Ung thư tuyến tụy
Ung thư tuyến tụy là gì?
Ung thư tuyến tụy là bệnh ung thư bắt đầu phát sinh trong mô của tuyến tụy - một cơ quan trong ổ bụng nằm phía sau phần dưới của dạ dày. Tuyến tụy có chức năng tiết ra các enzym hỗ trợ tiêu hóa và sản xuất các hormone giúp kiểm soát lượng đường trong máu.
Có một số loại khối u có thể hình thành trong tuyến tụy, gồm có khối u ác tính (ung thư) và u lành tính (không phải ung thư). Loại ung thư phổ biến nhất xảy ra trong tuyến tụy là ung thư biểu mô tuyến tụy, bắt đầu từ các tế bào ở bề mặt trong của ống dẫn enzyme tiêu hóa ra khỏi tuyến tụy.
Ung thư tụy hiếm khi được phát hiện ở giai đoạn đầu vì bệnh này thường không biểu hiện triệu chứng cho đến khi tế bào ung thư đã lây lan sang các cơ quan khác của cơ thể (di căn).
Phác đồ điều trị ung thư tuyến tụy phụ thuộc vào mức độ lan rộng của ung thư. Các phương pháp điều trị gồm có phẫu thuật, hóa trị, xạ trị hoặc kết hợp các phương pháp này.
Dấu hiệu, triệu chứng
Các dấu hiệu, triệu chứng của ung thư tụy thường bắt đầu xuất hiện khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng, gồm có:
- Đau ở bụng trên và dần lan ra sau lưng
- Buồn nôn và nôn
- Chán ăn, sụt cân
- Vàng da và tròng trắng mắt
- Phân nhạt màu, nặng mùi
- Nước tiểu sẫm màu (cam hoặc nâu)
- Ngứa ngáy
- Mới bị bệnh tiểu đường hoặc tình trạng bệnh hiện tại trở nên khó kiểm soát hơn
- Hình thành cục máu đông
- Mệt mỏi, suy nhược
Khi nào cần đi khám?
Hãy đi khám bác sĩ khi gặp bất kỳ biểu hiện bất thường nào. Nhiều vấn đề sức khỏe khác cũng gây ra các triệu chứng tương tự nên cần xác định chính xác nguyên nhân để điều trị đúng bệnh.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gốc rễ gây ra ung thư tuyến tụy cũng như là các bệnh ung thư khác hiện vẫn chưa được xác định rõ nhưng các nhà nghiên cứu đã xác định được một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư này, gồm có hút thuốc lá và có một số đột biến gen di truyền.
Hiểu về tuyến tụy
Tuyến tụy là cơ quan dài khoảng 15 cm nằm ở phía sau phần dưới của dạ dày. Cơ quan này tiết ra các hormone, gồm có cả insulin, để giúp cơ thể xử lý đường trong thực phẩm. Tuyến tụy còn tạo ra dịch tiêu hóa để giúp cơ thể phân hủy thức ăn và hấp thụ chất dinh dưỡng.
Ung thư tuyến tụy hình thành như thế nào?
Ung thư tụy xảy ra khi DNA của các tế bào trong tuyến tụy có những thay đổi (đột biến). DNA có vai trò chỉ đạo hoạt động của tế bào. Những đột biến này khiến cho các tế bào phát triển mất kiểm soát và tiếp tục sống thay vì chết đi theo chu kỳ tự nhiên giống như các tế bào bình thường. Những tế bào bất thường này tích tụ lại và hình thành nên khối u. Khi không được điều trị, các tế bào ung thư tuyến tụy sẽ lây lan đến các cơ quan, mạch máu lân cận và đến các bộ phận ở xa của cơ thể.
Hầu hết các trường hợp ung thư tụy đều bắt đầu trong các tế bào ở bề mặt trong ống dẫn của tuyến tụy. Loại ung thư này được gọi là ung thư biểu mô tuyến tụy hay ung thư tụy ngoại tiết. Trong một số trường hợp, ung thư phát sinh từ các tế bào sản xuất hormone hay các tế bào thần kinh nội tiết của tuyến tụy. Loại ung thư này được gọi là u thần kinh nội tiết tuyến tụy, u tế bào tiểu đảo hoặc ung thư nội tiết tuyến tụy.
Các yếu tố nguy cơ
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tụy gồm có:
- Hút thuốc lá
- Mắc bệnh tiểu đường
- Viêm tụy mạn tính
- Tiền sử gia đình bị các hội chứng di truyền làm tăng nguy cơ ung thư, ví dụ như mang đột biến gen BRCA2, hội chứng Lynch và hội chứng u hắc tố ác tính đa nhân không điển hình có tính gia đình (familial atypical multiple mole melanoma syndrome – FAMMM)
- Tiền sử gia đình bị ung thư tuyến tụy
- Béo phì
- Lớn tuổi, hầu hết các trường hợp ung thư tụy được chẩn đoán sau 65 tuổi
Một nghiên cứu lớn đã chứng minh rằng sự kết hợp của hút thuốc lá, bệnh tiểu đường lâu năm và chế độ ăn uống không lành mạnh sẽ làm cho nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy tăng lên cao hơn nhiều so với bất kỳ yếu tố nguy cơ đơn lẻ nào kể trên.
Biện pháp chẩn đoán
Nếu nghi ngờ ung thư tụy, bác sĩ sẽ thực hiện các biện pháp chẩn đoán sau:
- Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh: các phương pháp này giúp quan sát các cơ quan nội tạng, gồm có cả tuyến tụy. Các phương pháp được sử dụng để chẩn đoán ung thư tụy gồm có siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (chụp CT), chụp cộng hưởng từ (MRI) và đôi khi là cả chụp cắt lớp phát xạ positron (PET).
- Siêu âm nội soi (EUS): sử dụng thiết bị siêu âm được đưa qua ống nội soi xuống thực quản và vào dạ dày để thu hình ảnh tuyến tụy từ bên trong ổ bụng.
- Sinh thiết: lấy một mẫu mô nhỏ để phân tích dưới kính hiển vi. Thông thường, mẫu mô được lấy trong quá trình siêu âm nội soi bằng cách đưa kim sinh thiết hoặc dụng cụ chuyên dụng qua ống nội soi. Đôi khi, mẫu mô được lấy từ tuyến tụy bằng cách đưa kim sinh thiết qua da vào tuyến tụy (chọc hút tế bào bằng kim nhỏ).
- Xét nghiệm máu: nhằm tìm sự hiện diện các loại protein do tế bào ung thư tuyến tụy tiết ra (chất chỉ điểm ung thư). Một phương pháp xét nghiệm chất chỉ điểm ung thư được sử dụng trong các trường hợp ung thư tuyến tụy là xét nghiệm CA19-9. Phương pháp này giúp đánh giá đáp ứng điều trị. Tuy nhiên, xét nghiệm CA19-9 không phải lúc nào cũng chính xác vì một số người bị ung thư tụy vẫn có nồng độ CA19-9 ở mức bình thường.
Sau khi xác nhận chẩn đoán ung thư tụy, bác sĩ sẽ xác định giai đoạn bệnh (mức độ lây lan của tế bào ung thư). Dựa trên giai đoạn ung thư mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị thích hợp nhất.
Các giai đoạn của ung thư tuyến tụy được biểu thị bằng chữ số La Mã từ 0 đến IV. Ở giai đoạn đầu, tế bào ung thư mới chỉ giới hạn trong tuyến tụy và khi sang đến giai đoạn IV, tế bào ung thư đã di căn sang các bộ phận khác của cơ thể.
Điều trị ung thư tụy
Phác đồ điều trị ung thư tuyến tụy phụ thuộc vào giai đoạn và vị trí của khối u cũng như là tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh. Ở hầu hết các trường hợp, mục tiêu đầu tiên của phác đồ điều trị là loại bỏ các tế bào ung thư. Khi điều này không còn khả thi thì việc điều trị sẽ nhằm mục đích cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh và làm chậm sự tiến triển của ung thư trong cơ thể.
Các phương pháp điều trị chính gồm có phẫu thuật, xạ trị, hóa trị hoặc kết hợp các phương pháp này. Khi ung thư đã tiến triển nặng và những phương pháp điều trị này không còn hiệu quả thì bác sĩ sẽ tập trung vào việc làm giảm các triệu chứng (chăm sóc giảm nhẹ) để giữ cho người bệnh bớt đau đớn trong thời gian dài nhất có thể.
Phẫu thuật
Quy trình phẫu thuật cần thực hiện để điều trị ung thư tuyến tụy sẽ phụ thuộc vào vị trí của khối u:
- Khối u đầu tụy: Nếu khối u nằm ở phần đầu của tuyến tụy thì có thể cắt bỏ bằng phương pháp phẫu thuật cắt khối tá tụy hay còn gọi là phẫu thuật Whipple. Đây là một quy trình phẫu thuật phức tạp về mặt kỹ thuật, trong đó cắt bỏ đi phần đầu của tuyến tụy, phần đầu của ruột non (tá tràng), túi mật, một phần của ống mật và các hạch bạch huyết lân cận. Trong một số trường hợp, một phần của dạ dày và đại tràng cũng bị cắt bỏ. Sau đó, bác sĩ sẽ nối các phần còn lại của tuyến tụy, dạ dày và ruột để có thể tiêu hóa thức ăn.
- Khối u ở thân và đuôi tụy: Nếu khối u nằm ở vị trí này thì sẽ cần tiến hành phẫu thuật cắt thân và đuôi tụy. Ngoài ra có thể phải cắt cả lá lách.
- Phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến tụy: một số trường hợp sẽ phải cắt bỏ toàn bộ tuyến tụy. Người bệnh vẫn có thể sống gần như bình thường khi không có tuyến tụy nhưng sẽ cần tiêm insulin và bổ sung enzyme tiêu hóa suốt đời.
- Khối u ảnh hưởng đến các mạch máu lân cận: nhiều trường hợp bị ung thư tụy giai đoạn cuối không thể thực hiện được phương pháp phẫu thuật Whipple hoặc các quy trình phẫu thuật khác do khối u ảnh hưởng đến các mạch máu lân cận. Trong những trường hợp này, bác sĩ có thể sẽ chỉ định cắt bỏ và tái tạo lại các mạch máu bị ảnh hưởng. Quy trình phẫu thuật cần được thực hiện bởi bác sĩ có trình độ chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm.
Mỗi ca phẫu thuật đều tiềm ẩn nguy cơ chảy máu và nhiễm trùng. Sau phẫu thuật, một số người cảm thấy buồn nôn và nôn mửa do dạ dày khó đẩy thức ăn xuống ruột non. Dù là quy trình phẫu thuật nào thì cũng đều sẽ mất khá nhiều thời gian để hồi phục. Người bệnh sẽ phải nằm viện vài ngày và sau đó tiếp tục nghỉ ngơi tại nhà trong vài tuần.
Hóa trị liệu
Hóa trị là phương pháp sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Các loại thuốc này có thể được đưa vào cơ thể qua đường tĩnh mạch hoặc qua đường miệng. Người bệnh có thể chỉ cần dùng một loại thuốc hóa trị hoặc kết hợp nhiều loại thuốc với nhau.
Hóa trị có thể được kết hợp cùng với xạ trị (hóa xạ trị đồng thời) và thường được sử dụng để điều trị cho các trường hợp ung thư chưa lan ra ngoài tuyến tụy đến các cơ quan khác. Phương pháp điều trị kết hợp này có thể được thực hiện trước khi phẫu thuật để thu nhỏ kích thước khối u, giúp cho việc loại bỏ được dễ dàng hơn và đôi khi cũng được sử dụng sau phẫu thuật để giảm nguy cơ ung thư tái phát.
Ở những người bị ung thư tụy giai đoạn cuối và ung thư đã di căn đến các bộ phận khác của cơ thể, hóa trị sẽ giúp kiểm soát sự tiến triển của ung thư, làm giảm các triệu chứng và kéo dài thời gian sống.
Xạ trị
Xạ trị là phương pháp sử dụng chùm tia phóng xạ năng lượng cao, chẳng hạn như chùm tia X và proton, để tiêu diệt các tế bào ung thư. Xạ trị có thể được thực hiện trước hoặc sau khi phẫu thuật và thường kết hợp cùng với hóa trị. Phương pháp hóa xạ trị đồng thời cũng được sử dụng cho những trường hợp không thể điều trị bằng phẫu thuật.
Có hai loại xạ trị chính là xạ trị chùm tia bên ngoài và xạ trị áp sát (xạ trị trong). Trong phương pháp xạ trị chùm tia bên ngoài, chùm tia phóng xạ được phát ra từ một thiết bị di chuyển xung quanh cơ thể và nhắm đến vị trí có khối u. Xạ trị áp sát là phương pháp đưa nguồn phòng xạ vào trong hoặc ngay bên cạnh khối u trong cơ thể.
Phương pháp xạ trị truyền thống sử dụng tia X để điều trị ung thư nhưng hiện còn có thêm hình thức xạ trị mới sử dụng chùm tia proton. Trong một số trường hợp nhất định, liệu pháp proton có thể được sử dụng để điều trị ung thư tuyến tụy và ưu điểm là có ít tác dụng phụ hơn so với xạ trị bằng tia X truyền thống.
Thử nghiệm lâm sàng
Thử nghiệm lâm sàng là quá trình nghiên cứu nhằm đánh giá các phương pháp điều trị hoặc loại thuốc mới. Nếu phương pháp điều trị đó được chứng minh là an toàn và hiệu quả hơn so với các phương pháp hiện có thì sẽ được đưa vào sử dụng.
Các thử nghiệm lâm sàng sẽ mang lại cơ hội được thử các biện pháp điều trị mới, ví dụ như thuốc nhắm trúng đích, thuốc hóa trị, liệu pháp miễn dịch hoặc vắc-xin.
Phương pháp điều trị được thử nghiệm chưa chắc sẽ chữa khỏi bệnh và còn có thể đi kèm các tác dụng phụ nghiêm trọng nhưng các quy trình thử nghiệm lâm sàng đều được giám sát chặt chẽ để đảm bảo an toàn một cách tối đa cho những người tham gia.
Chăm sóc giảm nhẹ
Chăm sóc giảm nhẹ là phương pháp giúp giảm đau đớn và các triệu chứng khác của các bệnh hiểm nghèo, ví dụ như ung thư. Quá trình chăm sóc giảm nhẹ được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế đã qua đào tạo chuyên môn. Phương pháp này nhằm mục đích cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh và gia đình của họ. Đôi khi, điều này giúp người bệnh sống lâu hơn. Chăm sóc giảm nhẹ thường được kết hợp với các phương pháp điều trị tích cực, chẳng hạn như phẫu thuật, hóa trị và xạ trị.
Biến chứng
Khi không được phát hiện và điều trị, ung thư tụy sẽ tiến triển và gây ra các biến chứng như:
- Sụt cân: một số yếu tố có thể gây sụt cân ở người bị bệnh ung thư tụy. Sụt cân có thể xảy ra do khối u làm tiêu hao năng lượng của cơ thể. Tình trạng buồn nôn và nôn mửa trong quá trình điều trị ung thư hoặc do khối u chèn ép lên dạ dày sẽ khiến người bệnh không muốn ăn uống. Ngoài ra, cơ thể cũng sẽ khó xử lý các chất dinh dưỡng trong thực phẩm vì tuyến tụy không tạo ra đủ dịch tiêu hóa.
- Vàng da: ung thư tuyến tụy làm tắc nghẽn ống mật của gan và có thể dẫn đến bệnh vàng da. Các dấu hiệu gồm có da và tròng trắng mắt chuyển sang màu vàng, nước tiểu sẫm màu và phân nhạt màu. Vàng da thường không kèm theo triệu chứng đau bụng. Trong những trường hợp này, người bệnh có thể phải đặt stent (một ống nhỏ bằng nhựa hoặc kim loại) vào bên trong ống mật để ngăn chặn tình trạng tắc nghẽn. Quy trình đặt stent đường mật được thực hiện dưới sự hướng dẫn của phương pháp nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP). Một ống nội soi được đưa qua cổ họng, xuống dạ dày và vào phần trên của ruột non. Sau đó đưa một ống thông nhỏ qua ống nội soi và bơm thuốc cản quang vào tuyến tụy và đường mật. Thuốc cản quang sẽ hiển thị trên màn hình và cho thấy hình ảnh của các ống mật.
- Đau đớn: khối u ngày càng phát triển sẽ chèn ép lên các dây thần kinh trong ổ bụng và gây đau đớn. Người bệnh sẽ cần dùng thuốc giảm đau để cảm thấy dễ chịu hơn. Các phương pháp điều trị ung thư, ví dụ như xạ trị và hóa trị, có thể làm chậm sự phát triển của khối u và giảm đau. Trong những trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định thủ thuật tiêm cồn vào các dây thần kinh kiểm soát cảm giác đau ở bụng (phong bế đám rối thân tạng). Phương pháp này sẽ ngăn các dây thần kinh gửi tín hiệu đau đến não bộ.
- Tắc ruột: khối u trong tuyến tụy sẽ chèn ép lên phần đầu của ruột non (tá tràng) và gây cản trở thức ăn đã tiêu hóa di chuyển từ dạ dày xuống ruột. Những trường hợp này có thể phải đặt stent vào ruột non để giữ cho ruột không bị tắc. Một số trường hợp sẽ phải phẫu thuật để đặt một ống dẫn thức ăn tạm thời hoặc nối dạ dày với phần ruột chưa bị tắc nghẽn bên dưới.
Phòng ngừa ung thư tụy
Không có cách nào có thể phòng ngừa hoàn toàn ung thư tụy nhưng có thể làm giảm nguy cơ bằng cách:
- Không hút thuốc lá: những người hút thuốc lá cần cố gắng cai thuốc càng sớm càng tốt. Nếu không hút thuốc thì cũng hãy cố gắng tránh xa khói thuốc.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh: nếu bạn đang ở mức cân nặng khỏe mạnh thì hãy cố gắng duy trì. Còn nếu đang bị thừa cân, béo phì thì nên giảm cân một cách từ từ, ổn định – khoảng 0.5 đến 1 kg một tuần. Kết hợp tập thể dục hàng ngày với chế độ ăn uống nhiều rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt và giảm khẩu phần ăn hàng ngày để giảm cân bền vững.
- Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh: một chế độ ăn uống đầy đủ các loại trái cây, rau củ nhiều màu sắc và ngũ cốc nguyên hạt sẽ giúp giảm nguy cơ ung thư.
- Cân nhắc gặp chuyên gia tư vấn di truyền nếu có tiền sử gia đình bị ung thư tụy. Chuyên gia sẽ đánh giá bệnh sử của các thành viên trong gia đình và tư vấn việc làm xét nghiệm di truyền để xác định nguy cơ mắc bệnh ung thư tụy cũng như là các bệnh ung thư khác.
Nguồn tham khảo
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pancreatic-cancer/symptoms-causes/syc-20355421
Bệnh cơ tuyến tử cung
Hiện khoa học vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác gây ra bệnh cơ tuyến tử cung nhưng bệnh này thường tự khỏi sau khi mãn kinh.
U nang tuyến Bartholin
U nang và áp-xe tuyến Bartholin là những vấn đề phổ biến. Việc điều trị u nang tuyến Bartholin phụ thuộc vào kích thước của u nang, mức độ nặng nhẹ của triệu chứng và có bị nhiễm trùng hay không.
Viêm tuyến giáp sau sinh
Viêm tuyến giáp sau sinh thường kéo dài vài tuần cho đến vài tháng. Tuy nhiên, vấn đề này thường khó nhận biết vì các triệu chứng bị nhầm với những thay đổi cảm xúc thường gặp sau sinh hoặc rối loạn tâm trạng sau sinh.
U thần kinh nội tiết tuyến tụy
Việc điều trị u thần kinh nội tiết tuyến tụy sẽ tùy thuộc vào loại tế bào nơi ung thư bắt đầu phát sinh, mức độ lan rộng và đặc điểm của bệnh ung thư cũng như là tình trạng sức khỏe của người bệnh.
Ung thư tuyến tiền liệt
Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới nhưng thường có thể điều trị thành công. Cần đi khám ngay khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường nghi là ung thư tuyến tiền liệt.
Ý kiến bạn đọc