Đau vùng chậu mãn tính ở phụ nữ

Đau vùng chậu mãn tính có thể là do nhiều nguyên nhân gây ra. Đó có thể là triệu chứng của một bệnh hoặc cũng có thể là một vấn đề riêng biệt.

Đau vùng chậu mãn tính được định nghĩa là tình trạng đau ở vùng bụng dưới (dưới rốn và ở giữa hai bên hông) kéo dài từ 6 tháng trở lên.

Đau vùng chậu mãn tính có thể là do nhiều nguyên nhân gây ra. Đó có thể là triệu chứng của một bệnh hoặc cũng có thể là một vấn đề riêng biệt.

Nếu là triệu chứng của một bệnh thì cần điều trị nguyên nhân gốc rễ để chấm dứt các cơn đau.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, không thể xác định được nguyên nhân cụ thể gây đau vùng chậu mãn tính. Nếu vậy thì các phương pháp điều trị sẽ nhằm mục đích giảm đau và triệu chứng khác để cải thiện chất lượng cuộc sống.

Biểu hiện

Tình trạng đau vùng chậu mãn tính có thể xảy ra trên toàn vùng hoặc chỉ tại một vị trí. Để xác định vị trí cụ thể bị đau thì hãy dùng tay vuốt khắp vùng chậu. Đặc điểm cơn đau của mỗi người là khác nhau, ví dụ như đau buốt từng cơn, đau âm ỉ kéo dài, đau nhói, kèm theo cảm giác giật giật hay cảm giác tức ở sâu trong khoang chậu.

Cơn đau có thể kéo dài liên tục hoặc xảy ra vào những thời điểm như:

  • Khi quan hệ tình dục
  • Khi đi đại hoặc tiểu tiện
  • Sau khi ngồi trong thời gian dài

Cảm giác khó chịu có thể tăng lên sau khi đứng trong thời gian dài và giảm bớt sau khi nằm nghỉ. Về mức độ, tình trạng đau vùng chậu mãn tính có thể chỉ rất nhẹ, không đáng kể hoặc gây khó chịu nghiêm trọng đến mức làm gián đoạn việc học tập, làm việc, giấc ngủ và các hoạt động hàng ngày.

Khi nào cần đi khám?

Hãy đi khám bác sĩ nếu tình trạng đau ở vùng chậu tiếp diễn thường xuyên và làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày hoặc nếu các triệu chứng ngày càng trở nên nặng hơn.

Nguyên nhân

Đau vùng chậu mãn tính là một tình trạng phức tạp có thể là do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Tình trạng này có thể là triệu chứng của một bệnh lý duy nhất hoặc đôi khi lại là kết quả của nhiều vấn đề cùng một lúc. Ví dụ, một số phụ nữ vừa bị lạc nội mạc tử cung và vừa bị viêm bàng quang kẽ, cả hai đều góp phần gây đau vùng chậu mãn tính.

Một số nguyên nhân phổ biến gây đau vùng chậu mãn tính gồm có:

  • Lạc nội mạc tử cung: đây là tình trạng mô niêm mạc tử cung phát triển ở các vị trí khác bên ngoài tử cung. Dù ở sai chỗ nhưng những mô này vẫn thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt giống hệt như mô niêm mạc bình thường ở trong tử cung, có nghĩa là vẫn dày lên, bong ra và chảy máu mỗi tháng. Tuy nhiên, vì ở bên ngoài tử cung nên máu và mô không thể thoát ra khỏi cơ thể qua âm đạo mà thay vào đó, chúng tích tụ lại và tạo thành các u nang gây đau đớn cùng các dải mô sẹo.
  • Các vấn đề về cơ xương khớp: Các vấn đề ảnh hưởng đến xương, khớp và mô liên kết (hệ cơ xương khớp), chẳng hạn như đau cơ xơ hóa, căng cơ sàn chậu, viêm khớp mu (thoái hóa khớp mu) hoặc thoát vị, đều có thể dẫn đến đau vùng chậu tái phát.
  • Viêm vùng chậu mãn tính: Bệnh này xảy ra khi bị nhiễm trùng kéo dài, thường là kết quả của các bệnh lây truyền qua đường tình dục, dẫn đến hình thành sẹo ở các cơ quan vùng chậu.
  • Buồng trứng còn sót lại sau phẫu thuật: Sau khi phẫu thuật cắt bỏ tử cung, buồng trứng và ống dẫn trứng, một phần nhỏ của buồng trứng có thể vô tình bị sót lại bên trong và sau này phát triển thành các u nang gây đau đớn.
  • U xơ tử cung: Những khối u lành tính (không phải ung thư) ở tử cung có thể gây ra áp lực và tạo cảm giác nặng ở bụng dưới. U xơ tử cung hiếm khi gây đau buốt trừ khi không được cung cấp đủ máu và bắt đầu chết đi.
  • Hội chứng ruột kích thích: Các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích, gồm có đầy hơi, táo bón hoặc tiêu chảy có thể là nguồn gốc gây đau vùng chậu.
  • Hội chứng đau bàng quang (viêm bàng quang kẽ): Tình trạng này gây ra các cơn đau tái phát ở bàng quang và thường xuyên buồn tiểu. Người bệnh có thể bị đau vùng chậu khi bàng quang đầy và tạm thời đỡ hơn sau khi đi tiểu.
  • Hội chứng xung huyết vùng chậu: Các tĩnh mạch bị giãn xung quanh tử cung và buồng trứng có thể dẫn đến đau vùng chậu. Tuy nhiên, vẫn cần nghiên cứu thêm về nguyên nhân này vì hầu hết những phụ nữ bị chứng xung huyết vùng chậu đều không hề bị đau.
  • Yếu tố tâm lý: Lo âu, căng thẳng kéo dài hoặc từng bị lạm dụng tình dục hay bạo hành thể chất có thể làm tăng nguy cơ đau vùng chậu mãn tính. Những cảm xúc tiêu cực sẽ làm cho các cơn đau trở nên nặng hơn và ngược lại, việc phải sống chung với tình trạng đau dai dẳng cũng ảnh hưởng đến cảm xúc. Điều này tạo thành một vòng luẩn quẩn.

Biện pháp chẩn đoán

Để tìm ra nguyên nhân gây đau vùng chậu mãn tính thì sẽ cần tiến hành loại trừ vì có nhiều vấn đề, bệnh lý khác nhau có thể gây đau vùng chậu.

Sau khi yêu cầu người bệnh miêu tả cơn đau và các triệu chứng khác cùng với bệnh sử cá nhân và gia đình, bác sĩ sẽ thực hiện các biện pháp chẩn đoán dưới đây:

  • Khám lâm sàng: nhằm tìm các dấu hiệu nhiễm trùng, phát triển những bất thường hoặc tình trạng căng cơ sàn chậu. Bác sĩ sẽ dùng tay sờ nắn để xác định các vị trí bị đau. Hãy cho bác sĩ biết nếu cảm thấy khó chịu trong quá trình thăm khám, đặc biệt là khi có cảm giác tương tự như các cơn đau vẫn thường gặp phải.
  • Xét nghiệm: lấy mẫu dịch âm đạo để làm xét nghiệm xem có mắc các bệnh nhiễm trùng, chẳng hạn như chlamydia hoặc bệnh lậu hay không. Ngoài ra có thể phải làm xét nghiệm máu để kiểm tra số lượng hồng cầu và xét nghiệm nước tiểu để phát hiện bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Siêu âm: sử dụng sóng âm thanh tần số cao để tạo ra hình ảnh của các cơ quan bên trong cơ thể. Phương pháp này đặc biệt hữu ích trong việc xác định khối u ác tính hoặc u nang trong buồng trứng, tử cung và ống dẫn trứng.
  • Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác: gồm có chụp X-quang ổ bụng, chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) để phát hiện các cấu trúc hoặc khối u bất thường.

Nội soi ổ bụng: rạch một đường nhỏ trên bụng và đưa một ống dài, nhỏ có gắn máy ảnh và đèn chiếu sáng (ống nội soi ổ bụng) vào bên trong. Nội soi cho phép bác sĩ quan sát các cơ quan vùng chậu và tìm vùng mô bất thường hoặc dấu hiệu nhiễm trùng. Phương pháp này giúp phát hiện lạc nội mạc tử cung và bệnh viêm vùng chậu mãn tính.

Quá trình xác định nguyên nhân gây đau vùng chậu mãn tính có thể khá tốn thời gian và đôi khi còn không bao giờ tìm được được nguyên nhân cụ thể.

Tuy nhiên, cho dù không tìm được nguyên nhân thì vẫn có nhiều phương pháp điều trị để giảm nhẹ cảm giác khó chịu và giúp người bệnh tận hưởng một cuộc sống trọn vẹn.

Điều trị

Mục tiêu điều trị là giảm nhẹ các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Nếu như xác định được nguyên nhân cụ thể thì các phương pháp điều trị sẽ tập trung vào nguyên nhân đó. Tuy nhiên, nếu không xác định được nguyên nhân thì việc điều trị sẽ nhằm mục đích kiểm soát cơn đau cùng các triệu chứng khác. Đôi khi cần kết hợp nhiều phương pháp lại với nhau để có hiệu quả cao nhất.

Dùng thuốc

Tùy thuộc vào nguyên nhân mà bác sĩ sẽ kê thuốc phù hợp, chẳng hạn như:

  • Thuốc giảm đau: các loại thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như aspirin, ibuprofen hoặc acetaminophen có thể làm giảm phần nào cơn đau vùng chậu. Đôi khi có thể cần dùng thuốc giảm đau kê đơn. Tuy nhiên, nếu như chỉ dùng thuốc giảm đau thì hiếm khi khắcp phục được tình trạng đau mãn tính.
  • Liệu pháp hormone: ở nhiều phụ nữ, những ngày bị đau vùng chậu trùng với một giai đoạn nào đó trong chu kỳ kinh nguyệt hoặc những thay đổi về nồng độ các nội tiết tố (hormone) kiểm soát sự rụng trứng và kinh nguyệt. Trong trường hợp này, thuốc tránh thai hoặc các loại thuốc nội tiết tố khác có thể giúp giảm đau vùng chậu.
  • Thuốc kháng sinh: nếu nguyên nhân gây đau là do nhiễm trùng thì cần điều trị bằng thuốc kháng sinh.
  • Thuốc chống trầm cảm: một số loại thuốc chống trầm cảm có thể giúp ích cho tình trạng đau mãn tính. Thuốc chống trầm cảm ba vòng, chẳng hạn như amitriptyline, nortriptyline và những thuốc khác vừa có tác dụng giảm đau và vừa giúp cải thiện vấn đề về tinh thần. Những thuốc này có thể khắc phục chứng đau vùng chậu mãn tính ngay cả ở những phụ nữ không bị trầm cảm.

Các biện pháp điều trị khác

Ngoài các phương pháp trên, tình trạng đau vùng chậu mãn tính còn có thể được làm giảm hoặc điều trị bằng các phương pháp dưới đây:

  • Vật lý trị liệu: Các bài tập giãn cơ, mát-xa và các kỹ thuật thư giãn khác có thể cải thiện tình trạng đau kéo dài ở vùng chậu. Chuyên gia vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn thực hiện các biện pháp thích hợp để giảm đau. Một phương pháp thường được sử dụng để điều trị đau vùng chậu mãn tính và các vấn đề gây đau khác là kích thích thần kinh bằng xung điện qua da (TENS). Đây là phương pháp truyền xung điện qua da để kích thích các dây thần kinh và giảm đau. Ngoài ra còn một phương pháp dựa trên tâm lý học gọi là phản hồi sinh học (biofeedback), giúp xác định những vùng cơ bị căng để có thể học cách thả lỏng.
  • Kích thích thần kinh (kích thích tủy sống): Cấy một thiết bị chặn các đường dẫn truyền thần kinh để tín hiệu đau không thể truyền đến não.
  • Tiêm thuốc gây tê: Nếu chỉ bị đau ở một vài điểm cụ thể ở vùng chậu thì có thể tiêm thuốc tê vào những điểm đó (được gọi là những điểm kích hoạt cơn đau). Loại thuốc được sử dụng thường là thuốc gây tê tại chỗ tác dụng kéo dài, giúp chặn cơn đau và giảm bớt cảm giác khó chịu.
  • Tâm lý trị liệu: Nếu nguyên nhân gây đau vùng chậu kéo dài có liên quan đến trầm cảm, tiền sử bị lạm dụng tình dục, rối loạn nhân cách, vấn đề trong hôn nhân hoặc khủng hoảng gia đình thì có thể đến gặp chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Có nhiều liệu pháp điều trị tâm lý khác nhau, chẳng hạn như liệu pháp nhận thức - hành vi và phản hồi sinh học. Bất kể nguyên nhân gây đau là gì, liệu pháp tâm lý đều có thể giúp xây dựng các biện pháp khắc phục.

Phẫu thuật

Trong một số trường hợp, nếu tình trạng đau vùng chậu mãn tính bắt nguồn từ một vấn đề nào đó trong đường sinh dục thì có thể sẽ cần phải phẫu thuật để xử lý nguyên nhân gốc rễ, ví dụ như:

  • Phẫu thuật điều trị lạc nội mạc tử cung: nếu nguyên nhân gây đau vùng chậu là do vấn đề này thì sẽ cần loại bỏ mô lạc nội mạc tử cung hoặc các vùng sẹo bằng phương pháp phẫu thuật nội soi. Trong ca phẫu thuật, bác sĩ đưa một ống dài, nhỏ (ống nội soi) qua một đường rạch ngắn gần rốn và sau đó đưa các dụng cụ cần thiết vào qua một vài đường rạch khác để cắt bỏ mô lạc nội mạc tử cung.
  • Cắt tử cung: trong một số trường hợp nghiêm trọng, có thể sẽ phải cắt bỏ tử cung, ống dẫn trứng hoặc buồng trứng. Ca phẫu thuật sẽ dẫn đến những thay đổi về khả năng sinh sản và sức khỏe của người phụ nữ. Do đó cần cân nhắc kỹ những lợi ích và rủi ro trước khi quyết định thực hiện.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Bệnh viêm vùng chậu (PID)

Các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh viêm vùng chậu có thể chỉ rất nhẹ và khó nhận biết. Đôi khi, bệnh còn không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào.

Đau âm hộ mãn tính

Khi gặp hiện tượng khó chịu bất thường ở vùng âm hộ thì hãy đi khám bác sĩ phụ khoa. Đừng vì ngại ngùng mà để vấn đề ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD)

STD không phải lúc nào cũng biểu hiện triệu chứng. Vì thế nên nhiều người mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục trong suốt một thời gian dài mà không hề hay biết và tiếp tục lây sang người khác.

Bệnh lây truyền qua đường tình dục chlamydia

Chlamydia chủ yếu xảy ra ở phụ nữ trẻ, nhưng cũng có thể xảy ra ở cả nam giới và phụ nữ ở mọi nhóm tuổi. Bệnh này không khó điều trị, nhưng nếu không được điều trị thì có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)

Thụ tinh trong ống nghiệm là phương pháp hỗ trợ sinh sản hiệu quả nhất hiện nay. Tuy nhiên, khả năng sinh con khỏe mạnh bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây