Ung thư bàng quang

Ung thư bàng quang là bệnh ung thư phát sinh từ các tế bào của bàng quang. Bàng quang là cơ quan rỗng ở bụng dưới có chức năng chứa nước tiểu.

Ung thư bàng quang là gì?

Ung thư bàng quang thường bắt đầu từ các tế bào nằm ở bề mặt bên trong của bàng quang (tế bào chuyển tiếp). Tế bào chuyển tiếp còn có ở thận và niệu quản (ống dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang nên ung thư tế bào chuyển tiếp cũng có thể xảy ra ở thận và niệu quản nhưng vẫn phổ biến hơn ở bàng quang.

Hầu hết các ca bệnh ung thư bàng quang đều được chẩn đoán ở giai đoạn đầu – giai đoạn mà bệnh có khả năng điều trị thành công cao. Tuy nhiên, dù được phát hiện ở giai đoạn đầu và điều trị thành công thì ung thư bàng quang vẫn có thể tái phát. Vì lý do này nên những người bị ung thư bàng quang phải làm các xét nghiệm theo dõi định kỳ trong nhiều năm sau khi điều trị để phát hiện sớm nếu ung thư tái phát.

Triệu chứng ung thư bàng quang

Các dấu hiệu và triệu chứng ung thư bàng quang gồm có:

  • Có máu trong nước tiểu, khiến nước tiểu có màu đỏ tươi, màu hồng hoặc mà nâu nhưng đôi khi, nước tiểu vẫn có màu bình thường và máu được phát hiện khi làm xét nghiệm.
  • Đi tiểu nhiều hơn bình thường
  • Đau buốt khi đi tiểu, tiểu rắt, tiểu khó, tiểu không tự chủ
  • Đau lưng
  • Mệt mỏi, sụt cân, chán ăn

Khi ung thư bàng quang di căn sang các cơ quan khác trong cơ thể, người bệnh sẽ còn có những triệu chứng khác, chẳng hạn như đau bụng, đau tầng sinh môn hay đau đầu.

Khi nào cần đi khám?

Nếu nhận thấy nước tiểu đổi màu và nghi ngờ có lẫn máu hoặc gặp phải bất kỳ dấu hiệu đáng ngờ nào thì hãy đi khám ngay. Phát hiện và điều trị bệnh từ sớm sẽ giúp tăng khả năng điều trị thành công.

Nguyên nhân gây ung thư bàng quang

Ung thư bàng quang bắt đầu xảy ra khi các tế bào trong bàng quang có những thay đổi (đột biến) trong DNA. DNA của tế bào chứa các thông tin chỉ dẫn hoạt động của tế bào. Các tế bào đột biến nhân lên nhanh chóng và không chết đi theo chu kỳ tự nhiên giống như các tế bào khỏe mạnh mà tiếp tục sống, tích tụ lại và hình thành nên khối u xâm lấn và phá hủy vùng mô khỏe mạnh xung quanh. Theo thời gian, các tế bào bất thường sẽ tách ra khỏi khối u và lây lan (di căn) đến các vị trí khác trong cơ thể.

Các loại ung thư bàng quang

Ung thư bàng quang được chia thành nhiều loại, dựa trên loại tế bào bị đột biến và trở thành tế bào ung thư. Các bác sĩ sử dụng thông tin này để xác định phương pháp điều trị phù hợp.

Các loại ung thư bàng quang gồm có:

  • Ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp: Ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp (urothelial carcinoma) xảy ra trong các tế bào nằm ở bề mặt bên trong bàng quang. Các tế bào chuyển tiếp phình lên khi bàng quang đầy và co lại khi bàng quang rỗng. Vì tế bào chuyển tiếp còn có mặt ở trong niệu quản và niệu đạo nên ung thư cũng có thể xảy ra ở những bộ phận này. Ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp là loại ung thư bàng quang phổ biến nhất.
  • Ung thư biểu mô tế bào vảy: Ung thư biểu mô tế bào vảy có liên quan đến tình trạng bàng quang bị kích thích mãn tính, chẳng hạn như do nhiễm trùng hoặc do sử dụng ống thông tiểu trong thời gian dài.
  • Ung thư biểu mô tuyến: Ung thư biểu mô tuyến bắt đầu trong các tế bào hình thành nên các tuyến tiết chất nhờn trong bàng quang. Ung thư biểu mô tuyến là một loại ung thư bàng quang hiếm gặp.

Đôi khi ung thư bàng quang phát sinh từ hai hoặc nhiều loại tế bào khác nhau cùng lúc.

Những ai có nguy cơ ung thư bàng quang?

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang gồm có:

  • Hút thuốc lá: Hút thuốc lá, xì gà hoặc tẩu đều làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang vì hút thuốc gây tích tụ các chất có hại trong nước tiểu. Khi hút thuốc, cơ thể xử lý các chất hóa học trong khói thuốc và bài tiết một phần qua nước tiểu. Những hóa chất độc hại này có thể làm hỏng niêm mạc bàng quang và làm tăng nguy cơ ung thư.
  • Tuổi tác cao: Nguy cơ ung thư bàng quang tăng lên khi có tuổi. Mặc dù bệnh này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng hầu hết những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư bàng quang đều trên 55 tuổi.
  • Là nam giới: Nam giới có nguy cơ bị ung thư bàng quang cao hơn phụ nữ.
  • Tiếp xúc với một số hóa chất: Thận đóng vai trò quan trọng trong quá trình lọc các hóa chất có hại ra khỏi máu và đưa các chất này vào bàng quang. Do đó, việc tiếp xúc với một số hóa chất nhất định có thể làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang. Các hóa chất này gồm có asen và các hóa chất được sử dụng trong sản xuất thuốc nhuộm, cao su, da, dệt may và các sản phẩm sơn.
  • Từng điều trị ung thư: Điều trị ung thư bằng thuốc cyclophosphamide làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang. Những người đã từng điều trị ung thư bằng phương pháp xạ trị nhắm vào vùng chậu cũng có nguy cơ ung thư bàng quang cao hơn.
  • Viêm bàng quang mãn tính: Nhiễm trùng hoặc viêm đường tiết niệu mãn tính hoặc tái đi tái lại (viêm bàng quang), chẳng hạn như do sử dụng ống thông tiểu trong thời gian dài, có thể làm tăng nguy cơ ung thư tế bào vảy bàng quang. Đôi khi, ung thư biểu mô tế bào vảy có liên quan đến một tình trạng viêm bàng quang mãn tính do nhiễm ký sinh trùng gọi là bệnh sán máng (schistosomiasis).
  • Tiền sử cá nhân hoặc gia đình mắc bệnh ung thư: Những người đã từng bị ung thư bàng quang có nguy cơ tái phát. Những người có người thân ruột thịt trong gia đình, chẳng hạn như cha mẹ, anh chị em hoặc con cái bị ung thư cũng có nguy cơ ung thư cao hơn bình thường, mặc dù rất hiếm khi ung thư bàng quang di truyền trong gia đình. Tiền sử gia đình mắc hội chứng Lynch, hay còn gọi là ung thư đại trực tràng di truyền không polyp (hereditary nonpolyposis colorectal cancer - HNPCC), có thể làm tăng nguy cơ ung thư ở đường tiết niệu, đại tràng, tử cung, buồng trứng và các cơ quan khác.

Phòng ngừa ung thư bàng quang

Mặc dù không có cách nào có thể ngăn ngừa ung thư bàng quang một cách tuyệt đối nhưng các biện pháp dưới đây có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh:

  • Không hút thuốc lá: Nếu hút thuốc thì hãy cố gắng bỏ càng sớm càng tốt. Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư, trong đó có ung thư bàng quang.
  • Cẩn thận khi tiếp xúc với hóa chất: Nếu thường xuyên phải sử dụng hóa chất thì phải thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn để hạn chế tiếp xúc trực tiếp.
  • Ăn nhiều trái cây và rau củ: Tốt nhất nên chọn những loại rau củ quả có màu sắc sặc sỡ. Các chất chống oxy hóa trong những loại rau củ quả này có thể giúp giảm nguy cơ ung thư.
  • Uống nhiều nước: Uống nhiều nước mà tốt nhất là nước lọc giúp làm loãng nước tiểu, giảm nồng độ các chất độc hại tích tụ trong nước tiểu và giúp đào thải các chất này ra khỏi bàng quang nhanh chóng hơn.

Chẩn đoán ung thư bàng quang

Chẩn đoán ung thư

Các xét nghiệm và thủ thuật được sử dụng để chẩn đoán ung thư bàng quang:

  • Nội soi bàng quang: Bác sĩ đưa một ống nhỏ và hẹp (ống nội soi) qua niệu đạo vào bàng quang. Thủ thuật này cho phép bác sĩ quan sát bên trong niệu đạo và bàng quang để tìm các dấu hiệu của bệnh. Bệnh nhân có thể được gây mê hoặc gây tê nửa dưới cơ thể khi nội soi bàng quang.
  • Sinh thiết: Trong quá trình nội soi bàng quang, bác sĩ đưa một dụng cụ đặc biệt qua ống nội soi vào bàng quang để lấy mẫu tế bào và gửi đến phòng xét nghiệm để phân tích. Thủ thuật này còn được gọi là cắt bỏ khối u bàng quang qua niệu đạo (transurethral resection of bladder tumor -TURBT). Thủ thuật TURBT cũng được sử dụng để điều trị ung thư bàng quang. Bệnh nhân thường được gây mê toàn thân.
  • Xét nghiệm tế bào học nước tiểu: Mẫu nước tiểu được phân tích dưới kính hiển vi để phát hiện sự hiện diện của tế bào ung thư.
  • Chẩn đoán hình ảnh: Các biện pháp chẩn đoán hình ảnh, chẳng hạn như chụp cắt lớp vi tính (CT) hệ tiết niệu hay chụp niệu quản - bể thận ngược dòng, cho phép bác sĩ kiểm tra các cơ quan trong đường tiết niệu.
    Trong quá trình chụp CT hệ tiết niệu, thuốc cản quang được tiêm vào tĩnh mạch trên cánh tay và sau đó sẽ chảy đến thận, niệu quản và bàng quang. Thuốc cản quang sẽ hiển thị trên ảnh chụp X-quang, cho thấy hình ảnh chi tiết của đường tiết niệu và giúp phát hiện các khu vực bất thường.
  • Chụp niệu quản - bể thận ngược dòng là một kỹ thuật chụp X-quang được sử dụng để quan sát chi tiết đường tiết niệu trên. Trong quá trình chụp niệu quản - bể thận ngược dòng, bác sĩ luồn một ống thông dài và hẹp qua niệu đạo vào bàng quang và tiêm thuốc cản quang vào niệu quản. Thuốc cản quang sau đó chảy vào thận và hiển thị trên hình ảnh X-quang.

Xác định giai đoạn ung thư

Sau khi xác nhận người bệnh bị ung thư bàng quang, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh để kiểm tra xem tế bào ung thư đã di căn đến các hạch bạch huyết hoặc đến các khu vực khác trong cơ thể hay chưa.

Các biện pháp được sử dụng gồm có:

  • Chụp CT
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI)
  • Chụp cắt lớp phát xạ positron (PET)
  • Xạ hình xương
  • X-quang lồng ngực

Bác sĩ sử dụng thông tin có được từ các biện pháp này để xác định giai đoạn ung thư. Ung thư bàng quang được chia thành 5 giai đoạn, mỗi giai đoạn được biểu thị bằng các chữ số La Mã từ 0 đến IV. Ở giai đoạn đầu, ung thư mới chỉ xảy ra ở các lớp bên trong của bàng quang và chưa xâm lấn vào lớp cơ của thành bàng quang. Ở giai đoạn cuối cùng hay giai đoạn IV, tế bào ung thư đã di căn đến các hạch bạch huyết hoặc các cơ quan ở xa trong cơ thể

Các cấp độ ung thư bàng quang

Ung thư bàng quang được phân loại chi tiết hơn dựa trên đặc điểm của các tế bào ung thư khi  quan sát qua kính hiển vi. Đây được gọi là các cấp độ ung thư và ung thư bàng quang được chia thành ung thư cấp độ thấp và ung thư cấp độ cao:

  • Ung thư bàng quang cấp độ thấp: Các tế bào ung thư có hình thức và tổ chức gần giống với tế bào bình thường (biệt hóa tốt). Khối u cấp độ thấp thường phát triển chậm hơn và ít có khả năng xâm lấn vào lớp cơ của thành bàng quang hơn so với khối u cấp độ cao.
  • Ung thư bàng quang cấp độ cao: Các tế bào ung thư trông bất thường và không giống với các mô bình thường (biệt hóa kém). Khối u cấp độ cao phát triển mạnh hơn so với khối u cấp độ thấp và dễ xâm lấn vào lớp cơ của thành bàng quang cũng như là các mô và cơ quan khác.

Điều trị ung thư bàng quang

Phác đồ điều trị ung thư bàng quang phụ thuộc vào một số yếu tố, gồm có loại ung thư, cấp độ ung thư và giai đoạn ung thư, cũng như là tình trạng sức khỏe tổng thể và lựa chọn của người bệnh.

Các phương pháp điều trị ung thư bàng quang gồm có:

  • Phẫu thuật để loại bỏ tế bào ung thư
  • Hóa trị trong bàng quang: để điều trị ung thư khu trú trong niêm mạc bàng quang nhưng có nguy cơ tái phát cao hoặc có thể tiến triển sang các giai đoạn sau.
  • Hóa trị toàn thân: để tăng khả năng chữa khỏi bệnh trong những trường hợp phải phẫu thuật cắt bỏ bàng quang hoặc được sử dụng làm phương pháp điều trị chính trong những trường hợp không thể phẫu thuật.
  • Xạ trị: để tiêu diệt tế bào ung thư, thường là phương pháp điều trị chính cho những trường hợp không thể phẫu thuật hoặc người bệnh không muốn phẫu thuật.
  • Liệu pháp miễn dịch: để kích hoạt hệ miễn dịch của cơ thể chống lại các tế bào ung thư trong bàng quang hoặc khắp cơ thể.
  • Liệu pháp nhắm trúng đích: để điều trị ung thư giai đoạn muộn khi các phương pháp điều trị khác không còn tác dụng.

Có thể cần kết hợp nhiều phương pháp điều trị với nhau để tăng cường hiệu quả.

Phẫu thuật

Các phương pháp phẫu thuật điều trị ung thư bàng quang gồm có:

  • Cắt bỏ khối u bàng quang qua niệu đạo (TURBT): Đây là một thủ thuật để chẩn đoán và loại bỏ các tế bào ung thư giới hạn ở các lớp bên trong của bàng quang (chưa xâm lấn vào lớp cơ). Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ đưa một vòng kim loại nhỏ qua ống nội soi vào bàng quang. Dòng điện được truyền qua dây kim loại để cắt bỏ hoặc đốt cháy tế bào ung thư. Đôi khi, laser năng lượng cao được sử dụng thay cho dòng điện để phá hủy tế bào ung thư. Vì dụng cụ được đưa qua niệu đạo nên không cần cắt rạch trên bụng.
  • Trong quá trình cắt bỏ khối u bàng quang qua niệu đạo, bác sĩ có thể tiêm thuốc hóa trị vào bàng quang để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại và ngăn ngừa ung thư tái phát. Thuốc sẽ lưu lại trong bàng quang một thời gian và sau đó được dẫn ra ngoài. Thủ thuật này có thể gây đau đớn khi đi tiểu hoặc tiểu ra máu trong một vài ngày sau đó.
  • Phẫu thuật cắt bàng quang: Bệnh nhân ung thư bàng quang có thể phải phẫu thuật cắt đi một phần hoặc toàn bộ bàng quang. Trong quá trình phẫu thuật cắt bàng quang một phần, bác sĩ chỉ cắt bỏ phần bàng quang có chứa khối u.
    Cắt toàn bộ bàng quang là quy trình phẫu thuật trong đó bác sĩ cắt bỏ bàng quang và các hạch bạch huyết xung quanh. Ở nam giới, phẫu thuật cắt toàn bộ bàng quang còn gồm có cắt tuyến tiền liệt và túi tinh. Còn ở phụ nữ, bác sĩ có thể sẽ cắt bỏ cả tử cung, buồng trứng và một phần âm đạo.
    Cắt toàn bộ bàng quang có thể được thực hiện qua một đường rạch dài ở bụng dưới (mổ mở) hoặc qua nhiều đường rạch nhỏ nếu phẫu thuật bằng robot. Trong quá trình phẫu thuật bằng robot, bác sĩ điều khiển cánh tay robot thực hiện các thao tác phẫu thuật. Phương pháp này có ưu điểm là chính xác, có thể bóc tách triệt để khối u, hạn chế đau đớn, tổn thương, mất máu, giảm thời gian nằm viện và hạn chế để lại sẹo.
  • Phẫu thuật tái tạo bàng quang mới: Sau khi cắt toàn bộ bàng quang, bác sĩ phẫu thuật phải tạo ra một đường dẫn mới để đưa nước tiểu ra khỏi cơ thể. Một cách để thực hiện điều này là tái tạo bàng quang mới (neobladder). Đây là phương pháp sử dụng một đoạn ruột tạo thành một túi chứa nước tiểu. Túi chứa này nằm bên trong cơ thể, được gắn vào niệu đạo và giúp cho hầu hết người bệnh có thể đi tiểu bình thường nhưng một số người gặp phải tình trạng tiểu không hết sau khi tạo bàng quang mới và phải sử dụng ống thông tiểu định kỳ để dẫn nước tiểu ra ngoài.
  • Chuyển hướng nước tiểu qua một đoạn ruột: Bác sĩ phẫu thuật tạo ra một ống dẫn từ một đoạn ruột. Ống này được gắn vào niệu quản và mở thông ra bên ngoài cơ thể. Nước tiểu sau khi chảy ra ngoài sẽ được đựng trong một túi chứa mà người bệnh đeo trên bụng.
  • Chuyển hướng nước tiểu có túi chứa: Trong loại chuyển hướng nước tiểu này, một đoạn ruột được sử dụng để tạo thành một túi chứa nước tiểu nhỏ bên trong cơ thể. Nước tiểu sẽ được dẫn ra khỏi túi chứa qua một lỗ mở trên bụng bằng ống thông vài lần mỗi ngày.

Hóa trị liệu

Hóa trị là phương pháp sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Hóa trị điều trị ung thư bàng quang thường sử dụng kết hợp hai loại thuốc trở lên.

Thuốc hóa trị có thể được đưa vào cơ thể qua các con đường khác nhau:

  • Qua tĩnh mạch: Phương pháp truyền hóa chất tĩnh mạch thường được thực hiện trước khi phẫu thuật cắt bàng quang để tăng khả năng chữa khỏi ung thư. Hóa trị cũng có thể được sử dụng để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật. Trong một số trường hợp, hóa trị được kết hợp với xạ trị.
  • Đưa trực tiếp vào bàng quang bằng nội soi: Một ống nội soi được đưa qua niệu đạo vào bàng quang để bơm thuốc hóa trị. Thuốc hóa trị lưu lại trong bàng quang một thời gian và sau đó được dẫn ra ngoài. Hóa trị trong bàng quang có thể được sử dụng làm phương pháp điều trị chính cho các trường hợp mà tế bào ung thư mới chỉ giới hạn ở lớp niêm mạc của bàng quang chứ chưa ảnh hưởng đến lớp cơ.

Xạ trị

Xạ trị là phương pháp sử dụng các chùm năng lượng mạnh, chẳng hạn như tia X và proton, để tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị để điều trị ung thư bàng quang thường là xạ trị chùm tia bên ngoài, trong đó chùm tia được phát ra từ một thiết bị di chuyển xung quanh cơ thể người bệnh và nhắm đến vị trí có khối u.

Xạ trị đôi khi được kết hợp với hóa trị liệu để điều trị ung thư bàng quang trong một số trường hợp nhất định, chẳng hạn như khi phẫu thuật không khả thi hoặc người bệnh không muốn phẫu thuật.

Liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch là phương pháp điều trị bằng các loại thuốc giúp hệ miễn dịch chống lại ung thư.

Các loại thuốc miễn dịch có thể được đưa vào cơ thể qua tĩnh mạch hoặc đưa trực tiếp vào bàng quang bằng nội soi:

  • Đưa trực tiếp vào bàng quang: Có thể thực hiện sau khi cắt bỏ khối u bàng quang qua niệu đạo đối với các trường hợp có khối u nhỏ và chưa phát triển vào các lớp cơ trong thành bàng quang. Phương pháp điều trị này sử dụng trực khuẩn Calmette-Guerin (BCG) – loại vi khuẩn từng được dùng như một loại vắc-xin phòng ngừa bệnh lao. BCG kích hoạt hệ miễn dịch tạo ra phản ứng đưa các tế bào miễn dịch đến bàng quang.
  • Đưa qua tĩnh mạch: Thuốc miễn dịch có thể được tiêm vào tĩnh mạch trong những trường hợp ung thư bàng quang đã tiến triển hoặc tái phát sau điều trị. Có nhiều loại thuốc miễn dịch được sử dụng để điều trị ung thư bàng quang. Những loại thuốc này giúp hệ miễn dịch xác định và chống lại tế bào ung thư.

Liệu pháp nhắm trúng đích

Liệu pháp nhắm trúng đích sử dụng các loại thuốc nhắm đến các điểm yếu cụ thể của tế bào ung thư. Bằng cách này, các loại thuốc nhắm trúng đích khiến tế bào ung thư chết đi. Sau đó, tế bào ung thư sẽ được phân tích để kiểm tra hiệu quả của quá trình điều trị.

Liệu pháp nhắm trúng đích là một lựa chọn điều trị ung thư bàng quang giai đoạn cuối khi các phương pháp điều trị khác không còn tác dụng.

Bảo tồn bàng quang

Trong một số trường hợp, những người bị ung thư bàng quang đã xâm lấn vào lớp cơ mà không muốn phẫu thuật cắt bỏ bàng quang có thể cân nhắc phương pháp điều trị kết hợp gồm hóa trị, xạ trị và cắt bỏ khối u bàng quang qua niệu đạo (TURBT).

Đầu tiên, bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ khối u bàng quang qua niệu đạo để loại bỏ tế bào ung thư một cách tối đa trong khi vẫn bảo tồn chức năng của bàng quang. Sau đó, người bệnh trải qua quá trình điều trị bằng hóa trị kết hợp xạ trị.

Nếu vẫn còn sót lại tế bào ung thư sau khi điều trị hoặc bị tái phát ung thư xâm lấn cơ thì người bệnh có thể sẽ vẫn phải phẫu thuật cắt toàn bộ bàng quang.

Sau khi điều trị ung thư bàng quang

Ung thư bàng quang có thể tái phát, ngay cả khi đã điều trị thành công. Do đó, những người bị ung thư bàng quang cần phải tái khám định kỳ trong suốt nhiều năm sau khi điều trị. Tần suất tái khám và những xét nghiệm cần thực hiện sẽ phụ thuộc vào loại ung thư mắc phải, phương pháp điều trị cũng như là một số yếu tố khác.

Nói chung, người bệnh nên nội soi bàng quang để kiểm tra bên trong niệu đạo và bàng quang từ 3 đến 6 tháng một lần trong vài năm đầu sau khi điều trị ung thư bàng quang. Nếu không phát hiện ung thư tái phát thì có thể chỉ cần nội soi mỗi năm một lần. Ngoài ra cũng có thể cần thực hiện các biện pháp kiểm tra khác theo chỉ định của bác sĩ.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Sa thành trước âm đạo (sa bàng quang)

Sa thành trước âm đạo là vấn đề có thể điều trị được. Đối với các trường hợp bị sa nhẹ hoặc sa mức độ vừa thì chỉ cần điều trị bằng các phương pháp không phẫu thuật.

Viêm bàng quang kẽ

Viêm bàng quang kẽ thường xảy ra ở phụ nữ và có thể ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng cuộc sống. Mặc dù hiện chưa có cách chữa trị khỏi viêm bàng quang kẽ nhưng dùng thuốc và các biện pháp điều trị khác có thể giúp giảm đau và các triệu chứng khác của bệnh.

Sỏi bàng quang

Sỏi bàng quang nhỏ thường tự hết mà không cần điều trị nhưng nếu sỏi có kích thước lớn thì sẽ phải dùng thuốc hoặc phẫu thuật để loại bỏ. Nếu không được điều trị, sỏi bàng quang có thể dẫn đến nhiễm trùng và các biến chứng khác.

Lộn bàng quang

Vẫn chưa rõ nguyên nhân nào gây ra chứng lộn bàng quang nhưng theo các nhà nghiên cứu, nguyên nhân một phần do sự kết hợp của các yếu tố di truyền và yếu tố môi trường.

Viêm bàng quang

Viêm bàng quang là một bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu, xảy ra ở bàng quang. Viêm bàng quang là một vấn đề phổ biến, đặc biệt là ở phụ nữ.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây