Ứ mật thai kỳ

Các biến chứng của ứ mật thai kỳ có thể xảy ra ở mẹ hoặc thai nhi hoặc cả hai.

Ứ mật thai kỳ là gì?

Ứ mật thai kỳ là một vấn đề về gan xảy ra vào cuối thời gian mang thai. Tình trạng này có triệu chứng đặc trưng là ngứa ngáy dữ dội, thường là trên bàn tay và bàn chân nhưng cũng có thể ở cả các bộ phận khác của cơ thể.

Ứ mật thai kỳ không chỉ khiến cho sản phụ vô cùng khó chịu mà còn có thể dẫn đến những biến chứng cho cả mẹ và thai nhi. Cũng vì nguy cơ biến chứng nên thường bác sĩ sẽ chỉ định sinh sớm.

Triệu chứng

Ngứa dữ dội là triệu chứng chính của ứ mật thai kỳ. Hầu hết phụ nữ đều cảm thấy ngứa ở lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân nhưng nhiều người còn cảm thấy ngứa toàn thân. Cảm giác ngứa thường dữ dội nhất vào ban đêm và có thể gây khó chịu đến mức không ngủ nổi.

Triệu chứng này xảy ra chủ yếu trong ba tháng cuối của thai kỳ nhưng đôi khi bắt đầu sớm hơn và càng gần đến ngày sinh thì càng nặng. Sau khi sinh, tình trạng ngứa thường biến mất trong vòng vài ngày.

Các triệu chứng khác của chứng ứ mật thai kỳ còn có:

  • Vàng da và tròng trắng mắt
  • Buồn nôn
  • Ăn không ngon miệng
  • Nước tiểu sậm màu
  • Phân bạc màu

Khi nào cần đi khám?

Đi khám ngay lập tức nếu bắt đầu cảm thấy ngứa dữ dội hoặc cảm giác ngứa kéo dài dai dẳng không đỡ khi mang thai.

Nguyên nhân

Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác gây chứng ứ mật thai kỳ nhưng có thể là do gen. Đôi khi, tình trạng này di truyền qua các thế hệ trong gia đình. Một số biến dị di truyền đã được xác định là có liên quan đến ứ mật thai kỳ.

Ngoài ra, nguyên nhân cũng có thể là do các hormone được sản sinh ra trong thời gian mang thai. Càng gần đến ngày dự sinh thì nồng độ các hormone này càng tăng lên. Điều này có thể làm chậm dòng chảy bình thường của dịch mật – chất dịch được tạo ra trong gan để giúp hệ tiêu hóa phân hủy chất béo trong đồ ăn. Thay vì rời khỏi gan, sự thay đổi nồng độ hormone khiến cho dịch mật ứ lại trong cơ quan này. Kết quả là muối mật đi vào máu và gây ngứa ngáy.

Các yếu tố nguy cơ

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng ứ mật thai kỳ gồm có:

  • Tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị ứ mật thai kỳ
  • Tiền sử tổn thương hoặc bệnh gan
  • Mang đa thai
  • Khoảng 60 đến 70% phụ nữ bị ứ mật thai kỳ tái phát. Trong những trường hợp nghiêm trọng, nguy cơ tái phát có thể lên tới 90%.

Biến chứng

Các biến chứng của ứ mật thai kỳ có thể xảy ra ở mẹ hoặc thai nhi hoặc cả hai.

Ở người mẹ, tình trạng này có thể tạm thời ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ chất béo của cơ thể. Sự hấp thụ chất béo kém sẽ làm giảm nồng độ các yếu tố phụ thuộc vitamin K – các chất tham gia vào quá trình đông máu. Tuy nhiên, biến chứng này rất hiếm gặp và nguy cơ xảy ra các vấn đề về gan trong tương lai cũng không cao.

Ứ mật thai kỳ có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh, ví dụ như:

  • Sinh non
  • Các vấn đề ở phổi do hít phải phân su - chất nhầy màu xanh đen tích tụ trong ruột của thai nhi nhưng có thể đi vào nước ối nếu mẹ bị ứ mật
  • Thai chết lưu

Vì các biến chứng này đều rất nguy hiểm cho thai nhi nên thường sẽ phải kích thích chuyển dạ trước ngày dự sinh.

Phòng ngừa

Không có cách nào có thể ngăn ngừa được ứ mật thai kỳ.

Biện pháp chẩn đoán

Để chẩn đoán ứ mật thai kỳ, bác sĩ sẽ:

  • Lấy thông tin về các triệu chứng và bệnh sử
  • Khám lâm sàng
  • Làm xét nghiệm máu để kiểm tra chức năng gan và đo nồng độ muối mật trong máu

Điều trị

Mục đích của việc điều trị chứng ứ mật thai kỳ là để giảm ngứa và ngăn ngừa các biến chứng ở trẻ.

  • Giảm ngứa
  • Các biện pháp để làm dịu cảm giác ngứa ngáy dữ dội:
  • Dùng ursodiol – loại thuốc có tác dụng giảm lượng dịch mật trong máu.
  • Dùng các loại thuốc trị ngứa khác
  • Ngâm vùng bị ngứa trong nước mát hoặc nước ấm.

Tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu dùng bất kỳ loại thuốc nào.

Theo dõi sức khỏe thai nhi

Ứ mật thai kỳ có thể gây ra các biến chứng cho thai nhi nên cần phải theo dõi sát sao trong suốt thời gian mang thai bằng các biện pháp như:

  • Xét nghiệm Non-stress (NST): kiểm tra nhịp tim của thai nhi và mức độ tăng nhịp tim khi cử động.
  • Trắc đồ sinh vật lý (BPP): giúp theo dõi tình trạng sức khỏe của thai nhi. Phương pháp này cung cấp thông tin về chuyển động, trương lực cơ, nhịp thở và lượng nước ối. Tuy nhiên, BPP không thể dự đoán nguy cơ sinh non hoặc các biến chứng khác liên quan đến ứ mật thai kỳ.

Tuy nhiên, ngay cả khi các biện pháp kiểm tra này cho kết quả bình thường thì bác sĩ vẫn sẽ chỉ định kích thích chuyển dạ trước ngày dự sinh để tránh nguy cơ thai chết lưu.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Sảy thai: Những điều cần biết

Sảy thai có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân nhưng đa phần là do thai nhi không phát triển bình thường chứ không phải do lỗi của người mẹ.

Mang thai ngoài tử cung

Thai ngoài tử cung không thể tồn tại và phát triển bình thường cho đến ngày sinh. Nếu không can thiệp xử lý kịp thời, túi thai sẽ bị vỡ và gây chảy máu nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng của người mẹ.

Tiểu đường thai kỳ

Nếu không được điều trị, tiểu đường thai kỳ có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng nhưng mẹ bầu có thể kiểm soát tình trạng bệnh bằng cách ăn các loại thực phẩm lành mạnh, tập thể dục đều đặn và dùng thuốc nếu cần.

Các câu hỏi thường gặp về tiêm chủng khi mang thai

Ở những phụ nữ đang mang thai hoặc dự định mang thai, các loại vắc-xin cụ thể cần tiêm sẽ phụ thuộc vào độ tuổi, lối sống, tình trạng sức khỏe và những lần tiêm phòng trước đó.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây