Ung thư buồng trứng
Ung thư buồng trứng là gì?
Ung thư buồng trứng là bệnh ung thư bắt đầu từ buồng trứng. Hệ sinh dục của mỗi phụ nữ có hai buồng trứng nằm ở hai bên tử cung. Mỗi buồng trứng có kích thước cỡ hạt hạnh nhân, có vai trò sản xuất trứng (noãn) cũng như là các hormone estrogen và progesterone.
Ung thư buồng trứng thường được phát hiện khi bệnh đã di căn đến các vị trí khác trong khoang chậu và bụng. Ở giai đoạn này, bệnh sẽ khó điều trị hơn nhiều so với giai đoạn đầu. Khi ở giai đoạn đầu, ung thư mới chỉ khu trú (giới hạn) ở buồng trứng và có khả năng điều trị thành công cao.
Ung thư buồng trứng thường được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật và hóa trị liệu.
Dấu hiệu, triệu chứng
Ung thư buồng trứng giai đoạn đầu hiếm khi biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào. Ung thư buồng trứng giai đoạn cuối cũng ít gây triệu chứng và các triệu chứng cũng không đặc hiệu, có nghĩa là giống như nhiều vấn đề sức khỏe lành tính phổ biến, ví dụ như u nang buồng trứng.
Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp của ung thư buồng trứng gồm có:
- Đầy hơi, chướng bụng
- Nhanh no khi ăn dù mới ăn ít
- Sụt cân không rõ nguyên nhân
- Đau tức, khó chịu ở vùng chậu
- Thay đổi thói quen đại tiện, chẳng hạn như táo bón
- Đi tiểu nhiều
Khi nào cần đi khám?
Cần đi khám bác sĩ khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào. Nếu bạn có tiền sử gia đình bị ung thư buồng trứng hoặc ung thư vú thì hãy đi khám tầm soát định kỳ. Việc mang một số đột biến gen sẽ làm tăng nguy cơ mắc hai bệnh ung thư này.
Nguyên nhân
Nói chung, các bệnh ung thư đều bắt đầu phát sinh khi DNA của tế bào trong cơ thể xảy ra lỗi (đột biến). Đột biến này khiến cho tế bào phát triển và nhân lên với tốc độ nhanh hơn so với bình thường nhưng chúng lại không chết đi theo chu kỳ tự nhiên giống như tế bào khỏe mạnh mà tiếp tục sống và tích tụ lại tạo ra khối u. Tiếp đến, các tế bào ung thư xâm nhập vào các mô lân cận và tách ra khỏi khối u ban đầu rồi lan đến những nơi khác trong cơ thể (di căn).
Các loại ung thư buồng trứng
Ung thư buồng trứng được phân loại dựa trên loại tế bào nơi ung thư bắt đầu phát triển. Các loại ung thư buồng trứng gồm có:
- Ung thư biểu mô: bắt đầu từ lớp mô mỏng bao phủ bên ngoài buồng trứng. Khoảng 90% số trường hợp ung thư buồng trứng là ung thư biểu mô.
- Ung thư mô đệm: bắt đầu từ các mô có chứa các tế bào sản xuất hormone của buồng trứng. Loại ung thư buồng trứng này thường được chẩn đoán ở giai đoạn sớm hơn so với các loại ung thư buồng trứng khác. Khoảng 7% các trường hợp ung thư buồng trứng là ung thư mô đệm.
- Ung thư tế bào mầm: bắt đầu trong các tế bào sản xuất trứng. Loại ung thư buồng trứng này ít gặp hơn và chủ yếu xảy ra ở phụ nữ trẻ.
Các yếu tố nguy cơ
Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng gồm có:
- Lớn tuổi: Ung thư buồng trứng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở phụ nữ từ 50 đến 60 tuổi.
- Mang đột biến gen di truyền: Một tỷ lệ nhỏ các trường hợp mắc ung thư buồng trứng là do mang đột biến gen được di truyền từ cha mẹ. Các đột biến gen làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng là BRCA1 và BRCA2. Các gen này còn làm tăng nguy cơ ung thư vú. Các đột biến gen khác, bao gồm cả những đột biến gen liên quan đến hội chứng Lynch, cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng.
- Tiền sử gia đình bị ung thư buồng trứng: Những phụ nữ có từ 2 người thân trở lên trong gia đình bị ung thư buồng trứng sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Liệu pháp thay thế estrogen: Liệu pháp thay thế estrogen sẽ làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng, đặc biệt khi sử dụng liều lượng cao trong thời gian dài.
- Độ tuổi bắt đầu và kết thúc kinh nguyệt: Bắt đầu hành kinh từ quá sớm hoặc bắt đầu mãn kinh muộn hơn bình thường hoặc cả hai đều sẽ làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng.
Biện pháp chẩn đoán
Các phương pháp được sử dụng để chẩn đoán ung thư buồng trứng gồm có:
- Khám lâm sàng: bác sĩ sẽ đưa các ngón tay có đeo găng vào trong âm đạo và đồng thời ấn tay kia lên thành bụng để sờ nắn các cơ quan trong vùng chậu. Ngoài ra bác sĩ còn kiểm tra trực quan cơ quan sinh dục ngoài, âm đạo và cổ tử cung.
- Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh, chẳng hạn như siêu âm hay chụp cắt lóp vi tính (chụp CT) vùng bụng và khoang chậu, giúp xác định kích thước, hình dạng và cấu trúc của buồng trứng.
- Xét nghiệm máu, gồm có xét nghiệm chức năng nội tạng để xác định tình trạng sức khỏe tổng thể. Ngoài ra còn cần làm xét nghiệm máu để tìm các chất chỉ điểm ung thư – những chất do tế bào ung thư hoặc các tế bào khác của cơ thể sản sinh ra để đáp ứng với ung thư hoặc các vấn đề lành tính. Sự hiện diện của những chất này là dấu hiệu cho thấy ung thư. Ví dụ, xét nghiệm kháng nguyên ung thư 125 (CA-125) có thể phát hiện một loại protein thường được tìm thấy trên bề mặt của tế bào ung thư buồng trứng.
- Phẫu thuật: Đôi khi, phải đến tận đến khi tiến hành phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng và đem đi phân tích thì mới có thể xác nhận chẩn đoán chính xác.
Sau khi xác nhận ung thư buồng trứng, bác sĩ sẽ sử dụng thông tin từ các phương pháp chẩn đoán đã thực hiện để xác định giai đoạn ung thư. Các giai đoạn của ung thư buồng trứng được biểu thị bằng chữ số La Mã từ I đến IV, trong đó I là giai đoạn đầu khi ung thư mới chỉ giới hạn trong buồng trứng. Khi sang giai đoạn IV hay giai đoạn cuối thì ung thư đã di căn đến các vùng ở xa của cơ thể.
Điều trị
Phác đồ điều trị ung thư buồng trứng thường gồm có phẫu thuật kết hợp với hóa trị liệu.
Phẫu thuật
Các quy trình phẫu thuật để điều trị ung thư buồng trứng gồm có:
- Cắt bỏ một bên buồng trứng: Đối với những trường hợp được chẩn đoán ở giai đoạn đầu và ung thư mới chỉ khu trú ở một buồng trứng thì có thể chỉ cần phẫu thuật cắt bỏ đi bên buồng trứng đó kèm theo ống dẫn trứng. Sau phẫu thuật bệnh nhân vẫn có thể sinh con.
- Cắt bỏ cả hai buồng trứng: Nếu ung thư đã lan sang bên buồng trứng còn lại nhưng chưa lan đến những nơi khác thì sẽ cần cắt bỏ cả hai bên buồng trứng kèm theo ống dẫn trứng. Vì giữ nguyên tử cung nên bệnh nhân vẫn có thể mang thai bằng cách sử dụng phôi hoặc trứng đông lạnh của chính mình hoặc sử dụng trứng từ người hiến tặng.
- Cắt bỏ cả buồng trứng và tử cung: Nếu ung thư đã lan rộng ra ngoài buồng trứng hoặc nếu không còn ý định sinh con thì bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng, ống dẫn trứng, tử cung, các hạch bạch huyết lân cận và một phần mô mỡ ở bụng.
- Phẫu thuật điều trị ung thư giai đoạn cuối: Nếu ung thư đã tiến triển sang giai đoạn cuối thì thường sẽ phải tiến hành hóa trị, sau đó là phẫu thuật để loại bỏ càng nhiều tế bào ung thư càng tốt.
Hóa trị liệu
Hóa trị liệu là phương pháp sử dụng thuốc để tiêu diệt các tế bào đang phát triển nhanh chóng trong cơ thể, bao gồm cả tế bào ung thư. Thuốc hóa trị có thể được đưa vào cơ thể qua đường tĩnh mạch hoặc đường uống (hóa trị toàn thân). Đôi khi thuốc còn được tiêm trực tiếp vào bụng (hóa trị trong phúc mạc).
Phương pháp hóa trị thường được sử dụng sau phẫu thuật để tiêu diệt nốt các tế bào ung thư còn sót lại hoặc cũng có thể được thực hiện trước khi phẫu thuật để thu nhỏ kích thước khối u.
Liệu pháp nhắm trúng đích
Đây là phương pháp sử dụng các loại thuốc nhắm vào điểm yếu của tế bào ung thư. Liệu pháp nhắm trúng đích thường được sử dụng để điều trị cho các trường hợp ung thư buồng trứng tái phát sau liệu trình điều trị ban đầu hoặc ung thư kháng lại các phương pháp điều trị khác. Sau khi kiểm tra tế bào ung thư, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc nhắm trúng đích phù hợp nhất.
Liệu pháp nhắm trúng đích hiện vẫn đang được nghiên cứu để tìm ra các loại thuốc mới.
Chăm sóc giảm nhẹ
Chăm sóc giảm nhẹ là phương pháp nhằm mục đích giảm bớt đau đớn và các triệu chứng khác của các bệnh hiểm nghèo, ví dụ như ung thư. Nhân viên y tế sẽ hướng dẫn, tư vấn người bệnh và người thân, bạn bè của người bệnh về các biện pháp chăm sóc cần thiết. Chăm sóc giảm nhẹ có thể được thực hiện trong thời gian điều trị tích cực, chẳng hạn như phẫu thuật, hóa trị hoặc xạ trị.
Việc kết hợp chăm sóc giảm nhẹ cùng với các phương pháp điều trị khác sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân ung thư.
Phòng ngừa ung thư buồng trứng
Không có cách nào có thể ngăn ngừa ung thư buồng trứng. Tuy nhiên, có thể giảm nguy cơ bằng những cách sau:
- Cân nhắc uống thuốc tránh thai: Phụ nữ uống thuốc tránh thai có thể giảm nguy cơ ung thư buồng trứng. Tuy nhiên, thuốc tránh thai lại đi kèm với một số tác dụng phụ nên cần cân nhắc kỹ trước khi dùng.
- Đi khám nếu có yếu tố nguy cơ: Nếu có tiền sử gia đình bị ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng thì nên đi khám và thông báo cho bác sĩ để được tư vấn lịch khám tầm soát định kỳ. Mặc dù việc này không ngăn ngừa được ung thư nhưng sẽ giúp phát hiện ngay từ sớm. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định làm xét nghiệm di truyền. Nếu phát hiện thấy đột biến gen làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng thì có thể cân nhắc phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng để phòng ngừa ung thư.
U nang buồng trứng
U nang buồng trứng là một bệnh phụ khoa mà rất nhiều phụ nữ gặp phải nhưng đa phần đều chỉ có ít hoặc không gây triệu chứng và vô hại. Phần lớn u nang buồng trứng đều tự biến mất trong vòng vài tháng mà không cần điều trị.
Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
Các dấu hiệu, triệu chứng của hội chứng buồng trứng đa nang thường xuất hiện vào kỳ kinh nguyệt đầu tiên trong độ tuổi dậy thì nhưng đôi khi, các triệu chứng xuất hiện muộn hơn và chỉ biểu hiện rõ khi tăng cân đáng kể.
Suy buồng trứng nguyên phát
Suy buồng trứng nguyên phát thường bị nhầm với mãn kinh sớm nhưng thực chất đây là hai vấn đề khác nhau.
Hội chứng quá kích buồng trứng
Hội chứng quá kích buồng trứng có thể xảy ra ở những phụ nữ trải qua quá trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) hoặc tiêm thuốc kích thích rụng trứng.
Ý kiến bạn đọc