Hội chứng Dressler

Các triệu chứng của hội chứng Dressler có thể xuất hiện sau vài tuần đến vài tháng kể từ khi bị nhồi máu cơ tim, phẫu thuật hoặc chấn thương vùng ngực.

Hội chứng Dressler là gì?

Hội chứng Dressler là một dạng viêm màng ngoài tim. Màng ngoài tim là một cấu trúc gồm có 2 lớp, giống như một chiếc túi bao xung quanh tim. Nguyên nhân gây hội chứng Dressler được cho là do phản ứng của hệ miễn dịch sau khi mô tim hoặc màng ngoài tim bị tổn thương. Điều này có thể xảy ra sau khi bị nhồi máu cơ tim, phẫu thuật hoặc chấn thương. Các triệu chứng của hội chứng Dressler gồm có đau ngực, có thể tương tự như cơn đau ngực do nhồi máu cơ tim.

Hội chứng Dressler còn được gọi là hội chứng sau nhồi máu cơ tim, viêm màng ngoài tim sau chấn thương, hội chứng sau chấn thương tim hay hội chứng sau phẫu thuật cắt màng ngoài tim.

Triệu chứng hội chứng Dressler

Các triệu chứng của hội chứng Dressler có thể xuất hiện sau vài tuần đến vài tháng kể từ khi bị nhồi máu cơ tim, phẫu thuật hoặc chấn thương vùng ngực. Các triệu chứng thường gặp gồm có:

  • Đau ngực
  • Sốt

Khi nào cần đi khám?

Đến bệnh viện khẩn cấp nếu bị đau ngực đột ngột hoặc kéo dài dai dẳng. Đó có thể là dấu hiệu cảnh báo cơn nhồi máu cơ tim hoặc các vấn đề nghiêm trọng khác.

Nguyên nhân gây hội chứng Dressler

Theo các chuyên gia y tế, hội chứng Dressler xảy ra do phản ứng của hệ miễn dịch khi tim bị tổn thương. Khi xảy ra tổn thương mô, cơ thể sẽ gửi tế bào miễn dịch và protein (kháng thể) đến khu vực bị tổn thương để loại bỏ những tế bào bị hỏng và phục hồi mô. Tuy nhiên đôi khi phản ứng này của hệ miễn dịch lại gây viêm màng ngoài tim.

Hội chứng Dressler có thể xảy ra sau phẫu thuật hoặc các thủ thuật thực hiện trên tim.

Biến chứng của hội chứng Dressler

Phản ứng miễn dịch gây ra hội chứng Dressler cũng có thể dẫn đến tích tụ chất lỏng trong khoang màng phổi (tràn dịch màng phổi).

Mặc dù hiếm gặp nhưng hội chứng Dressler còn có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng hơn như:

  • Chèn ép tim: Viêm màng ngoài tim có thể gây tích tụ chất lỏng trong khoang màng ngoài tim (tràn dịch màng ngoài tim). Tình trạng này có thể gây áp lực lên tim, buộc tim phải làm việc nhiều hơn và giảm khả năng bơm máu hiệu quả.
  • Viêm màng ngoài tim co thắt: Tình trạng viêm tái đi tái lại hoặc mạn tính có thể khiến màng ngoài tim dày lên hoặc hình thành sẹo. Sẹo sẽ khiến cho tim không thể bơm máu hiệu quả.

Phòng ngừa hội chứng Dressler

Một số nghiên cứu cho thấy dùng thuốc chống viêm colchicine trước khi phẫu thuật tim có thể giúp giảm nguy cơ mắc hội chứng Dressler.

Chẩn đoán hội chứng Dressler

Bác sĩ sẽ khám lâm sàng, trong đó có nghe tim bằng ống nghe. Nếu nghe thấy tiếng cọ màng tim thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy màng ngoài tim bị viêm hoặc chất lỏng tích tụ xung quanh tim,

Các phương pháp để xác nhận chẩn đoán gồm có:

  • Công thức máu toàn bộ: Hầu hết những người mắc hội chứng Dressler đều có số lượng bạch cầu cao hơn bình thường.
  • Xét nghiệm máu để đánh giá tình trạng viêm: Nồng độ protein phản ứng C cao hơn bình thường và tốc độ máu lắng tăng có thể chỉ ra hội chứng Dressler.
  • Điện tâm đồ: Phương pháp không xâm lấn này ghi lại các tín hiệu điện trong tim qua các điện cực được đặt trên da. Những thay đổi bất thường về tín hiệu điện có thể là dấu hiệu cho thấy tim đang phải chịu áp lực. Tuy nhiên, kết quả điện tâm đồ có thể bất thường sau phẫu thuật tim nên bác sĩ sẽ phải kết hợp kết quả của các phương pháp kiểm tra khác để chẩn đoán hội chứng Dressler.
  • Chụp X-quang lồng ngực: Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh này giúp phát hiện sự tích tụ chất lỏng xung quanh tim hoặc phổi, ngoài ra còn giúp loại trừ các nguyên nhân khác cũng gây ra các triệu chứng tương tự, chẳng hạn như viêm phổi.
  • Siêu âm tim: Sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của tim, giúp phát hiện chất lỏng tích tụ ở khoang màng ngoài tim.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) tim: MRI tim sử dụng từ trường mạnh, sóng vô tuyến và máy tính để tạo ra hình ảnh tĩnh hoặc động của dòng máu chảy qua tim. Phương pháp này giúp phát hiện màng ngoài tim dày – một dấu hiệu của viêm màng ngoài tim.

Điều trị hội chứng Dressler

Mục đích của các phương pháp điều trị hội chứng Dressler là kiểm soát triệu chứng đau và giảm viêm. Hội chứng Dressler có thể được điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật nếu xảy ra biến chứng.

Điều trị bằng thuốc

Phương pháp chính để điều trị hội chứng Dressler là dùng thuốc để giảm viêm. Bác sĩ thường kê các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như aspirin hoặc ibuprofen và colchicine.

Nếu hội chứng Dressler xảy ra sau nhồi máu cơ tim thì người bệnh thường được kê aspirin.

Một loại thuốc khác cũng được dùng để điều trị hội chứng Dressler là indomethacin.

Nếu những loại thuốc này không hiệu quả, bác sĩ sẽ kê corticoid. Corticoid là một nhóm thuốc ức chế miễn dịch mạnh có thể làm giảm tình trạng viêm khi mắc hội chứng Dressler. Tuy nhiên, corticoid đi kèm nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng và có thể gây cản trở quá trình phục hồi mô tim bị tổn thương sau nhồi máu cơ tim hoặc phẫu thuật tim. Vì những lý do này nên corticoid thường chỉ được sử dụng khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả.

Điều trị biến chứng

Khi hội chứng Dressler gây ra biến chứng, người bệnh sẽ phải điều trị bằng các phương pháp xâm lấn như:

  • Dẫn lưu màng ngoài tim (chọc dịch màng ngoài tim) Thủ thuật này thường được thực hiện khi xảy ra chèn ép tim, trong đó bác sĩ đâm kim hoặc ống thông qua màng ngoài tim để dẫn chất lỏng tích tụ ra ngoài.
  • Cắt bỏ màng ngoài tim: Những trường hợp bị viêm màng ngoài tim co thắt có thể phải phẫu thuật cắt bỏ màng ngoài tim.

Nguồn: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/dresslers-syndrome/symptoms-causes/syc-20371811

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)

Các dấu hiệu, triệu chứng của hội chứng buồng trứng đa nang thường xuất hiện vào kỳ kinh nguyệt đầu tiên trong độ tuổi dậy thì nhưng đôi khi, các triệu chứng xuất hiện muộn hơn và chỉ biểu hiện rõ khi tăng cân đáng kể.

Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS)

Các triệu chứng tiền kinh nguyệt thường diễn ra tương đối đều đặn hàng tháng. Tuy nhiên, những thay đổi về thể chất và cảm xúc mà mỗi người gặp phải là khác nhau, với mức độ từ nhẹ cho đến dữ dội, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.

Hội chứng Mittelschmerz

Trong hầu hết các trường hợp, hội chứng Mittelschmerz sẽ tự hết và không cần phải điều trị hoặc chỉ cần dùng thuốc giảm đau không kê đơn và các biện pháp khắc phục tại nhà khác là đủ.

Hội chứng quá kích buồng trứng

Hội chứng quá kích buồng trứng có thể xảy ra ở những phụ nữ trải qua quá trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) hoặc tiêm thuốc kích thích rụng trứng.

Hội chứng Sheehan

Hội chứng Sheehan có thể xảy ra ở bất kỳ phụ nữ nào nên cần đi kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc đi khám khi có các biểu hiện bất thường sau khi sinh.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây