Tràn dịch màng tim

Tràn dịch màng ngoài tim có thể xảy ra do viêm màng ngoài tim sau khi bị bệnh hoặc chấn thương. Đôi khi, tràn dịch màng ngoài tim là do bệnh ung thư gây ra. Tình trạng nghẽn ứ dịch màng tim hoặc tụ máu trong màng ngoài tim cũng có thể dẫn đến tràn dịch màng ngoài tim.

Tràn dịch màng tim là gì?

Tràn dịch màng ngoài tim (pericardial effusion) là tình trạng tích tụ quá nhiều chất lỏng trong lớp màng gồm có hai lớp, có cấu trúc như túi rỗng bao xung quanh tim (màng ngoài tim).

Khoảng trống giữa các lớp của màng ngoài tim thường chứa một lớp chất lỏng mỏng. Nhưng nếu màng ngoài tim bị tổn thương, phản ứng viêm sẽ làm tăng lượng chất lỏng tích tụ. Tình trạng tăng lượng chất lỏng xung quanh tim cũng có thể xảy ra ngay cả khi không bị viêm, chẳng hạn như do chảy máu. Nguyên nhân gây chảy máu có thể là do bệnh ung thư hoặc chấn thương vùng ngực.

Tràn dịch màng ngoài tim gây áp lực lên tim và ảnh hưởng đến hoạt động của tim. Nếu không được điều trị, tràn dịch màng ngoài tim có thể dẫn đến suy tim hoặc thậm chí tử vong.

Triệu chứng tràn dịch màng tim

Trong một số trường hợp, tràn dịch màng ngoài tim không gây ra bất kỳ triệu chứng rõ rệt nào, đặc biệt là khi lượng dịch tăng chậm.

Nhưng nếu có thì các dấu hiệu và triệu chứng của tràn dịch màng ngoài tim thường là:

  • Khó thở hoặc hụt hơi
  • Khó thở khi nằm
  • Khó chịu khi hít thở trong lúc nằm, đỡ hơn khi ngồi dậy
  • Đau ngực, thường đau ở sau xương ức hoặc ở ngực trái
  • Lâng lâng, chóng mặt
  • Mệt mỏi, không có sức lực
  • Sốt nhẹ
  • Tim đập nhanh
  • Lo âu, hồi hộp
  • Chướng bụng và phù nề ở chân

Gọi cấp cứu hoặc nhờ người xung quanh đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất nếu tình trạng đau ngực kéo dài không đỡ, khó thở hoặc đau khi hít thở.

Nguyên nhân gây tràn dịch màng tim

Tràn dịch màng ngoài tim có thể xảy ra do viêm màng ngoài tim sau khi bị bệnh hoặc chấn thương. Đôi khi, tràn dịch màng ngoài tim là do bệnh ung thư gây ra. Tình trạng nghẽn ứ dịch màng tim hoặc tụ máu trong màng ngoài tim cũng có thể dẫn đến tràn dịch màng ngoài tim.

Đôi khi không xác định được nguyên nhân gây tràn dịch màng ngoài tim (viêm màng ngoài tim vô căn).

Một số nguyên nhân phổ biến gây tràn dịch màng ngoài tim gồm có:

  • Các bệnh tự miễn, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp hoặc lupus ban đỏ hệ thống
  • Ung thư tim hoặc màng ngoài tim
  • Ung thư di căn, đặc biệt là ung thư phổi, ung thư vú hoặc ung thư hạch Hodgkin
  • Xạ trị điều trị ung thư nếu tim nằm trong vùng xạ trị
  • Chấn thương ngực
  • Viêm màng ngoài tim sau nhồi máu cơ tim hoặc sau phẫu thuật tim hoặc khi thực hiện thủ thuật gây tổn thương niêm mạc tim
  • Suy giáp (tuyến giáp hoạt động kém)
  • Sử dụng một số loại thuốc hoặc tiếp xúc với chất độc hại
  • Nhiễm virus, vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng
  • Tích tụ chất thải trong máu do suy thận

Biến chứng của tràn dịch màng tim

Một biến chứng của tràn dịch màng ngoài tim là chèn ép tim (cardiac tamponade). Đây là tình trạng là lượng dịch thừa trong màng ngoài tim gây áp lực lên tim. Điều này khiến cho các buồng tim không được lấp đầy máu.

Chèn ép tim dẫn đến lưu thông máu kém và cơ thể không được cung cấp đủ oxy. Chèn ép tim có thể đe dọa đến tính mạng và cần phải can thiệp điều trị khẩn cấp.

Chẩn đoán tràn dịch màng tim

Để chẩn đoán tràn dịch màng ngoài tim, bác sĩ trước tiên sẽ khám lâm sàng, đồng thời hỏi về các triệu chứng và bệnh sử. Bác sĩ sẽ nghe tim bằng ống nghe và nếu nghi ngờ tràn dịch màng ngoài tim thì sẽ phải thực hiện các biện pháp chẩn đoán dưới đây để xác định nguyên nhân:

  • Siêu âm tim: Sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh chuyển động của tim. Siêu âm tim giúp đánh giá khả năng bơm máu của tim và các buồng tim. Phương pháp này còn cho biết lượng chất lỏng giữa hai lớp của màng ngoài tim và giúp phát hiện chức năng tim giảm do phải chịu áp lực (chèn ép tim).
  • Điện tâm đồ (ECG hay EKG): Đây là một kỹ thuật không xâm lấn đo hoạt động điện của tim. Các điện cực được đặt trên ngực và đôi khi đặt ở cánh tay và chân của người bệnh. Điện cực được nối với máy tính, nơi hiển thị kết quả đo. Dựa trên kết quả điện tâm đồ, bác sĩ có thể phát hiện chèn ép tim.
  • Chụp X-quang lồng ngực: Cho phép kiểm tra kích thước và hình dạng của tim. Chụp X-quang lồng ngực giúp phát hiện tim to – một dấu hiệu cho thấy có một lượng dịch lớn tích tụ ở màng ngoài tim.

Đôi khi, tràn dịch màng ngoài tim được phát hiện trong quá trình chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) để chẩn đoán những bệnh khác.

Điều trị tràn dịch màng tim

Việc điều trị tràn dịch màng ngoài tim phụ thuộc vào:

  • Lượng chất lỏng tích tụ
  • Nguyên nhân gây tràn dịch màng tim
  • Có bị chèn ép tim hay nguy cơ chèn ép tim hay không

Điều trị bằng thuốc

Đối với những trường hợp không bị chèn ép tim hoặc không có nguy cơ chèn ép tim ngay lập tức, bác sĩ thường sẽ kê một trong các loại thuốc sau để điều trị viêm màng ngoài tim:

  • Aspirin
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như ibuprofen
  • Colchicine
  • Corticoid, chẳng hạn như prednisone

Điều trị bằng các thủ thuật và phẫu thuật

Bác sĩ sẽ chỉ định các thủ thuật để dẫn lưu tràn dịch màng ngoài tim hoặc ngăn ngừa tích tụ dịch trở lại trong những trường hợp:

  • Đã điều trị bằng thuốc nhưng không hiệu quả
  • Tràn dịch nghiêm trọng, gây ra triệu chứng và có nguy cơ chèn ép tim cao
  • Chèn ép tim

Các thủ thuật hoặc phẫu thuật để điều trị tràn dịch màng ngoài tim gồm có:

  • Dẫn lưu dịch (chọc hút dịch màng ngoài tim): Bác sĩ chọc một cây kim vào khoang màng ngoài tim và sau đó đưa ống thông vào để dẫn lưu dịch ra ngoài. Các thao tác được thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm tim. Thông thường, ống thông được giữ nguyên trong vài ngày để dẫn hết dịch trong khoang màng ngoài tim và ngăn dịch tiếp tục tích tụ. Khi toàn bộ dịch đã được dẫn lưu hết và không còn nguy cơ tích tụ dịch, ống thông sẽ được lấy ra ngoài.
  • Phẫu thuật tim hở: Nếu có tình trạng chảy máu vào màng ngoài tim, đặc biệt là do phẫu thuật tim hoặc các yếu tố phức tạp khác, người bệnh sẽ phải phẫu thuật tim hở để dẫn lưu màng ngoài tim và phục hồi tổn thương. Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ tạo một đường dẫn để chất lỏng trong khoang màng ngoài tim chảy vào khoang bụng và tại đây, chất lỏng sẽ được hấp thụ.
  • Cắt bỏ màng ngoài tim: Nếu tình trạng tràn dịch màng tim tiếp tục xảy ra dù đã dẫn lưu thì có thể sẽ phải cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần màng ngoài tim.

Nguồn: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pericardial-effusion/symptoms-causes/syc-20353720

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Mang thai ngoài tử cung

Thai ngoài tử cung không thể tồn tại và phát triển bình thường cho đến ngày sinh. Nếu không can thiệp xử lý kịp thời, túi thai sẽ bị vỡ và gây chảy máu nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng của người mẹ.

Trào ngược dịch mật

Viêm dạ dày do trào ngược dịch mật sẽ làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.

Các câu hỏi thường gặp về tiêm chủng khi mang thai

Ở những phụ nữ đang mang thai hoặc dự định mang thai, các loại vắc-xin cụ thể cần tiêm sẽ phụ thuộc vào độ tuổi, lối sống, tình trạng sức khỏe và những lần tiêm phòng trước đó.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây