Viêm bàng quang
Viêm bàng quang là gì?
Viêm bàng quang là một dạng nhiễm trùng đường tiết niệu trong đó tình trạng nhiễm trùng dẫn viêm xảy ra ở bàng quang. Viêm bàng quang đa phần là do nhiễm vi khuẩn. Tình trạng này gây ra các triệu chứng đau đớn, khó chịu và có thể dẫn đến vấn đề nghiêm trọng nếu nhiễm trùng lan đến thận.
Trong một số ít trường hợp, nguyên nhân gây viêm bàng quang là do phản ứng với thuốc, xạ trị hoặc các chất gây kích ứng, chẳng hạn như xịt khử mùi vùng kín, thuốc diệt tinh trùng hoặc sử dụng ống thông tiểu trong thời gian dài. Viêm bàng quang cũng có thể là một biến chứng của một bệnh lý khác.
Phương pháp chính để điều trị viêm bàng quang do vi khuẩn là dùng thuốc kháng sinh. Ngoài ra còn có các phương pháp điều trị khác, tùy thuộc vào nguyên nhân gây viêm bàng quang.
Triệu chứng viêm bàng quang
Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp của viêm bàng quang gồm có:
- Thường xuyên buồn tiểu gấp
- Nóng rát khi đi tiểu
- Đi tiểu liên tục, lượng nước tiểu ít
- Có máu trong nước tiểu
- Nước tiểu đục hoặc có mùi khai nồng
- Đau tức hoặc khó chịu ở vùng chậu
- Cảm giác tức ở vùng bụng dưới
- Sốt
Một dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu ở trẻ nhỏ là tăng tần suất đái dầm vào ban ngày.
Khi nào cần đi khám?
Nên đi khám ngay khi nhận thấy các dấu hiệu như:
- Đau lưng hoặc ở vùng hạ sườn
- Sốt và ớn lạnh
- Buồn nôn và nôn
- Buồn tiểu gấp, tiểu nhiều hoặc đau buốt khi đi tiểu kéo dài vài giờ liền không hết
- Có máu trong nước tiểu
- Từng bị nhiễm trùng đường tiết niệu trước đây và các triệu chứng quay trở lại
Cũng nên đi khám nếu các triệu chứng viêm bàng quang không đỡ hoặc tái phát sau khi kết thúc một đợt kháng sinh. Người bệnh có thể phải chuyển sang một loại thuốc khác.
Nếu trẻ nhỏ đột nhiên đái dầm vào ban ngày hoặc tần suất đái dầm tăng lên so với bình thường thì bố mẹ cần đưa trẻ đi khám bác sĩ nhi khoa.
Ở nam giới khỏe mạnh, viêm bàng quang là vấn đề hiếm gặp và phải đi khám ngay khi phát hiện các triệu chứng.
Nguyên nhân gây viêm bàng quang
Hệ tiết niệu gồm có hai quả thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Tất cả các cơ quan này đều đóng vai trò quan trọng trong quá trình loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể. Thận - cặp cơ quan hình hạt đậu, nằm ở hai bên cột sống và đằng sau màng bụng – có chức năng lọc chất thải trong máu và điều hòa nồng độ nhiều chất trong cơ thể. Niệu quản có nhiệm vụ dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang và sau đó niệu đạo dẫn nước tiểu từ bàng quang ra bên ngoài cơ thể.
Viêm bàng quang do vi khuẩn
Nhiễm trùng đường tiết niệu thường xảy ra khi vi khuẩn bên ngoài cơ thể xâm nhập vào đường tiết niệu qua niệu đạo và bắt đầu sinh sôi. Đa số các trường hợp viêm bàng quang đều là do vi khuẩn Escherichia coli (E. coli) gây ra.
Viêm bàng quang do vi khuẩn có thể xảy ra ở phụ nữ do quan hệ tình dục. Nhưng ngay cả những người ít quan hệ tình dục cũng có nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiết niệu dưới do vùng kín của phụ nữ thường ẩn chứa vi khuẩn gây viêm bàng quang.
Viêm bàng quang không do nhiễm trùng
Mặc dù nhiễm vi khuẩn là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm bàng quang nhưng một số nguyên nhân không phải nhiễm trùng cũng có thể khiến bàng quang bị viêm. Một số ví dụ gồm có:
- Viêm bàng quang kẽ: Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra dạng viêm bàng quang mãn tính này. Viêm bàng quang kẽ chủ yếu xảy ra ở phụ nữ, thường khó chẩn đoán và điều trị.
- Viêm bàng quang do thuốc: Một số loại thuốc, đặc biệt là thuốc hóa trị cyclophosphamide và ifosfamide, có thể gây viêm bàng quang khi các thành phần bị phân hủy của thuốc được bài tiết vào nước tiểu và đi đến bàng quang.
- Viêm bàng quang do xạ trị: Xạ trị vùng chậu có thể gây ra những thay đổi dẫn đến viêm ở mô bàng quang.
- Viêm bàng quang do dị vật: Việc sử dụng ống thông tiểu trong thời gian dài có thể dẫn đến nhiễm trùng do vi khuẩn và tổn thương mô, cả hai đều có thể gây viêm.
- Viêm bàng quang do hóa chất: Ở một số người, cơ thể có phản ứng quá mẫn với các hóa chất trong một số sản phẩm như chất tạo bọt bồn tắm, xịt khử mùi vùng kín hoặc thuốc diệt tinh trùng và phản ứng dị ứng trong bàng quang có thể dẫn đến viêm.
- Viêm bàng quang do các bệnh lý khác: Viêm bàng quang đôi khi là một biến chứng của các bệnh lý khác, chẳng hạn như tiểu đường, sỏi thận, phì đại tiền liệt tuyến hoặc chấn thương tủy sống.
Các yếu tố nguy cơ
Một số người có nguy cơ bị nhiễm trùng bàng quang hay nhiễm trùng đường tiết niệu tái đi tái lại cao hơn bình thường, đặc biệt là phụ nữ. Một lý do chính là do cấu tạo đường tiết niệu. Phụ nữ có niệu đạo ngắn hơn nam giới nên vi khuẩn từ bên ngoài dễ di chuyển đến bàng quang hơn.
Nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu cao nhất ở những nhóm phụ nữ:
- Có quan hệ tình dục: Quan hệ tình dục có thể đẩy vi khuẩn ở bên ngoài vào niệu đạo.
- Sử dụng một số biện pháp kiểm soát sinh sản: Những phụ nữ đang sử dụng màng ngăn âm đạo có nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiết niệu cao hơn. Nguy cơ càng cao nếu sử dụng màng ngăn âm đạo chứa chất diệt tinh trùng.
- Đang mang thai: Sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng bàng quang.
- Mãn kinh: Nồng độ nội tiết tố thay đổi ở phụ nữ sau mãn kinh có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ ở cả nam giới và phụ nữ:
- Tắc nghẽn đường tiết niệu: Bất cứ nguyên nhân nào gây cản trở dòng chảy nước tiểu trong đường tiết niệu như sỏi bàng quang hay phì đại tiền liệt tuyến ở nam giới đều có thể dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu
- Suy giảm miễn dịch: Chức năng miễn dịch có thể bị suy giảm do nhiều nguyên nhân như bệnh tiểu đường, nhiễm HIV và điều trị ung thư. Hệ miễn dịch suy giảm làm tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn và đôi khi là cả viêm bàng quang do virus.
- Sử dụng ống thông tiểu trong thời gian dài: Những người mắc bệnh mạn tính hoặc người già có thể phải sử dụng ống thông tiểu để dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài. Việc sử dụng ống thông tiểu trong thời gian dài làm tăng nguy cơ nhiễm trùng do vi khuẩn và tổn thương mô bàng quang.
Ở nam giới khỏe mạnh, viêm bàng quang là vấn đề rất hiếm khi xảy ra.
Biến chứng viêm bàng quang
Khi được điều trị kịp thời và đúng cách, nhiễm trùng bàng quang hiếm khi dẫn đến biến chứng. Tuy nhiên, khi không được điều trị, tình trạng viêm sẽ ngày càng nặng và có thể phát sinh các biến chứng như:
- Nhiễm trùng thận: Nhiễm trùng bàng quang không được điều trị có thể dẫn đến nhiễm trùng thận, hay còn được gọi là viêm thận bể thận. Nhiễm trùng thận có thể làm hỏng thận vĩnh viễn. Trẻ nhỏ và người cao tuổi là hai nhóm có nguy cơ bị tổn thương thận do viêm bàng quang cao nhất vì các triệu chứng của bệnh thường không được chú ý đến hoặc bị nhầm với các bệnh lý khác.
- Tiểu ra máu: Khi bị viêm bàng quang, người bệnh có thể bị tiểu ra máu (đái máu) nhưng nếu là viêm bàng quang do vi khuẩn thì đa phần sẽ không nhận thấy những thay đổi trong nước tiểu bằng mắt thường mà chỉ khi làm xét nghiệm tế bào học nước tiểu mới phát hiện thấy sự hiện diện của các tế bào máu (tiểu máu vi thể). Điều này đa phần sẽ hết khi tình trạng viêm bàng quang được điều trị. Những nếu nước tiểu vẫn có tế bào máu sau điều trị thì có thể nguyên nhân là do một vấn đề khác không phải viêm bàng quang.
- Tiểu máu đại thể (có thể nhìn thấy máu trong nước tiểu bằng mắt thường) xảy ra phổ biến hơn trong những trường hợp viêm bàng quang do hóa trị hoặc xạ trị.
Phòng ngừa viêm bàng quang
Nước ép nam việt quất hoặc viên nén có chứa proanthocyanidin có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng bàng quang ở phụ nữ. Tuy nhiên, kết quả của các nghiên cứu về những biện pháp phòng ngừa này còn nhiều mâu thuẫn. Một số nghiên cứu nhỏ cho thấy nước ép quả nam việt quất và proanthocyanidin giúp giảm phần nào nguy cơ trong khi một số nghiên cứu lớn hơn lại không tìm thấy bất kỳ lợi ích đáng kể nào.
Tuy nhiên, những người đang dùng thuốc chống đông máu warfarin không được uống nước ép nam việt quất. Tương tác giữa nước ép nam việt quất và warfarin có thể dẫn đến chảy máu.
Mặc dù chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng nhưng những cách dưới đây có thể giúp giảm phần nào nguy cơ nhiễm trùng bàng quang tái phát:
- Uống nhiều nước: Uống đủ nước hàng ngày là điều rất quan trọng để ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu, đặc biệt là khi đang phải hóa trị hoặc xạ trị.
- Đi tiểu ngay khi cảm thấy buồn, đừng nên nhịn.
- Lau từ trước ra sau khi đi tiểu và đại tiện để tránh làm lây lan vi khuẩn từ hậu môn sang âm đạo và niệu đạo.
- Không tắm bồn: Những người thường xuyên bị nhiễm trùng đường tiết niệu nên tắm bằng vòi hoa sen thay vì tắm bồn.
- Vệ sinh vùng kín: Hàng ngày nên có thói quen vệ sinh vùng kín nhưng chỉ nên rửa bằng nước hoặc dung dịch vệ sinh dịu nhẹ, không dùng xà phòng thơm hay các chất tẩy rửa mạnh. Da mỏng manh ở vùng kín rất dễ bị kích ứng và điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Đi tiểu càng sớm càng tốt sau khi quan hệ tình dục. Có thể uống một cốc nước đầy để tăng lượng nước tiểu và loại bỏ vi khuẩn dễ dàng hơn.
- Phụ nữ không nên sử dụng xịt khử mùi hoặc các sản phẩm có mùi thơm ở vùng kín vì các sản phẩm này có thể gây kích ứng niệu đạo và bàng quang.
Chẩn đoán viêm bàng quang
Khi có các triệu chứng viêm bàng quang thì nên đi khám càng sớm càng tốt. Sau khi hỏi về các dấu hiệu, triệu chứng và tiền sử bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm và thủ thuật dưới đây:
- Xét nghiệm nước tiểu: Nếu nghi ngờ nhiễm trùng bàng quang, bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm nước tiểu để tìm sự hiện diện của vi khuẩn, máu hoặc mủ trong nước tiểu. Nếu có, mẫu nước tiểu sẽ được nuôi cấy để xác định loại vi khuẩn.
- Nội soi bàng quang: Bác sĩ đưa ống nội soi qua niệu đạo vào bàng quang của người bệnh để kiểm tra đường tiết niệu và tìm các dấu hiệu nhiễm trùng.
- Trong quá trình nội soi, bác sĩ có thể sẽ lấy một mẫu mô nhỏ và gửi đi phân tích trong phòng xét nghiệm (sinh thiết). Tuy nhiên, những trường hợp lần đầu có triệu chứng viêm bàng quang thường không cần phải sinh thiết.
- Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh: Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh thường là không cần thiết trong chẩn đoán viêm bàng quang nhưng đôi khi các phương pháp này cũng giúp ích, đặc biệt là khi không phát hiện thấy dấu hiệu nhiễm trùng khi làm xét nghiệm hay nội soi. Ví dụ, chụp X-quang hoặc siêu âm có thể giúp bác sĩ tìm ra các nguyên nhân tiềm ẩn khác gây viêm bàng quang, chẳng hạn như khối u hoặc bất thường trong cấu tạo của bàng quang.
Điều trị viêm bàng quang
Viêm bàng quang do vi khuẩn thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Đối với những trường hợp viêm bàng quang không do nhiễm trùng, việc điều trị còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây viêm.
Điều trị viêm bàng quang do vi khuẩn
Thuốc kháng sinh là phương pháp điều trị ưu tiên trong những trường hợp viêm bàng quang do vi khuẩn. Loại thuốc và thời gian cần sử dụng thuốc tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe tổng thể và loại vi khuẩn được tìm thấy trong nước tiểu.
- Nhiễm trùng lần đầu: Trong những trường hợp bị nhiễm trùng bàng quang lần đầu, các triệu chứng thường cải thiện đáng kể trong vòng một vài ngày sau khi bắt đầu điều trị bằng kháng sinh. Tuy nhiên, người bệnh thường phải dùng thuốc kháng sinh từ 3 ngày đến một tuần, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng nhiễm trùng. Cho dù không còn triệu chứng thì cũng phải dùng hết liệu trình kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ để tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn và giảm nguy cơ tái phát.
- Nhiễm trùng tái phát: Đối với những trường hợp bị nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát, bác sĩ thường chỉ định điều trị bằng kháng sinh trong thời gian dài hơn hoặc thăm khám kỹ hơn để xem nguyên nhân gây nhiễm trùng có phải do các bất thường ở đường tiết niệu hay không. Đôi khi, dùng một liều kháng sinh sau khi quan hệ tình dục có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu ở phụ nữ.
- Nhiễm trùng bệnh viện: Nhiễm trùng bàng quang có thể xảy ra ở những bệnh nhân phải nằm viện dài ngày. Loại nhiễm trùng này được gọi là nhiễm trùng bệnh viện. Nhiễm trùng bệnh viện thường khó điều trị hơn vì các chủng vi khuẩn trong bệnh viện thường có khả năng kháng các loại kháng sinh thông thường. Vì lý do này nên có thể người bệnh sẽ phải dùng các loại kháng sinh và cách điều trị khác.
Phụ nữ đã mãn kinh là nhóm đối tượng đặc biệt dễ bị viêm bàng quang. Bác sĩ có thể chỉ định dùng estrogen tại chỗ nhưng không phải ai cũng phù hợp với phương pháp điều trị này. Ở một số phụ nữ, liệu pháp estrogen tại chỗ làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe khác.
Điều trị viêm bàng quang kẽ
Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân nào gây viêm bàng quang kẽ nên không có phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho vấn đề này. Các phương pháp để giảm bớt các triệu chứng bệnh gồm có:
- Thuốc đường uống hoặc đưa trực tiếp vào bàng quang
- Các thủ thuật can thiệp để cải thiện các triệu chứng, chẳng hạn như làm căng bàng quang bằng nước/khí hoặc phẫu thuật
- Kích thích thần kinh (sử dụng xung điện nhẹ để giảm đau vùng chậu và giảm tần suất đi tiểu)
Điều trị các dạng viêm bàng quang không do nhiễm trùng khác
Nếu nguyên nhân gây viêm bàng quang là do phản ứng quá mẫn với hóa chất trong các sản phẩm vệ sinh các nhân hay thuốc diệt tinh trùng thì hãy ngừng sử dụng các sản phẩm này để chấm dứt các triệu chứng và ngăn ngừa viêm bàng quang trong tương lai.
Nếu viêm bàng quang phát sinh do hóa trị hoặc xạ trị thì cách điều trị là sử dụng các loại thuốc giảm đau và uống nhiều nước để đào thải các chất gây kích thích bàng quang.
Các biện pháp làm giảm triệu chứng
Viêm bàng quang thường gây đau đớn, khó chịu. Người bệnh có thể thử các cách dưới đây để làm giảm triệu chứng:
- Chườm ấm: Đặt một túi chườm ấm lên bụng dưới có thể giúp làm dịu cơn đau.
- Uống đủ nước: Cung cấp đủ nước cho cơ thể cũng giúp giảm bớt các triệu chứng viêm bàng quang. Tốt nhất nên uống nước lọc và tránh rượu bia, đồ uống chứa caffeine như cà phê, nước tăng lực, nước ép các loại trái cây họ cam quýt và kiêng đồ ăn cay cho đến khi khỏi nhiễm trùng. Những loại đồ ăn, thức uống này có thể gây kích thích bàng quang và làm trầm trọng thêm triệu chứng đi tiểu nhiều hoặc buồn tiểu gấp.
- Tắm sitz: Ngâm vùng sinh dục và mông trong nước ấm trong vòng 15 - 20 phút có thể giúp giảm đau và khó chịu do viêm bàng quang.
Nếu thường xuyên bị nhiễm trùng bàng quang thì nên đi khám để được hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa và làm giảm các triệu chứng.
Viêm bàng quang kẽ
Viêm bàng quang kẽ thường xảy ra ở phụ nữ và có thể ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng cuộc sống. Mặc dù hiện chưa có cách chữa trị khỏi viêm bàng quang kẽ nhưng dùng thuốc và các biện pháp điều trị khác có thể giúp giảm đau và các triệu chứng khác của bệnh.
Sa thành trước âm đạo (sa bàng quang)
Sa thành trước âm đạo là vấn đề có thể điều trị được. Đối với các trường hợp bị sa nhẹ hoặc sa mức độ vừa thì chỉ cần điều trị bằng các phương pháp không phẫu thuật.
Sỏi bàng quang
Sỏi bàng quang nhỏ thường tự hết mà không cần điều trị nhưng nếu sỏi có kích thước lớn thì sẽ phải dùng thuốc hoặc phẫu thuật để loại bỏ. Nếu không được điều trị, sỏi bàng quang có thể dẫn đến nhiễm trùng và các biến chứng khác.
Ung thư bàng quang
Ung thư bàng quang là bệnh ung thư phát sinh từ các tế bào của bàng quang. Bàng quang là cơ quan rỗng ở bụng dưới có chức năng chứa nước tiểu.
Lộn bàng quang
Vẫn chưa rõ nguyên nhân nào gây ra chứng lộn bàng quang nhưng theo các nhà nghiên cứu, nguyên nhân một phần do sự kết hợp của các yếu tố di truyền và yếu tố môi trường.
Ý kiến bạn đọc