Tiểu đường thai kỳ

Nếu không được điều trị, tiểu đường thai kỳ có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng nhưng mẹ bầu có thể kiểm soát tình trạng bệnh bằng cách ăn các loại thực phẩm lành mạnh, tập thể dục đều đặn và dùng thuốc nếu cần.

Tiểu đường thai kỳ là gì?

Tiểu đường thai kỳ hay đái tháo đường thai kỳ là bệnh tiểu đường xảy ra trong thời gian mang thai ở những phụ nữ không mắc tiểu đường trước đây. Giống như các loại bệnh tiểu đường khác, tiểu đường thai kỳ ảnh hưởng đến khả năng sử dụng đường (glucose) trong máu của các tế bào. Tiểu đường thai kỳ khiến lượng đường trong máu (đường huyết) tăng cao. Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe của cả người mẹ và thai nhi.

Nếu không được điều trị, tiểu đường thai kỳ có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng nhưng mẹ bầu có thể kiểm soát tình trạng bệnh bằng cách ăn các loại thực phẩm lành mạnh, tập thể dục đều đặn và dùng thuốc nếu cần. Kiểm soát mức đường huyết sẽ giúp giữ cho cả mẹ lẫn thai nhi khỏe mạnh và ngăn ngừa các biến chứng.

Ở những phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ, lượng đường trong máu thường trở lại mức bình thường ngay sau khi sinh. Nhưng vấn đề này sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 trong tương lai. Vì thế nên sẽ cần phải theo dõi mức đường huyết thường xuyên hơn.

Triệu chứng

Bệnh tiểu đường thai kỳ đa phần không biểu hiện triệu chứng rõ rệt mà thường được phát hiện khi đi khám thai định kỳ. Nếu có thì các triệu chứng thường là:

  • Hay cảm thấy khát
  • Thường xuyên thấy đói và ăn nhiều
  • Đi tiểu nhiều

Khi nào cần đi khám?

Nếu có thể thì nên đi khám trước khi mang thai để bác sĩ có thể đánh gia nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ và kiểm tra tình trạng sức khỏe tổng thể. Sau khi mang thai cần tiếp tục đi khám định kỳ để làm các xét nghiệm cần thiết kiểm tra xem có bị tiểu đường thai kỳ hay không.

Nếu bị tiểu đường thai kỳ thì mẹ bầu sẽ cần đi khám thường xuyên hơn bình thường, đặc biệt là trong ba tháng cuối để theo dõi lượng đường trong máu và sức khỏe của thai nhi.

Nguyên nhân

Khi ăn, tuyến tụy sản xuất ra insulin - loại hormone giúp di chuyển đường glucose trong máu đến các tế bào và sau đó đường được các tế bào sử dụng để tạo năng lượng. Trong thời gian mang thai, nhau thai tạo ra các hormone làm tăng lượng glucose trong máu. Thông thường, tuyến tụy có thể tạo ra đủ insulin để xử lý lượng đường này. Nhưng nếu cơ thể không thể sản xuất đủ insulin hoặc các tế bào không còn phản ứng với insulin như bình thường thì lượng đường trong máu sẽ tăng cao và gây nên tiểu đường thai kỳ.

Các yếu tố nguy cơ

Một số phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ cao hơn bình thường. Các yếu tố nguy cơ này gồm có:

  • Thừa cân và béo phì
  • Lối sống ít vận động
  • Có tiền sử tiểu đường thai kỳ hoặc tiền tiểu đường
  • Hội chứng buồng trứng đa nang
  • Có thành viên trong gia đình bị tiểu đường
  • Thai nhi có cân nặng trên 4kg vào lần sinh nở trước
  • Chủng tộc: phụ nữ da đen, gốc Tây Ban Nha, người Mỹ da đỏ và người Mỹ gốc Á có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ cao hơn.

Biến chứng

Bệnh tiểu đường thai kỳ không được kiểm soát sẽ khiến cho lượng đường trong máu tăng cao. Điều này gây ra nhiều vấn đề cho cả mẹ và thai nhi, bao gồm cả khả năng phải sinh mổ.

Các biến chứng ảnh hưởng đến thai nhi

Nếu mẹ bị tiểu đường thai kỳ, thai nhi sẽ có nguy cơ:

  • Cân nặng khi sinh quá lớn: lượng đường trong máu cao hơn bình thường ở người mẹ có thể khiến thai nhi phát triển quá lớn. Những trẻ có cân nặng từ 4kg trở lên có nguy cơ cao bị kẹt vai, bị chấn thương khi sinh hoặc cần phải sinh mổ.
  • Sinh sớm (non tháng): mức đường huyết cao có thể làm tăng nguy cơ chuyển dạ sớm và sinh con trước ngày dự sinh. Hoặc cũng có thể phải sinh sớm vì thai đã quá lớn.
  • Khó thở: những trẻ có mẹ bị bệnh tiểu đường thai kỳ có thể sẽ mắc phải hội chứng suy hô hấp - một tình trạng gây khó thở.
  • Hạ đường huyết: nếu người mẹ bị tiểu đường thai kỳ thì con sẽ có khả năng bị hạ đường huyết (lượng đường trong máu ở mức thấp) ngay sau khi sinh. Những đợt hạ đường huyết nghiêm trọng có thể gây co giật cho bé. Cho bú ngay lập tức và truyền dịch tĩnh mạch có thể sẽ đưa mức đường huyết của em bé trở lại bình thường.
  • Béo phì và tiểu đường tuýp 2 trong tương lai: những trẻ có mẹ bị tiểu đường thai kỳ có nguy cơ béo phì và tiểu đường tuýp 2 cao hơn trong tương lai.
  • Thai chết lưu: tiểu đường thai kỳ không được điều trị có thể khiến thai nhi tử vong trước hoặc ngay sau khi sinh.

Các biến chứng ảnh hưởng đến mẹ

Ở người mẹ, bệnh tiểu đường thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ:

  • Cao huyết áp và tiền sản giật: tiểu đường thai kỳ làm tăng nguy cơ cao huyết áp cũng như là tiền sản giật - một biến chứng nghiêm trọng trong thai kỳ gây tăng huyết áp và các triệu chứng khác có thể đe dọa tính mạng của cả mẹ lẫn con.
  • Phải sinh mổ: khả năng phải sinh mổ ở những phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ sẽ cao hơn những người không bị.
  • Bệnh tiểu đường trong tương lai: bị tiểu đường trong thời gian mang thai sẽ làm tăng nguy cơ tiếp tục gặp phải vấn đề này vào các lần mang thai sau cũng như là nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 khi có tuổi.

Phòng ngừa tiểu đường thai kỳ

Không có cách nào có thể ngăn ngừa hoàn toàn bệnh tiểu đường thai kỳ nhưng nên duy trì chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh trước khi mang thai để làm giảm nguy cơ. Nếu đã từng bị tiểu đường thai kỳ thì những biện pháp dưới đây có thể làm giảm nguy cơ bệnh tái phát trong những lần mang thai sau cũng như là nguy cơ bị tiểu đường tuýp 2 trong tương lai.

  • Ăn thực phẩm tốt cho sức khỏe: nên chọn những thực phẩm giàu chất xơ, ít chất béo và calo. Ăn nhiều trái cây, rau xanh và ngũ cốc nguyên hạt. Cố gắng ăn đa dạng các loại thực phẩm để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể. Ngoài ra, nên chú ý đến kích thước khẩu phần ăn mỗi bữa.
  • Tăng cường vận động: duy trì thói quen tập thể dục đều đặn trước và trong khi mang thai có thể giúp giảm nguy cơ tiểu đường thai kỳ. Nên cố gắng dành ra 30 phút tập thể dục cường độ vừa phải mỗi ngày, ví dụ như đi bộ nhanh hay bơi lội. Ngoài ra nên hoạt động nhiều hơn mỗi ngày, ví dụ như leo cầu thang bộ, làm việc nhà, đi dạo sau khi ăn,…
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh trước khi mang thai: nếu có kế hoạch mang thai và đang bị thừa cân thì nên giảm cân trước để có một thai kỳ khỏe mạnh. Nên thực hiện các biện pháp giảm cân bền vững như thay đổi chế độ ăn uống và tập thể dục.
  • Không tăng cân quá mức trong thai kỳ: tăng cân trong thai kỳ là điều bình thường nhưng tăng cân quá nhiều hoặc quá nhanh sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ. Hãy hỏi bác sĩ về mức tăng cân hợp lý.

Biện pháp chẩn đoán

Những phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ ở mức trung bình có thể sẽ cần làm xét nghiệm trong tam cá nguyệt thứ hai – từ tuần 24 đến 28 của thai kỳ.

Nhóm có nguy cơ cao - ví dụ như bị thừa cân, béo phì trước khi mang thai hoặc có người thân trong gia đình bị tiểu đường – sẽ cần xét nghiệm sớm hơn, có thể là ngay vào lần khám thai đầu tiên.

Tầm soát định kỳ

Các xét nghiệm cần thực hiện để tầm soát tiểu đường thai kỳ gồm có:

  • Xét nghiệm thử glucose (GCT): mẹ bầu được cho uống một loại dung dịch glucose và sau 1 tiếng sẽ làm xét nghiệm máu để đo mức đường huyết. Nếu kết quả là 190 mg/dL hoặc 10.6 mmol/L thì có nghĩa là đã mắc tiểu đường thai kỳ. Mức đường huyết từ 140 mg/dL (7.8 mmol/L) trở xuống được coi là bình thường. Nếu chỉ số cao hơn bình thường thì sẽ cần xét nghiệm lại để xác nhận.
  • Xét nghiệm dung nạp glucose: xét nghiệm này cũng tương tự như xét nghiệm thử glucose nhưng loại dung dịch cần uống có chứa nhiều đường hơn và lượng đường trong máu sẽ được kiểm tra cách một tiếng một lần trong vòng 3 tiếng. Nếu 2 lần hoặc cả 3 lần xét nghiệm đều cho kết quả cao hơn bình thường thì sẽ được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường thai kỳ.

Điều trị

Các biện pháp để điều trị bệnh tiểu đường thai kỳ gồm có:

  • Thay đổi lối sống
  • Theo dõi mức đường huyết
  • Uống thuốc nếu cần thiết

Kiểm soát lượng đường trong máu sẽ giúp giữ cho cả mẹ và thai nhi khỏe mạnh, đồng thời tránh các biến chứng xảy ra khi mang thai và sinh nở.

Thay đổi lối sống

Điều chỉnh lại lối sống, bao gồm cả chế độ ăn uống và mức độ vận động mỗi ngày là một phần quan trọng trong việc giữ cho lượng đường trong máu ở mức lành mạnh. Mẹ bầu không nên giảm cân khi mang thai nhưng nên hạn chế mức tăng cân trong phạm vi mà bác sĩ đưa ra.

Chế độ ăn uống lành mạnh

Nên ăn nhiều thực phẩm giàu dinh dưỡng và chất xơ, ít chất béo và calo như trái cây, rau củ tươi, ngũ cốc nguyên hạt và các loại thực phẩm chứa nhiều protein như thịt nạc, thịt gia cầm, cá và trứng, đồng thời hạn chế các loại thực phầm chứa carb tinh chế như bánh kẹo, nước ngọt. Bác sĩ sẽ tư vấn về chế độ ăn uống dựa trên cân nặng hiện tại, mức tăng cân cần thiết khi mang thai, mức đường huyết và thói quen vận động.

Tăng cường hoạt động thể chất

Hoạt động thể chất thường xuyên đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của phụ nữ cả trước, trong và sau khi mang thai. Tập thể dục đều đặn sẽ làm giảm lượng đường trong máu và còn giúp giảm một số triệu chứng khó chịu thường gặp khi mang thai, ví dụ như đau mỏi lưng, chuột rút cơ, phù nề, táo bón và khó ngủ.

Nên hỏi ý kiến bác sĩ về mức độ vận động cần thiết nhưng theo khuyến nghị chung của các chuyên gia thì phụ nữ có thai nên tập thể dục cường độ vừa phải 30 phút mỗi ngày. Nếu bình thường ít vận động hoặc đã lâu không tập thể dục thì hãy bắt đầu nhẹ nhàng và tăng dần cường độ từng chút một. Đi bộ, đạp xe và bơi lội là những bài tập thích hợp cho phụ nữ mang thai. Ngoài tập thể dục, các hoạt động hàng ngày như làm việc nhà hay leo cầu thang cũng rất có lợi cho sức khỏe.

Theo dõi đường huyết

Những phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ nên kiểm tra mức đường huyết 4 lần trở lên mỗi ngày, lần đầu tiên vào buổi sáng và kiểm tra sau mỗi bữa ăn để đảm bảo lượng đường trong máu luôn ở mức khỏe mạnh.

Dùng thuốc

Nếu đã điều chỉnh chế độ ăn uống và tập thể dục nhưng tình trạng vẫn không cải thiện thì có thể mẹ bầu sẽ cần tiêm insulin để giảm lượng đường trong máu. Khoảng 10 đến 20% phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ phải tiêm insulin để có thể duy trì đường huyết ở mức bình thường. Mặc dù có cả các loại thuốc đường uống nhưng cần phải nghiên cứu thêm để xác định xem liệu rằng những thuốc này có an toàn và hiệu quả như insulin dạng tiêm trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường thai kỳ hay không.

Theo dõi thai nhi

Một điều cũng rất quan trọng ở những trường hợp bị tiểu đường thai kỳ là theo dõi sức khỏe thai nhi. Mẹ bầu sẽ được siêu âm và thực hiện một số xét nghiệm cần thiết để kiểm tra sự tăng trưởng và phát triển của em bé trong bụng. Nếu đã đến ngày dự sinh mà vẫn chưa chuyển dạ thì sẽ phải kích thích chuyển dạ. Việc sinh con sau ngày dự sinh sẽ làm tăng nguy cơ biến chứng cho cả mẹ và thai nhi.

Theo dõi sau sinh

Sẽ cần xét nghiệm đường huyết sau khi sinh và một lần nữa trong vòng 6 đến 12 tuần để đảm bảo rằng chỉ số đã trở lại bình thường. Dù xét nghiệm cho kết quả bình thường thì sau đó vẫn nên xét nghiệm định kỳ khoảng 3 năm một lần để đánh giá nguy cơ.

Nếu các lần xét nghiệm sau này cho thấy bệnh tiểu đường tuýp 2 hoặc tiền tiểu đường thì bác sĩ sẽ kê thuốc kiểm soát mức đường huyết hoặc hướng dẫn các biện pháp ngăn ngừa tiền tiểu đường phát triển thành tiểu đường.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD)

STD không phải lúc nào cũng biểu hiện triệu chứng. Vì thế nên nhiều người mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục trong suốt một thời gian dài mà không hề hay biết và tiếp tục lây sang người khác.

Bệnh lây truyền qua đường tình dục chlamydia

Chlamydia chủ yếu xảy ra ở phụ nữ trẻ, nhưng cũng có thể xảy ra ở cả nam giới và phụ nữ ở mọi nhóm tuổi. Bệnh này không khó điều trị, nhưng nếu không được điều trị thì có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Sảy thai: Những điều cần biết

Sảy thai có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân nhưng đa phần là do thai nhi không phát triển bình thường chứ không phải do lỗi của người mẹ.

Ứ mật thai kỳ

Các biến chứng của ứ mật thai kỳ có thể xảy ra ở mẹ hoặc thai nhi hoặc cả hai.

Mang thai ngoài tử cung

Thai ngoài tử cung không thể tồn tại và phát triển bình thường cho đến ngày sinh. Nếu không can thiệp xử lý kịp thời, túi thai sẽ bị vỡ và gây chảy máu nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng của người mẹ.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây