Ung thư thận

Ở giai đoạn đầu, ung thư thận thường không có dấu hiệu hay triệu chứng nhưng khi tiến triển sang các giai đoạn sau, ung thư thận có các triệu chứng như tiểu ra máu, đau âm ỉ, dai dẳng ở lưng hoặc bên hông, chán ăn, sụt cân và mệt mỏi.

Ung thư thận là gì?

Ung thư thận là bệnh ung thư bắt đầu ở tế bào thận. Thận là cơ quan có hình hạt đậu, kích thước bằng nắm tay, nằm ở phía sau các cơ quan trong ổ bụng và có chức năng lọc bỏ chất thải và chất lỏng thừa ra khỏi máu. Mỗi người có hai quả thận, nằm đối xứng ở hai bên cột sống.

Ở người lớn, ung thư biểu mô tế bào thận là loại ung thư thận phổ biến nhất trong khi hầu hết các trường hợp ung thư thận ở trẻ nhỏ là u nguyên bào thận hay còn gọi là u Wilms.

Tỷ lệ mắc bệnh ung thư thận đang ngày càng gia tăng. Một trong những lý do dẫn đến điều này là bởi các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như chụp cắt lớp vi tính (CT) đang trở nên phổ biến hơn nên có nhiều ca bệnh được phát hiện hơn. Ung thư thận thường được phát hiện ở giai đoạn đầu, khi khối u còn nhỏ và khu trú trong thận.

Triệu chứng ung thư thận

Ở giai đoạn đầu, ung thư thận thường không có dấu hiệu hay triệu chứng nhưng khi tiến triển sang các giai đoạn sau, ung thư thận có các triệu chứng như:

  • Tiểu ra máu, khiến cho nước tiểu có màu hồng, đỏ hoặc nâu nhạt
  • Đau âm ỉ, dai dẳng ở lưng hoặc bên hông
  • Ăn không ngon miệng
  • Sụt cân
  • Mệt mỏi
  • Sốt

Nguyên nhân gây ung thư thận

Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra hầu hết các loại ung thư thận.

Tuy nhiên, ung thư thận bắt đầu khi DNA của một số tế bào trong thận có sự thay đổi (đột biến). DNA chứa các thông tin chỉ dẫn hoạt động của tế bào. Những tế bào đột biến phát triển và phân chia nhanh chóng. Chúng tích tụ lại và tạo thành khối u. Khối u dần dần tăng kích thước, có thể vượt ra ngoài thận và sau một thời gian, các tế bào bất thường tách ra khỏi khối u và di chuyển đến các bộ phận ở xa trong cơ thể (di căn).

Những ai có nguy cơ ung thư thận?

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ ung thư thận gồm có:

  • Lớn tuổi: Nguy cơ ung thư thận tăng lên khi có tuổi.
  • Hút thuốc lá: Những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh ung thư thận cao hơn những người không hút. Nguy cơ sẽ giảm đi sau khi bỏ thuốc.
  • Béo phì: Người béo phì có nguy cơ ung thư thận cao hơn người có cân nặng bình thường.
  • Cao huyết áp: Cao huyết áp làm tăng nguy cơ ung thư thận.
  • Điều trị suy thận: Những bệnh nhân phải lọc máu lâu dài để điều trị suy thận mãn tính có nguy cơ mắc ung thư thận cao hơn.
  • Rối loạn di truyền: Một số rối loạn di truyền có thể làm tăng nguy cơ ung thư thận, chẳng hạn như bệnh von Hippel-Lindau, hội chứng Birt-Hogg-Dube, bệnh xơ cứng củ, ung thư biểu mô thận nhú di truyền hoặc ung thư thận có tính chất gia đình.
  • Tiền sử gia đình bị ung thư thận: Nguy cơ ung thư thận sẽ cao hơn nếu có người thân trong gia đình từng mắc bệnh.

Phòng ngừa ung thư thận

Không có cách nào có thể ngăn ngừa hoàn toàn ung thư thận nhưng duy trì sức khỏe tốt có thể giúp làm giảm nguy cơ ung thư:

  • Bỏ thuốc lá: nếu hút thuốc thì hãy bỏ càng sớm càng tốt. Hút thuốc không chỉ làm tăng nguy cơ ung thư thận mà còn góp phần dẫn đến nhiều bệnh tật khác.
  • Duy trì cân nặng hợp lý: Nếu đã có cân nặng hợp lý thì hãy cố gắng duy trì. Còn nếu bị thừa cân hoặc béo phì thì cần giảm lượng calo nạp vào mỗi ngày và kết hợp tập thể dục đều đặn để giảm cân. Tuy nhiên, không nên giảm cân quá nhanh để tránh gây hại cho sức khỏe.
  • Kiểm soát huyết áp: Nếu bị cao huyết áp thì phải có các biện pháp hạ và ổn định huyết áp, chẳng hạn như dùng thuốc, tập thể dục, giảm cân nếu thừa cân và điều chỉnh chế độ ăn uống.

Chẩn đoán ung thư thận

Các biện pháp chẩn đoán

Các xét nghiệm và thủ thuật để chẩn đoán ung thư thận gồm có:

  • Xét nghiệm máu và nước tiểu: Kết quả xét nghiệm giúp tìm ra nguyên nhân gây ra các triệu chứng.
  • Các chẩn đoán hình ảnh: Các biện pháp chẩn đoán hình ảnh giúp phát hiện khối u hoặc các vấn đề bất thường khác ở thận. Các biện pháp này gồm có siêu âm, X-quang, chụp CT hoặc cộng hưởng từ (MRI).
  • Sinh thiết: Một mẫu mô nhỏ được lấy từ vùng đáng ngờ ở thận và sau đó được phân tích để tìm các dấu hiệu của ung thư. Không phải trường hợp nào cũng cần phải sinh thiết.

Xác định giai đoạn ung thư thận

Sau khi bác sĩ đã xác nhận chẩn đoán ung thư thận, bước tiếp theo là xác định giai đoạn bệnh. Các biện pháp thường được sử dụng để xác định giai đoạn ung thư thận là chụp CT hoặc các chẩn đoán hình ảnh khác.

Ung thư thận gồm có 4 giai đoạn, được biểu thị bằng các chữ số La Mã từ I đến IV. Ở các giai đoạn đầu, ung thư mới chỉ giới hạn ở thận. Khi sang đến giai đoạn IV hay giai đoạn cuối, ung thư đã di căn đến hạch bạch huyết hoặc đến các khu vực khác trong cơ thể.

Điều trị ung thư thận

Bước đầu tiên để điều trị ung thư thận thường là phẫu thuật loại bỏ khối u. Đối với các trường hợp ung thư giai đoạn đầu khi ung thư mới chỉ giới hạn ở thận, người bệnh có thể không cần phải điều trị thêm bằng các phương pháp khác. Nhưng nếu ung thư đã lan ra ngoài thận thì bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị bổ sung ngoài phẫu thuật.

Bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể về phác đồ điều trị ung thư dựa trên một số yếu tố như tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh, loại ung thư thận mắc phải, mức độ lan rộng của ung thư và lựa chọn của người bệnh.

Phẫu thuật

Trong hầu hết các trường hợp ung thư thận, phẫu thuật là phương pháp điều trị đầu tiên. Mục tiêu của phẫu thuật là loại bỏ tế bào ung thư trong khi bảo tồn chức năng thận bình thường nếu có thể. Các phương pháp phẫu thuật để điều trị ung thư thận gồm có:

  • Phẫu thuật cắt toàn bộ thận: Ca phẫu thuật cắt bỏ cả hai quả thận, mô lành xung quanh và đôi khi là cả các mô lân cận như hạch bạch huyết, tuyến thượng thận hoặc các cấu trúc khác.
  • Ca phẫu thuật cắt thận có thể được thực hiện qua một đường rạch dài duy nhất ở bụng hoặc hai bên hông (mổ mở) hoặc qua nhiều đường rạch nhỏ ở bụng (cắt thận nội soi hay nội soi có sự hỗ trợ của robot).
  • Loại bỏ khối u thận (cắt thận bán phần): Trong ca phẫu thuật, bác sĩ cắt bỏ khối u và vùng mô khỏe mạnh xung quanh. Ca phẫu thuật cắt thận bán phần có thể được thực hiện bằng kỹ thuật mổ mở, mổ nội soi thông thường hoặc mổ nội soi có sự hỗ trợ của robot.
    Phẫu thuật cắt thận bán phần là một phương pháp điều trị phổ biến cho những trường hợp có khối u thận nhỏ và người bệnh chỉ còn một quả thận. Nếu có thể, bác sĩ sẽ chỉ định cắt thận bán phần thay vì cắt toàn bộ thận để bảo tồn chức năng thận và giảm nguy cơ biến chứng sau này, chẳng hạn như bệnh thận và phải lọc máu suốt đời.

Ca phẫu thuật cần thực hiện sẽ tùy thuộc vào loại và giai đoạn ung thư, cũng như là tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh.

Các phương pháp điều trị không phẫu thuật

Nếu khối u thận nhỏ thì có thể điều trị bằng các phương pháp không phẫu thuật, chẳng hạn như áp lạnh hay phá hủy khối u bằng nhiệt. Các phương pháp này phù hợp với một số trường hợp nhất định, chẳng hạn như những trường hợp có rủi ro cao nếu làm phẫu thuật do còn đang mắc các bệnh lý khác.

Các phương pháp điều trị ung thư thận không phẫu thuật gồm có:

  • Áp lạnh: Đây là phương pháp tiêu diệt tế bào ung thư bằng khí lạnh. Trong quá trình áp lạnh, một cây kim dài, rỗng (que tỏa lạnh) được đưa qua da vào khối u thận dưới hướng dẫn của siêu âm hoặc các biện pháp chẩn đoán hình ảnh khác. Khí lạnh trong kim làm đông lạnh các tế bào ung thư và khiến cho các tế bào chết đi.
  • Đốt sóng cao tần: Là phương pháp phá hủy khối u bằng nhiệt. Trong quá trình điều trị, một đầu dò đặc biệt được đưa qua da vào khối u thận dưới sự hướng dẫn của siêu âm hoặc các biện pháp chẩn đoán hình ảnh khác. Dòng điện chạy qua kim đi vào các tế bào ung thư, làm cho các tế bào nóng lên và bị tiêu diệt.

Điều trị ung thư thận giai đoạn cuối và ung thư tái phát

Ung thư thận tái phát sau điều trị và ung thư thận di căn sang các bộ phận khác của cơ thể đa phần không còn khả năng chữa khỏi. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị có thể giúp kiểm soát ung thư, giảm các triệu chứng bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Các phương pháp điều trị trong những trường hợp này gồm có:

  • Phẫu thuật để loại bỏ tế bào ung thư: Nếu không thể loại bỏ hoàn toàn khối u, bác sĩ sẽ phẫu thuật loại bỏ tế bào ung thư một cách tối đa. Ca phẫu thuật cũng có thể được thực hiện để loại bỏ tế bào ung thư đã di căn đến một khu vực khác trong cơ thể.
  • Liệu pháp nhắm trúng đích: Sử dụng các loại thuốc nhắm đến các điểm yếu hay bất thường trong các tế bào ung thư. Bằng cách ngăn chặn những bất thường này, liệu pháp nhắm trúng đích sẽ khiến cho tế bào ung thư chết đi. Có thể sẽ cần làm xét nghiệm tế bào ung thư để xác định loại thuốc nhắm trúng đích hiệu quả nhất.
  • Liệu pháp miễn dịch: Phương pháp này giúp tăng cường khả năng chống lại ung thư của chính hệ miễn dịch. Hệ miễn dịch vốn có chức năng chống lại bệnh tật nhưng lại không thể tấn công tế bào ung thư bởi các tế bào ung thư có khả năng sản xuất ra loại protein giúp chúng không bị phát hiện bởi các tế bào miễn dịch. Liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư bằng cách can thiệp vào quá trình này.
  • Xạ trị: Sử dụng chùm tia năng lượng cao như tia X và proton để tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị đôi khi được sử dụng để kiểm soát hoặc làm giảm các triệu chứng trong những trường hợp ung thư thận đã di căn đến các vùng khác của cơ thể, chẳng hạn như xương và não.
  • Thử nghiệm lâm sàng: Thử nghiệm lâm sàng là những nghiên cứu được thực hiện để đánh giá hiệu quả và tính an toàn của một loại thuốc hay thủ thuật can thiệp mới hoặc để tìm ra những cách mới để ngăn ngừa và phát hiện bệnh. Thử nghiệm lâm sàng mang lại cơ hội được thử các phương pháp điều trị mới cho những người đang mắc các bệnh hiểm nghèo như ung thư. Trước khi tiến hành thử nghiệm, người tham gia sẽ được trao đổi kỹ về những lợi ích cũng như là rủi ro.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

U thần kinh nội tiết tuyến tụy

Việc điều trị u thần kinh nội tiết tuyến tụy sẽ tùy thuộc vào loại tế bào nơi ung thư bắt đầu phát sinh, mức độ lan rộng và đặc điểm của bệnh ung thư cũng như là tình trạng sức khỏe của người bệnh.

Viêm da thần kinh

Viêm da thần kinh không nguy hiểm và không lây. Tuy nhiên, người bệnh có thể bị ngứa dữ dội hoặc tái phát thường xuyên, điều này làm gián đoạn giấc ngủ, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày và làm giảm chất lượng cuộc sống.

Bệnh zona thần kinh

Zona thần kinh không phải là một bệnh gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể khiến cho người bệnh rất đau đớn. Tiêm vắc xin là biện pháp tốt nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh này.

Suy thận cấp tính

Suy thận cấp có thể gây tử vong và cần phải điều trị tích cực. Tuy nhiên, nếu điều trị kịp thời, chức năng thận có thể hồi phục sau suy thận cấp. Ở những người có sức khỏe tốt, chức năng thận có thể trở lại bình thường hoặc gần như bình thường.

Bệnh thận đa nang

Bệnh thận đa nang (polycystic kidney disease) là một bệnh lý di truyền có đặc trưng là hình thành nhiều nang chứa dịch bên trong thận.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây