són tiểu hỗn hợp: Tiểu không tự chủ hỗn hợp có nghĩa là són tiểu do tăng áp lực và són tiểu cấp kỳ xảy ra cùng một lúc. Són tiểu cấp kỳ là tình trạng xảy ra do cơn co thắt cơ bàng quang (bàng quang hoạt động quá mức) gây ra cảm giác buồn tiểu gấp và rò rỉ nước tiểu không chủ ý.
  • Phát ban hoặc kích ứng da: Khi thường xuyên tiếp xúc với nước tiểu, da có thể bị kích ứng, tổn thương và lở loét. Điều này thường xảy ra trong những trường hợp bị chứng són tiểu nghiêm trọng và không sử dụng các biện pháp phòng ngừa, chẳng hạn như kem bôi chống hăm/loét hoặc băng vệ sinh.

Chẩn đoán són tiểu do tăng áp lực

Trong quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ tìm các dấu hiệu chỉ ra nguyên nhân gây són tiểu. Các bước để chẩn đoán chứng són tiểu do tăng áp lực gồm có:

  • Khai thác bệnh sử
  • Khám lâm sàng, gồm có khám trực tràng và khám phụ khoa ở phụ nữ
  • Xét nghiệm nước tiểu để phát hiện các dấu hiệu nhiễm trùng, có hồng cầu trong nước tiểu hoặc các dấu hiệu bất thường khác
  • Khám thần kinh để tìm các vấn đề về dây thần kinh ở vùng chậu
  • Stress test, trong đó bác sĩ quan sát lượng nước tiểu rò rỉ khi ho hoặc vận động mạnh

Kiểm tra chức năng bàng quang

Các trường hợp tiểu không tự chủ thông thường thường không cần phải kiểm tra thêm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bác sĩ chỉ định một số phương pháp kiểm tra để đánh giá chức năng của bàng quang, niệu đạo và cơ thắt niệu đạo (đo niệu động học).

Các phương pháp để đánh giá chức năng bàng quang gồm có:

  • Đo lượng nước tiểu tồn dư: Bác sĩ thường chỉ định thực hiện phương pháp này nếu nghi ngờ bằng quang không thể làm rỗng hoàn toàn khi đi tiểu, đặc biệt là ở những người lớn tuổi, đã từng phẫu thuật bàng quang hoặc mắc bệnh tiểu đường. Phương pháp này cho biết bàng quang có đang hoạt động tốt hay không. Bác sĩ chuyên khoa sử dụng phương pháp siêu âm (thu hình ảnh của các cơ quan nội tạng bằng sóng âm) để đo lượng nước tiểu còn lại trong bàng quang sau khi đi tiểu. Đôi khi ống thông được đưa qua niệu đạo vào bàng quang để dẫn lượng nước tiểu còn lại ra ngoài.
  • Đo áp lực bàng quang: Phương pháp này cho biết áp lực trong bàng quang và vùng xung quanh khi bàng quang đầy. Bác sĩ thường tiến hành đo áp lực bàng quang trong những trường hợp mắc bệnh thần kinh tủy sống. Một ống thông được sử dụng để từ từ đưa chất lỏng ấm vào làm đầy bàng quang. Khi bàng quang đã căng lên, người bệnh sẽ được yêu cầu ho hoặc cúi người xuống để kiểm tra sự rò rỉ. Quy trình này có thể được kết hợp với đo áp lực niệu dòng – một phương pháp cho biết mức độ áp lực mà bàng quang phải tạo ra để đẩy hết nước tiểu ra ngoài.
  • Thu hình ảnh của bàng quang khi hoạt động: Quay phim niệu động học là phương pháp cho phép quan sát hình ảnh của bàng quang khi đầy và khi đi tiểu. Chất lỏng ấm có pha thuốc cản quang được đưa vào bàng quang qua ống thông và quá trình này được quay lại. Thuốc cản quang sẽ hiển thị trên hình ảnh X-quang. Khi bàng quang đầy, quá trình quay phim sẽ được tiếp tục khi đi tiểu theo dõi quá trình làm rỗng bàng quang
  • Nội soi bàng quang: Đưa ống soi được vào bàng quang để tìm các dấu hiệu tắc nghẽn hoặc bất kỳ bất thường nào trong bàng quang và niệu đạo. Bệnh nhân thường được gây mê trước khi nội soi.

Điều trị són tiểu do tăng áp lực

Có thể sẽ phải kết hợp nhiều phương pháp khác nhau để điều trị chứng tiểu không tự chủ. Nếu tiểu không tự chủ là do một bệnh lý khác, chẳng hạn như nhiễm trùng đường tiết niệu thì trước tiên sẽ phải điều trị bệnh lý đó.

Liệu pháp hành vi

Các liệu pháp hành vi có thể giúp chấm dứt hoặc giảm bớt các đợt són tiểu do tăng áp lực. Các phương pháp điều trị gồm có:

  • Bài tập cơ sàn chậu: Các bài tập Kegel có thể giúp tăng cường cơ sàn chậu và cơ thắt niệu đạo. Cũng giống như việc tập thể dục, hiệu quả của các bài tập Kegel phụ thuộc vào tần suất tập. Tập càng thường xuyên thì hiệu quả có được càng cao. Có thể kết hợp bài tập Kegel với phương pháp phản hồi sinh học (biofeedback) để nâng cao hiệu quả. Phản hồi sinh học là phương pháp sử dụng cảm biến áp lực hoặc kích thích bằng điện để giúp các cơ co thắt một cách bình thường.
  • Uống nước: Người bệnh có thể sẽ cần điều chỉnh lượng nước uống và thời điểm uống nước trong ngày, nhất là vào buổi tối. Tuy nhiên, không nên giảm lượng nước quá mức để tránh bị mất nước.
    Ngoài ra, nên tránh các loại đồ uống có chứa caffeine, nước ngọt có ga và đồ uống có cồn vì những thứ này có thể gây kích thích và ảnh hưởng đến chức năng bàng quang.
  • Thực hiện lối sống lành mạnh: Bỏ thuốc lá, giảm cân nếu thừa cân hoặc điều trị ho mạn tính sẽ làm giảm nguy cơ són tiểu do tăng áp lực và cải thiện các triệu chứng.
  • Rèn luyện bàng quang: Những người bị chứng tiểu không tự chủ nên thử rèn luyện bàng quang bằng cách đi tiểu vào những khung giờ cố định hàng ngày thay vì cảm thấy buồn tiểu mới đi. Việc đi tiểu thường xuyên hơn có thể làm giảm tần suất hoặc mức độ nghiêm trọng của các đợt tiểu không tự chủ.

Dùng thuốc

Hiện chưa có loại thuốc nào được phê duyệt để điều trị chứng són tiểu do tăng áp lực. Tuy nhiên, một số loại thuốc được sử dụng để điều trị vấn đề này dưới hình thức “ngoài hướng dẫn” (off-label), chẳn hạn như thuốc chống trầm cảm duloxetine.

Thuốc này có thể gây ra một số tác dụng phụ như buồn nôn. Điều này khiến không ít người phải ngừng thuốc và các triệu chứng sẽ nhanh chóng quay trở lại sau khi ngừng dùng thuốc.

Dụng cụ hỗ trợ

Một số dụng cụ có thể giúp kiểm soát tình trạng són tiểu do tăng áp lực ở phụ nữ:

  • Vòng nâng cổ tử cung (vòng pessary): Dụng cụ này có hình vòng tròn, được đưa vào trong âm đạo để hỗ trợ các cấu trúc trong vùng chậu. Quá trình đặt vòng pessary được thực hiện bởi nhân viên y tế. Vòng pessary giúp nâng đỡ cơ bàng quang để ngăn rò rỉ nước tiểu trong quá trình hoạt động, đặc biệt là trong những trường hợp bị sa bàng quang.
  • Đây là một lựa chọn phù hợp cho những trường hợp không muốn làm phẫu thuật. Vòng pessary cần được tháo ra và vệ sinh định kỳ để tránh nhiễm trùng. Vòng pessary chủ yếu được sử dụng ở những người bị cả tiểu không tự chủ và sa cơ quan vùng chậu.
  • Ống bít niệu đạo: Đây là một dụng cụ dùng một lần có hình trụ nhỏ giống như miếng tampon, được đưa vào niệu đạo để ngăn rò rỉ nước tiểu. Ống bít niệu đạo thường được sử dụng để ngăn ngừa tiểu không tự chủ trong khi thực hiện các hoạt động như chơi thể thao và có thể để trong niệu đạo lên đến 8 tiếng mỗi ngày. Tuy nhiên, chỉ nên dùng ống bít niệu đạo cho các hoạt động nặng, chẳng hạn như bê đồ liên tục, chạy hoặc chơi tennis.

Phẫu thuật

Một số trường hợp tiểu không tự chủ do tăng áp lực cần phải phẫu thuật để cải thiện khả năng đóng của cơ thắt niệu đạo hoặc hỗ trợ cổ bàng quang. Các phương pháp phẫu thuật gồm có:

  • Đặt võng nâng cổ bàng quang: Đây là thủ thuật phổ biến nhất được thực hiện để điều trị són tiểu do tăng áp lực ở phụ nữ. Trong ca phẫu thuật, bác sĩ sử dụng mô của chính người bệnh, vật liệu tổng hợp, mô của động vật hoặc người hiến tặng để tạo ra một cấu trúc giống như chiếc võng hỗ trợ niệu đạo. Phương pháp này cũng được sử dụng cho cả nam giới bị són tiểu do tăng áp lực nhẹ để làm giảm các triệu chứng.
  • Tiêm bulking: Tiêm polysaccharid hoặc gel tổng hợp vào vùng mô xung quanh phần trên của niệu đạo. Những vật liệu này làm phồng khu vực xung quanh niệu đạo và cải thiện khả năng đóng của cơ thắt niệu đạo.
  • Treo cổ bàng quang: Phương pháp phẫu thuật này sử dụng chỉ khâu khâu vào dây chằng dọc theo xương mu để nâng và hỗ trợ vùng mô gần cổ bàng quang và phần trên của niệu đạo. Ca phẫu thuật có thể được thực hiện bằng kỹ thuật nội soi hoặc mổ mở qua một đường rạch ở bụng.
  • Cơ thắt niệu đạo nhân tạo: Phương pháp này được sử dụng để điều trị chứng són tiểu do tăng áp lực ở nam giới. Một dụng cụ có thể bơm phồng được đặt ở phần trên của niệu đạo để thay thế chức năng của cơ thắt niệu đạo tự nhiên.

Các phương pháp điều trị khác

Thực hiện lối sống lành mạnh và điều chỉnh chế độ ăn uống có thể giúp làm giảm các triệu chứng són tiểu do tăng áp lực:

  • Giảm cân: Đối với những người thừa cân (chỉ số khối cơ thể BMI từ 25 trở lên) thì việc giảm cân có thể giúp giảm áp lực lên bàng quang và cơ sàn chậu. Giảm cân một cách vừa phải có thể giúp cải thiện rõ rệt tình trạng són tiểu do tăng áp lực. Không giảm cân quá nhanh để tránh gây hại cho sức khỏe.
  • Tăng lượng chất xơ: Táo bón mạn tính có thể là nguyên nhân góp phần gây ra tình trạng tiểu không tự chủ. Đại tiện đều đặn và hạn chế rặn khi đại tiện sẽ giúp làm giảm áp lực lên các cơ sàn chậu. Hãy ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu để giảm bớt và ngăn ngừa táo bón.
  • Tránh đồ ăn và thức uống có thể gây kích thích bàng quang: Một số loại đồ ăn và thức uống như sô cô la, cà phê và trà (cả loại thường và loại khử caffeine) hoặc đồ uống có ga có thể gây buồn tiểu thường xuyên và rò rỉ nước tiểu. Hãy thử kiêng những món này và xem tình trạng són tiểu có cải thiện hay không.
  • Không hút thuốc lá: Hút thuốc lá có thể gây ho nghiêm trọng kéo dài dai dẳng và điều này sẽ làm trầm trọng thêm các triệu chứng tiểu không tự chủ do tăng áp lực. Hút thuốc lá còn làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư, trong đó có ung thư bàng quang.

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/stress-incontinence/symptoms-causes/syc-20355727

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Nguyên nhân nào gây tăng cân trong thời kỳ mãn kinh và cách khắc phục

Dễ tăng cân và khó giảm cân khi bước vào thời kỳ mãn kinh là điều mà rất nhiều phụ nữ gặp phải.

Tiểu đường thai kỳ

Nếu không được điều trị, tiểu đường thai kỳ có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng nhưng mẹ bầu có thể kiểm soát tình trạng bệnh bằng cách ăn các loại thực phẩm lành mạnh, tập thể dục đều đặn và dùng thuốc nếu cần.

Tiêu chảy do kháng sinh

Đa số các trường hợp tiêu chảy do kháng sinh chỉ nhẹ và không cần điều trị. Vấn đề thường khỏi trong vòng vài ngày sau khi ngừng thuốc. Nhưng cũng có nhiều trường hợp bị nặng và phải điều trị bằng các loại thuốc khác.

Hội chứng Sweet (bệnh da tăng bạch cầu đa nhân trung tính)

Hầu hết các trường hợp mắc hội chứng Sweet đều không xác định được nguyên nhân. Bệnh này đôi khi có liên quan đến các bệnh ung thư máu.

Tăng tiết mồ hôi

Hầu hết mọi người đều ra mồ hôi khi tập thể dục hoặc vận động mạnh, ở trong môi trường có nhiệt độ cao hay rơi vào tình huống lo âu, căng thẳng. Khi bị chứng tăng tiết mồ hôi, lượng mồ hôi mà cơ thể tiết ra lớn hơn nhiều so với bình thường.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây