Nếp nhăn:

Sự xuất hiện nếp nhăn trên da là điều hết sức bình thường mà bất kỳ ai cũng gặp phải khi có tuổi nhưng nếu cảm thấy cần thiết thì vẫn có nhiều phương pháp để làm mờ hoặc xóa nếp nhăn và trẻ hóa khuôn mặt.

Nếp nhăn là gì?

Nếp nhăn trên da là một phần tự nhiên của quá trình lão hóa, thường nổi rõ nhất ở những vùng da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, chẳng hạn như mặt, cổ, mu bàn tay và cánh tay.

Mặc dù cấu trúc da được quyết định chủ yếu bởi di truyền nhưng sự tiếp xúc với ánh nắng là nguyên nhân chính khiến da xuất hiện nếp nhăn, đặc biệt là ở những người có da sáng màu. Các chất độc hại, ô nhiễm trong môi trường và hút thuốc lá cũng là những yếu tố góp phần làm cho da nhanh trở nên nhăn nheo hơn.

Sự xuất hiện nếp nhăn trên da là điều hết sức bình thường mà bất kỳ ai cũng gặp phải khi có tuổi nhưng nếu cảm thấy cần thiết thì vẫn có nhiều phương pháp để làm mờ hoặc xóa nếp nhăn và trẻ hóa khuôn mặt. Một số phương pháp xóa nếp nhăn hiệu quả có thể kể đến như dùng sản phẩm chăm sóc da, các kỹ thuật tái tạo bề mặt da, tiêm chất làm đầy (filler) và phẫu thuật căng da.

Các loại nếp nhăn và vị trí thường có nếp nhăn

Nếp nhăn là những đường mảnh hình thành trên da. Có hai loại nếp nhăn là nếp nhăn động và nếp nhăn tĩnh. Nếp nhăn động là những nếp nhăn chỉ xuất hiện khi cử động khuôn mặt, ví dụ như khi cười, nheo mắt… Nếp nhăn tĩnh là những nếp nhăn hiện diện ngay cả khi khuôn mặt ở trạng thái nghỉ bình thường. Một số nếp nhăn còn trở thành đường rãnh hay nếp gấp sâu hằn rõ trên da, thường là ở xung quanh mắt, miệng và cổ.

Một số vị trí thường có nếp nhăn trên khuôn mặt là:

  • Trán
  • Giữa hai đầu lông mày
  • Đuôi mắt
  • Dưới mắt
  • Hai bên cánh mũi
  • Khóe miệng
  • Từ khóe miệng xuống cằm

Nguyên nhân gây hình thành nếp nhăn

Nếp nhăn hình thành là do sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó có một số yếu tố mà chúng ta có thể kiểm soát và một số yếu tố không thể kiểm soát:

Sự lão hóa

Sự xuất hiện nếp nhăn là một phần của quá trình lão hóa. Khi con người già đi, các tế bào da phân chia chậm hơn và lớp giữa của da, được gọi là trung bì, bắt đầu mỏng đi. Lớp trung bì được tạo nên từ một mạng lưới các sợi elastin và collagen, có vai trò nâng đỡ và tạo sự đàn hồi cho làn da. Khi mạng lưới này trở nên lỏng lẻo và tổn hại theo thời gian, bề mặt da sẽ xuất hiện các nếp nhăn. Khi da bị lão hóa, khả năng giữ ẩm và tiết dầu cũng trở nên kém đi và vết thương chậm lành hơn. Tất cả những yếu tố này góp phần dẫn đến sự hình thành các nếp nhăn.

Hoạt động của cơ mặt

Các nếp nhăn trên trán, giữa hai đầu lông mày (nếp nhăn cau mày) và quanh đuôi mắt (vết chân chim) hình thành do sự hoạt động của các cơ dưới da ở những khu vực này. Mỉm cười, cau mày, nheo mắt và các biểu cảm khác trên khuôn mặt dần dần khiến những nếp nhăn này ngày càng nổi rõ hơn.

Tổn hại do ánh nắng mặt trời

Tiếp xúc quá nhiều với tia cực tím (UV) trong ánh nắng mặt trời có thể dẫn đến lão hóa da sớm. Tia UV phá hỏng các sợi collagen và dẫn đến sản sinh elastin bất thường. Khi tia UV làm tổn thương mô da, da sẽ sản sinh ra một loại enzyme có tên là metalloproteinase. Enzyme này tạo ra và điều chỉnh cấu trúc collagen. Tuy nhiên, trong quá trình này, một số sợi collagen khỏe mạnh bị hỏng, dẫn đến hiện tượng thoái hóa sợi elastin do ánh nắng (solar elastosis). Nếp nhăn hình thành khi hiện tượng tái cấu trúc này diễn ra lặp đi lặp lại và ngày càng kém hiệu quả hơn.

Hút thuốc lá

Làn da khỏe mạnh liên tục tái tạo. Collagen cũ bị phá hủy và loại bỏ, sau đó collagen mới được sản sinh. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng hút thuốc lá làm giảm rõ rệt quá trình sản sinh collagen mới. Sự suy giảm collagen này dẫn đến hình thành các nếp nhăn.

Các phương pháp xóa nếp nhăn

Có rất nhiều phương pháp để xóa hoặc làm mờ các nếp nhăn và giúp cho khuôn mặt trông trẻ trung hơn.

Dùng sản phẩm chăm sóc da chống lão hóa

  • Retinoid tại chỗ: Các sản phẩm chăm sóc da có chứa retinoid (tên gọi chung các phái sinh của vitamin A) có thể làm giảm các nếp nhăn mảnh trên da và đồng thời cải thiện tình trạng da sần sùi, khô ráp. Điều quan trong là phải kiên trì sử dụng sản phẩm trong vài tuần đến vài tháng thì mới bắt đầu thấy được hiệu quả. Một số loại retinoid phổ biến gồm có tretinoin, tazarotene và một phiên bản tổng hợp có tên là adapalene. Retinoid có thể gây ngứa, châm chích, ửng đỏ, rát da hoặc khô tạm thời trong thời gian đầu sử dụng. Vì retinoid khiến da trở nên nhạy cảm hơn với ánh nắng nên sẽ cần sử dụng kem chống nắng phổ rộng hàng ngày với chỉ số chống nắng SPF ít nhất là 30 và che chắn kỹ cho da khi ra ngoài trời.
  • Các sản phẩm chăm sóc da chống lão hóa: Hiện nay có vô số sản phẩm chăm sóc da có tác dụng giúp da căng mịn, săn chắc hơn và làm mờ nếp nhăn. Hiệu quả của mỗi sản phẩm là khác nhau và phụ thuộc vào các thành phần hoạt tính. Retinol, các chất chống oxy hóa và một số dạng peptide có thể giúp cải thiện nếp nhăn từ nhẹ đến vừa. Nồng độ thành phần hoạt tính càng cao thì hiẹu quả càng nhanh và mạnh.

Các phương pháp thẩm mỹ

Các phương pháp thẩm mỹ dưới đây giúp xóa nếp nhăn hiệu quả và nhanh hơn so với các sản phẩm chăm sóc da. Để có kết quả tốt nhất thì nên kết hợp nhiều phương pháp lại với nhau. Nên đến gặp trực tiếp bác sĩ da liễu hoặc chuyên viên thẩm mỹ có chuyên môn để được tư vấn lựa chọn phù hợp nhất.

Tái tạo bề mặt da bằng laser

Trong phương pháp tái tạo bề mặt bằng laser xâm lấn, chùm tia laser được chiếu lên bề mặt da để phá hủy lớp da bên ngoài (lớp biểu bì) và làm nóng lớp da bên dưới (trung bì). Điều này kích thích sự hình thành các sợi collagen mới. Khi vết thương lành lại, da sẽ trở nên căng mịn hơn. Tái tạo bề mặt da bằng laser không thể loại bỏ các nếp nhăn quá sâu hay khắc phục tình trạng da chảy xệ nặng. Vì laser xâm lấn gây đau rát, khó chịu nên có thể gây tê tại chỗ trước khi thực hiện hoặc đôi khi cần dùng thêm thuốc an thần nếu cần điều trị cho một diện tích da lớn. Thường sẽ phải mất vài tháng để da phục hồi hoàn toàn sau quá trình điều trị.

Phương pháp tái tạo bề mặt da bằng laser hiện nay thường sử dụng công nghệ laser phân đoạn (fractional), giúp rút ngắn thời gian phục hồi so với laser truyền thống. Một số vấn đề không mong muốn có thể xảy ra khi tái tạo bề mặt da bằng laser là hình thành sẹo và làm thay đổi màu da.

Nếu sử dụng công nghệ tái tạo bề mặt da bằng laser phân đoạn không xâm lấn thì thời gian phục hồi da sẽ càng được rút ngắn hơn nữa và cũng ít rủi ro hơn laser xâm lấn. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ phù hợp hơn với những người có nếp nhăn không quá sâu vì hiệu quả không cao bằng laser xâm lấn. Thường sẽ phải điều trị nhiều buổi để làm mờ nếp nhăn một cách tối đa.

Trẻ hóa da bằng liệu pháp ánh sáng

Liệu pháp ánh sáng có thể xử lý các nếp nhăn mờ do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Phương pháp này cũng cần điều trị nhiều buổi nhưng thời gian phục hồi sẽ nhanh hơn so với tái tạo bề mặt da bằng laser.

Peel da hóa học

Bôi một loại dung dịch hóa học lên da để loại bỏ các tế bào da ở lớp trên cùng. Các tế bào da cũ được thay thế bằng tế bào da mới và bề mặt da trở nên căng mịn, tươi tắn hơn. Tùy thuộc vào độ sâu tác động của dung dịch peel da mà sẽ cần điều trị một vài lần để thấy sự cải thiện trên da. Sau khi peel da hóa học, da sẽ bị ửng đỏ trong vài ngày đến vài tuần và nhạy cảm với ánh nắng. Các vấn đề không mong muốn có thể xảy ra gồm có để lại sẹo, nhiễm trùng và thay đổi màu da.

Mài da

Mài da (dermabrasion) là phương pháp sử dụng thiết bị có bề mặt nhám chà lên lớp bề mặt của da để loại bỏ tế bào da cũ, để lộ ra lớp da mới bên dưới mịn màng và đều màu hơn. Phương pháp này cũng cần phải thực hiện nhiều lần để có hiệu quả rõ rệt. Các vấn đề không mong muốn có thể xảy ra gồm có mẩn đỏ, đóng vảy và sưng tấy tạm thời. Có thể phải mất vài tuần để da trở về bình thường sau khi điều trị.

Mài da vi điểm

Tương tự như mài da, mài da vi điểm (microdermabrasion) cũng sử dụng thiết bị có bề mặt nhám để loại bỏ tế bào da ở lớp bên trên nhưng phương pháp này loại bỏ lớp da nông hơn so với mài da. Giống như phương pháp mài da, một liệu trình mài da vi điểm cũng gồm có nhiều buổi, thực hiện trong thời gian vài tháng và hiệu quả chỉ là tạm thời. Phương pháp này không phù hợp với những người bị bệnh trứng cá đỏ hoặc bị giãn tĩnh mạch ở vùng mặt vì có thể khiến cho tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn. Da thường trở nên mẩn đỏ hoặc có cảm giác châm chích sau khi mài da vi điểm.

Tiêm Botox

Khi tiêm liều lượng vừa phải vào các cơ, Botox sẽ làm giảm hoạt động của cơ. Khi các cơ không thể co lại, da sẽ dần trở nên mịn hơn và nếp nhăn mờ đi. Phương pháp tiêm Botox phù hợp nhất với các nếp nhăn ở giữa hai lông mày, trên trán và các vết chân chim ở đuôi mắt. Thường phải chờ 1 – 3 ngày sau khi tiêm mới thấy kết quả rõ rệt. Hiệu quả thường kéo dài một vài tháng và sau đo sẽ cần tiêm lại để duy trì kết quả.

Tiêm chất làm đầy hoặc mỡ tự thân

Có thể làm mờ nếp nhăn trên khuôn mặt bằng cách tiêm các chất làm đầy (filler) như Restylane, Juvederm, collagen hay mỡ tự thân. Các chất này lấp đầy vào vùng bên dưới nếp nhăn và đẩy bề mặt da lên, từ đó làm cho nếp nhăn mờ đi. Vị trí tiêm thường bị sưng, đỏ và bầm tím tạm thời trong một vài ngày sau tiêm. Hiệu quả của hầu hết các sản phẩm chất làm đầy đều là tạm thời. Với phương pháp tiêm mỡ tự thân, mỡ được hút từ một vùng trên cơ thể như bụng, hông hoặc mông, sau đó qua quá trình tinh lọc và tiêm vào vị trí có nếp nhăn. Phương pháp này có ít rủi ro xảy ra các vấn đề không mong muốn hơn so với tiêm filler.

Phẫu thuật căng da mặt

Đây là phương pháp xâm lấn nhất, trong đó các mô và cơ bên dưới da được kéo căng để loại bỏ nếp nhăn. Quy trình phẫu thuật có thể được thực hiện sau khi thuốc gây tê tại chỗ hoặc gây mê toàn thân. Thời gian hồi phục sẽ lâu hơn so với các phương pháp khác như tái tạo bề mặt da bằng laser, mài da hay tiêm Botox. Tình trạng bầm tím và sưng tấy thường nặng nhất trong vài tuần đầu sau phẫu thuật. Kết quả có được sau khi phẫu thuật căng da mặt cũng không kéo dài vĩnh viễn nhưng thường phải vài năm sau mới cần phẫu thuật lại nếu như vẫn muốn trẻ hóa khuôn mặt. Kết quả của mỗi ca phẫu thuật là khác nhau tùy thuộc vào vị trí và độ sâu của nếp nhăn.

Cho dù là bất kỳ phương pháp nào thì cũng không thể ngăn cản được quá trình lão hóa nên đều sẽ cần điều trị lại sau một thời gian nhất định để duy trì vẻ trẻ trung.

Ngăn ngừa nếp nhăn

Dưới đây là một số biện pháp để bảo vệ làn da và giảm thiểu sự hình thành nếp nhăn:

  • Bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời: Hạn chế thời gian tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, đặc biệt là vào giữa trưa và luôn mặc quần áo dài, đeo khẩu trang, kính râm và đội mũ rộng vành khi ra ngoài trời. Ngoài ra, cần sử dụng kem chống nắng đều đặn hàng ngày, kể cả vào những hôm trời không nắn. Nên chọn kem chống nắng chỉ số SPF ít nhất là 30, có thể kết hợp thêm kem dưỡng ban ngày và mỹ phẩm trang điểm có chỉ số SPF 15 trở lên. Các chuyên gia da liễu khuyến nghị sử dụng kem chống nắng phổ rộng để bảo vệ da khỏi cả tia UVA và UVB. Phải bôi đủ lượng kem chống nắng đều khắp da và bôi lại sau mỗi 2 tiếng hoặc thường xuyên hơn nếu đi bơi hoặc đổ mồ hôi.
  • Dưỡng ẩm da hàng ngày: Làn da khô có độ đàn hồi kém và dễ xuất hiện nếp nhăn từ sớm. Bôi kem dưỡng ẩm sẽ giúp tạo lớp màng giữ hơi ẩm lại bên trong da và dần dần cải thiện tình trạng da khô. Dưỡng ẩm còn giúp tạm thời làm mờ đi các nếp nhăn nhỏ. Cần dưỡng ẩm đều đặn hàng ngày và thường phải sau một vài tuần thì mới bắt đầu thấy có sự cải thiện rõ rệt.
  • Không hút thuốc lá: Cho dù đã hút thuốc trong suốt một thời gian dài hoặc hút nhiều thuốc thì việc ngừng hút vẫn sẽ cải thiện độ săn chắc và cấu trúc của làn da, từ đó ngăn ngừa nếp nhăn.
  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh: Các bằng chứng nghiên cứu cho thấy rằng một số loại vitamin và chất chống oxy hóa trong thực phẩm giúp bảo vệ làn da và giảm tốc độ lão hóa. Nên ăn nhiều rau củ và trái cây tươi mỗi ngày.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Nguyên nhân nào gây tăng cân trong thời kỳ mãn kinh và cách khắc phục

Dễ tăng cân và khó giảm cân khi bước vào thời kỳ mãn kinh là điều mà rất nhiều phụ nữ gặp phải.

Hội chứng Sweet (bệnh da tăng bạch cầu đa nhân trung tính)

Hầu hết các trường hợp mắc hội chứng Sweet đều không xác định được nguyên nhân. Bệnh này đôi khi có liên quan đến các bệnh ung thư máu.

Bỏng: Nguyên nhân, biện pháp phòng ngừa và điều trị

Nếu chỉ bị bỏng nhẹ thì có thể điều trị tại nhà. Các vết bỏng ngoài da thường lành lại trong vòng vài tuần. Nhưng khi bị bỏng nặng thì phải đến ngay cơ sở y tế.

Cước tay chân: Nguyên nhân và cách khắc phục

Cước là một phản ứng của cơ thể khi tiếp xúc với môi trường lạnh. Đây là một hiện tượng bình tường xảy ra vào mùa đông.

Hăm tã ở trẻ em: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị

Hăm tã khiến cho trẻ khó chịu, khóc quấy nhưng đây là vấn đề có thể xử lý đơn giản bằng các biện pháp khắc phục tại nhà, chẳng hạn như thay tã thường xuyên hơn, giữ cho da luôn khô ráo và dùng một số loại thuốc bôi ngoài da.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây