Tiểu ra máu

Tiểu ra máu xảy ra khi thận hoặc các bộ phận khác của đường tiết niệu có vấn đề và khiến cho tế bào máu rò rỉ vào nước tiểu. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Tiểu ra máu là gì?

Tiểu ra máu hay đái máu có thể là do nhiều nguyên nhân gây ra. Đôi khi đây chỉ là một hiện tượng không đáng ngại nhưng trong nhiều trường hợp, nước tiểu có máu lại là dấu hiệu chỉ ra một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Tiểu máu được chia làm hai loại là tiểu máu đại thể và tiểu máu vi thể. Tiểu máu đại thể là khi có thể nhìn thấy máu trong nước tiểu bằng mắt thường. Còn tiểu máu vi thể có nghĩa là nước tiểu có máu nhưng không nhìn thấy bằng mắt thường mà chỉ khi làm xét nghiệm (soi dưới kính hiển vi) mới phát hiện có hồng cầu. Dù là loại nào thì cũng phải tìm ra nguyên nhân gây tiểu ra máu.

Cách điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra vấn đề.

Triệu chứng tiểu ra máu

Tiểu máu đại thể có biểu hiện là nước tiểu màu hồng, đỏ hoặc màu nâu đỏ do sự hiện diện của hồng cầu. Chỉ cần một lượng máu nhỏ là đủ làm cho nước tiểu chuyển màu và tình trạng chảy máu dẫn đến hiện tượng này thường không gây đau. Tuy nhiên, nếu nước tiểu có các cục máu đông thì có thể gây đau đớn.

Khi bị tiểu máu vi thể, mắt thường không quan sát thấy bất cứ sự thay đổi nào trong nước tiểu.

Tiểu ra máu thường không kèm theo các dấu hiệu hay triệu chứng khác.

Khi nào cần đi khám?

Đi khám ngay khi phát hiện thấy có máu trong nước tiểu.

Một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc nhuận tràng sennosides và một số loại thực phẩm như củ cải đường, mâm xôi và thanh long ruột đỏ có thể khiến nước tiểu chuyển màu. Hiện tượng thay đổi màu sắc nước tiểu do thuốc, thức ăn hoặc tập thể dục thường tự hết trong vòng vài ngày.

Nước tiểu lẫn máu có nhiều màu sắc khác nhau nhưng tốt nhất nên đi khám khi nhận thấy nước tiểu có màu bất thường.

Nguyên nhân gây tiểu ra máu

Tiểu ra máu xảy ra khi thận hoặc các bộ phận khác của đường tiết niệu có vấn đề và khiến cho tế bào máu rò rỉ vào nước tiểu. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này:

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu: Bệnh lý này xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua niệu đạo và sinh sôi trong bàng quang. Các triệu chứng thường gặp là buồn tiểu dai dẳng, đau và rát khi đi tiểu, nước tiểu có mùi khai nồng. Ở một số người, đặc biệt là người lớn tuổi, triệu chứng duy nhất của nhiễm trùng đường tiết niệu là tiểu ra máu.
  • Nhiễm trùng thận (viêm thận bể thận): Dạng viêm thận này xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào thận từ máu hoặc di chuyển từ niệu quản đến thận. Các dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm trùng thận cũng tương tự như nhiễm trùng bàng quang nhưng nhiễm trùng thận thường gây sốt và đau ở vùng hạ sườn.
  • Sỏi bàng quang hoặc sỏi thận: Các khoáng chất trong nước tiểu có thể kết tinh thành tinh thể trong thận hoặc bàng quang. Theo thời gian, các tinh thể dần dần tích tụ lại và hình thành nên những viên sỏi cứng. Đa phần sỏi không gây đau đớn nên không được phát hiện cho đến khi các viên sỏi gây tắc nghẽn hoặc di chuyển trong đường tiết niệu. Đặc biệt, sỏi thận lớn mắc kẹt hoặc di chuyển sẽ gây đau đớn dữ dội (cơn đau quặn thận). Sỏi bàng quang hoặc sỏi thận cũng có thể gây tiểu máu đại thể và vi thể.
  • Phì đại tiền liệt tuyến: Tuyến tiền liệt nằm ngay dưới bàng quang và bao quanh phần trên của niệu đạo. Tuyến này thường to ra khi nam giới đến tuổi trung niên, gọi là phì đại tiền liệt tuyến hay tăng sản tuyến tiền liệt lành tính. Tuyến tiền liệt phì đại sẽ chèn ép niệu đạo và gây cản trở dòng chảy nước tiểu. Các dấu hiệu và triệu chứng của phì đại tiền liệt tuyến gồm có tiểu khó, buồn tiểu gấp hoặc kéo dài dai dẳng và tiểu ra máu. Nhiễm trùng tuyến tiền liệt (viêm tuyến tiền liệt) cũng có thể gây ra các triệu chứng tương tự.
  • Bệnh thận: Tiểu máu vi thể là một triệu chứng phổ biến của bệnh viêm cầu thận - tình trạng viêm xảy ra ở hệ thống lọc của thận. Viêm cầu thận có thể là một phần của các bệnh lý khác, chẳng hạn như bệnh tiểu đường hoặc cũng có thể là một bệnh lý độc lập. Nhiễm virus hoặc liên cầu khuẩn, bệnh mạch máu (viêm mạch) và các vấn đề về miễn dịch như bệnh thận IgA, ảnh hưởng đến các mao mạch nhỏ có nhiệm vụ lọc máu trong thận (cầu thận) và dẫn đến viêm cầu thận.
  • Ung thư: Tiểu ra máu có thể là dấu hiệu của ung thư thận, ung thư bàng quang hoặc ung thư tuyến tiền liệt. Giai đoạn đầu của bệnh thường không biểu hiện triệu chứng và khi có triệu chứng thì bệnh đã tiến triển sang giai đoạn sau và lúc này, việc điều trị sẽ khó khăn hơn.
  • Bệnh di truyền: Thiếu máu hồng cầu hình lưỡi liềm - một khiếm khuyết di truyền xảy ra ở hemoglobin (huyết sắc tố) trong hồng cầu – có thể gây tiểu ra máu, cả tiểu máu đại thể và tiểu máu vi thể. Một bệnh di truyền khác cũng có thể gây triệu chứng tương tự là hội chứng Alport – đây là một bệnh lý ảnh hưởng đến màng lọc ở cầu thận.
  • Chấn thương: Va đập ở vùng thận do tai nạn hoặc do chơi thể thao có thể gây ra hiện tượng tiểu ra máu.
  • Thuốc: Thuốc điều trị ung thư cyclophosphamide và penicillin có thể gây tiểu máu. Điều này cũng có thể xảy ra nếu bàng quang đang bị xuất huyết và dùng thuốc chống đông máu, chẳng hạn như aspirin và heparin.
  • Tập luyện nặng: Đôi khi, tập luyện quá nặng có thể gây tiểu máu đại thể. Nguyên nhân có thể là do chấn thương bàng quang, mất nước hoặc vỡ hồng cầu trong quá trình tập. Bất kỳ ai tập luyện cường độ cao cũng có thể bị tiểu máu nhưng những người chạy bộ thường có nguy cơ cao nhất. Nếu thấy có máu trong nước tiểu sau khi tập luyện thì phải đi khám ngay.

Các yếu tố nguy cơ

Tiểu ra máu có thể xảy ra với bất kỳ ai, kể cả trẻ nhỏ. Tuy nhiên, các yếu tố làm tăng nguy cơ gồm có:

  • Tuổi tác: Nam giới trên 50 tuổi có nguy cơ tiểu máu cao hơn do phì đại tiền liệt tuyến.
  • Mới bị nhiễm trùng: Viêm thận sau khi nhiễm virus hoặc vi khuẩn (viêm cầu thận sau nhiễm liên cầu) là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tiểu máu ở trẻ em.
  • Tiền sử gia đình: Việc có người thân trong gia đình mắc bệnh thận hoặc sỏi thận sẽ làm tăng nguy cơ tiểu ra máu.
  • Một số loại thuốc: Aspirin, thuốc giảm đau chống viêm không steroid và thuốc kháng sinh như penicillin có thể làm tăng nguy cơ tiểu máu.
  • Tập luyện nặng: Bất kỳ môn thể thao nào đòi hỏi vận động mạnh hoặc vận động liên tục trong thời gian dài đều có thể gây tiểu máu nhưng những người chạy bộ có nguy cơ đặc biệt cao. Tình trạng này được gọi là tiểu máu do vận động.

Chẩn đoán tiểu ra máu

Các biện pháp để tìm ra nguyên nhân gây tiểu máu gồm có:

  • Khám lâm sàng và khai thác bệnh sử.
  • Xét nghiệm nước tiểu: Xét nghiệm nước tiểu (phân tích nước tiểu) giúp phát hiện sự hiện diện của hồng cầu trong nước tiểu, dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc các khoáng chất gây hình thành sỏi thận.
  • Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh: Các phương pháp như chụp cắt lớp vi tính (CT), cộng hưởng từ (MRI) hoặc siêu âm thường được thực hiện để tìm nguyên nhân gây tiểu máu.
  • Nội soi bàng quang: Đưa một ống dài, hẹp có gắn camera và đèn qua niệu đạo vào bàng quang để kiểm tra các dấu hiệu bất thường, từ đó tìm ra nguyên nhân gây tiểu máu.

Đôi khi không xác định được nguyên nhân gây tiểu máu. Trong những trường hợp này, bác sĩ thường chỉ định tái khám thường xuyên để theo dõi, đặc biệt là những trường hợp có các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang, chẳng hạn như hút thuốc, tiếp xúc với hóa chất độc hại hoặc tiền sử xạ trị.

Điều trị tiểu ra máu

Phương pháp điều trị được chỉ định sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây tiểu máu, chẳng hạn như dùng thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu, thuốc điều trị phì đại tiền liệt tuyến và tán sỏi bàng quang hoặc sỏi thận bằng sóng xung kích. Cũng có những trường hợp không cần phải điều trị.

Người bệnh nên tái khám sau điều trị để kiểm tra xem có còn máu trong nước tiểu hay không.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Tiểu đường thai kỳ

Nếu không được điều trị, tiểu đường thai kỳ có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng nhưng mẹ bầu có thể kiểm soát tình trạng bệnh bằng cách ăn các loại thực phẩm lành mạnh, tập thể dục đều đặn và dùng thuốc nếu cần.

Tiêu chảy do kháng sinh

Đa số các trường hợp tiêu chảy do kháng sinh chỉ nhẹ và không cần điều trị. Vấn đề thường khỏi trong vòng vài ngày sau khi ngừng thuốc. Nhưng cũng có nhiều trường hợp bị nặng và phải điều trị bằng các loại thuốc khác.

Són tiểu do tăng áp lực

Són tiểu do tăng áp lực khiến người bệnh cảm thấy xấu hổ, mặc cảm, tự ti và ảnh hưởng không nhỏ đến công việc cũng như là sinh hoạt hàng ngày.

Tiểu không tự chủ (són tiểu)

Việc điều trị chứng tiểu không tự chủ tùy thuộc vào loại tiểu không tự chủ, mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân gây ra. Có thể cần kết hợp nhiều phương pháp điều trị và nếu nguyên nhân là do một bệnh lý khác thì sẽ phải điều trị bệnh lý đó.

Lỗ tiểu lệch thấp

Lỗ tiểu lệch thấp có nghĩa là lỗ tiểu không nằm ở đầu dương vật mà hình thành lệch xuống bên dưới. Trong hầu hết các trường hợp, lỗ tiểu nằm ở phần quy đầu nhưng đôi khi, lỗ tiểu lại hình thành ở thân hoặc gốc dương vật.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây