Nhọt và bệnh hậu bối

Nguyên nhân gây nổi nhọt đa phần là do nhiễm tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) - một loại vi khuẩn thường tổn tại trên da và bên trong mũi.

Nhọt và bệnh hậu bối là gì?

Nhọt là một dạng nhiễm trùng da, xảy ra do một hoặc nhiều nang lông bị nhiễm vi khuẩn, trở nên viêm và xuất hiện sẩn sưng đau, chứa đầy dịch mủ. Nhọt có thể hình thành đơn lẻ hoặc tạo thành cụm. Tình trạng có nhiều nhọt cùng xuất hiện, liên kết với nhau và tạo thành vùng nhiễm trùng bên dưới da được gọi là bệnh hậu bối (carbuncle).

Ban đầu, nhọt thường có dạng là những sẩn nhỏ, sưng đỏ. Các sẩn này nhanh chóng chứa đầy mủ, ngày càng to lên và gây đau đớn cho đến khi vỡ ra và chảy dịch. Các khu vực dễ bị nổi nhọt nhất là mặt, sau gáy, nách, đùi và mông.

Nếu nổi nhọt đơn lẻ thì có thể tự điều trị tại nhà nhưng không được chích hoặc nặn vì điều này có thể làm lây lan nhiễm trùng.

Đặc điểm nhận biết

Nhọt

Nhọt có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể, nhưng thường là ở mặt, sau gáy, nách, đùi và mông - những vị trí có nhiều nang lông, dễ đổ mồ hôi hoặc thường xuyên bị cọ sát. Nhọt thường có các đặc điểm như:

  • Sưng đỏ, đau đớn, ban đầu có kích thước nhỏ và to dần, có thể lên đến 5 cm
  • Vùng da xung quanh nhọt bị đỏ
  • Chứa đầy mủ
  • Có đầu màu trắng hoặc vàng, cuối cùng vỡ ra và chảy dịch

Hậu bối

Hậu bối là một cụm nhọt liên kết với nhau tạo thành một vùng nhiễm trùng. So với nhọt đơn lẻ, hậu bối là tình trạng nhiễm trùng sâu hơn, nặng hơn và dễ để lại sẹo. Hậu bối có thể gây ra một số triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, sốt và ớn lạnh.

Khi nào cần đi khám?

Nếu chỉ bị nổi nhọt nhỏ và đơn lẻ thì có thể tự xử lý tại nhà. Nhưng cần đến gặp bác sĩ nếu có nhiều nhọt cùng xuất hiện một lúc hoặc nếu nhận thấy nhọt có những biểu hiện dưới đây:

  • Xuất hiện trên mặt, đặc biệt là ở gần mắt và gây ảnh hưởng đến thị lực
  • To lên nhanh chóng hoặc đau đớn dữ dội
  • Gây sốt
  • Ngày càng to lên dù đã thử các phương pháp tự điều trị
  • Không cải thiện sau 2 tuần
  • Tái đi tái lại

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây nổi nhọt đa phần là do nhiễm tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) - một loại vi khuẩn thường tổn tại trên da và bên trong mũi. Nhọt hình thành khi mủ tích tụ dưới da. Đôi khi nhọt xuất hiện ở những vị trí có vết thương hở do da bị trầy xước, đứt hoặc côn trùng cắn. Vết thương hở tạo điều kiện cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào bên trong da.

Các yếu tố nguy cơ

Bất kỳ ai, kể cả những người khỏe mạnh đều có thể bị nổi nhọt hoặc bệnh hậu bối nhưng các yếu tố dưới đây sẽ làm tăng nguy cơ:

  • Tiếp xúc gần với người bị nhiễm tụ cầu: nguy cơ da bị nhiễm trùng sẽ cao hơn nếu sống chung với người bị nhọt hoặc bệnh hậu bối.
  • Mắc bệnh tiểu đường: bệnh này khiến cơ thể khó chống lại nhiễm trùng, bao gồm cả nhiễm trùng da do vi khuẩn.
  • Các vấn đề về da khác: các vấn đề về da, chẳng hạn như mụn trứng cá và bệnh viêm da cơ địa (chàm) làm hỏng hàng rào bảo vệ tự nhiên của da và khiến da dễ bị nổi nhọt.
  • Suy giảm khả năng miễn dịch: khi hệ miễn dịch bị suy yếu vì bất kỳ lý do gì thì nguy cơ da bị nhiễm trùng và hình thành mụn nhọt sẽ cao hơn.

Biến chứng

Đôi khi, vi khuẩn từ nhọt có thể xâm nhập vào máu và di chuyển đến các cơ quan khác của cơ thể. Tình trạng nhiễm trùng máu (nhiễm khuẩn huyết) có thể dẫn đến nhiễm trùng ở sâu bên trong cơ thể, chẳng hạn như tim (viêm nội tâm mạc) và xương (viêm tủy xương).

Biện pháp chẩn đoán

Thông thường, chỉ cần quan sát bên ngoài là bác sĩ có thể chẩn đoán nhọt và bệnh hậu bối. Nhưng đôi khi có thể cần lấy mẫu mủ từ nhọt để làm xét nghiệm, đặc biệt là những trường hợp bị nhọt tái đi tại lại hoặc không đáp ứng với các phương pháp điều trị.

Nhiều loại vi khuẩn gây nhọt đã có khả năng kháng kháng sinh. Vì vậy, việc làm xét nghiệm mẫu bệnh phẩm sẽ giúp bác sĩ xác định loại thuốc kháng sinh hiệu quả nhất.

Phương pháp điều trị

Điều trị nhọt nhỏ

Nói chung, nếu chỉ có nhọt nhỏ thì có thể tự xử lý tại nhà bằng cách chườm ấm để giảm đau và làm cho nhọt nhanh vỡ ra.

Dưới đây là một số biện pháp giúp cho nhọt mau lành hơn và ngăn vi khuẩn lan rộng:

  • Chườm ấm: đắp khăn ấm lên vùng bị nhọt nhiều lần trong ngày, mỗi lần khoảng 10 phút. Điều này làm cho nhọt mau vỡ hơn.
  • Không được bóp hoặc chọc vỡ nhọt: điều này sẽ làm cho vi khuẩn lây lan và có thể dẫn đến nhiễm trùng máu.

Rửa tay thật sạch sau khi chạm vào nhọt. Ngoài ra, giặt quần áo, khăn tắm, chăn ga và vứt bỏ băng gạc đã tiếp xúc với vùng bị nhiễm trùng để ngăn vấn đề tái phát hoặc lây sang người khác.

Điều trị nhọt lớn và bệnh hậu bối

Nếu có nhọt lớn hoặc mọc thành cụm thì nên đi khám bác sĩ. Các phương pháp điều trị gồm có:

  • Rạch và loại bỏ mủ: bác sĩ rạch một đường để làm cho nhọt vỡ ra và chảy dịch mủ bên trong. Điều này sẽ làm tiêu nhọt lớn hoặc cụm nhọt. Nếu bị nhiễm trùng sâu và nhọt không tiêu hoàn toàn thì có thể phải dùng gạc vô trùng để thấm dịch mủ.
  • Thuốc kháng sinh: nếu bị nhiễm trùng nặng hoặc tái đi tái lại thì sẽ cần dùng thuốc kháng sinh.

Biện pháp phòng ngừa

Các biện pháp để giảm nguy cơ nhiễm tụ cầu – nguyên nhân chính gây hình thành nhọt trên da:

  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay: Rửa tay cẩn thận là một trong những cách hiệu quả nhất để bảo vệ cơ thể khỏi nhiều mầm bệnh.
  • Băng vết thương hở: Giữ cho các vết thương hở trên da luôn sạch sẽ và băng kín bằng băng gạc vô trùng cho đến khi lành lại.
  • Không dùng chung vật dụng cá nhân: Không dùng chung khăn tắm, chăn, ga trải giường, dao cạo râu, quần áo, dụng cụ thể thao và các vật dụng cá nhân khác. Vi khuẩn tụ cầu có thể lây lan qua các đồ vật trung gian và lây trực tiếp từ người sang người. Nếu da có vết thương hở thì hãy giặt sạch khăn tắm và ga trải giường bằng xà phòng và nước nóng, sau đó sấy khô ở nhiệt độ cao nếu có thể hoặc phơi nắng.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Bệnh cơ tuyến tử cung

Hiện khoa học vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác gây ra bệnh cơ tuyến tử cung nhưng bệnh này thường tự khỏi sau khi mãn kinh.

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD)

STD không phải lúc nào cũng biểu hiện triệu chứng. Vì thế nên nhiều người mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục trong suốt một thời gian dài mà không hề hay biết và tiếp tục lây sang người khác.

Bệnh viêm vùng chậu (PID)

Các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh viêm vùng chậu có thể chỉ rất nhẹ và khó nhận biết. Đôi khi, bệnh còn không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào.

Bệnh giang mai

Nếu không được điều trị thì bệnh giang mai có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến tim, não hoặc các cơ quan khác và có thể đe dọa đến tính mạng.

Bệnh lây truyền qua đường tình dục chlamydia

Chlamydia chủ yếu xảy ra ở phụ nữ trẻ, nhưng cũng có thể xảy ra ở cả nam giới và phụ nữ ở mọi nhóm tuổi. Bệnh này không khó điều trị, nhưng nếu không được điều trị thì có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây