Mụn cóc sinh dục
Mụn cóc sinh dục là gì?
Mụn cóc sinh dục hay còn gọi là sùi mào gà là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục khá phổ biến. Gần như tất cả những người có quan hệ tình dục đều bị nhiễm ít nhất một loại HPV vào một thời điểm nào đó trong đời.
Mụn cóc thường hình thành ở những vị trí ẩm ướt trên cơ thể, trong đó có vùng sinh dục. Mụn cóc sinh dục có dạng những sẩn nhỏ, màu da và trông giống như súp lơ. Trong nhiều trường hợp, mụn cóc có kích thước rất nhỏ và không thể nhìn thấy được.
Có rất nhiều chủng HPV khác nhau, một số trong đó gây hình thành mụn cóc sinh dục trong khi một số khác lại gây ung thư. Hiện đã có vắc-xin bảo vệ cơ thể khỏi một số chủng HPV, trong đó có các chủng gây mụn cóc sinh dục và ung thư cổ tử cung.
Dấu hiệu, triệu chứng
Ở phụ nữ, mụn cóc sinh dục có thể xuất hiện trên âm hộ, thành âm đạo, khu vực giữa bộ phận sinh dục ngoài và hậu môn, ống hậu môn và cổ tử cung. Ở nam giới, mụn cóc có thể hình thành trên đầu hoặc thân dương vật, bìu và hậu môn.
Mụn cóc sinh dục cũng có thể hình thành trong miệng hoặc cổ họng do quan hệ tình dục bằng miệng với người bị bệnh.
Các dấu hiệu và triệu chứng của mụn cóc sinh dục gồm có:
- Nổi các sẩn nhỏ màu nâu hoặc hồng ở vùng sinh dục
- Các sẩn này có hình dạng giống như súp lơ do nhiều mụn cóc mọc gần nhau
- Ngứa ngáy và khó chịu ở bộ phận sinh dục
- Chảy máu khi quan hệ tình dục (triệu chứng ở phụ nữ)
Mụn cóc sinh dục có thể chỉ rất nhỏ và phẳng đến mức không thể nhìn thấy được bằng mắt thường. Tuy nhiên, đôi khi mụn cóc sinh dục lại mọc thành cụm lớn, thường là ở những người có hệ miễn dịch suy yếu.
Khi nào cần đi khám?
Hãy đi khám bác sĩ nếu phát hiện mụn cóc hoặc nổi sẩn lạ ở vùng sinh dục. Cũng cần đi khám nếu như nhận thấy bạn tình có dấu hiệu này.
Nguyên nhân
Mụn cóc là do HPV hay virus u nhú ở người (human papillomavirus) gây ra. Có hơn 100 chủng HPV khác nhau và trong đó có hơn 40 chủng ảnh hưởng đến vùng sinh dục.
Con đường lây lan chính của mụn cóc sinh dục là qua đường tình dục. Virus có thể lây từ người này sang người khác kể cả khi không nhìn thấy mụn cóc.
Các yếu tố nguy cơ
Hầu hết những người có quan hệ tình dục đều bị nhiễm HPV vào một thời điểm nào đó. Tuy nhiên, các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm virus và bị mụn cóc gồm có:
- Quan hệ tình dục với nhiều người và không sử dụng các biện pháp bảo vệ
- Mắc một bệnh lây truyền qua đường tình dục khác
- Quan hệ với một người mới không rõ tình trạng sức khỏe tình dục
- Bắt đầu quan hệ tình dục từ quá sớm
- Có hệ miễn dịch bị suy yếu, chẳng hạn như nhiễm HIV hoặc đang dùng thuốc chống thải ghép sau phẫu thuật ghép tạng
Biến chứng
Nhiễm HPV và mụn cóc sinh dục có thể gây ra các biến chứng như:
- Ung thư: Mặc dù các chủng HPV gây mụn cóc sinh dục khác với các chủng gây ung thư nhưng hầu hết các ca ung thư cổ tử cung là do HPV gây ra. Một số chủng HPV còn gây ung thư âm hộ, ung thư hậu môn, ung thư dương vật, ung thư khoang miệng và ung thư vòm họng. Nhiễm HPV không phải lúc nào cũng dẫn đến ung thư nhưng phụ nữ nên làm xét nghiệm Pap thường xuyên, đặc biệt là những người đã bị nhiễm các chủng HPV nguy cơ cao.
- Các vấn đề khi mang thai: Đôi khi, trong thời kỳ mang thai, mụn cóc có thể to ra và gây khó khăn khi đi tiểu. Mụn cóc trên thành âm đạo sẽ gây cản trở sự giãn ra tự nhiên của mô âm đạo trong quá trình sinh nở. Mụn cóc lớn trên âm hộ hoặc trong âm đạo còn có thể chảy máu khi bị kéo căng trong khi sinh. Những trẻ được sinh ra từ người mẹ bị mụn cóc sinh dục có thể bị mụn cóc ở cổ họng và cần làm phẫu thuật để tránh bị tắc nghẽn đường thở.
Phòng ngừa
Hạn chế số lượng bạn tình và tiêm vắc-xin ngừa HPV sẽ giúp tránh bị mụn cóc sinh dục. Ngoài ra, nên sử dụng bao cao su mỗi khi quan hệ tình dục để giảm nguy cơ nhiễm HPV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
Tiêm phòng
Hiện đã có 3 loại vắc-xin ngừa HPV được chính thức phê duyệt và đưa vào sử dụng. Loại vắc-xin mới phê duyệt gần đây nhất là Gardasil 9, được sử dụng cho nam và nữ trong độ tuổi từ 9 đến 45 để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung và mụn cóc sinh dục. Hai loại vắc-xin được phê duyệt trước đó là Gardasil 4 có tác dụng bảo vệ chống lại 4 chủng HPV (6, 11, 16, 18) và vắc-xin Cervarix bảo vệ cơ thể khỏi chủng HPV 16 và18. Vắc-xin Gardasil 9 có khả năng chống lại 9 chủng HPV là 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58.
Tại Việt Nam, tất cả phụ nữ trong độ tuổi từ 9 - 26 được khuyến nghị tiêm vắc-xin ngừa HPV. Tốt nhất là nên tiêm trước khi bắt đầu quan hệ tình dục nhưng cho dù đã từng quan hệ thì vẫn có thể tiêm.
Các tác dụng phụ của vắc-xin ngừa HPV thường nhẹ và gồm có đau nhức tại vị trí tiêm, nhức đầu, sốt nhẹ hoặc các triệu chứng giống cúm.
Biện pháp chẩn đoán
Mụn cóc sinh dục thường được chẩn đoán sau khi quan sát triệu chứng bên ngoài nhưng đôi khi sẽ cần phải sinh thiết. Ngoài ra sẽ cần thực hiện thêm một số xét nghiệm như:
Xét nghiệm Pap
Phụ nữ nên đi khám phụ khoa và xét nghiệm Pap định kỳ để phát hiện sớm những thay đổi ở âm đạo và cổ tử cung do mụn cóc sinh dục hoặc các dấu hiệu ban đầu của ung thư cổ tử cung.
Trong quá trình tiến hành xét nghiệm Pap, bác sĩ sử dụng một dụng cụ gọi là mỏ vịt để mở rộng thành âm đạo và quan sát cổ tử cung. Sau đó sử dụng một dụng cụ có cán dài để lấy mẫu tế bào từ cổ tử cung. Mẫu tế bào này được kiểm tra dưới kính hiển vi nhằm tìm các bất thường.
Xét nghiệm HPV
Chỉ có một số chủng HPV gây ra ung thư cổ tử cung. Mẫu tế bào cổ tử cung được lấy trong quá trình xét nghiệm Pap sẽ được kiểm tra nhằm tìm sự hiện diện các chủng HPV này.
Xét nghiệm này thường dành cho phụ nữ từ 30 tuổi trở lên và không cần thiết đối với phụ nữ dưới 30 tuổi vì ở độ tuổi này, HPV thường tự biến mất khỏi cơ thể sau vài năm mà không cần điều trị.
Điều trị
Nếu mụn cóc không gây khó chịu hay phiền toái gì thì có thể không cần phải điều trị. Nhưng nếu bị ngứa, rát và đau hoặc nếu lo lắng về việc lây truyền virus sang người khác thì có thể điều trị bằng thuốc hoặc tiểu phẫu.
Tuy nhiên, mụn cóc thường quay trở lại sau một thời gian. Hiện chưa có phương pháp nào có thể tiêu diệt virus và chữa dứt điểm mụn cóc. Các phương pháp để điều trị mụn cóc sinh dục gồm có:
Dùng thuốc
Các loại thuốc điều trị mụn cóc sinh dục đều có dạng bôi trực tiếp lên da:
- Imiquimod (Aldara, Zyclara): Loại thuốc này có tác dụng tăng cường khả năng chống lại virus gây mụn cóc sinh dục của hệ miễn dịch. Không quan hệ tình dục khi đang bôi thuốc trên da vì thuốc có thể làm hỏng bao cao su và gây kích ứng da của bạn tình. Một tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng Imiquimod là đỏ da. Ngoài ra còn có các tác dụng phụ khác là nổi mụn nước, đau nhức cơ thể, ho, phát ban và mệt mỏi.
- Podophyllin và podofilox (Condylox): Podophyllin là một loại thuốc chứa thành phần nguồn gốc thực vật có tác dụng phá hủy mô mụn cóc ở bộ phận sinh dục. Quá trình bôi thuốc phải được bác sĩ thực hiện. Podofilox chứa thành phần hoạt tính giống với podophyllin nhưng người bệnh có thể tự bôi tại nhà. Tuyệt đối không được bôi podofilox vào bên trong cơ quan sinh dục. Ngoài ra, thuốc này không được khuyến khích sử dụng trong thời kỳ mang thai. Các tác dụng phụ gồm có kích ứng da nhẹ, loét hoặc đau.
- Axit tricloaxetic: Đây là một loại hóa chất có tác dụng đốt cháy mụn cóc sinh dục và có thể sử dụng được cho cả mụn cóc hình thành ở bên trong. Các tác dụng phụ có thể xảy ra là kích ứng da nhẹ, loét hoặc đau.
- Sinecatechin (Veregen): Thuốc này được sử dụng để điều trị mụn cóc sinh dục bên ngoài và bên trong cũng như là xung quanh ống hậu môn. Các tác dụng phụ gồm có đỏ da, ngứa hoặc rát và đau nhẹ.
Không được tự ý điều trị mụn cóc sinh dục bằng các loại thuốc trị mụn cóc không kê đơn. Những loại thuốc này không dùng được cho vùng sinh dục.
Phẫu thuật
Đôi khi sẽ cần phải phẫu thuật để loại bỏ mụn cóc lớn, mụn cóc không đáp ứng với thuốc hoặc xử lý mụn cóc cho phụ nữ mang thai để tránh thai nhi bị lây nhiễm virus trong quá trình sinh nở. Các phương pháp phẫu thuật điều trị mụn cóc đều chỉ xâm lấn tối thiếu, gồm có:
- Liệu pháp áp lạnh: sử dụng nitơ lỏng để đông lạnh và phá hủy mụn cóc. Phương pháp này có cơ chế là làm hình thành các vết phồng rộp xung quanh mụn và khi da lành lại, mụn cóc sẽ bong ra, tạo điều kiện cho da mới mọc lên. Thường sẽ phải điều trị lặp lại. Các tác dụng phụ chính gồm có đau và sưng đỏ.
- Đốt điện: sử dụng dòng điện để đốt mụn cóc. Thủ thuật này sẽ gây đau và sưng sau điều trị.
- Phẫu thuật cắt bỏ: sử dụng các dụng cụ đặc biệt để loại bỏ mụn cóc. Phương pháp này xâm lấn nhiều hơn các phương pháp kể trên nên cần gây tê tại chỗ hoặc gây mê toàn thân, sau đó vùng điều trị sẽ bị đau.
- Đốt mụn cóc bằng laser: sử dụng một chùm ánh sáng cường độ cao để đốt cháy mụn cóc. Phương pháp này tốn kém hơn và thường dành cho những trường hợp có mụn cóc lan rộng, khó điều trị. Các tác dụng phụ gồm có để lại sẹo và đau đớn.
Mụn rộp sinh dục
Hiện chưa có cách nào có thể chữa khỏi bệnh mụn rộp sinh dục nhưng dùng thuốc có thể làm giảm các triệu chứng và giảm nguy cơ lây bệnh sang người khác.
Trầm cảm sau sinh
Trầm cảm sau sinh có thể xảy đến với bất kỳ ai, kể cả những người trước đây vẫn luôn vui vẻ, lạc quan. Đôi khi đây chỉ đơn giản là một biến chứng của việc sinh nở.
Tiền sản giật sau sinh
Tiền sản giật sau sinh cần được điều trị kịp thời. Nếu không được điều trị thì vấn đề có thể gây co giật và các biến chứng nghiêm trọng khác.
Viêm tuyến giáp sau sinh
Viêm tuyến giáp sau sinh thường kéo dài vài tuần cho đến vài tháng. Tuy nhiên, vấn đề này thường khó nhận biết vì các triệu chứng bị nhầm với những thay đổi cảm xúc thường gặp sau sinh hoặc rối loạn tâm trạng sau sinh.
Ý kiến bạn đọc