Trầm cảm sau sinh
Trầm cảm sau sinh là gì?
Sinh con là một sự kiện trọng đại trong đời và sẽ mang lại nhiều cảm xúc khác nhau, từ hạnh phúc, vui sướng cho đến hồi hộp, lo lắng. Tuy nhiên, sinh con còn có thể dẫn đến một vấn đề mà nhiều người không ngờ tới, đó là trầm cảm.
Hầu hết các bà mẹ mới sinh con đều trải qua những thay đổi về cảm xúc, tinh thần trong thời gian đầu, gồm có thay đổi tâm trạng thất thường, nhạy cảm, dễ xúc động, lo âu, bồn chồn và khó ngủ. Tình trạng này được gọi là “hội chứng baby blues” và thường bắt đầu trong vòng 2 đến 3 ngày đầu tiên sau khi sinh và có thể kéo dài đến 2 tuần.
Nhưng một số phụ nữ mới làm mẹ lại gặp phải tình trạng cảm xúc tiêu cực nghiêm trọng và kéo dài hơn được gọi là trầm cảm sau sinh. Đôi khi, phụ nữ còn có thể mắc phải một dạng rối loạn cảm xúc cực đoan hơn nhiều được gọi là rối loạn tâm thần sau sinh.
Trầm cảm sau sinh có thể xảy đến với bất kỳ ai, kể cả những người trước đây vẫn luôn vui vẻ, lạc quan. Đôi khi đây chỉ đơn giản là một biến chứng của việc sinh nở. Ở những sản phụ bị trầm cảm sau sinh, việc can thiệp điều trị kịp thời có thể giúp kiểm soát các triệu chứng, giảm thiểu các vấn đề do tình trạng trầm cảm gây ra và giúp người bệnh có thể thực hiện vai trò làm mẹ một cách tốt nhất.
Dấu hiệu, triệu chứng
Các dấu hiệu, triệu chứng của hội chứng baby blues và trầm cảm sau sinh ở mỗi người là khác nhau.
Triệu chứng của hội chứng baby blues
Triệu chứng của hội chứng baby blues thường chỉ kéo dài từ vài ngày đến một hoặc hai tuần sau khi sinh và gồm có:
- Thay đổi tâm trạng thất thường
- Lo âu, bồn chồn
- Buồn bã, chán nản
- Hay cáu gắt
- Dễ xúc động và khóc mà không rõ lý do
- Giảm tập trung
- Hay thấy thèm ăn hoặc chán ăn
- Khó ngủ, mệt mỏi
Triệu chứng trầm cảm sau sinh
Ban đầu, trầm cảm sau sinh có thể bị nhầm lẫn với hội chứng baby blues nhưng các triệu chứng của trầm cảm sau sinh dữ dội hơn và kéo dài hơn, ảnh hưởng đến khả năng chăm sóc con và xử lý các công việc hàng ngày khác. Các triệu chứng thường bắt đầu trong vòng vài tuần đầu tiên sau khi sinh nhưng cũng có thể sớm hơn (ngay từ khi mang thai) hoặc muộn hơn (lên đến một năm sau khi sinh).
Các triệu chứng của trầm cảm sau sinh gồm có:
- Tâm trạng buồn rầu, chán nản hoặc thay đổi tâm trạng thất thường một cách nghiêm trọng
- Khóc nhiều
- Cảm thấy không có sự gắn kết với con
- Không muốn tiếp xúc với người thân và bạn bè
- Chán ăn hoặc ăn nhiều hơn bình thường
- Khó ngủ, mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều
- Người mệt mỏi, thiếu năng lượng
- Giảm hoặc không còn hứng thú với các việc từng yêu thích trước đây
- Khó chịu và cáu gắt dữ dội vì những lý do nhỏ nhặt
- Luôn thấy bất an, lo lắng cho con
- Cảm thấy mình không thể hoàn thành vai trò làm mẹ
- Cảm thấy ngột ngạt, tuyệt vọng, không lối thoát
- Giảm khả năng đưa ra quyết định, suy nghĩ rõ ràng và giảm tập trung
- Hoảng loạn
- Có suy nghĩ muốn làm hại bản thân hoặc con
- Trong đầu luôn thường trực mong muốn tự tử
Nếu không được phát hiện và điều trị thì trầm cảm sau sinh có thể kéo dài suốt nhiều tháng hoặc lâu hơn và dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Triệu chứng rối loạn tâm thần sau sinh
Chứng rối loạn tâm thần sau sinh là một vấn đề hiếm gặp hơn trầm sảm sau sinh nhưng nghiêm trọng hơn rất nhiều và thường xảy ra trong vòng vài tuần đầu tiên sau khi sinh. Các triệu chứng của rối loạn tâm thần sau sinh gồm có:
- Lú lẫn và mất phương hướng
- Xuất hiện những suy nghĩ ám ảnh về con
- Ảo giác và hoang tưởng
- Rối loạn giấc ngủ trầm trọng
- Kích động
- Luôn muốn làm đau bản thân hoặc con
- Rối loạn tâm thần sau sinh có thể dẫn đến những suy nghĩ hoặc hành vi đe dọa tính mạng và cần phải điều trị ngay lập tức.
Trầm cảm sau sinh ở nam giới
Không chỉ có người mẹ mà người bố cũng có thể bị trầm cảm sau sinh với những triệu chứng tương tự như cảm thấy buồn bã, chán nản, lo âu, mệt mỏi, bất an hoặc thay đổi về thói quen ăn uống, ngủ nghỉ bình thường.
Những người có tiền sử trầm cảm, gặp vấn đề trong mối quan hệ vợ chồng hoặc khó khăn về tài chính là những đối tượng có nguy cơ bị trầm cảm sau sinh cao nhất. Giống như chứng trầm cảm sau sinh ở người mẹ, trầm cảm sau sinh ở người bố cũng có thể gây tác động tiêu cực đến mối quan hệ với bạn đời và sự phát triển của em bé.
Những nam giới mới làm bố và đang có các biểu hiện trầm cảm hoặc cảm xúc tiêu cực nên đến gặp bác sĩ tâm lý. Các phương pháp hỗ trợ và điều trị chứng trầm cảm sau sinh ở nam giới cũng tương tự như trầm cảm sau sinh ở phụ nữ.
Khi nào cần đi khám?
Nếu nhận thấy bất kỳ biểu hiện nào của hội chứng baby blues hoặc trầm cảm sau sinh, ví dụ như luôn cảm thấy buồn rầu, chán nản sau khi sinh con thay vì vui mừng, hạnh phúc thì hãy đi gặp bác sĩ tâm lý. Nếu như có các dấu hiệu của chứng rối loạn tâm thần thì cần phải báo với người thân và đi khám ngay lập tức.
Hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt nếu các cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực có bất kỳ biểu hiện nào dưới đây:
- Không đỡ sau 2 tuần
- Ngày càng trở nên tồi tệ hơn
- Gây cản trở việc chăm sóc con
- Khó hoàn thành công việc hàng ngày
- Có suy nghĩ muốn làm hại bản thân hoặc con
Nếu có ý định tự tử
Nếu như có ý định làm hại bản thân hoặc con thì hãy ngay lập tức nói với chồng/vợ hoặc những người thân trong gia đình và đi khám bác sĩ.
Giúp đỡ người thân bị trầm cảm sau sinh
Những người trầm cảm thường không nhận ra hoặc không thừa nhận rằng họ đang bị trầm cảm. Họ có thể không nhận thức được các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh. Nếu nhận thấy một người thân hoặc bạn bè của mình có những biểu hiện bất thường và nghi ngờ là trầm cảm sau sinh hoặc chứng rối loạn tâm thần sau sinh thì cần phải để ý và giúp họ đi khám ngay lập tức. Đừng chần chừ, những vấn đề này thường không tự hết và nếu bỏ mặc thì có thể sẽ xảy ra những hậu quả nghiêm trọng.
Nguyên nhân
Trầm cảm sau sinh không có nguyên nhân cụ thể. Một số vấn đề về thể chất và tinh thần có thể góp phần gây ra chứng bệnh này.
- Thay đổi về thể chất: Sau khi sinh con, sự sụt giảm đáng kể nồng độ hormone (estrogen và progesterone) trong cơ thể người mẹ có thể góp phần gây ra chứng trầm cảm sau sinh. Các hormone khác do tuyến giáp sản xuất cũng có thể giảm mạnh và gây mệt mỏi, uể oải, xuống tinh thần.
- Vấn đề về cảm xúc, tinh thần: Khi mới sinh con, thói quen sinh hoạt sẽ bị đảo lộn, gây kiệt sức và mất ngủ. Điều này gây ảnh hưởng đến khả năng xử lý các vấn đề bình thường trong cuộc sống, cho dù chỉ là những vấn đề rất nhỏ và dễ gây cáu gắt, bực bội. Ngoài ra, việc lo lắng rằng mình sẽ không thể chăm sóc tốt cho con, những lo âu khi con ốm, sự căng thẳng khi vừa phải chăm con và vừa phải đảm đương các công việc khác cùng với sự tự ti về thân hình kém hấp dẫn,… đều có thể góp phần dẫn đến trầm cảm sau sinh.
Các yếu tố nguy cơ
Bất kỳ phụ nữ nào khi sinh con cũng có thể bị trầm cảm sau sinh và vấn đề này có thể xảy ra vào bất kỳ lần sinh nở nào chứ không chỉ có lần đầu tiên. Tuy nhiên, nguy cơ sẽ tăng lên nếu như:
- Có tiền sử trầm cảm, gồm có cả trầm cảm vào lần mang thai trước hoặc trầm cảm không liên quan đến sinh nở
- Bị rối loạn lưỡng cực
- Có người thân trong gia đình bị trầm cảm hoặc các rối loạn tâm thần khác
- Phải trải qua những sự kiện gây căng thẳng trong thời gian gần đây, chẳng hạn như biến chứng khi mang thai, bệnh tật hay khó khăn về tài chính
- Em bé có vấn đề về sức khỏe hoặc các nhu cầu đặc biệt khác
- Sinh đôi, sinh ba hoặc nhiều hơn
- Gặp khó khăn khi con bú
- Đang có vấn đề trong mối quan hệ của vợ chồng hoặc mối quan hệ với các thành viên khác trong nhà
- Khó khăn về tài chính
- Mang thai ngoài ý muốn
Biện pháp chẩn đoán
Bác sĩ thường sẽ nói chuyện và hỏi về những thay đổi trong cảm xúc, suy nghĩ để đánh giá tình trạng sức khỏe tâm thần và phân biệt giữa hội chứng baby blues với chứng trầm cảm hoặc rối loạn tâm thần sau sinh. Đừng ngại đi khám khi nhận thấy những biểu hiện bất thường. Trầm cảm sau sinh là một vấn đề rất phổ biến hiện nay. Hãy chia sẻ thành thật về các triệu chứng mình gặp phải để bác sĩ đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp nhất.
Trong quá trình đánh giá, bác sĩ sẽ thực hiện các bước sau:
- Đưa ra một số câu hỏi để sàng lọc trầm cảm
- Làm xét nghiệm máu để kiểm tra chức năng tuyến giáp (tuyến giáp hoạt động kém có thể gây ra các triệu chứng tương tự như trầm cảm)
- Làm các xét nghiệm khác để tìm ra nguyên nhân tiềm ẩn gây ra các triệu chứng
Điều trị
Thời gian điều trị và khỏi bệnh ở mỗi người là khác nhau, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và đáp ứng điều trị. Nếu nguyên nhân gây ra các triệu chứng là do tuyến giáp hoạt động kém hoặc do vấn đề sức khỏe tiềm ẩn khác thì sẽ phải điều trị những vấn đề đó. Nếu là hội chứng baby blues, trầm cảm sau sinh hoặc rối loạn tâm thần sau sinh thì sẽ điều trị bằng các phương pháp dưới đây.
Hội chứng baby blues
Hội chứng baby blues sau sinh thường tự hết trong vòng vài ngày đến 1, 2 tuần. Trong thời gian đó thì nên:
- Nghỉ ngơi nhiều nhất có thể
- Nhờ người thân hỗ trợ chăm sóc em bé và những công việc khác
- Tích cực trò chuyện với những người xung quanh, tốt nhất là những người cùng vừa mới sinh nở
- Dành thời gian cho bản thân.
- Tránh uống rượu bia và dùng chất kích thích vì những thứ này có thể khiến tâm trạng thay đổi theo chiều hướng tiêu cực hơn.
Trầm cảm sau sinh
Trầm cảm sau sinh thường được điều trị bằng phương pháp trị liệu tâm lý (còn gọi là liệu pháp trò chuyện hoặc tư vấn sức khỏe tâm thần), dùng thuốc hoặc kết hợp cả hai.
- Trị liệu tâm lý: nói chuyện với bác sĩ chuyên khoa tâm thần hoặc chuyên gia tâm lý để giải quyết những vấn đề gặp phải. Thông qua liệu pháp này, người bệnh sẽ biết cách đối phó với những cảm xúc tiêu cực của mình, vượt qua vấn đề và phản ứng với mọi thứ theo hướng tích cực.
- Thuốc chống trầm cảm: bác sĩ có thể sẽ kê một số loại thuốc chống trầm cảm. Nếu đang cho con bú thì bất kỳ loại thuốc nào người mẹ uống cũng đều sẽ đi vào sữa. Tuy nhiên, hầu hết các loại thuốc chống trầm cảm đều có thể sử dụng được trong thời gian cho con bú mà không gây tác dụng phụ cho trẻ. Tuy nhiên, không được tự mua thuốc uống mà phải đi khám. Bác sĩ sẽ cân nhắc những rủi ro tiềm ẩn và lợi ích của từng loại thuốc trước khi kê đơn.
Khi điều trị đúng cách, các triệu chứng trầm cảm sau sinh đa phần sẽ dần được cải thiện. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chứng trầm cảm sau sinh có thể kéo dài dai dẳng và trở thành trầm cảm mãn tính. Điều quan trọng là phải tiếp tục điều trị ngay cả khi đã bắt đầu cảm thấy đỡ. Ngừng điều trị quá sớm sẽ làm tăng nguy cơ vấn đề tái phát.
Rối loạn tâm thần sau sinh
Rối loạn tâm thần sau sinh cần được điều trị ngay lập tức và thường phải nhập viện. Các phương pháp điều trị gồm có:
- Dùng thuốc: Việc điều trị rối loạn tâm thần sau sinh thường phải kết hợp nhiều loại thuốc khác nhau, chẳng hạn như thuốc chống loạn thần, thuốc ổn định tâm trạng và benzodiazepine để kiểm soát các triệu chứng bệnh.
- Liệu pháp sốc điện (ECT): Nếu bị trầm cảm sau sinh nghiêm trọng hoặc rối loạn tâm thần sau sinh và không đáp ứng với thuốc thì sẽ cần đến liệu pháp ECT. Đây là phương pháp truyền các dòng điện nhỏ qua não để cố ý gây ra cơn co giật ngắn. ECT gây ra những thay đổi trong các chất hóa học não bộ để làm giảm các triệu chứng rối loạn tâm thần và trầm cảm, đặc biệt là khi các phương pháp điều trị khác đều không hiệu quả. Quá tình điều trị bằng ECT được thực hiện khi bệnh nhân được gây mê toàn thân.
- Điều trị rối loạn tâm thần sau sinh sẽ ảnh hưởng đến khả năng nuôi con bằng sữa mẹ. Do không được ở gần con trong quá trình điều trị nên việc cho con bú sẽ khó khăn hơn và một số loại thuốc điều trị chứng rối loạn tâm thần sau sinh cũng không được khuyến nghị cho phụ nữ đang cho con bú.
Các biện pháp hỗ trợ điều trị
Ngoài các phương pháp điều trị bằng thuốc và liệu pháp can thiệp kể trên, người bệnh cũng nên tự thực hiện các biện pháp dưới đây để nhanh khỏi bệnh hơn.
- Duy trì lối sống lành mạnh: Nên tăng cường hoạt động thể chất, chẳng hạn như đi dạo và tập thể dục đều đặn hàng ngày, cố gắng nghỉ ngơi đầy đủ, ăn uống lành mạnh, đủ chất và tránh rượu bia.
- Hạn chế căng thẳng: Đừng tự tạo áp lực cho bản thân khi làm bất cứ việc gì. Không ai có thể làm tốt ngay từ đầu cả nên hãy cứ bình tĩnh, làm những gì trong khả năng và nhờ người khác giúp đỡ nếu cần.
- Dành thời gian cho bản thân: Hãy nhờ chồng, người thân hoặc người giúp việc trông con và dành một chút thời gian cho bản thân mỗi ngày, có thể là đi ngủ, ăn một bữa trọn vẹn, làm điều mình thích hoặc chỉ đơn giản là ra ngoài đi dạo. Hai vợ chồng cũng nên thi thoảng sắp xếp thời gian dành riêng cho nhau.
- Không ở một mình: Sau khi sinh đừng nên ở một mình mà hãy tích cực gặp gỡ và nói chuyện với mọi người xung quanh, tốt nhất là những phụ nữ đã từng sinh con để được chia sẻ về các kinh nghiệm. Điều sẽ giúp tránh những suy nghĩ tiêu cực và còn có được những kinh nghiệm quý báu trong việc nuôi con cũng như là cách vượt qua những khó khăn trong giai đoạn đầu làm mẹ.
- Nhận sự giúp đỡ: Hãy cởi mở với những người thân thiết và chia sẻ về những vấn đề mình đang gặp phải để được giúp đỡ. Đừng nên che giấu và cũng không nên cố gắng tự mình làm hết mọi việc. Khi thấy mệt mỏi thì nhờ người thân, bạn bè trông con giúp để tranh thủ chợp mắt hoặc cũng có thể nhờ họ làm giúp các công việc khác trong nhà. Nếu điều kiện kinh tế cho phép thì có thể cân nhắc thuê người giúp việc.
Các bà mẹ cần nhớ rằng để có thể chăm sóc tốt cho con thì trước tiên phải chú ý chăm sóc sức khỏe của bản thân.
Biến chứng
Nếu không được phát hiện điều trị, trầm cảm sau sinh sẽ cản trở khả năng chăm sóc con và gây ra nhiều vấn đề khác.
- Đối với người mẹ: Trầm cảm sau sinh không được điều trị có thể kéo dài suốt nhiều tháng hoặc lâu hơn và đôi khi còn trở thành rối loạn trầm cảm mãn tính. Ngay cả khi đã được điều trị thì trầm cảm sau sinh vẫn sẽ làm tăng nguy cơ bị trầm cảm trong tương lai.
- Đối với người bố: Trầm cảm sau sinh ở các ông bố không chỉ tác động đến người bệnh mà còn gây “hiệu ứng gợn sóng”, có nghĩa là ảnh hưởng đến cả những người xung quanh, khiến cho người mẹ và thành viên khác trong gia đình cũng trở nên căng thẳng, mệt mỏi và có những cảm xúc tiêu cực. Những nam giới mới lên chức bố vốn đã có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn bình thường do có thêm áp lực và nếu người mẹ bị trầm cảm sau sinh thì nguy cơ trầm cảm ở người bố sẽ lại càng tăng lên.
- Đối với đứa trẻ: Những trẻ có mẹ bị trầm cảm sau sinh và không được điều trị sẽ dễ gặp các vấn đề về cảm xúc và hành vi, chẳng hạn như khó ngủ, không chịu ăn uống, quấy khóc nhiều và chậm phát triển ngôn ngữ.
Biện pháp phòng ngừa
Những người có tiền sử trầm cảm, đặc biệt là trầm cảm sau sinh cần đến gặp bác sĩ nếu đang có ý định mang thai hoặc ngay khi phát hiện mình có thai.
Trong thời gian mang thai, bác sĩ sẽ theo dõi chặt chẽ để phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh trầm cảm. Đôi khi, chứng trầm cảm nhẹ có thể được kiểm soát bằng cách tư vấn, nói chuyện hoặc các liệu pháp khác. Trong một số trường hợp, người bệnh cần dùng thuốc chống trầm cảm. Có nhiều loại thuốc có thể dùng trong khi mang thai.
Sau khi sinh con thì nên đi tái khám sớm để tầm soát các dấu hiệu, triệu chứng của trầm cảm sau sinh. Bệnh được phát hiện càng sớm thì việc điều trị sẽ càng hiệu quả và đỡ phức tạp, nguy cơ xảy ra các vấn đề không mong muốn cũng càng thấp. Với những người có tiền sử trầm cảm sau sinh thì bác sĩ có thể sẽ chỉ định điều trị bằng thuốc chống trầm cảm hoặc liệu pháp tâm lý ngay sau khi sinh.
Mụn rộp sinh dục
Hiện chưa có cách nào có thể chữa khỏi bệnh mụn rộp sinh dục nhưng dùng thuốc có thể làm giảm các triệu chứng và giảm nguy cơ lây bệnh sang người khác.
Mụn cóc sinh dục
Mụn cóc thường hình thành ở những vị trí ẩm ướt trên cơ thể, trong đó có vùng sinh dục. Mụn cóc sinh dục có dạng những sẩn nhỏ, màu da và trông giống như súp lơ. Trong nhiều trường hợp, mụn cóc có kích thước rất nhỏ và không thể nhìn thấy được.
Tiền sản giật sau sinh
Tiền sản giật sau sinh cần được điều trị kịp thời. Nếu không được điều trị thì vấn đề có thể gây co giật và các biến chứng nghiêm trọng khác.
Viêm tuyến giáp sau sinh
Viêm tuyến giáp sau sinh thường kéo dài vài tuần cho đến vài tháng. Tuy nhiên, vấn đề này thường khó nhận biết vì các triệu chứng bị nhầm với những thay đổi cảm xúc thường gặp sau sinh hoặc rối loạn tâm trạng sau sinh.
Ý kiến bạn đọc