Lông mọc ngược

Thông thường, lông mọc ngược sẽ tự khỏi mà không cần điều trị. Có thể tránh lông mọc ngược bằng cách không cạo, nhổ hay wax lông.

Lông mọc ngược là gì?

Lông mọc ngược là tình trạng một sợi lông đã cạo hoặc nhổ mọc hướng vào trong lỗ chân lông thay vì hướng ra ngoài. Điều này thể gây viêm, đau và mưng mủ ở lỗ chân lông.

Lông mọc ngược là vấn đề mà bất cứ ai cũng có thể gặp phải nhưng xảy ra phổ biến nhất ở vùng mặt của nam giới do cạo râu.

Thông thường, lông mọc ngược sẽ tự khỏi mà không cần điều trị. Có thể tránh lông mọc ngược bằng cách không cạo, nhổ hay wax lông. Nếu cần phải xử lý lông thì nên chọn những phương pháp ít gây lông mọc ngược.

Các biểu hiện của lông mọc ngược

Lông mọc ngược thường xảy ra phổ biến nhất ở vùng có râu của nam giới, gồm có cằm, má và đặc biệt là phần trên của cổ. Tình trạng này cũng có thể xảy ra trên da đầu ở những người để đầu trọc. Các khu vực khác trên cơ thể cũng thường bị lông mọc ngược là nách, vùng mu và chân.

Các biểu hiệu của lông mọc ngược gồm có:

  • Hình thành sẩn nhỏ, cứng ở lỗ chân lông có lông mọc ngược, có thể sưng đỏ và chứa mủ do bị viêm
  • Đau khi chạm
  • Ngứa ngáy
  • Nhìn thấy sợi lông chìm bên dưới da

Khi nào cần đi khám?

Lông mọc ngược không phải là vấn đề đáng lo ngại. Tuy nhiên, nên đi khám bác sĩ chuyên khoa nếu tình trạng lông mọc ngược thường xuyên xảy ra hoặc lỗ chân lông bị viêm, mưng mủ nghiêm trọng.

Nguyên nhân gây lông mọc ngược

Lông mọc ngược thường xảy ra sau khi cạo, nhổ hoặc wax lông. Khi sợi lông mới mọc lên, nó có thể đâm ngang hoặc gập lại. Khi điều này xảy ra, nang lông đóng lại bên trên sợi lông và khiến nó bị mắc kẹt hay mọc ngược. Da sẽ coi sợi lông bị mọc ngược này như một vật thể lạ và bắt đầu phản ứng viêm. Bản thân quá trình cạo, nhổ hay wax cũng có thể gây tổn thương lỗ chân lông, dẫn đến viêm và lông mọc ngược.

Yếu tố làm tăng nguy cơ lông mọc ngược

Các yếu tố làm tăng nguy cơ lông mọc ngược:

  • Là nam giới: Những nam giới cạo râu có nguy cơ cao bị râu mọc ngược (razor bump).
  • Lông xoăn: Bất kỳ ai cũng có thể bị lông mọc ngược nhưng vấn đề này xảy ra phổ biến nhất ở những người có lông xoăn. Lông xoăn dễ bị gập lại và mọc ngược vào trong sau khi cạo hoặc nhổ.
  • Cạo lông: Nguy cơ lông mọc ngược cao nhất sau khi cạo, đặc biệt là kéo da căng trong lúc cạo. Sau khi cạo, đầu của sợi lông trở lên sắc nhọn, sau đó đâm vào da và gây viêm.
  • Nồng độ hormone giới tính cao: Những người có nồng độ một số hormone giới tính ở mức cao, ví dụ như androgen, thường có nhiều lông hơn bình thường. Điều này làm tăng nguy cơ lông mọc ngược, đặc biệt là sau khi cạo.

Các vấn đề phát sinh do lông mọc ngược

Lông mọc ngược có thể dẫn đến các vấn đề như:

  • Nhiễm trùng (do gãi)
  • Thâm (tăng sắc tố)
  • Sẹo vĩnh viễn, thường là sẹo lồi
  • Viêm da do cạo râu (pseudofolliculitis barbae)

Ngăn ngừa lông mọc ngược

Để tránh lông mọc ngược thì không nên cạo lông. Nếu cần phải cạo thì nên thực hiện các biện pháp sau đây để giảm nguy cơ lông mọc ngược:

  • Rửa sạch da bằng nước ấm và xà phòng dịu nhẹ trước khi cạo (nếu cạo râu thì rửa bằng sữa rửa mặt)
  • Chườm ấm hoặc bôi kem cạo râu và để vài phút trước khi cạo để làm mềm sợi lông
  • Sử dụng dao cạo sắc. Nên thử cả dao cạo một lưỡi và dao cạo nhiều lưỡi để xem loại nào phù hợp nhất với mình
  • Sử dụng máy cạo râu: Nam giới nên sử dụng máy cạo râu thay vì dao cạo thông thường nhưng không nên chọn chế độ cạo quá sát và giữ máy cách bề mặt da khoảng vài mm
  • Không cạo quá sát
  • Không kéo căng da khi cạo
  • Cạo xuôi theo hướng lông mọc
  • Rửa sạch lưỡi dao sau mỗi đường cạo
  • Rửa sạch da và thoa kem dưỡng sau khi cạo

Thay vì cạo, nhổ hay wax thì nên cân nhắc các biện pháp xử lý lông khác ít có nguy cơ lông mọc ngược hơn như:

  • Dùng kem tẩy lông: Kem tẩy lông có chứa các thành phần làm mềm sợi lông và giảm nguy cơ lông mọc ngược. Tuy nhiên, một số hóa chất trong các sản phẩm này có thể gây kích ứng da nên cần thử trên một vùng da nhỏ trước khi bôi rộng.
  • Triệt lông: Năng lượng ánh sáng tập trung (laser) sẽ phá hủy các nang lông, làm cho lông khi mọc lại sẽ mềm hơn và giảm nguy cơ lông mọc ngược.
  • Dùng thuốc ức chế mọc lông: Eflornithine là một loại thuốc kê đơn có tác dụng làm giảm tốc độ lông mọc trở lại và thường được sử dụng sau khi triệt lông.

Biện pháp chẩn đoán

Bác sĩ có thể nhận biết lông mọc ngược dựa trên các dấu hiệu trên da.

Điều trị lông mọc ngược

Khi bị lông mọc ngược cần ngừng cạo, nhổ hoặc wax lông. Thông thường, lông mọc ngược sẽ tự khỏi sau từ 1 đến 6 tháng nhưng cũng có thể chủ động khắc phục bằng các cách sau đây:

  • Ngâm vùng da có lông mọc ngược trong nước ấm và chà nhẹ bằng khăn hoặc bàn chải đánh răng lông mềm trong vài phút theo chuyển động tròn để loại bỏ tế bào chết và giúp sợi lông có thể mọc lên bề mặt da.
  • Nếu nhìn thấy lông ngay sát bề mặt da thì dùng kim đã sát trùng luồn vào dưới sợi lông và nhẹ nhàng kéo đầu sợi lông lên.

Nếu đã thử những cách này mà không hiệu quả, tình trạng lông mọc ngược xảy ra thường xuyên hoặc lông mọc ngược gây viêm đau nghiêm trọng thì nên đi khám bác sĩ da liễu. Bác sĩ thường chỉ định điều trị bằng các loại thuốc như:

  • Retinoid: Các sản phẩm bôi da chứa retinoid, chẳng hạn như tretinoin có tác dụng loại bỏ tế bào chết trên da
  • Steroid tại chỗ để giảm viêm
  • Kháng sinh: Nếu bị nhiễm trùng nhẹ do gãi thì thường chỉ cần bôi kháng sinh tại chỗ. Đối với những trường hợp nhiễm trùng nặng hơn thì phải dùng thuốc kháng sinh đường uống.

Sau khi điều trị khỏi lông mọc ngược thì nên cân nhắc triệt lông bằng laser. Phương pháp này phá hủy nang lông và ức chế lông mọc lại. Nhưng cần lưu ý, nếu thực hiện không đúng cách, laser có thể gây phồng rộp, hình thành sẹo và thâm.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)

Trào ngược dạ dày thực quản được định nghĩa là những trường hợp bị trào ngược axit nhẹ từ 2 lần một tuần trở lên hoặc trào ngược axit mức độ từ vừa đến nặng xảy ra ít nhất một lần một tuần.

Trào ngược dịch mật

Viêm dạ dày do trào ngược dịch mật sẽ làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.

Viêm nang lông

Viêm nang lông không phải vấn đề nguy hiểm nhưng có thể gây ngứa ngáy, khó chịu, đau và còn ảnh hưởng đến vẻ ngoài. Viêm nang lông nặng có thể để lại sẹo và rụng lông/tóc vĩnh viễn.

Dày sừng nang lông

Dày sừng nang lông xảy ra do sự tích tụ keratin (chất sừng) - một loại protein cứng có vai trò bảo vệ da khỏi các chất độc hại và nhiễm trùng. Keratin tích tụ gây bít tắc các nang lông, khiến cho da trở nên sần sùi, thô ráp.

Trào ngược bàng quang – niệu quản

Trào ngược bàng quang - niệu quản là tình trạng nước tiểu chảy theo hướng bất thường. Tình trạng này chủ yếu xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây