Những ai không nên tiêm vắc-xin?

Tiêm vắc-xin là cách hiệu quả nhất để bảo vệ cơ thể khỏi một số bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên cũng có những trường hợp không nên tiêm hoặc phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tiêm chủng.

Dưới đây là chống chỉ định của một số loại vắc-xin phổ biến.

Vắc-xin phòng bệnh thủy đậu

Không nên tiêm vắc-xin phòng bệnh thủy đậu nếu như:

  • Đã từng bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng sau khi tiêm mũi vắc-xin phòng thủy đậu trước đó hoặc có phản ứng dị ứng nghiêm trọng với bất kỳ thành phần nào trong vắc-xin, chẳng hạn như gelatin hoặc neomycin
  • Đang bị sốt hoặc nhiễm trùng
  • Đang mang thai hoặc có thể đang mang thai
  • Hệ miễn dịch suy yếu do đang dùng thuốc, có tiền sử các vấn đề về miễn dịch di truyền hoặc bẩm sinh, ung thư, chẳng hạn như bệnh bạch cầu hay u lympho
  • Đang bị bệnh lao

Hỏi ý kiến bác sĩ về việc tiêm vắc-xin phòng thủy đậu nếu như:

  • Đang dùng các thuốc nhóm salicylat, chẳng hạn như aspirin
  • Đang dùng acyclovir hoặc các loại thuốc tương tự
  • Gần đây mới được truyền máu hoặc các chế phẩm máu
  • Tiền sử gia đình có vấn đề về miễn dịch di truyền hoặc bẩm sinh
  • Bị bệnh cấp tính mức độ vừa hoặc nặng, có hoặc không kèm theo sốt
  • Đã tiêm bất kỳ loại vắc-xin sống nào trong 4 tuần trở lại

Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định hoãn việc tiêm phòng lại vì các lý do khác.

Vắc-xin phòng bạch hầu, uốn ván và ho gà

Những ai không nên tiêm vắc-xin DTaPvà Tdap?

Vắc-xin DTaP

Vắc-xin DTaP không dành cho trẻ em từ 7 tuổi trở lên.

Bố mẹ nên nói chuyện với bác sĩ về việc tiêm vắc-xin DTaP nếu như con mình:

  • đã bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng sau khi tiêm mũi DTaP trước đó, hoặc
  • bị hôn mê hoặc co giật kéo dài lặp đi lặp lại trong vòng 7 ngày sau khi tiêm DTaP, hoặc
  • mắc phải hội chứng Guillain-Barré (GBS) trong vòng 6 tuần sau khi tiêm vắc-xin DTaP, hoặc
  • bị đau đớn dữ dội hoặc sưng tấy nặng sau mũi DTaP hoặc DT trước đó

Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định hoãn việc tiêm phòng lại vì các lý do khác.

Những trẻ bị bệnh mức độ vừa đến nặng nên đợi cho đến khi khỏi bệnh hoàn toàn trước khi tiêm vắc-xin DTaP.

Vắc-xin Tdap

Những người đã từng bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng sau lần tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu, uốn ván hoặc ho gà trước đó hoặc bị dị ứng nghiêm trọng với bất kỳ thành phần nào của vắc-xin này đều không nên tiêm Tdap.

Những người đã từng bị hôn mê hoặc co giật kéo dài, lặp đi lặp lại trong vòng 7 ngày sau khi tiêm vắc-xin DTaP lúc nhỏ không nên tiêm vắc-xin Tdap, trừ khi nguyên nhân được xác định là không phải do vắc-xin. Những trường hợp này vẫn có thể tiêm vắc-xin Td.

Nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc tiêm vắc-xin Tdap nếu như:

  • bị động kinh hoặc một vấn đề về thần kinh khác
  • bị đau hoặc sưng tấy nghiêm trọng sau khi tiêm bất kỳ loại vắc-xin nào có chứa thành phần bạch hầu, uốn ván hoặc ho gà,
  • mắc phải hội chứng Guillain-Barré (GBS) trong vòng 6 tuần sau khi tiêm vắc-xin Tdap, hoặc
  • cảm thấy không khỏe vào ngày tiêm vắc-xin

Vắc-xin phòng viêm gan A

Những ai nên tiêm vắc-xin phòng viêm gan A?

Những đối tượng được khuyến nghị tiêm vắc-xin phòng viêm gan A:

  • Tất cả trẻ em từ 12 – 23 tháng tuổi
  • Trẻ em và thanh thiếu niên từ 2 – 18 tuổi chưa được tiêm chủng trước đây
  • Người sắp đi nước ngoài, đặc biệt là các quốc gia có tỷ lệ viêm gan A cao
  • Nam giới quan hệ tình dục đồng giới
  • Những người sử dụng sử dụng chất kích thích
  • Những người có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao do đặc thù nghề nghiệp, ví dụ như làm việc trong bệnh viện hay các cơ sở chăm sóc người bệnh, trường mẫu giáo
  • Những người phải tiếp xúc với virus viêm gan A trong phòng thí nghiệm
  • Người vô gia cư
  • Người nhiễm HIV
  • Người bị bệnh gan mãn tính
  • Người mắc bệnh máu không đông
  • Người sống trong môi trường tập thể, ví dụ như quân đội
  • Bất cứ ai muốn phòng ngừa bệnh viêm gan A

Ngoài ra, những người chưa tiêm vắc-xin viêm gan A trước đây và mới tiếp xúc trực tiếp với người bị viêm gan A nên tiêm vắc-xin trong vòng 2 tuần sau khi bị phơi nhiễm.

Vắc-xin phòng viêm gan A có thể được tiêm cùng lúc với các loại vắc-xin khác.

Những ai không nên tiêm vắc-xin phòng viêm gan A?

Hỏi ý kiến bác sĩ về việc tiêm vắc-xin nếu như:

  • Từng có phản ứng dị ứng sau mũi tiêm trước đó hoặc bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào trong vắc-xin
  • Bị dị ứng với neomycin hoặc nấm men
  • Những người bị bệnh nhẹ, chẳng hạn như cảm lạnh, vẫn có thể tiêm vắc-xin. Những người bị bệnh vừa đến nặng nên đợi cho đến khi khỏi bệnh hoàn toàn rồi mới tiêm vắc-xin.

Vắc-xin phòng viêm gan B

Những ai nên tiêm vắc-xin phòng viêm gan B?

Những người được khuyến nghị tiêm vắc-xin phòng viêm gan B:

  • Người có bạn tình bị viêm gan B
  • Người có nhiều bạn tình
  • Người mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD)
  • Nam giới quan hệ tình dục đồng giới
  • Người dùng chung bơm kim tiêm hoặc dụng cụ tiêm chích ma túy khác
  • Người có thành viên trong gia đình bị bệnh viêm gan B
  • Người thường xuyên phải tiếp xúc với máu hoặc các chất dịch cơ thể khác
  • Người làm việc trong các môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao, ví dụ như bệnh viện, viện dưỡng lão, nhà tù, trường mẫu giáo,…
  • Nạn nhân bị tấn công hoặc lạm dụng tình dục
  • Người sắp phải đến những nơi có tỷ lệ mắc bệnh viêm gan B cao
  • Những người bị bệnh gan mãn tính, bệnh thận, nhiễm HIV, viêm gan C hoặc tiểu đường
  • Bất cứ ai muốn phòng ngừa bệnh viêm gan B

Vắc-xin phòng viêm gan B có thể được tiêm cùng lúc với các loại vắc-xin khác.

Những ai không nên tiêm vắc-xin viêm gan B?

Hỏi ý kiến bác sĩ về việc tiêm vắc-xin nếu như người được tiêm:

  • Từng bị dị ứng sau mũi tiêm trước đó hoặc dị ứng với bất kỳ thành phần nào trong vắc-xin viêm gan B
  • Bị dị ứng với nấm men
  • Bị dị ứng với neomycin

Khuyến cáo: Phụ nữ mang thai không nên tiêm phòng viêm gan B bằng vắc-xin Heplisav-B.

Vắc-xin ngừa HPV

Những người không nên tiêm vắc-xin ngừa HPV:

  • Người từng có phản ứng dị ứng nghiêm trọng sau mũi vắc-xin trước đó hoặc dị ứng với bất kỳ thành phần nào của vắc-xin ngừa HPV
  • Phụ nữ có thai
  • Phụ nữ đang mang thai không nên tiêm vắc-xin ngừa HPV. Tuy nhiên, tiêm vắc-xin HPV trong thời gian mang thai cũng không phải là vấn đề quá đáng ngại. Nếu sau khi tiêm mũi đầu tiên hoặc mũi thứ hai mới phát hiện mang thai thì có thể tạm hoãn lịch tiêm các mũi còn lại cho đến khi sinh con xong. Phụ nữ đang cho con bú vẫn có thể tiêm vắc-xin ngừa HPV.

Cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tiêm vắc-xin ngừa HPV nếu như bị dị ứng nghiêm trọng, bao gồm cả dị ứng với nấm men.

Những người bị bệnh nhẹ, chẳng hạn như cảm lạnh, vẫn có thể tiêm phòng. Những người bị bệnh vừa hoặc nặng nên đợi cho đến khi khỏi bệnh hẳn mới tiêm vắc-xin.

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định hoãn việc tiêm phòng lại vì các lý do khác.

Vắc-xin phòng cúm

Những ai nên tiêm vắc-xin phòng cúm?

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh CDC khuyến nghị tất cả mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên đều nên tiêm vắc-xin phòng cúm hàng năm. Loại vắc-xin được sử dụng sẽ tùy thuộc vào độ tuổi và tình trạng sức khỏe của người được tiêm.

Tiêm phòng cúm là điều đặc biệt cần thiết đối với những người có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng nghiêm trọng do cúm.

Những người thuộc nhóm này gồm có:

  • Người từ 65 tuổi trở lên
  • Người mắc bệnh tiểu đường
  • Phụ nữ mang thai
  • Những người có hệ miễn dịch yếu, chẳng hạn như nhiễm HIV/AIDS, các vấn đề sức khỏe khác và các loại thuốc gây suy yếu hệ miễn dịch
  • Trẻ nhỏ
  • Những người bị ung thư
  • Trẻ em bị bệnh thần kinh
  • Những người bị hen suyễn
  • Người có tiền sử bệnh tim mạch hoặc đột quỵ
  • Những người mắc một số bệnh mãn tính khác, chẳng hạn như bệnh thận, gan, máu và rối loạn chuyển hóa

Những ai không nên tiêm vắc-xin phòng cúm?

Vắc-xin cúm bất hoạt (IIV) và vắc-xin cúm tái tổ hợp (RIV)

Những người không nên tiêm:

  • Trẻ em dưới 6 tháng tuổi.
  • Người bị dị ứng nghiêm trọng sau lần tiêm vắc-xin cúm trước đó hoặc bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào trong vắc-xin, ví dụ như gelatin, thuốc kháng sinh hoặc các thành phần khác.

Cần hỏi ý kiến bác sĩ về việc tiêm phòng cúm nếu như người được tiêm:

  • Bị dị ứng với trứng hoặc bất kỳ thành phần nào trong vắc-xin.
  • Đã từng bị hội chứng Guillain-Barré (GBS). Những người có tiền sử hội chứng này không nên tiêm phòng cúm.

Những người đang bị bệnh vừa hoặc nặng nên đợi cho đến khi khỏi bệnh hẳn mới tiêm vắc-xin.

Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định hoãn việc tiêm phòng lại vì các lý do khác.

Vắc-xin cúm sống giảm độc lực

Những đối tượng không phù hợp với vắc-xin cúm sống giảm độc lực (vắc-xin cúm dạng xịt mũi):

  • Trẻ em dưới 2 tuổi
  • Người trên 50 tuổi
  • Phụ nữ đang mang thai
  • Người bị dị ứng nghiêm trọng sau khi dùng vắc-xin cúm dạng xịt mũi trước đây hoặc dị ứng với bất kỳ thành phần nào trong vắc-xin.
  • Người từ 2 - 17 tuổi và đang dùng aspirin, các sản phẩm có chứa aspirin hoặc chứa salicylate.
  • Có hệ miễn dịch suy yếu
  • Chăm sóc hoặc tiếp xúc gần với những người bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng (hoặc tránh tiếp xúc với những người này trong 7 ngày sau khi sử dụng vắc-xin).
  • Trẻ từ 2 đến 4 tuổi và bị hen suyễn hoặc thở khò khè trong 12 tháng trở lại.
  • Gần đây đã dùng thuốc kháng vi-rút điều trị cúm. Những người đã dùng các loại thuốc này nên nói với bác sĩ về loại thuốc mình dùng và thời gian dùng liều gần nhất.

LAIV không dành cho những người đang mắc một số vấn đề sức khỏe mãn tính vì tính an toàn và hiệu quả của LAIV ở những trường hợp này vẫn chưa được đảm bảo.

Những trường hợp cần hỏi ý kiến bác sĩ trước về việc sử dụng vắc-xin cúm sống giảm độc lực:

  • Trẻ em từ 5 tuổi trở lên và bị hen suyễn.
  • Người đang có vấn đề sức khỏe làm tăng có nguy cơ xảy ra biến chứng nghiêm trọng do cúm, ví dụ như bệnh phổi mạn tính, bệnh tim mạch (ngoại trừ tăng huyết áp tâm thu đơn độc), bệnh thận, bệnh gan, rối loạn thần kinh cơ, rối loạn đông máu hoặc rối loạn chuyển hóa (chẳng hạn như bệnh tiểu đường).
  • Người bị các bệnh cấp tính mức độ vừa hoặc nặng, có hoặc không kèm theo sốt.
  • Đã từng mắc hội chứng Guillain-Barré sau khi tiêm mũi vắc-xin cúm trước đó.

Những người bị bệnh vừa hoặc nặng nên đợi cho đến khi khỏi bệnh hoàn toàn rồi mới tiêm vắc-xin phòng cúm.

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định hoãn việc tiêm phòng lại vì các lý do khác.

Vắc-xin MMR phòng bệnh sởi, quai bị và rubella

Cần hỏi ý kiến bác sĩ về việc tiêm vắc-xin MMR nếu như người được tiêm:

  • Từng bị dị ứng sau khi tiêm mũi vắc-xin MMR/MMRV trước đó hoặc bị dị ứng nghiêm trọng với bất cứ thứ gì khác
  • Là phụ nữ có thai hoặc nghi ngờ có thai.
  • Có hệ miễn dịch suy yếu hoặc có tiền sử gia đình mắc các vấn đề về miễn dịch di truyền hoặc bẩm sinh.
  • Dễ bị bầm tím hoặc chảy máu
  • Gần đây đã được truyền máu hoặc các chế phẩm máu
  • Bị bệnh lao
  • Đã tiêm bất kỳ loại vắc-xin nào khác trong 4 tuần trở lại.

Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định hoãn việc tiêm phòng lại vì các lý do khác.

Những người bị bệnh nhẹ, chẳng hạn như cảm lạnh, có thể vẫn tiêm vắc-xin bình thường. Những người bị bệnh vừa hoặc nặng nên đợi cho đến khi khỏi bệnh hẳn trước khi tiêm vắc-xin MMR.

Vắc-xin phòng viêm não mô cầu

Cần hỏi ý kiến bác sĩ về việc tiếp tục tiêm vắc-xin viêm não mô cầu nếu như đã bị dị ứng sau mũi tiêm trước đó hoặc từng bị bất kỳ dị ứng nghiêm trọng do những nguyên nhân khác.

Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định hoãn việc tiêm phòng lại vì các lý do khác.

Hiện chưa có nhiều nghiên cứu về rủi ro của việc tiêm vắc-xin này đối với phụ nữ mang thai và cho con bú. Nếu muốn tiêm trong thai kỳ hoặc trong thời gian cho con bú thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tiêm.

Những người bị bệnh nhẹ, chẳng hạn như cảm lạnh, vẫn có thể tiêm. Những người bị bệnh mức độ từ vừa đến nặng nên đợi cho đến khi khỏi bệnh rồi mới tiêm phòng.

Vắc-xin phế cầu

Hỏi ý kiến bác sĩ về việc tiêm vắc-xin phế cầu nếu từng bị dị ứng sau khi tiêm vắc-xin PCV13 hoặc PCV7 trước đây hoặc dị ứng với bất kỳ loại vắc-xin nào có chứa giải độc tố bạch hầu (ví dụ như vắc-xin DTaP) hay bị dị ứng nghiêm trọng với bất kỳ thứ gì khác.

Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định hoãn việc tiêm phòng lại vì các lý do khác.

Những người bị bệnh nhẹ, chẳng hạn như cảm lạnh, vẫn có thể tiêm phòng. Những người bị bệnh vừa hoặc nặng nên đợi cho đến khi khỏi bệnh mới tiêm.

Vắc-xin ngừa rotavirus

Hỏi ý kiến bác sĩ về việc tiêm vắc-xin nếu như:

  • Từng bị dị ứng sau khi tiêm mũi vắc-xin ngừa rotavirus trước đó hoặc bị bất kỳ dạng dị ứng nghiêm trọng nào
  • Có hệ miễn dịch bị suy yếu, ví dụ như do bị ung thư, nhiễm HIV, đang dùng thuốc chống thải ghép,…
  • Bị hội chứng suy giảm miễn dịch kết hợp nghiêm trọng (SCID)
  • Có tiền sử bị lồng ruột - một dạng tắc ruột

Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định hoãn việc tiêm phòng lại vì các lý do khác.

Trẻ sơ sinh bị bệnh nhẹ, chẳng hạn như cảm lạnh, có thể vẫn được tiêm vắc-xin. Nếu trẻ bị bệnh vừa hoặc nặng thì bố mẹ nên chờ cho đến khi trẻ khỏi bệnh hoàn toàn mới đưa đi tiêm.

Vắc-xin phòng bệnh bại liệt

Hỏi ý kiến bác sĩ về việc tiêm vắc-xin nếu như người được tiêm từng bị dị ứng sau mũi vắc-xin phòng bại liệt trước đó hoặc bị bất kỳ dạng dị ứng nghiêm trọng nào.

Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định hoãn việc tiêm phòng lại vì các lý do khác.

Nếu bị bệnh nhẹ, chẳng hạn như cảm lạnh, thì vẫn có thể tiêm vắc-xin. Tuy nhiên, nếu bị bệnh vừa đến nặng thì nên đợi cho đến khi khỏi bệnh mới tiêm.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Mắc bệnh mạn tính cần tiêm những vắc-xin nào?

Tiêm phòng là điều cần thiết đối với tất cả mọi người nhưng với những người có ít nhất một bệnh lý mạn tính thì vắc-xin lại càng có vai trò quan trọng hơn nữa.

Tiêm nhiều vắc-xin cùng một lúc có an toàn không?

Nhiều loại vắc-xin cần được tiêm sớm để bảo vệ trẻ khỏi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Để giảm số mũi tiêm thì hiện nay đã có nhiều loại vắc-xin phối hợp được sử dụng.

Cần tiêm những loại vắc-xin nào trong khi mang thai và sau khi sinh?

Mẹ bầu nên tiêm vắc-xin phòng bệnh ho gà và cúm trong mỗi lần mang thai để bảo vệ bản thân và thai nhi trong những tháng đầu đời.

Chu kỳ kinh nguyệt: Thế nào là bình thường? Thế nào là không bình thường?

Chu kỳ kinh nguyệt nói lên rất nhiều điều về sức khỏe người phụ nữ. Do đó mà mỗi phụ nữ đều phải theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của mình và biết cách xử lý khi nhận thấy những điều bất thường.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây