Bệnh tim mạch

Có nhiều loại bệnh tim mạch và mỗi bệnh là do những nguyên nhân khác nhau gây ra. Các triệu chứng cũng không hoàn toàn giống nhau.

Bệnh tim mạch là gì?

Bệnh tim mạch là một nhóm các bệnh lý ảnh hưởng đến tim và mạch máu, gồm có:

  • Các bệnh về mạch máu, chẳng hạn như bệnh mạch vành
  • Các vấn đề về nhịp tim (rối loạn nhịp tim)
  • Dị tật tim bẩm sinh
  • Bệnh van tim
  • Bệnh cơ tim
  • Nhiễm trùng tim

Nhiều bệnh tim mạch có thể được ngăn ngừa hoặc điều trị bằng cách thực hiện lối sống lành mạnh.

Triệu chứng bệnh tim mạch

Mỗi loại bệnh tim mạch có các triệu chứng khác nhau.

Triệu chứng các bệnh về mạch máu

Chất béo có thể tích tụ trong lòng động mạch và gây ra tình trạng xơ vữa động mạch, gây tổn hại mạch máu và tim. Sự tích tụ mảng xơ vữa khiến các mạch máu bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn, điều này có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực hoặc đột quỵ.

Các triệu chứng của bệnh mạch vành ở nam giới và phụ nữ không hoàn toàn giống nhau. Ví dụ, nam giới có nguy cơ bị đau ngực cao hơn trong khi ở phụ nữ, đau ngực thường đi kèm nhiều dấu hiệu, triệu chứng khác như khó thở, buồn nôn và mệt mỏi.

Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp của bệnh mạch vành gồm có:

  • Đau, tức, cảm giác nặng nề, khó chịu ở ngực (đau thắt ngực)
  • Khó thở
  • Đau, tê, yếu hoặc lạnh ở chân hoặc tay nếu mạch máu ở những bộ phận đó bị thu hẹp
  • Đau ở cổ, hàm, họng, bụng trên hoặc lưng
  • Cảm giác tim bị bóp nghẹt

Nhiều người mắc bệnh mạch vành mà không hay biết và bệnh chỉ được phát hiện khi bị nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực, đột quỵ hoặc suy tim. Do đó, nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các bệnh tim mạch.

Triệu chứng rối loạn nhịp tim

Tim có thể đập quá nhanh, quá chậm hoặc không đều. Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp của rối loạn nhịp tim gồm có:

  • Cảm giác rõ tim đập qua lồng ngực
  • Tim đập nhanh hơn bình thường (nhịp tim nhanh)
  • Tim đập chậm hơn bình thường (nhịp tim chậm )
  • Đau tức, khó chịu ở ngực
  • Khó thở, hụt hơi
  • Cảm giác lâng lâng, chóng mặt
  • Ngất

Triệu chứng dị tật tim bẩm sinh

Dị tật tim bẩm sinh nghiêm trọng thường được phát hiện ngay sau khi sinh. Các dấu hiệu dị tật tim bẩm sinh ở trẻ em gồm có:

  • Da xám nhạt hoặc xanh tím
  • Sưng phù ở chân, bụng hoặc xung quanh mắt
  • Khó thở, thở nhanh, ngừng liên tục khi bú, bú kém, dẫn đến tăng cân kém

Dị tật tim bẩm sinh nhẹ thường được phát hiện sau khi sinh một vài năm hoặc khi trưởng thành và thường có những dấu hiệu như:

  • Hụt hơi và nhanh mệt khi hoạt động thể chất
  • Phù nề ở bàn tay, mắt cá chân hoặc bàn chân

Triệu chứng bệnh cơ tim

Ở giai đoạn đầu, bệnh cơ tim thường không có triệu chứng và khi tình trạng tiến triển nặng, người bệnh mới gặp các triệu chứng như:

  • Hụt hơi khi vận động hoặc cả khi nghỉ ngơi
  • Phù nề bàn chân, cẳng chân và mắt cá chân
  • Thường xuyên mệt mỏi, thiếu năng lượng
  • Nhịp tim bất thường, cảm thấy tim đập nhanh, mạnh trong lồng ngực
  • Chóng mặt, choáng váng và ngất

Triệu chứng nhiễm trùng tim

Viêm nội tâm mạc là bệnh nhiễm trùng xảy ra ở lớp niêm mạc bên trong buồng tim và van tim. Các dấu hiệu và triệu chứng nhiễm trùng tim gồm có:

  • Sốt
  • Khó thở
  • Suy nhược, mệt mỏi
  • Phù nề chân
  • Chướng bụng
  • Nhịp tim bất thường
  • Ho khan kéo dài dai dẳng
  • Phát ban da

Triệu chứng bệnh van tim

Tim gồm có bốn van là van động mạch chủ, van hai lá, van động mạch phổi và van ba lá. Các van này mở và đóng để điều hướng dòng máu chảy qua tim. Van tim có thể bị hỏng do nhiều nguyên nhân, dẫn đến hẹp van tim, hở van tim hoặc sa van tim.

Tùy thuộc vào van tim bị hỏng mà bệnh van tim sẽ gây ra nhiều dấu hiệu và triệu chứng khác nhau như:

  • Mệt mỏi
  • Hụt hơi
  • Nhịp tim bất thường
  • Phù bàn chân hoặc mắt cá chân
  • Tức ngực
  • Chóng mặt, choáng váng
  • Ngất

Khi nào cần đi khám?

Người bệnh cần được đưa đến bệnh viện ngay lập tức khi có triệu chứng tức ngực, khó thở, ngất xỉu hoặc các dấu hiệu khác nghi là nhồi máu cơ tim

Càng được phát hiện sớm, bệnh tim mạch càng dễ điều trị nên cần đi khám ngay khi cảm thấy có vấn đề bất thường. Những người có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch, chẳng hạn như có tiền sử gia đình bị bệnh tim cần trao đổi với bác sĩ về các biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu nguy cơ một cách tối đa.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch

Mỗi loại bệnh tim mạch là do những nguyên nhân khác nhau gây ra và để hiểu được nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch thì trước hết cần biết sơ qua về hoạt động của tim.

Tim hoạt động như thế nào?

Tim là một cơ quan đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hệ tuần hoàn, có chức năng bơm máu đi khắp cơ thể. Tim có kích thước bằng nắm tay, nằm ở vùng giữa ngực, giữa hai lá phổi và được tạo nên bởi một loại cơ đặc biệt gọi là cơ tim. Tim được chia thành bốn buồng, hai buồng bên trên là tâm nhĩ và hai buồng bên dưới là tâm thất.

Hai buồng bên phải của tim là tâm nhĩ phải và tâm thất phải có chức năng tiếp nhận và bơm máu nghèo oxy đến phổi qua các động mạch phổi.

Khi đến phổi, máu được cung cấp oxy.

Sau đó, máu giàu oxy sẽ chảy từ phổi vào tâm nhĩ trái rồi được đẩy xuống tâm thất trái.

Tâm thất trái bơm máu qua động mạch chủ (động mạch lớn nhất trong cơ thể) để cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho cơ thể.

Van tim

Bốn van tim là các van một chiều và chỉ mở khi cần để giữ cho máu chảy đúng hướng. Chỉ khi van tim có cấu tạo bình thường, mở hết cỡ và đóng chặt thì máu mới không bị chảy ngược. Bốn van tim là van ba lá (nằm giữa tâm thất phải và tâm nhĩ phải), van hai lá (nằm giữa tâm thất trái và tâm nhĩ trái), van động mạch phổi (nằm giữa tâm thất phải và động mạch phổi) và van động mạch chủ (nằm giữa tâm thất trái và động mạch chủ).

Nhịp tim

Tim co bóp và giãn ra theo một chu kỳ liên tục.

Trong giai đoạn co bóp (tâm thu), tâm thất siết chặt để đẩy máu vào các mạch máu đến phổi và cơ thể.

Trong giai đoạn giãn ra (tâm trương), máu từ tâm nhĩ trái và phải chảy vào tâm thất.

Hệ thống điện của tim

Hệ thống điện trong tim giữ cho tim đập liên tục để kiểm soát sự trao đổi máu giàu oxy với máu nghèo oxy, nhờ đó duy trì sự sống.

Các tín hiệu điện bắt đầu ở tâm nhĩ phải và đi qua các đường dẫn chuyên biệt đến tâm thất, khiến cho tâm thất co bóp để bơm máu.

Hệ thống điện giữ cho tim đập nhịp nhàng và bình thường, giúp máu lưu thông khắp cơ thể.

Nguyên nhân gây bệnh mạch vành

Sự tích tụ chất béo tạo thành mảng xơ vữa trong động mạch (xơ vữa động mạch) là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh mạch vành. Các thói quen sống không lành mạnh, chẳng hạn như chế độ ăn uống nhiều chất béo xấu, lười vận động, thừa cân và hút thuốc lá có thể dẫn đến xơ vữa động mạch.

Nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim

Các nguyên nhân phổ biến gây rối loạn nhịp tim gồm có:

  • Bệnh mạch vành
  • Bệnh tiểu đường
  • Sử dụng ma tuý
  • Nghiện rượu
  • Tiêu thụ quá nhiều caffeine
  • Dị tật tim bẩm sinh
  • Cao huyết áp
  • Hút thuốc
  • Một số loại thuốc không kê đơn, thuốc kê đơn, thực phẩm chức năng và thảo dược
  • Căng thẳng
  • Bệnh van tim

Ở những người khỏe mạnh với cấu tạo và chức năng tim bình thường, nguy cơ rối loạn nhịp tim nguy hiểm là rất thấp nếu không có các yếu tố tác động từ bên ngoài, chẳng hạn như điện giật hoặc sử dụng chất ma túy. Tuy nhiên, khi cấu tạo và chức năng tim có vấn đề, các tín hiệu điện của tim sẽ không thể bắt đầu hoặc truyền qua tim một cách bình thường và điều này có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim.

Nguyên nhân gây dị tật tim bẩm sinh

Dị tật tim bẩm sinh thường hình thành khi trẻ còn trong bụng mẹ. Những dị tật này có thể xảy ra khi tim bắt đầu hình thành, khoảng một tháng sau khi thụ thai. Dị tật làm thay đổi sự lưu thông máu trong tim. Một số bệnh lý, thuốc và gen có thể góp phần gây dị tật tim.

Dị tật tim cũng có thể xảy ra ở người lớn. Khi có tuổi, cấu trúc của tim sẽ có một số thay đổi và điều này có thể gây dị tật tim.

Nguyên nhân gây bệnh cơ tim

Có nhiều loại bệnh cơ tim và mỗi loại là do những nguyên nhân khác nhau gây nên:

  • Bệnh cơ tim giãn: Đây là loại bệnh cơ tim phổ biến nhất, trong đó tâm thất trái bị giãn ra. Chưa rõ nguyên nhân nào gây bệnh cơ tim giãn nhưng tình trạng này có thể là do giảm lưu lượng máu đến tim (thiếu máu cơ tim) do tổn thương sau nhồi máu cơ tim, nhiễm trùng, nhiễm độc tố hoặc dùng một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc điều trị ung thư. Bệnh cơ tim giãn cũng có thể là do di truyền.
  • Bệnh cơ tim phì đại: Loại bệnh cơ tim này thường là do di truyền nhưng cũng có thể là do cao huyết áp hoặc tuổi già.
  • Bệnh cơ tim hạn chế: Đây là loại bệnh cơ tim ít gặp nhất, trong đó cơ tim trở nên cứng và kém đàn hồi. Thường không xác định được nguyên nhân gây ra tình trạng này nhưng đôi khi, bệnh cơ tim hạn chế xảy ra do các bệnh lý khác, chẳng hạn như bệnh mô liên kết hoặc chứng thoái hóa tinh bột (amyloidosis).

Nguyên nhân gây nhiễm trùng tim

Các bệnh nhiễm trùng tim, chẳng hạn như viêm nội tâm mạc, xảy ra khi cơ tim bị nhiễm vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng.

Nguyên nhân gây bệnh van tim

Các bệnh về van tim có thể là do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Bệnh van tim có thể là bẩm sinh hoặc van tim bị hỏng do một số bệnh lý như:

  • Sốt thấp khớp
  • Nhiễm trùng (viêm nội tâm mạc nhiễm trùng)
  • Bệnh mô liên kết

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch:

  • Tuổi tác: Tuổi tác cao làm tăng nguy cơ tổn thương và hẹp động mạch, cơ tim suy yếu hoặc dày lên.
  • Giới tính: Nam giới thường có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn phụ nữ nhưng nguy cơ ở phụ nữ lại tăng lên sau mãn kinh.
  • Tiền sử gia đình: Tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành, đặc biệt là những người có cha mẹ mắc bệnh này ngay từ sớm (trước 55 tuổi đối với nam và trước 65 tuổi đối với nữ).
  • Hút thuốc lá: Nicotine trong thuốc lá gây co thắt mạch máu và carbon monoxide có thể làm hỏng nội mạc mạch máu, làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch. Người hút thuốc có nguy cơ nhồi máu cơ tim cao hơn so với những người không hút.
  • Chế độ ăn uống: Chế độ ăn uống nhiều chất béo, muối, đường và cholesterol có thể góp phần gây bệnh tim mạch.
  • Cao huyết áp: Tình trạng cao huyết áp không được kiểm soát tốt có thể khiến cho các động mạch dần trở nên xơ cứng và dày lên, lòng động mạch bị thu hẹp và gây cản trở lưu thông máu.
  • Nồng độ cholesterol trong máu cao: Nồng độ cholesterol trong máu cao có thể làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch.
  • Tiểu đường: Mắc bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch. Hai bệnh lý này cũng có chung nhiều yếu tố nguy cơ, chẳng hạn như béo phì và cao huyết áp.
  • Béo phì: Thừa cân hoặc béo phì sẽ làm trầm trọng thêm các yếu tố nguy cơ khác của bệnh tim mạch, chẳng hạn như tiểu đường hay cao huyết áp.
  • Lối sống ít vận động: Không tập thể dục và ngồi một chỗ quá nhiều sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và làm trầm trọng thêm một số yếu tố nguy cơ khác.
  • Căng thẳng: Căng thẳng kéo dài có thể làm hỏng động mạch và làm trầm trọng thêm các yếu tố nguy cơ khác của bệnh tim mạch.
  • Sức khỏe răng miệng kém: Sức khỏe răng miệng có liên quan chặt chẽ đến sức khỏe tim mạch. Nếu răng và nướu không khỏe mạnh, vi trùng có thể xâm nhập vào máu rồi di chuyển đến tim và gây viêm nội tâm mạc. Do đó, phải chăm sóc răng miệng cẩn thận bằng cách đánh răng hàng ngày, dùng chỉ nha khoa thường xuyên và khám nha khoa định kỳ.

Biến chứng của bệnh tim mạch

Bệnh tim mạch có thể dẫn đến các biến chứng như:

  • Suy tim: Một trong những biến chứng phổ biến nhất của bệnh tim mạch là suy tim. Suy tim là tình trạng tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Suy tim có thể là kết quả của nhiều bệnh tim mạch, gồm có dị tật tim, bệnh mạch máu, bệnh van tim, nhiễm trùng tim hoặc bệnh cơ tim.
  • Nhồi máu cơ tim: Cục máu đông chặn sự lưu thông máu qua mạch máu đến cơ tim và gây nhồi máu cơ tim, làm hỏng một phần cơ tim. Nhồi máu cơ tim có thể xảy ra do xơ vữa động mạch.
  • Đột quỵ: Các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim mạch cũng có thể gây đột quỵ do thiếu máu cục bộ - một loại đột quỵ xảy ra khi các động mạch đến não bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn, khiến cho não không được cung cấp đủ máu. Người bị đột quỵ cần được cấp cứu kịp thời vì các tế bào não sẽ chết dần chỉ trong vòng vài phút sau đột quỵ.
  • Phình động mạch: Tình trạng thành động mạch bị suy yếu, mỏng đi và phồng lên. Đây là một biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Túi phình có thể bị vỡ, gây chảy máu trong nguy hiểm đến tính mạng.
  • Bệnh động mạch ngoại biên: Bệnh lý này xảy ra khi các mạch máu ngoại biên bị tắc nghẽn, khiến cho tứ chi, thường là chân không được cung cấp đủ máu. Điều này gây ra nhiều triệu chứng mà điển hình là đau chân khi đi lại. Xơ vữa động mạch có thể dẫn đến bệnh động mạch ngoại biên.
  • Ngừng tim đột ngột: Ngừng tim đột ngột là tình trạng mất chức năng tim, nhịp thở và ý thức xảy ra đột ngột, bất ngờ, thường là do rối loạn nhịp tim. Ngừng tim đột ngột cần được cấp cứu kịp thời. Nếu không, ngừng tim đột ngột sẽ dẫn đến đột tử do tim.

Phòng ngừa bệnh tim mạch

Một số bệnh tim mạch không thể ngăn ngừa được, chẳng hạn như dị tật tim bẩm sinh. Tuy nhiên, có thể giảm nguy cơ mắc hầu hết các bệnh tim mạch không do bẩm sinh bằng cách duy trì lối sống lành mạnh, điều độ:

  • Không hút thuốc lá
  • Kiểm soát các vấn đề sức khỏe làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, chẳng hạn như cao huyết áp, cholesterol cao và bệnh tiểu đường
  • Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 – 7 ngày/tuần
  • Ăn ít muối và chất béo bão hòa
  • Duy trì cân nặng hợp lý và giảm cân nếu thừa cân
  • Hạn chế căng thẳng.
  • Vệ sinh răng miệng cẩn thận hàng ngày

Chẩn đoán bệnh tim mạch

Bác sĩ sẽ khám lâm sàng và hỏi về tiền sử bệnh cá nhân cũng như là gia đình. Các phương pháp cụ thể cần thực hiện để chẩn đoán bệnh tim mạch tùy thuộc vào các triệu chứng và loại bệnh mà bác sĩ nghi ngờ. Ngoài xét nghiệm máu và chụp X-quang lồng ngực, các phương pháp để chẩn đoán bệnh tim mạch gồm có:

  • Điện tâm đồ (ECG hoặc EKG): Đây là phương pháp chẩn đoán nhanh chóng và không xâm lấn ghi lại các tín hiệu điện trong tim. Điện tâm đồ giúp phát hiện nhịp tim bất thường. Điện tâm đồ có thể được thực hiện khi người bệnh nghỉ ngơi hoặc vận động (điện tâm đồ gắng sức).
  • Holter điện tâm đồ: Máy Holter là một thiết bị di động mà người bệnh đeo trên người, thường là trong 24 – 72 giờ liên tục để ghi lại nhịp tim. Holter điện tâm đồ được sử dụng để phát hiện các vấn đề về nhịp tim mà phương pháp điện tâm đồ tiêu chuẩn không phát hiện được.
  • Siêu âm tim: Phương pháp chẩn đoán không xâm lấn này sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh chi tiết về cấu trúc tim. Siêu âm tim giúp đánh giá nhịp đập và chức năng bơm máu của tim.
  • Nghiệm pháp gắng sức: Bác sĩ theo dõi nhịp tim khi người bệnh thực hiện một số bài tập hoặc sau khi tiêm thuốc làm tăng nhịp tim. Phương pháp này giúp đánh giá phản ứng của tim với việc hoạt động thể chất.
  • Thông tim: Bác sĩ đưa một ống ngắn (sheath) vào tĩnh mạch hoặc động mạch ở chân (bẹn) hoặc cánh tay của người bệnh, sau đó luồn một ống thông mềm vào bên trong sheath, cẩn thận đưa qua động mạch đến tim. Quá trình này được thực hiện dưới hướng dẫn của hình ảnh X-quang. Trong quá trình thông tim, bác sĩ đo áp lực trong buồng tim. Đôi khi, thuốc cản quang được bơm qua ống thông vào mạch máu. Thuốc cản quang nổi rõ trên ảnh X-quang, giúp bác sĩ quan sát dòng máu chảy qua tim, mạch máu và van tim, nhờ đó có thể phát hiện vấn đề bất thường.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT) tim: Người bệnh nằm trên bàn chụp và được đưa vào bên trong lòng máy chụp. Tia X quét qua khu vực cơ thể cần kiểm tra và tạo ra hình ảnh của tim và ngực.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) tim: Sử dụng từ trường mạnh và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh chi tiết của tim.

Điều trị bệnh tim mạch

Việc điều trị phụ thuộc vào loại bệnh tim mạch mắc phải. Nói chung, các phương pháp điều trị bệnh tim mạch phổ biến gồm có:

  • Thay đổi lối sống: Có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch bằng cách thực hiện chế độ ăn ít chất béo và ít natri (muối), tập thể dục đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày, bỏ thuốc lá và hạn chế rượu bia.
  • Điều trị bằng thuốc: Ngoài thay đổi lối sống, người bệnh có thể cần dùng các loại thuốc để kiểm soát bệnh tim mạch, chẳng hạn như thuốc chống đông máu, thuốc chẹn beta, thuốc lợi tiểu, statin, thuốc nitrat, thuốc ức chế men chuyển (ACE), thuốc ức chế thụ thể angiotensin-II (ARB), thuốc chẹn kênh canxi…
  • Thủ tục và phẫu thuật: Nếu đã dùng thuốc nhưng tình trạng bệnh không cải thiện, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng các thủ thuật hoặc phẫu thuật. Thủ thuật cần thực hiện tùy thuộc vào loại bệnh tim mạch và mức độ tổn thương tim.

Lối sống và chế độ ăn uống

Bệnh tim mạch có thể được cải thiện và ngăn ngừa bằng cách thực hiện một số thay đổi về lối sống, chẳng hạn như:

  • Bỏ thuốc lá: Hút thuốc là một yếu tố nguy cơ chính của bệnh tim mạch, đặc biệt là xơ vữa động mạch. Bỏ thuốc lá là điều cần thiết để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và các biến chứng.
  • Kiểm soát huyết áp: Nên đo huyết áp thường xuyên và dùng thuốc nếu cần thiết để duy trì huyết áp ổn định. Huyết áp tối ưu là dưới 120 mmHg đối với huyết áp tâm thu và dưới 80 mmHg đối với huyết áp tâm trương.
  • Xét nghiệm cholesterol định kỳ: Có thể bắt đầu xét nghiệm cholesterol từ độ tuổi 20 và sau đó xét nghiệm định kỳ 5 năm một lần hoặc thường xuyên hơn. Những người có tiền sử gia đình cholesterol cao nên bắt đầu xét nghiệm sớm hơn. Nếu kết quả xét nghiệm nằm ngoài phạm vi bình thường thì bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm thường xuyên hơn.
  • Nên duy trì nồng độ lipoprotein mật độ thấp (LDL) hay cholesterol xấu ở mức dưới 130 mg/dL hoặc 3,4 mmol/L. Nếu như có các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch thì nên duy trì nồng độ LDL ở mức dưới 100 mg/dL (hay 2,6 mmol/L). Đối với những người có nguy cơ mắc bệnh tim rất cao, chẳng hạn như người có tiền sử nhồi máu cơ tim hoặc mắc bệnh tiểu đường, nồng độ LDL nên được duy trì ở mức dưới 70 mg/dL (1,8 mmol/L).
  • Kiểm soát bệnh tiểu đường: Ở những người bị bệnh tiểu đường, kiểm soát tốt mức đường huyết có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
  • Tập thể dục đều đặn: Hoạt động thể chất thường xuyên giúp đạt được và duy trì cân nặng hợp lý, đồng thời kiểm soát bệnh tiểu đường, cholesterol cao và cao huyết áp - các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch. Cố gắng tập thể dục 30 – 60 phút mỗi ngày. Tuy nhiên, những người bị rối loạn nhịp tim hoặc dị tật tim nên trao đổi với bác sĩ trước khi tập thể dục.
  • Ăn thực phẩm tốt cho sức khỏe: Chế độ ăn uống gồm nhiều loại thực phẩm có lợi cho tim mạch như rau củ quả và ngũ cốc nguyên hạt, ít chất béo bão hòa, cholesterol, natri và đường có thể giúp kiểm soát cân nặng, huyết áp và cholesterol, nhờ đó giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
  • Duy trì cân nặng hợp lý: Thừa cân làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Nên duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI) dưới 25 để ngăn ngừa và điều trị bệnh tim mạch.
  • Kiểm soát căng thẳng: Căng thẳng là điều khó tránh khỏi trong cuộc sống nhưng hãy cố gắng giảm thiểu tối đa. Có nhiều cách để giảm căng thẳng, chẳng hạn như tập thể dục và tập yoga.
  • Điều trị trầm cảm: Trầm cảm có thể làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Nếu nhận thấy những dấu hiệu trầm cảm như chán nản hay tuyệt vọng, mệt mỏi không rõ nguyên nhân, mất ngủ hoặc ngủ nhiều bất thường thì hãy đi khám ngay.
  • Vệ sinh răng miệng cẩn thận: Đánh răng, dùng chỉ nha khoa hàng ngày và đi khám nha khoa định kỳ để bảo vệ sức khỏe răng miệng.

Ngoài ra, mỗi người đều nên đi khám sức khỏe định kỳ. Nhiều bệnh tim mạch không biểu hiện triệu chứng ở giai đoạn đầu. Khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện bệnh từ sớm, nhờ đó làm tăng khả năng điều trị thành công và kéo dài tuổi thọ.

Nguồn: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/heart-disease/symptoms-causes/syc-20353118

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Bệnh mạch vành

Vì bệnh mạch vành thường tiến triển âm thầm trong suốt nhiều năm nên người bệnh không nhận thấy vấn đề bất thường cho đến khi động mạch đã bị tắc nghẽn nghiêm trọng hoặc bị nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, bệnh mạch vành có thể ngăn ngừa và điều trị được.

Bệnh động mạch ngoại biên

Nguyên nhân gây bệnh động mạch ngoại biên thường là do xơ vữa động mạch. Xơ vữa động mạch là tình trạng chất béo tích tụ trên thành bên trong động mạch và gây cản trở sự lưu thông máu.

Bệnh cơ tuyến tử cung

Hiện khoa học vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác gây ra bệnh cơ tuyến tử cung nhưng bệnh này thường tự khỏi sau khi mãn kinh.

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD)

STD không phải lúc nào cũng biểu hiện triệu chứng. Vì thế nên nhiều người mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục trong suốt một thời gian dài mà không hề hay biết và tiếp tục lây sang người khác.

Bệnh viêm vùng chậu (PID)

Các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh viêm vùng chậu có thể chỉ rất nhẹ và khó nhận biết. Đôi khi, bệnh còn không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây