Mụn trứng cá

Có nhiều phương pháp trị mụn hiệu quả nhưng không có cách nào chữa được dứt điểm. Sau khi trị khỏi, mụn trứng cá mới có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.

Mụn trứng cá là gì?

Mụn trứng cá là một vấn đề về da xảy ra khi các lỗ chân lông bị tắc do dầu (bã nhờn) và tế bào da chết tích tụ. Sự tắc nghẽn lỗ chân lông gây ra mụn đầu trắng, mụn đầu đen hoặc mụn mủ. Bất cứ ai cũng có thể bị mụn trứng cá nhưng vấn đề này thường xảy ra phổ biến nhất ở độ tuổi thanh thiếu niên.

Có nhiều phương pháp trị mụn hiệu quả nhưng không có cách nào chữa được dứt điểm. Sau khi trị khỏi, mụn trứng cá mới có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.

Nếu nghiêm trọng, tình trạng mụn trứng cá có thể gây đau đớn và để lại sẹo trên da. Bạn bắt đầu trị mụn càng sớm thì nguy cơ xảy ra các vấn đề này càng thấp.

Các loại mụn trứng cá

Có nhiều loại mụn khác nhau và mỗi loại có những đặc điểm không giống nhau:

  • Mụn đầu trắng (lỗ chân lông đóng kín, bã nhờn bên trong không tiếp xúc với không khí nên không bị chuyển màu đen)
  • Mụn đầu đen (lỗ chân lông mở nên bã nhờn bị oxy hóa và chuyển màu đen)
  • Mụn sẩn (nốt mụn nhỏ màu đỏ, hơi sưng)
  • Mụn mủ (mụn sưng đỏ, chứa mủ bên trong, đầu có màu trắng)
  • Mụn bọc (nốt mụn lớn, cứng, nằm chìm bên dưới da, sưng đỏ và đau đớn)
  • Mụn nang (hình thành ở sâu dưới da, chứa đầy mủ, sưng đỏ, đau đớn và nhô cao trên da như khối u)

Mụn trứng cá thường xuất hiện trên mặt, trán, ngực, lưng trên và vai.

Khi nào cần đi khám bác sĩ da liễu?

Nếu đã thử các biện pháp trị mụn thông thường mà tình trạng mụn vẫn không đỡ thì nên đi khám bác sĩ da liễu để được kê các loại thuốc mạnh hơn.

Ở một số phụ nữ, tình trạng mụn trứng cá có thể kéo dài trong suốt nhiều năm, thậm chí vài chục năm và mụn xuất hiện nhiều nhất khoảng một tuần trước khi có kinh nguyệt. Ở những phụ nữ sử dụng các biện pháp tránh thai, loại mụn này thường tự khỏi mà không cần điều trị.

Ở người lớn tuổi, mụn trứng cá nặng và xuất hiện đột ngột có thể là dấu hiệu của một bệnh lý tiền ẩn.

Nguyên nhân

Có 4 yếu tố chính góp phần gây hình thành mụn trứng cá:

  • Tuyến bã nhờn sản sinh quá nhiều dầu
  • Các lỗ chân lông bị bít tắc bởi dầu thừa và tế bào da chết
  • Vi khuẩn gây mụn
  • Viêm

Mụn trứng cá thường xuất hiện trên mặt, trán, ngực, lưng trên và vai vì những vùng da này có nhiều tuyến bã nhờn nhất. Các nang tóc/lông nối với các tuyến bã nhờn này.

Khi bã nhờn tích tụ và lỗ chân đóng đóng, mụn đầu trắng sẽ hình thành. Khi lỗ chân lông mở, bã nhờn sẽ tiếp xúc với không khí, bị oxy hóa và chuyển sang màu đen, tạo thành mụn đầu đen. Mụn đầu đen trông giống như bụi bẩn kẹt trong lỗ chân lông nhưng thực ra lỗ chân lông bị bít tắc bởi vi khuẩn và bã nhờn.

Mụn mủ là mụn trứng cá có phần chính giữa màu trắng, hình thành khi các lỗ chân lông bít tắc bị viêm hoặc nhiễm vi khuẩn. Tình trạng tắc nghẽn và viêm sâu bên trong lỗ chân lông tạo ra những sẩn sưng đỏ, nhô lên bề mặt da và khi chạm vào sẽ thấy đau.

Một số yếu tố có thể gây nên hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng mụn trứng cá gồm có:

  • Thay đổi nội tiết tố (hormone): Ở tuổi dậy thì, nồng độ hormone androgen tăng lên làm cho các tuyến bã nhờn mở rộng và sản xuất nhiều dầu hơn. Sự thay đổi nội tiết tố ở độ tuổi trung niên, đặc biệt là ở phụ nữ, cũng có thể dẫn đến nổi mụn trứng cá.
  • Một số loại thuốc, ví dụ như thuốc có chứa corticosteroid, testosterone hoặc lithium.
  • Chế độ ăn uống: các nghiên cứu chỉ ra rằng việc tiêu thụ một số loại thực phẩm, ví dụ như những thực phẩm chứa nhiều carb (bánh mì, bánh ngọt và khoai tây chiên) có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mụn trứng cá. Cần nghiên cứu thêm để xem liệu một số thay đổi trong chế độ ăn uống có giúp trị mụn hay không.
  • Căng thẳng: Căng thẳng hay stress không phải nguyên nhân trực tiếp gây nổi mụn nhưng có thể khiến cho tình trạng mụn hiện tại càng trở nên nặng hơn.

Khác với những gì mà nhiều người vẫn nghĩ, những yếu tố dưới đây không hoặc chỉ tác động rất ít đến mụn trứng cá:

  • Sô cô la và đồ ăn nhiều dầu mỡ: Ăn sô cô la hoặc các món nhiều dầu mỡ không phải nguyên nhân gây mụn và cũng hầu như không ảnh hưởng gì đến mụn trứng cá.
  • Vệ sinh da: Nguyên nhân gây mụn trứng cá hoàn toàn không phải do da bẩn. Trên thực tế, rửa mặt quá thường xuyên, dùng các sản phẩm có chứa chất tẩy rửa mạnh và chà xát khi rửa mặt có thể gây kích ứng da và khiến tình trạng mụn trở nên nặng hơn.
  • Trang điểm: Nhiều người cho rằng trang điểm sẽ gây mụn hoặc khiến cho mụn nặng hơn nhưng điều này không hoàn toàn đúng. Nếu sử dụng các loại mỹ phẩm phù hợp thì việc trang điểm hoàn toàn không gây hại cho da. Nên chọn những sản phẩm không chứa dầu, không gây bít tắc lỗ chân lông (noncomedogenics) và tẩy trang kỹ.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mụn trứng cá

Các yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành mụn trứng cá gồm có:

  • Tuổi tác: Bất kỳ lứa tuổi nào cũng đều có thể bị mụn trứng cá nhưng vấn đề này thường xảy ra phổ biến nhất ở độ tuổi thanh thiếu niên, đặc biệt là trong giai đoạn dậy thì.
  • Thay đổi nội tiết tố: Sự dao động nồng độ nội tiết tố thường xảy ra ở tuổi dậy thì hoặc khi mang thai.
  • Tiền sử gia đình: Mụn trứng cá cũng bị ảnh hưởng bởi gen di truyền. Nếu bố hoặc mẹ hoặc cả hai bị mụn trứng cá nặng thì khả năng cao là bạn cũng sẽ gặp vấn đề tương tự.
  • Dùng mỹ phẩm không phù hợp: Mụn trứng cá có thể hình thành khi da tiếp xúc với các loại mỹ phẩm có chứa dầu hoặc thành phần gây bít tắc lỗ chân lông.
  • Ma sát hoặc tạo áp lực lên da: Điều này có thể xảy ra do các vật dụng như điện thoại, quai mũ bảo hiểm, vòng cổ và ba lô.

Các phương pháp trị mụn trứng cá

Nếu đã thử các sản phẩm trị mụn không kê đơn trong vài tuần mà không hiệu quả thì nên đi khám bác sĩ da liễu. Bác sĩ sẽ hướng dẫn các phương pháp trị mụn, hạn chế để lại thâm sẹo và các tổn thương khác cho da.

Các loại thuốc trị mụn trứng cá thường có cơ chế hoạt động là làm giảm sự sản xuất dầu của tuyến bã nhờn, giảm sưng viêm hoặc tiêu diệt vi khuẩn gây mụn. Dù là bất kỳ loại thuốc trị mụn nào thì cũng phải kiên trì sử dụng đều đặn trong thời gian 4 đến 8 tuần mới bắt đầu có hiệu quả và có thể phải mất nhiều tháng hoặc nhiều năm mới sạch mụn hoàn toàn.

Phương pháp điều trị mà bác sĩ đưa ra sẽ tùy thuộc vào độ tuổi, loại và mức độ nghiêm trọng của mụn trứng cá. Các trường hợp bị mụn nặng có thể phải dùng kết hợp cả thuốc bôi và thuốc uống. Đối với phụ nữ mang thai, các lựa chọn trị mụn sẽ hạn chế hơn do nguy cơ xảy ra tác dụng phụ.

Hãy hỏi kỹ bác sĩ về hiệu quả và tác dụng phụ của thuốc cũng như là các phương pháp trị mụn khác mà bạn có ý định thử. Có thể sẽ cần tái khám vài tháng một lần cho đến khi tình trạng da được cải thiện.

Thuốc bôi

Các loại thuốc bôi thường được sử dụng phổ biến nhất để trị mụn trứng cá là:

  • Retinoid và các loại thuốc tương tự: các loại thuốc có chứa retinoic acid hoặc tretinoin có hiệu quả đối với mụn trứng cá không quá nặng. Những loại thuốc này có dạng kem, gel và lotion. Một số ví dụ gồm có tretinoin, adapalene và tazarotene. Nên bôi thuốc vào buổi tối, ban đầu dùng 3 lần một tuần rồi sau đó tăng lên dùng hàng ngày khi da đã thích ứng. Nhóm thuốc này có tác dụng ngăn tế bào da chết và bã nhờn tích tụ trong lỗ chân lông. Không bôi tretinoin cùng lúc với benzoyl peroxide. Khi bôi ngoài da, retinoid khiến da nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời, ngoài ra có thể gây khô da và mẩn đỏ, đặc biệt là ở những người có da nhạy cảm. Trong thời gian sử dụng cần dùng kem chống nắng và bảo vệ kỹ cho da khi ra ngoài trời.
  • Thuốc kháng sinh: các loại thuốc kháng sinh tại chỗ có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn gây mụn, giảm viêm và sưng đỏ ở vị trí bị mụn. Trong vài tháng đầu điều trị, bạn có thể sử dụng cả retinoid và kháng sinh nhưng không dùng cùng lúc mà hãy bôi kháng sinh vào buổi sáng và retinoid vào buổi tối. Thuốc kháng sinh thường được kết hợp với benzoyl peroxide để giảm khả năng vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh. Một số loại thuốc kháng sinh thường được sử dụng để trị mụn trứng cá là clindamycin và erythromyci. Không nên chỉ dùng thuốc kháng sinh tại chỗ để trị mụn mà hãy dùng kèm benzoyl peroxide.
  • Azelaic acid và salicylic acid: azelaic acid là một axit tự nhiên được tạo ra bởi một loại nấm men, có đặc tính kháng khuẩn. Khi được sử dụng 2 lần một ngày, kem hoặc gel chứa thành phần azelaic acid nồng độ 20% có thể mang lại hiệu quả tương đương với nhiều phương pháp trị mụn thông thường. Azelaic acid có thể sử dụng được cho phụ nữ mang thai và đang cho con bú. Thành phần này còn giúp ngăn ngừa và giảm thâm sau mụn. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng azelaic acid là mẩn đỏ và kích ứng da nhẹ.
    Salicylic acid có tác dụng giúp cho lỗ chân lông thông thoáng, không bị bít tắc. Đây là thành phần có trong nhiều sản phẩm dưỡng da như sữa rửa mặt, toner, kem hay gel bôi da. Tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng salicylic acid là kích ứng da nhẹ.
  • Dapsone: bôi dapsone nồng độ 5% hai lần mỗi ngày là phương pháp được nhiều bác sĩ khuyến nghị để trị mụn trứng cá viêm, đặc biệt là ở phụ nữ. Các tác dụng phụ gồm có mẩn đỏ và khô da.

Ngoài ra còn có nhiều thành phần khác cũng thường được sử dụng trong các sản phẩm trị mụn dạng bôi như kẽm (zinc), lưu huỳnh (sulfur), nicotinamide, resorcinol, sulfacetamide natri hoặc nhôm clorua (aluminum chloride) nhưng cần nghiên cứu thêm để kiểm tra hiệu quả và tính an toàn của những thành phần này.

Thuốc uống

Một số loại thuốc trị mụn trứng cá đường uống gồm có:

  • Thuốc kháng sinh: các trường hợp mụn trứng cá từ vừa đến nặng có thể cần dùng kháng sinh đường uống để giảm vi khuẩn gây mụn. Loại thuốc đầu tiên được sử dụng thường là tetracycline (minocycline, doxycycline) hoặc macrolide (erythromycin, azithromycin). Đối với những người không thể dùng tetracycline, ví dụ như phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 8 tuổi thì bác sĩ có thể kê macrolide.
    Chỉ sử dụng kháng sinh đường uống trong thời gian ngắn nhất có thể để ngăn ngừa tình trạng kháng kháng sinh. Và nên kết hợp kháng sinh với các loại thuốc khác, chẳng hạn như benzoyl peroxide để giảm nguy cơ vi khuẩn phát triển khả năng kháng thuốc kháng sinh.
    Các loại thuốc kháng sinh trị mụn trứng cá thường ít khi gây tác dụng phụ nghiêm trọng nhưng có thể khiến da nhạy cảm hơn ánh nắng mặt trời.
  • Thuốc tránh thai kết hợp: có tổng cộng 4 loại thuốc tránh thai kết hợp được FDA phê chuẩn để trị mụn trứng cá. Những loại thuốc này vừa có công dụng trị mụn và vừa giúp tránh mang thai ngoài ý muốn. Thuốc tránh thai kết hợp là những loại thuốc có chứa cả progestin và estrogen. Thường sẽ phải dùng thuốc tránh thai trong vài tháng thì mới bắt đầu thấy hiệu quả trị mụn rõ rệt. Do đó, có thể dùng các loại thuốc trị mụn khác trong thời gian đầu.
    Các tác dụng phụ thường gặp của thuốc tránh thai kết hợp là tăng cân, bầu ngực căng tức và buồn nôn. Nếu dùng lâu dài, những loại thuốc này có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch, ung thư vú và ung thư cổ tử cung.
  • Thuốc kháng androgen: các loại thuốc kháng androgen như spironolactone có thể được sử dụng cho phụ nữ trưởng thành và trẻ em gái trong độ vị thành niên nếu thuốc kháng sinh đường uống không có tác dụng. Thuốc này có cơ chế hoạt động là ngăn cản tác động của hormone androgen lên các tuyến bã nhờn. Các tác dụng phụ có thể xảy ra gồm có căng ngực và đau bụng khi có kinh nguyệt.
  • Isotretinoin: Isotretinoin là một dẫn xuất của vitamin A, thường được sử dụng cho những người bị mụn trứng cá vừa hoặc nặng và đã thử các phương pháp điều trị khác nhưng không hiệu quả. Các tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng isotretinoin đường uống gồm có viêm ruột, trầm cảm và dị tật bẩm sinh nghiêm trọng. Tất cả những người uống isotretinoin đều phải đến gặp bác sĩ thường xuyên để theo dõi các tác dụng phụ.

Các liệu pháp trị mụn

Các liệu pháp dưới đây có thể được thực hiện một mình hoặc kết hợp với thuốc trị mụn:

  • Liệu pháp ánh sáng: các rất nhiều liệu pháp sử dụng ánh sáng để trị mụn và trong đó có không ít liệu pháp đã được chứng minh là thực sự có hiệu quả. Các liệu pháp này được thực hiện ở các spa hoặc bệnh viện. Các nghiên cứu vẫn đang tiếp tục được thực hiện để tìm ra loại và cường độ ánh sáng hiệu quả nhất.
  • Peel da hóa học: đây là phương pháp bôi dung dịch hóa học, chẳng hạn như salicylic acid, glycolic acid hoặc retinoic acid lên da để loại bỏ tế bào da chết và làm thông thoáng lỗ chân lông. Phương pháp điều trị này thường dành cho các trường hợp mụn trứng cá nhẹ, có thể cải thiện vẻ ngoài của da nhưng thường phải thực hiện nhiều lần và hiệu quả không kéo dài được lâu.
  • Nặn mụn: chuyên viên tại spa hoặc bác sĩ sử dụng các dụng cụ đặc biệt để nhẹ nhàng lấy nhân mụn và sau đó bôi các sản phẩm làm dịu da, ngừa thâm. Phương pháp này có thể tạm thời cải thiện tình trạng mụn nhưng sẽ để lại thâm hoặc sẹo.
  • Tiêm steroid: mụn bọc và mụn trứng cá dạng nang có thể được điều trị bằng cách tiêm một loại steroid trực tiếp vào vị trí bị mụn. Phương pháp này giúp cải thiện tình trạng mụn nhanh chóng và giảm sưng đau. Các tác dụng phụ có thể xảy ra là mỏng da và da bị thâm ở vùng được điều trị.

Trị mụn trứng cá ở trẻ em

Hầu hết các nghiên cứu về thuốc trị mụn đều được thực hiện ở những người từ 12 tuổi trở lên. Tuy nhiên, trẻ nhỏ cũng có thể bị mụn trứng cá. FDA đã tăng số lượng các sản phẩm trị mụn tại chỗ có thể dùng được cho trẻ em. Theo Học viện Da liễu Hoa Kỳ, benzoyl peroxide, adapalene và tretinoin là những thành phần trị mụn an toàn cho trẻ dưới 12 tuổi.

Tuy nhiên, nếu trẻ thường xuyên bị mụn hoặc bị mụn nặng thì nên đi khám ​​bác sĩ da liễu để được tư vấn phương pháp trị mụn thích hợp.

Các phương pháp khác

Có thể ngăn ngừa hoặc trị mụn trứng cá thể nhẹ hoặc vừa bằng các sản phẩm trị mụn không kê đơn, sản phẩm dưỡng da cơ bản và các biện pháp khác dưới đây:

  • Rửa vùng bị mụn với sữa rửa mặt nhẹ dịu 2 lần một ngày. Khi rửa mặt hãy dùng tay xoa nhẹ nhàng, không chà xát mạnh và sau đó rửa kỹ bằng nước ấm. Nếu có mụn trứng cá ở các vị trí khác trên người thì chú ý không cọ mạnh khi tắm và không wax hay cạo lông ở khu vực đó. Tránh dùng tẩy da chết dạng hạt khi bị mụn vì sẽ gây kích ứng da và làm cho tình trạng mụn trở nên trầm trọng hơn. Ngoài ra, rửa mặt quá thường xuyên cũng có thể gây hại cho da.
  • Thử dùng các sản phẩm trị mụn không kê đơn có tác dụng giảm dầu thừa và thúc đẩy quá trình thay da: nên tìm các sản phẩm có thành phần hoạt tính benzoyl peroxide. Bạn cũng có thể thử các sản phẩm có chứa salicylic acid, glycolic acid hoặc alpha hydroxyl acid (AHA). Dù là sản phẩm nào thì cũng phải dùng đều đặn trong vài tuần mới có hiệu quả.
    Sản phẩm dạng kem thường ít gây kích ứng da hơn so với gel và thuốc mỡ. Các loại thuốc trị mụn không kê đơn có thể gây ra một số tác dụng phụ trong thời gian đầu mới sử dụng, chẳng hạn như mẩn đỏ, khô và tróc vảy nhưng các vấn đề này thường tự hết sau khoảng 1 tháng.
  • Tránh các chất gây kích ứng: Đồ trang điểm, sản phẩm chăm sóc da, kem chống nắng và sản phẩm tạo kiểu tóc chứa dầu, các thành phần gây kích ứng hoặc bít tắc lỗ chân lông có thể làm cho tình trạng mụn trứng cá trở nên nặng hơn. Hãy lựa chọn các sản phẩm có gốc nước (water-based), chứa các thành phần lành tính và không gây bít lỗ chân lông.
  • Bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời: ánh nắng có thể làm cho các vết thâm mụn trở nên sẫm màu hơn. Và một số loại thuốc trị mụn khiến cho da dễ bị bắt nắng hơn. Hãy hạn chế tiếp xúc vối ánh nắng mặt trời một cách tối đa và luôn phải sử dụng kem chống nắng khi ra ngoài trời hoặc khi ngồi gần cửa sổ.
  • Tránh ma sát hoặc tạo áp lực lên da: hạn chế để vùng da bị mụn tiếp xúc với các vật dụng như điện thoại, quai mũ bảo hiểm, vòng cổ hoặc dây đai, ba lô.
  • Không chạm tay và nặn mụn: sờ tay và nặn, cậy có thể khiến da càng nổi mụn nhiều hơn hoặc làm cho nốt mụn sưng to hơn, dẫn đến nhiễm trùng và để lại sẹo.
  • Tắm rửa ngay sau khi ra mồ hôi: dầu và mồ hôi đọng trên da có thể dẫn đến nổi mụn trứng cá.

Các vấn đề sau mụn

Sau khi trị khỏi, mụn trứng cá có thể để lại những vấn đề như:

  • Thâm: Sau khi biến mất, mụn thường để lại vết thâm. Nguyên nhân là do sự tăng sắc tố xảy ra trong da.
  • Sẹo: Sẹo lõm và sẹo lồi có thể tồn tại suốt một thời gian dài hoặc vĩnh viễn ở vị trí từng bị mụn trứng cá.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

U nang buồng trứng

U nang buồng trứng là một bệnh phụ khoa mà rất nhiều phụ nữ gặp phải nhưng đa phần đều chỉ có ít hoặc không gây triệu chứng và vô hại. Phần lớn u nang buồng trứng đều tự biến mất trong vòng vài tháng mà không cần điều trị.

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)

Các dấu hiệu, triệu chứng của hội chứng buồng trứng đa nang thường xuất hiện vào kỳ kinh nguyệt đầu tiên trong độ tuổi dậy thì nhưng đôi khi, các triệu chứng xuất hiện muộn hơn và chỉ biểu hiện rõ khi tăng cân đáng kể.

Ung thư buồng trứng

Ung thư buồng trứng giai đoạn đầu hiếm khi biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào. Ung thư buồng trứng giai đoạn cuối cũng ít gây triệu chứng và các triệu chứng cũng không đặc hiệu, có nghĩa là giống như nhiều vấn đề sức khỏe lành tính phổ biến, ví dụ như u nang buồng trứng.

Suy buồng trứng nguyên phát

Suy buồng trứng nguyên phát thường bị nhầm với mãn kinh sớm nhưng thực chất đây là hai vấn đề khác nhau.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây