Chuyển dạ sinh non
Chuyển dạ sinh non là gì?
Chuyển dạ sinh non xảy ra khi tử cung co thắt và cổ tử cung mở sau tuần 20 và trước tuần 37 của thai kỳ.
Sinh non càng sớm thì nguy cơ mắc phải các vấn đề sức khỏe ở trẻ càng cao. Trẻ sinh non (thiếu tháng) cần được chăm sóc đặc biệt trong một thời gian sau khi sinh và sẽ có nguy cơ bị các khiếm khuyết về thể chất hoặc tinh thần trong tương lai cao hơn so với trẻ sinh đủ tháng.
Nguyên nhân cụ thể gây chuyển dạ sinh non thường không rõ ràng. Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ nhưng chuyển dạ sinh non cũng có thể xảy ra ở cả những sản phụ không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào.
Dấu hiệu
Các dấu hiệu của chuyển dạ sinh non gồm có:
- Đau thắt lưng. Cơn đau kéo dài âm ỉ liên tục hoặc gián đoạn nhưng sẽ không đỡ ngay cả khi thay đổi tư thế.
- Các cơn co thắt 10 phút một lần hoặc thường xuyên hơn
- Đau quặn ở bụng dưới giống như đau bụng kinh.
- Buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy.
- Đau tức ở vùng chậu hoặc âm đạo
- Chảy máu âm đạo bất thường
- Tăng tiết dịch âm đạo, loãng như nước hoặc đặc và có lẫn máu
- Vỡ ối sớm, nước chảy liên tục từ âm đạo do màng ối bao quanh thai nhi bị vỡ
Khi nào cần đi khám?
Khi gặp những dấu hiệu nêu trên hoặc nhận thấy bất kỳ hiện tượng bất thường nào trong thời gian mang thai thì hãy đến bệnh viện ngay lập tức.
Các yếu tố nguy cơ
Chuyển dạ sinh non có thể xảy ra ở bất kỳ thai phụ nào. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ gồm có:
- Từng chuyển dạ sinh non trước đây, đặc biệt là vào lần mang thai gần nhất hoặc xảy ra nhiều lần
- Mang đa thai
- Cổ tử cung ngắn
- Có các vấn đề ở tử cung hoặc nhau thai
- Hút thuốc lá hoặc sử dụng chất kích thích bất hợp pháp
- Mắc một số bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm trùng nước ối và đường sinh dục dưới
- Mắc một số bệnh mãn tính, chẳng hạn như cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tự miễn và trầm cảm
- Mới phải trải qua một sự kiện gây chấn động tâm lý, chẳng hạn như người thân qua đời
- Quá nhiều nước ối (đa ối)
- Bị chảy máu âm đạo khi mang thai
- Thụ tinh trong ống nghiệm
- Có tiền sử gia đình chuyển dạ sinh non
- Thai nhi bị dị tật bẩm sinh
- Các lần mang thai cách nhau dưới 12 tháng hoặc trên 59 tháng
- Mang thai khi còn quá trẻ
- Mang thai khi đã có tuổi
Biến chứng
Trẻ sinh non có nguy cơ cao mắc nhiều vấn đề về sức khỏe, chẳng hạn như nhẹ cân, vấn đề về hô hấp, các cơ quan kém phát triển và các vấn đề về thị giác, thính giác. Những trẻ sinh non cũng dễ bị bại não, khả năng học tập kém và các vấn đề về hành vi.
Biện pháp chẩn đoán
Bác sĩ sẽ đánh giá bệnh sử, các yếu tố nguy cơ của từng thai phụ và các dấu hiệu bất thường. Nếu xuất hiện các cơn co thắt tử cung thường xuyên và cổ tử cung bắt đầu mềm, mỏng và mở ra trước tuần thứ 37 của thai kỳ thì có thể là chuyển dạ sinh non.
Các biện pháp để chẩn đoán chuyển dạ sinh non gồm có:
- Khám lâm sàng: bác sĩ kiểm tra tình trạng của tử cung cũng như là kích thước và vị trí của thai nhi. Nếu túi ối chưa vỡ và nhau thai không che cổ tử cung (nhau tiền đạo) thì bác sĩ sẽ tiếp tục kiểm tra xem cổ tử cung đã bắt đầu mở hay chưa. Khám lâm sàng còn giúp phát hiện tình trạng chảy máu tử cung.
- Siêu âm: đầu dò siêu âm được đưa vào trong âm đạo (siêu âm qua đường âm đạo) để đo chiều dài của cổ tử cung. Phương pháp này cũng giúp kiểm tra các vấn đề với thai nhi hoặc nhau thai, xác nhận vị trí, ước tính cân nặng của thai nhi và đánh giá thể tích nước ối.
- Theo dõi tử cung: sử dụng thiết bị để đo thời gian và khoảng cách giữa các cơn co thắt tử cung.
- Xét nghiệm: lấy mẫu dịch âm đạo để kiểm tra sự hiện diện của một số bệnh nhiễm trùng và fibronectin bào thai - một chất có tác dụng giống như keo kết dính giữa túi thai và niêm mạc tử cung, được đào thải ra ngoài khi sinh nở. Kết quả xét nghiệm sẽ được đánh giá cùng với các yếu tố nguy cơ khác. Ngoài ra có thể còn phải làm xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra sự hiện diện của một số loại vi khuẩn.
Điều trị
Dùng thuốc
Một khi đã bắt đầu chuyển dạ thì không có bất cứ loại thuốc hay thủ thuật nào có thể ngăn cản được mà chỉ có thể trì hoãn tạm thời. Tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ cho dùng các loại thuốc sau:
- Thuốc corticoid: Corticoid (corticosteroid) có tác dụng thúc đẩy sự phát triển phổi của thai nhi. Nếu thai được 23 đến 34 tuần thì bác sĩ sẽ chỉ định dùng corticoid nếu có khả năng sinh trong vòng từ 1 đến 7 ngày tới. Thuốc này cũng có thể được sử dụng cho những trường hợp có khả năng sinh trong khoảng từ tuần 34 đến tuần 37. Có thể sẽ phải dùng thêm một đợt corticoid nữa nếu thai chưa đủ 34 tuần, có nguy cơ sinh trong vòng 7 ngày tới và cách đợt corticoid trước đó trên 14 ngày.
- Magie sunfat: được dùng cho những trường hợp có nguy cơ sinh trong vòng từ tuần 24 đến tuần 32 của thai kỳ. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng magie sunfat có thể làm giảm nguy cơ mắc một dạng bại não cho những trẻ sinh non trước tuần 32.
- Tocolytic: có tác dụng tạm thời làm chậm các cơn co thắt tử cung. Các thuốc trong nhóm này có thể được sử dụng trong 48 tiếng để trì hoãn chuyển dạ sinh non, giúp corticoid phát huy hiệu quả tối đa hoặc nếu cần thiết thì sản phụ sẽ phải nhập viện để tiến hành theo dõi, chăm sóc đặc biệt cho cả mẹ và con. Tocolytic không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ gây chuyển dạ sinh non và nhìn chung cũng không thể giảm thiểu các rủi ro về sức khỏe cho trẻ thiếu tháng. Ngoài ra, không được dùng thuốc này trong một số trường hợp nhất định, chẳng hạn như tăng huyết áp thai kỳ (tiền sản giật).
Dù không cần phải nhập viện sớm thì những sản phụ có nguy cơ chuyển dạ sinh non cũng phải khám thai hàng tuần hoặc thường xuyên hơn để bác sĩ theo dõi và phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường.
Phẫu thuật
Nếu có nguy cơ chuyển dạ sinh non do cổ tử cung ngắn thì có thể phải tiến hành một phương pháp phẫu thuật gọi là khâu vòng cổ tử cung. Trong thủ thuật này, cổ tử cung được khâu kín bằng chỉ phẫu thuật chắc chắn. Thông thường, chỉ sẽ được tháo ra sau tuần 36 hoặc sớm hơn nếu cần.
Thủ thuật khâu vòng cổ tử cung có thể được chỉ định cho những sản phụ có tiền sử sinh non và siêu âm cho thấy cổ tử cung đang mở hoặc chiều dài cổ tử cung dưới 25 mm tại thời điểm mang thai dưới 24 tuần.
Thuốc điều trị dự phòng
Với những sản phụ có tiền sử sinh non, bác sĩ có thể sẽ đề nghị tiêm hydroxyprogesterone caproate (một dạng hormone progesterone) hàng tuần, bắt đầu trong vòng ba tháng giữa của thai kỳ và tiếp tục cho đến tuần 36 - 37.
Ngoài ra, một lựa chọn khác để giảm nguy cơ sinh non là dùng progesterone đặt âm đạo, có dạng gel bôi hoặc viên đặt. Những trường hợp được chẩn đoán có cổ tử cung ngắn trước tuần 24 của thai kỳ cũng có thể cần sử dụng progesterone cho đến tuần 37.
Nghiên cứu gần đây cho thấy progesterone đặt âm đạo cũng có hiệu quả tương đương phương pháp khâu vòng cổ tử cung trong việc ngăn ngừa sinh non đối với một số những sản phụ có nguy cơ cao nhưng thuốc có ưu điểm là không cần phẫu thuật và gây mê. Trong nhiều trường hợp, thuốc là giải pháp thay thế cho phẫu thuật.
Nếu đã từng bị chuyển dạ sinh non trước đây thì nguy cơ tiếp tục bị sinh non trong những lần mang thai tiếp theo sẽ cao hơn nên cần theo dõi sát sao để giảm thiểu nguy cơ và phản ứng kịp thời khi có dấu hiệu.
Phòng ngừa
Trong số các yếu tố nguy cơ của chuyển dạ sinh non thì có nhiều yếu tố không thể ngăn ngừa được nhưng có thể tăng khả năng duy trì thai kỳ khỏe mạnh, đủ tháng bằng những biện pháp dưới đây:
- Khám thai định kỳ đầy đủ: Việc khám thai định kỳ sẽ giúp theo dõi sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Nếu gặp bất kỳ dấu hiệu bất thường nào thì hãy báo với bác sĩ khi đi khám. Những phụ nữ có tiền sử chuyển dạ sinh non hoặc có các dấu hiệu của chuyển dạ sinh non thì sẽ cần đi khám thai thường xuyên hơn.
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh: Chế độ dinh dưỡng tốt giúp thai kỳ diễn ra khỏe mạnh. Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy rằng chế độ ăn nhiều axit béo không bão hòa đa (polyunsaturated fatty acid - PUFA) giúp giảm thiểu nguy cơ sinh non. Axit béo không bão hòa đa có trong các loại hạt, quả hạch, cá và dầu thực vật.
- Tránh xa khói thuốc lá: Nếu đang hút thuốc lá thì hãy bỏ ngay. Nếu không hút thì cũng phải tránh xa khói thuốc lá. Ngoài ra cũng không được dùng các chất kích thích như cocaine.
- Chú ý đến thời gian giữa hai lần mang thai: Một số nghiên cứu cho thấy thời gian giữa các lần mang thai dưới 6 tháng hoặc trên 59 tháng sẽ làm tăng nguy cơ sinh non.
- Thận trọng khi sử dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản: Nếu có ý định sử dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm để mang thai thì hãy cân nhắc số lượng phôi sẽ được cấy vào tử cung. Mang đa thai sẽ làm tăng nguy cơ chuyển dạ sinh non.
- Kiểm soát bệnh mạn tính: Một số bệnh lý mạn tính, chẳng hạn như tiểu đường, cao huyết áp và béo phì, sẽ làm tăng nguy cơ sinh non. Do đó cần kiểm soát các bệnh này khi mang thai để duy trì thai kỳ khỏe mạnh.
Với những trường hợp có nguy cơ sinh non thì có thể bác sĩ sẽ chỉ định nhập viện sớm để theo dõi hoặc điều trị để giảm nguy cơ.
Dấu hiệu sinh non và cơn gò chuyển dạ giả
Các cơn co thắt xảy ra quá sớm trước ngày dự sinh có thể là cơn gò Braxton - Hicks hay còn gọi là cơn gò chuyển dạ giả. Đây là hiện tượng phổ biến và không phải dấu hiệu cho thấy cổ tử cung đang bắt đầu mở. Nếu nhận thấy các cơn co thắt và nghi ngờ là dấu hiệu chuyển dạ sinh non thì hãy thử đi lại, nằm nghỉ ngơi hoặc thay đổi tư thế. Những cách này có thể làm ngừng các cơn gò chuyển dạ giả. Tuy nhiên, nếu như đang thực sự chuyển dạ sinh non thì các cơn co thắt sẽ vẫn tiếp diễn.
Nghiên cứu cho thấy rằng ở những phụ nữ có nguy cơ sinh non cao thì nghỉ ngơi nhiều cũng không có tác dụng làm giảm nguy cơ. Hơn nữa, việc nằm một chỗ trong thời gian dài còn có thể dẫn đến hình thành cục máu đông, mệt mỏi, ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần và yếu cơ.
Mụn rộp sinh dục
Hiện chưa có cách nào có thể chữa khỏi bệnh mụn rộp sinh dục nhưng dùng thuốc có thể làm giảm các triệu chứng và giảm nguy cơ lây bệnh sang người khác.
Mụn cóc sinh dục
Mụn cóc thường hình thành ở những vị trí ẩm ướt trên cơ thể, trong đó có vùng sinh dục. Mụn cóc sinh dục có dạng những sẩn nhỏ, màu da và trông giống như súp lơ. Trong nhiều trường hợp, mụn cóc có kích thước rất nhỏ và không thể nhìn thấy được.
Trầm cảm sau sinh
Trầm cảm sau sinh có thể xảy đến với bất kỳ ai, kể cả những người trước đây vẫn luôn vui vẻ, lạc quan. Đôi khi đây chỉ đơn giản là một biến chứng của việc sinh nở.
Tiền sản giật sau sinh
Tiền sản giật sau sinh cần được điều trị kịp thời. Nếu không được điều trị thì vấn đề có thể gây co giật và các biến chứng nghiêm trọng khác.
Viêm tuyến giáp sau sinh
Viêm tuyến giáp sau sinh thường kéo dài vài tuần cho đến vài tháng. Tuy nhiên, vấn đề này thường khó nhận biết vì các triệu chứng bị nhầm với những thay đổi cảm xúc thường gặp sau sinh hoặc rối loạn tâm trạng sau sinh.
Ý kiến bạn đọc