Nổi mề đay mạn tính

Mề đay mạn tính có thể gây khó chịu và ảnh hưởng đến giấc ngủ cũng như là các hoạt động hàng ngày. Có thể điều trị mề đay mạn tính bằng thuốc kháng histamine và thuốc trị ngứa.

Mề đay mạn tính là gì?

Mề đay (mày đay) là tình trạng xuất hiện những vùng da phồng lên, đỏ và ngứa ngáy, thường là do phản ứng với thuốc, thức ăn hoặc các chất gây kích ứng trong môi trường và dần trở về bình thường khi phản ứng da giảm.

Nếu tình trạng này kéo dài trong suốt nhiều tuần và tái phát thường xuyên trong vài tháng đến vài năm thì được gọi là mề đay mạn tính.

Mề đay mạn tính có thể gây khó chịu và ảnh hưởng đến giấc ngủ cũng như là các hoạt động hàng ngày. Có thể điều trị mề đay mạn tính bằng thuốc kháng histamine và thuốc trị ngứa.

Triệu chứng

Các dấu hiệu và triệu chứng của mề đay mạn tính gồm có:

  • Da phồng lên, màu hồng đỏ hoặc màu da, có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể
  • Ngứa, có thể ngứa dữ dội
  • Sưng đau (do phù mạch) ở môi, mí mắt và bên trong cổ họng
  • Triệu chứng thường xuất hiện do các tác nhân như thời tiết nóng, tập thể dục và căng thẳng
  • Các triệu chứng kéo dài quá 6 tuần và tái phát thường xuyên trong nhiều tháng hoặc nhiều năm

Khác với mề đay mạn tính, mề đay cấp tính xảy ra đột ngột và hết trong vòng vài tuần.

Khi nào cần đi khám?

Cần đi khám nếu bị nổi mề đay nghiêm trọng hoặc triệu chứng xuất hiện liên tục trong nhiều ngày.

Đôi khi, nổi mề đay là một phần của phản ứng dị ứng nghiêm trọng (sốc phản vệ) và cần can thiệp y tế khẩn cấp. Một số dấu hiệu thường gặp của sốc phản vệ gồm có chóng mặt, khó thở, sưng môi, mí mắt và lưỡi.

Nguyên nhân

Nổi mề đay thường là phản ứng dị ứng xảy ra khi một số tế bào nhất định trong cơ thể giải phóng histamine và các chất hóa học khác vào máu. Histamine là chất hóa học mà cơ thể tạo ra để tự bảo vệ khỏi nhiễm trùng và những tác nhân xâm nhập khác từ bên ngoài. Tuy nhiên, ở một số người, histamine gây sưng tấy, ngứa ngáy và các phản ứng tiêu cực khác.

Hiện các chuyên gia y tế vẫn chưa lý giải được tại sao nhiều người lại bị nổi mề đay trong suốt một thời gian dài và tái phát thường xuyên.

Mề đay thường xảy ra do phản ứng với:

  • Thuốc
  • Côn trùng hoặc ký sinh trùng
  • Nhiễm trùng
  • Gãi
  • Nhiệt độ cao hoặc thấp
  • Căng thẳng
  • Ánh nắng mặt trời
  • Mồ hôi
  • Rượu bia
  • Một số loại thực phẩm
  • Lực chèn ép lên da, ví dụ như do thắt lưng quá chặt

Trong một số trường hợp, nổi mề đay mạn tính có liên quan đến bệnh lý mắc phải từ trước, chẳng hạn như bệnh tuyến giáp hoặc ung thư.

Biện pháp chẩn đoán

Bác sĩ sẽ hỏi một số câu hỏi để tìm hiểu nguyên nhân gây ra các triệu chứng, ví dụ như:

  • Mề đay thường xuất hiện sau những hoạt động như thế nào?
  • Các loại thuốc, thảo dược hoặc thực phẩm chức năng đang dùng
  • Có bị dị ứng với loại thực phẩm nào hay không?
  • Mề đay thường xuất hiện ở những vị trí nào và sau bao lâu thì hết?
  • Mề đay có kèm theo sưng đau không?

Nếu nghi ngờ tình trạng nổi mề đay là do một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn thì bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm, chẳng hạn như xét nghiệm máu hoặc test da.

Điều trị mề đay mạn tính

Bệnh nổi mề đay mạn tính thường được điều trị bằng thuốc kháng histamine và một số loại thuốc khác.

Thuốc kháng histamine

Uống thuốc kháng histamine hàng ngày sẽ giúp ngăn chặn sự giải phóng histamine – nguyên nhân gây ra các triệu chứng. Các loại thuốc kháng histamine thường được sử dụng gồm có:

  • Loratadine
  • Fexofenadine
  • Cetirizine
  • Desloratadine

Nếu đã dùng thuốc kháng histamine không gây buồn ngủ mà không hiệu quả thì bác sĩ có thể sẽ tăng liều hoặc chuyển sang thuốc kháng histamine gây buồn ngủ, ví dụ như hydroxyzine pamoate và doxepin. Những loại thuốc này được dùng vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Phụ nữ mang thai, đang cho con bú, người mắc bệnh mạn tính hoặc đang dùng các loại thuốc khác cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc kháng histamine nào.

Các loại thuốc khác

Nếu đã dùng thuốc kháng histamine nhưng tình trạng nổi mề đay không cải thiện thì có thể phải điều trị bằng các loại thuốc khác như:

  • Thuốc kháng histamine H2: còn được gọi là thuốc kháng thụ thể histamine H2, nhóm thuốc này có dạng tiêm hoặc uống. Một số ví dụ gồm có cimetidine và famotidine.
  • Thuốc chống viêm: các loại corticoid đường uống, chẳng hạn như prednisone, có thể giúp làm giảm sưng, đỏ và ngứa. Thuốc này thường chỉ được dùng trong thời gian ngắn để điều trị nổi mề đay hoặc phù mạch nghiêm trọng vì có thể gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm nếu dùng liên tục trong thời gian dài.
  • Thuốc chống trầm cảm: thuốc chống trầm cảm ba vòng doxepin có tác dụng làm giảm ngứa. Thuốc này có thể gây chóng mặt và buồn ngủ.
  • Thuốc trị hen suyễn kết hợp với thuốc kháng histamine: các loại thuốc có tác dụng cản trở hoạt động của chất trung gian gây viêm leukotriene có thể giúp điều trị bệnh nổi mề đay khi được sử dụng kết hợp với thuốc kháng histamine. Một số ví dụ là montelukast và zafirlukast.
  • Kháng thể đơn dòng: omalizumab là một kháng thể đơn dòng có hiệu quả cao trong việc điều trị cho các trường hợp nổi mề đay mạn tính không đáp ứng với các loại thuốc khác. Người bệnh sẽ được tiêm thuốc mỗi tháng một lần.
  • Thuốc ức chế miễn dịch, ví dụ như cyclosporine và tacrolimus.

Biện phòng phòng ngừa

Nổi mề đay mạn tính có thể tiếp diễn trong nhiều tháng hay thậm chí nhiều năm. Tình trạng này có thể cản trở giấc ngủ, công việc và các hoạt động thường ngày khác. Dưới đây là một số biện pháp để phòng ngừa hoặc làm dịu phản ứng da khi bị bệnh mề đay mạn tính:

  • Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát bằng chất liệu mềm mại
  • Không gãi và cọ xát mạnh lên da
  • Không sử dụng chất tẩy rửa mạnh
  • Làm dịu vùng bị nổi mề đay bằng cách chườm mát, ngồi điều hòa, bôi kem dưỡng hoặc thuốc trị ngứa.
  • Theo dõi những lúc bị nổi mề đay để xác định yếu tố kích hoạt triệu chứng, từ đó biết cách phòng tránh
  • Bôi kem chống nắng khi ra ngoài trời.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Đau âm hộ mãn tính

Khi gặp hiện tượng khó chịu bất thường ở vùng âm hộ thì hãy đi khám bác sĩ phụ khoa. Đừng vì ngại ngùng mà để vấn đề ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD)

STD không phải lúc nào cũng biểu hiện triệu chứng. Vì thế nên nhiều người mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục trong suốt một thời gian dài mà không hề hay biết và tiếp tục lây sang người khác.

Đau vùng chậu mãn tính ở phụ nữ

Đau vùng chậu mãn tính có thể là do nhiều nguyên nhân gây ra. Đó có thể là triệu chứng của một bệnh hoặc cũng có thể là một vấn đề riêng biệt.

Bệnh lây truyền qua đường tình dục chlamydia

Chlamydia chủ yếu xảy ra ở phụ nữ trẻ, nhưng cũng có thể xảy ra ở cả nam giới và phụ nữ ở mọi nhóm tuổi. Bệnh này không khó điều trị, nhưng nếu không được điều trị thì có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)

Thụ tinh trong ống nghiệm là phương pháp hỗ trợ sinh sản hiệu quả nhất hiện nay. Tuy nhiên, khả năng sinh con khỏe mạnh bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây