Vắc-xin phối hợp là gì? Có an toàn không?
Tiêm ít mũi hơn nhưng hiệu quả bảo vệ như nhau
Vắc-xin phối hợp có chứa từ hai loại vắc-xin trở lên và tiêm chung trong cùng một mũi. Những vắc-xin thành phần này cũng có thể được tiêm riêng lẻ. Nhờ có các loại vắc-xin phối hợp mà trẻ chỉ cần tiêm từ 2 – 3 mũi thay vì 5 mũi riêng lẻ để phòng ngừa 5 bệnh khác nhau.
Một số loại vắc-xin phối hợp phổ biến là MMR (vắc-xin phòng bệnh sởi, quai bị và rubella) và DTaP (vắc-xin phòng bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà). Mỗi vắc-xin này bảo vệ cơ thể chống lại ba bệnh. Hiện nay ở nhiều quốc gia, các loại vắc-xin thành phần của vắc-xin MMR và DTaP đã không còn được sử dụng riêng lẻ nữa.
Các vắc-xin phối hợp phổ biến cho trẻ em
Các vắc-xin phối hợp phổ biến cho trẻ em
Tên vắc-xin | Vắc-xin thành phần | Phòng ngừa bệnh |
Pediarix | DTaP + Hep B + IPV | 5 bệnh (bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và bại liệt) |
ProQuad | MMR + varicella | 4 bệnh (sởi, quai bị, rubella và thủy đậu) |
Kinrix | DTaP + IPV | 4 bệnh (bạch hầu, uốn ván, ho gà và bại liệt) |
Pentacel | DTaP + IPV + Hib | 5 bệnh (bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt và nhiễm vi khuẩn Haemophilus influenzae type b) |
Lợi ích của vắc-xin phối hợp
Việc kết hợp các loại vắc-xin vào làm một giúp mỗi trẻ chỉ phải tiêm ít mũi hơn và điều này giúp cho nhiều trẻ em được tiêm chủng đúng thời hạn hơn. Như vậy cũng có nghĩa là giảm được sự chậm trễ trong việc phòng ngừa bệnh tật.
Lợi ích đối với trẻ em
- Tiêm ít mũi hơn
- Giảm đau đớn, khó chịu và các tác dụng phụ
- Tạo sự bảo vệ chống lại bệnh tật sớm hơn
Lợi ích cho cha mẹ
- Ít phải đưa trẻ đi tiêm hơn, tiết kiệm được thời gian
- Giảm chi phí
Tính an toàn và hiệu quả
Trước khi được chính thức cấp phép, các loại vắc-xin phối hợp đều phải trải qua quá trình thử nghiệm nghiêm ngặt để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả giống như tất cả các loại vắc-xin riêng lẻ. Và vắc-xin phối hợp cũng sẽ được theo dõi sau khi được đưa vào sử dụng rộng rãi để phát hiện và xử lý kịp thời các tác dụng phụ và vấn đề mới phát sinh.
Tác dụng phụ
Tác dụng phụ của các loại vắc-xin phối hợp cũng thường chỉ nhẹ giống như các loại vắc-xin được tiêm riêng lẻ.
Đôi khi vắc-xin phối hợp gây đau hoặc sưng nhiều hơn một chút tại vị trí tiêm. Tuy nhiên, nếu được tiêm các vắc-xin riêng lẻ thì trẻ sẽ bị đau hoặc sưng tấy ở nhiều vị trí hoặc nhiều lần thay vì chỉ một.
Nếu trẻ gặp phải các tác dụng phụ mức độ từ vừa đến nặng sau khi tiêm vắc-xin phối hợp thì hãy đưa đến gặp bác sĩ ngay. Sau đó có thể sẽ phải tiêm các loại vắc-xin riêng lẻ để hoàn thành nốt số mũi cần thiết.
Tương lai phát triển cho vắc-xin phối hợp
Các nhà khoa học vẫn đang không ngừng nghiên cứu và thử nghiệm các loại vắc-xin mới để bảo vệ con người khỏi nhiều bệnh tật hơn, trong đó có cả các loại vắc-xin phối hợp. Nhờ đó mà số mũi vắc-xin mỗi người cần tiêm sẽ ngày càng giảm.
Các khuyến nghị đối với vắc-xin MMRV
MMRV là một loại vắc-xin phối hợp gồm có vắc-xin MMR có tác dụng phòng ngừa bệnh sởi, quai bị và bệnh rubella với vắc-xin phòng bệnh thủy đậu.
Một số trẻ em được tiêm mũi MMRV đầu tiên trong khoảng từ 12 đến 23 tháng tuổi có thể có nguy cơ bị co giật do sốt sau khi tiêm. Nhưng điều này không phổ biến. Hơn nữa, các cơn co giật do sốt sau tiêm vắc-xin cũng không gây hại cho trẻ.
Mặc dù vậy nhưng vì nguy cơ co giật cao nên Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh CDC khuyến cáo những trẻ dưới 4 tuổi nên tiêm vắc-xin MMR và vắc-xin phòng thủy đậu riêng biệt vào mũi đầu tiên thay vì vắc-xin phối hợp.
Tiêm nhiều vắc-xin cùng một lúc có an toàn không?
Nhiều loại vắc-xin cần được tiêm sớm để bảo vệ trẻ khỏi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Để giảm số mũi tiêm thì hiện nay đã có nhiều loại vắc-xin phối hợp được sử dụng.
Chu kỳ kinh nguyệt: Thế nào là bình thường? Thế nào là không bình thường?
Chu kỳ kinh nguyệt nói lên rất nhiều điều về sức khỏe người phụ nữ. Do đó mà mỗi phụ nữ đều phải theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của mình và biết cách xử lý khi nhận thấy những điều bất thường.
Không dung nạp rượu
Không dung nạp rượu xảy ra khi cơ thể không sản xuất các enzyme cần thiết để phân hủy (chuyển hóa) các chất độc trong rượu.
Vắc-xin có gây tự kỷ không?
Có đúng là tiêm vắc-xin sẽ khiến trẻ bị tự kỷ hay không?
Những ai không nên tiêm vắc-xin?
Tiêm vắc-xin là cách hiệu quả nhất để bảo vệ cơ thể khỏi một số bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên cũng có những trường hợp không nên tiêm hoặc phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tiêm chủng.
Ý kiến bạn đọc