Nhiễm trùng thận

Nhiễm trùng thận nặng có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể đe dọa tính mạng. Đến bệnh viện hoặc gọi cấp cứu ngay lập tức nếu có các triệu chứng nhiễm trùng thận đồng thời bị tiểu ra máu hoặc buồn nôn và nôn ói.

Nhiễm trùng thận là gì?

Nhiễm trùng thận (hay viêm thận bể thận) là một loại nhiễm trùng đường tiết niệu, thường bắt đầu ở niệu đạo hoặc bàng quang và lan đến một hoặc cả hai thận.

Nhiễm trùng thận cần được điều trị kịp thời. Nếu không được điều trị đúng cách, nhiễm trùng thận có thể dẫn đến hỏng thận vĩnh viễn hoặc vi khuẩn có thể lan vào máu và gây nhiễm trùng đe dọa đến tính mạng.

Nhiễm trùng thận thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh và người bệnh có thể phải nhập viện.

Triệu chứng nhiễm trùng thận

Các dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm trùng thận gồm có:

  • Sốt
  • Ớn lạnh
  • Đau lưng, hạ sườn hoặc bẹn
  • Đau bụng
  • Đi tiểu nhiều
  • Cảm giác buồn tiểu dữ dội và dai dẳng
  • Nóng rát hoặc đau khi đi tiểu
  • Buồn nôn và nôn
  • Có mủ hoặc máu trong nước tiểu
  • Nước tiểu có mùi hôi hoặc đục

Khi nào cần đi khám?

Đi khám ngay khi có các dấu hiệu bất thường. Nếu đang điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu và các triệu chứng không thuyên giảm thì cũng nên đi khám.

Nhiễm trùng thận nặng có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể đe dọa tính mạng. Đến bệnh viện hoặc gọi cấp cứu ngay lập tức nếu có các triệu chứng nhiễm trùng thận đồng thời bị tiểu ra máu hoặc buồn nôn và nôn ói.

Nguyên nhân gây nhiễm trùng thận

Vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu thông qua niệu đạo (ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra bên ngoài cơ thể). Vi khuẩn có thể nhân lên và di chuyển đến thận. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây nhiễm trùng thận.

Vi khuẩn do nhiễm trùng ở những nơi khác trong cơ thể cũng có thể lan theo đường máu đến thận. Mặc dù không phổ biến nhưng nhiễm trùng thận có thể xảy ra do khớp nhân tạo hoặc van tim nhân tạo bị nhiễm trùng.

Đôi khi, nhiễm trùng thận phát sinh sau ca phẫu thuật thận.

Ai có nguy cơ nhiễm trùng thận?

Các yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm trùng thận gồm có:

  • Là phụ nữ: Niệu đạo của phụ nữ ngắn hơn niệu đạo của nam giới, điều này khiến vi khuẩn từ bên ngoài cơ thể dễ dàng đến bàng quang hơn. Niệu đạo của phụ nữ gần với âm đạo và hậu môn, đây cũng là lý do vi khuẩn xâm nhập vào bàng quang nhiều hơn.
  • Khi ở trong bàng quang, nhiễm trùng có thể lan đến thận. Phụ nữ mang thai thậm chí còn có nguy cơ bị nhiễm trùng thận cao hơn.
  • Bị tắc nghẽn đường tiết niệu: Bất cứ điều gì gây cản trở dòng chảy nước tiểu hoặc làm giảm khả năng làm rỗng bàng quang khi đi tiểu, chẳng hạn như sỏi thận, bất thường trong cấu trúc của đường tiết niệu hay phì đại tiền liệt tuyến ở nam giới đều có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng thận.
  • Hệ miễn dịch suy yếu: Mắc các bệnh lý làm suy giảm hệ miễn dịch, chẳng hạn như bệnh tiểu đường và nhiễm HIV, sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng thận. Một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc chống thải ghép dùng sau phẫu thuật ghép tạng, cũng có tác động tương tự.
  • Tổn thương các dây thần kinh xung quanh bàng quang: Tổn thương dây thần kinh hoặc tủy sống có thể gây mất cảm giác, khiến người bệnh không biết mình bị nhiễm trùng bàng quang và sau một thời gian, nhiễm trùng có thể lan sang thận.
  • Sử dụng ống thông tiểu trong thời gian dài: Ống thông tiểu là ống dùng để dẫn nước tiểu ra khỏi bàng quang, thường được sử dụng trong và sau một số quy trình phẫu thuật và xét nghiệm chẩn đoán. Những người phải nằm một chỗ thường phải dùng ống thông tiểu liên tục trong thời gian dài và điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng thận.
  • Mắc các bệnh lý khiến nước tiểu chảy ngược: Khi bị trào ngược bàng quang - niệu quản, một lượng nhỏ nước tiểu chảy từ bàng quang ngược lên niệu quản và thận thay vì chảy ra ngoài. Trẻ nhỏ và người lớn bị tình trạng này có nguy cơ bị nhiễm trùng thận cao hơn.

Biến chứng nhiễm trùng thận

Nếu không được điều trị, nhiễm trùng thận có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như:

  • Sẹo thận: Điều này có thể dẫn đến bệnh thận mãn tính, cao huyết áp và suy thận.
  • Nhiễm trùng máu: Thận có chức năng lọc chất thải từ máu và đưa máu đã lọc trở lại tuần hoàn. Bị nhiễm trùng thận có thể khiến vi khuẩn lây lan qua đường máu.
  • Các biến chứng khi mang thai: Nhiễm trùng thận khi mang thai có thể làm tăng nguy cơ sinh con nhẹ cân.

Phòng ngừa nhiễm trùng thận

Để giảm nguy cơ nhiễm trùng thận thì phải ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu. Phụ nữ có nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu cao hơn nam giới và có thể giảm thiểu nguy cơ bằng cách:

  • Uống nhiều nước: Tăng lượng nước tiểu giúp đào thải vi khuẩn khỏi đường tiết niệu.
  • Đi tiểu ngay khi cảm thấy buồn: Thường xuyên nhịn tiểu sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Đi tiểu sau khi quan hệ tình dục: Đi tiểu càng sớm càng tốt sau khi quan hệ tình dục giúp loại bỏ vi khuẩn khỏi niệu đạo và giảm nguy cơ nhiễm trùng.
  • Lau từ trước ra sau khi đi tiểu và đại tiện để tránh vi khuẩn từ hậu môn lây lan sang niệu đạo.
  • Không sử dụng các sản phẩm gây kích ứng ở vùng sinh dục: Các sản phẩm như xịt khử mùi vùng kín hoặc dung dịch thụt rửa có thể gây kích ứng và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.

Chẩn đoán nhiễm trùng thận

Bệnh nhân sẽ phải làm xét nghiệm nước tiểu để phát hiện vi khuẩn, máu hoặc mủ trong nước tiểu và có thể sẽ phải lấy mẫu máu để tiến hành nuôi cấy nhằm phát hiện vi khuẩn hoặc các vi sinh vật khác trong máu.

Ngoài ra còn có các biện pháp chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (chụp CT) và chụp X-quang bàng quang - niệu đạo khi tiểu. Chụp X-quang bàng quang - niệu đạo khi tiểu là thủ thuật tiêm thuốc cản quang và sau đó chụp X-quang khi bàng quang đầy và trong khi đi tiểu.

Điều trị nhiễm trùng thận

Dùng thuốc kháng sinh

Thuốc kháng sinh là phương pháp điều trị ưu tiên trong những trường hợp nhiễm trùng thận. Loại thuốc và thời gian sử dụng thuốc tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và loại vi khuẩn được tìm thấy khi làm xét nghiệm nước tiểu.

Thông thường, các triệu chứng nhiễm trùng thận sẽ bắt đầu cải thiện rõ rệt sau vài ngày điều trị. Nhưng người bệnh vẫn phải tiếp tục dùng thuốc kháng sinh cho đến hết thời gian quy định. Việc ngừng kháng sinh giữa chừng sẽ làm tăng nguy cơ tái phát và khiến cho vi khuẩn có khả năng kháng thuốc.

Sau khi hoàn thành đợt điều trị, bác sĩ có thể sẽ chỉ định cấy nước tiểu để đảm bảo tình trạng nhiễm trùng đã khỏi hoàn toàn. Nếu vẫn còn dấu hiệu nhiễm trùng, người bệnh sẽ cần dùng thêm một đợt kháng sinh nữa.

Nhập viện nếu nhiễm trùng thận nghiêm trọng

Trong những trường hợp nhiễm trùng thận nặng, bác sĩ sẽ chỉ định nhập viện. Người bệnh sẽ được điều trị bằng thuốc kháng sinh và truyền dịch tĩnh mạch. Thời gian phải nằm viện tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng nhiễm trùng thận.

Điều trị nhiễm trùng thận tái phát

Một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, ví dụ như khiếm khuyết trong cấu trúc đường tiết niệu có thể khiến cho người bệnh bị nhiễm trùng thận tái đi tái lại. Trong những trường hợp này, người bệnh cần được thăm khám kỹ lưỡng để tìm ra nguyên nhân và có thể phải phẫu thuật để khắc phục bất thường về cấu trúc.

Điều trị triệu chứng

Để giảm bớt cảm giác khó chịu trong thời gian điều trị nhiễm trùng thận, người bệnh có thể thử các cách sau đây:

  • Chườm nóng: Đặt một túi chườm nóng lên bụng hoặc lưng để giảm bớt đau đớn.
  • Dùng thuốc giảm đau: Nếu bị sốt hoặc cơn đau gây cản trở sinh hoạt thì có thể dùng các loại thuốc giảm đau không phải aspirin như acetaminophen hoặc ibuprofen.
  • Uống đủ nước: Uống nhiều nước sẽ làm tăng lượng nước tiểu và nhờ đó loại bỏ vi khuẩn khỏi đường tiết niệu. Tốt nhất nên uống nước lọc. Không uống cà phê và rượu bia cho đến khi khỏi bệnh vì những loại đồ uống này có thể làm trầm trọng thêm triệu chứng buồn tiểu gấp.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI)

Nhiễm trùng đường tiết niệu chủ yếu xảy ra ở phụ nữ và ảnh hưởng đến bàng quang và/hoặc niệu đạo.

Nhiễm khuẩn âm đạo (viêm âm đạo do vi khuẩn)

Nhiễm khuẩn âm đạo xảy ra do sự phát triển quá mức của một số loại vi khuẩn vốn tồn tại trong âm đạo.

Nhiễm nấm âm đạo (viêm âm đạo do nấm)

Nguyên nhân gây nhiễm nấm âm đạo là do một chủng nấm men có tên là Candida albicans. Do đó mà tình trạng này còn được gọi là nhiễm trùng nấm men hay nhiễm nấm Candida.

U nang buồng trứng

U nang buồng trứng là một bệnh phụ khoa mà rất nhiều phụ nữ gặp phải nhưng đa phần đều chỉ có ít hoặc không gây triệu chứng và vô hại. Phần lớn u nang buồng trứng đều tự biến mất trong vòng vài tháng mà không cần điều trị.

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)

Các dấu hiệu, triệu chứng của hội chứng buồng trứng đa nang thường xuất hiện vào kỳ kinh nguyệt đầu tiên trong độ tuổi dậy thì nhưng đôi khi, các triệu chứng xuất hiện muộn hơn và chỉ biểu hiện rõ khi tăng cân đáng kể.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây