Vô kinh
Vô kinh là gì?
Vô kinh hay bặt kinh (amenorrhea) là tình trạng không có kinh nguyệt một hoặc nhiều lần. Những phụ nữ không có kinh nguyệt từ ba lần liên tiếp trở lên và những bé gái khi đến 15 tuổi vẫn chưa bắt đầu hành kinh đều được coi là vô kinh.
Nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến vô kinh là mang thai. Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như vấn đề bất thường ở cơ quan sinh dục hoặc các tuyến có vai trò sản xuất và kiểm soát nồng độ hormone. Khi nguyên nhân gốc rễ được điều trị thì chu kỳ kinh nguyệt cũng sẽ trở lại bình thường.
Các triệu chứng đi kèm
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây vô kinh mà phụ nữ sẽ còn gặp các triệu chứng khác ngoài việc không có kinh nguyệt, chẳng hạn như:
- Tiết dịch trắng từ núm vú
- Rụng tóc
- Đau đầu
- Mắt nhìn mờ
- Mọc lông mặt
- Đau vùng chậu
- Đau bụng dưới
- Da tiết nhiều dầu, nổi mụn trứng cá
Khi nào cần đi khám?
Hãy đi khám bác sĩ sản phụ khoa nếu không có kinh nguyệt ba lần liên tiếp hoặc nếu đã 15 tuổi mà vẫn chưa bắt đầu có kinh nguyệt.
Nguyên nhân
Vô kinh có thể xảy ra vì nhiều lý do. Một số trong đó là những hiện tượng bình thường diễn ra trong cuộc đời của phụ nữ nhưng cũng có thể là do tác dụng phụ của thuốc hoặc dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe.
Vô kinh tự nhiên
Trong cuộc đời, phụ nữ có thể bị vô kinh vì những lý do tự nhiên, chẳng hạn như:
- Mang thai
- Cho con bú
- Mãn kinh
Thuốc tránh thai
Một số phụ nữ bị mất kinh nguyệt do uống thuốc tránh thai. Ngay cả sau khi đã ngừng dùng thuốc tránh thai thì có thể cũng phải mất một thời gian để sự rụng trứng và chu kỳ kinh nguyệt trở lại bình thường. Các biện pháp tránh thai khác như tiêm thuốc, đặt que cấy hay vòng tránh thai cũng có thể gây vô kinh.
Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc có thể khiến chu kỳ kinh nguyệt ngừng lại, ví dụ như:
- Thuốc chống loạn thần
- Hóa trị điều trị ung thư
- Thuốc chống trầm cảm
- Thuốc trị cao huyết áp
- Thuốc dị ứng
Yếu tố lối sống
Đôi khi các yếu tố về lối sống và thể trạng cũng có thể góp phần gây vô kinh, ví dụ như:
- Thiếu cân: Cân nặng quá nhẹ (thấp hơn khoảng 10% so với mức cân nặng bình thường) sẽ làm gián đoạn nhiều chức năng nội tiết tố trong cơ thể phụ nữ và điều này cũng sẽ gây cản trở sự rụng trứng. Những phụ nữ bị các chứng rối loạn ăn uống, chẳng hạn như chán ăn hoặc ăn vô độ, thường bị mất kinh nguyệt do những thay đổi nội tiết tố bất thường này.
- Tập thể dục quá sức: Những phụ nữ hàng ngày tập thể dục quá nặng hoặc tham gia các bộ môn đòi hỏi tập luyện nghiêm ngặt, chẳng hạn như múa ba lê, có thể sẽ bị gián đoạn chu kỳ kinh nguyệt. Vô kinh là một vấn đề khá phổ biến ở các vận động viên nữ và nguyên nhân có thể là do tỷ lệ mỡ quá thấp trong cơ thể, căng thẳng kéo dài và hàng ngày phải tiêu hao quá nhiều năng lượng.
- Căng thẳng: Căng thẳng thần kinh có thể tạm thời làm thay đổi hoạt động của vùng dưới đồi - khu vực não bộ có vai trò kiểm soát các hormone điều hòa chu kỳ kinh nguyệt. Do đó, quá trình rụng trứng và kinh nguyệt có thể ngừng lại. Thông thường, sau khi hết căng thẳng thì chu kỳ kinh nguyệt sẽ đều đặn trở lại.
Mất cân bằng nội tiết tố
Có nhiều vấn đề sức khỏe có thể gây ra sự mất cân bằng nội tiết tố, gồm có:
- Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): Những phụ nữ bị bệnh lý này có nồng độ hormone ở mức tương đối cao trong thời gian dài thay vì nồng độ dao động theo từng giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt như bình thường.
- Bệnh lý tuyến giáp: Tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp) hoặc hoạt động kém (suy giáp) có thể khiến chu kỳ kinh nguyệt trở nên bất thường, bao gồm cả vô kinh.
- Khối u tuyến yên: Khối u lành tính (không phải ung thư) trong tuyến yên có thể cản trở khả năng điều hòa các nội tiết tố liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt.
- Mãn kinh sớm: Thời kỳ mãn kinh thường bắt đầu vào khoảng độ tuổi 50. Tuy nhiên, ở một số phụ nữ, chức năng buồng trứng lại giảm từ trước tuổi 40 và khiến cho kinh nguyệt ngừng lại.
Các vấn đề về cấu trúc cơ quan sinh dục
Một số vấn đề ở các cơ quan sinh dục cũng có thể là nguyên nhân gây ra vô kinh, ví dụ như:
- Sẹo trong tử cung: Hội chứng Asherman - tình trạng mà mô sẹo hình thành trong niêm mạc tử cung - có thể xảy ra sau các thủ thuật xâm lấn được thực hiện ở tử cung như nong cổ tử cung và nạo lòng tử cung (D&C), mổ lấy thai hoặc phẫu thuật điều trị u xơ tử cung. Sẹo tử cung ngăn cản sự dày lên và bong ra của niêm mạc tử cung trong chu kỳ kinh nguyệt.
- Khuyết thiếu cơ quan sinh dục: Đôi khi, vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển của thai nhi trong bụng mẹ có thể khiến cho một số bé gái sinh ra không có một hoặc một vài bộ phận chính trong hệ sinh dục, chẳng hạn như tử cung, cổ tử cung hoặc âm đạo. Vì hệ sinh dục không phát triển bình thường nên sẽ không thể có kinh nguyệt sau này.
- Bất thường về cấu trúc của âm đạo: Sự tắc nghẽn trong âm đạo có thể ngăn cản máu kinh chảy từ tử cung ra bên ngoài cơ thể. Điều này có thể xảy ra khi có lớp màng bít ống âm đạo.
Yếu tố nguy cơ
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ vô kinh:
- Tiền sử gia đình: Những phụ nữ có người thân ruột thịt trong gia đình bị vô kinh sẽ có nguy cơ bị vấn đề này cao hơn.
- Rối loạn ăn uống: Các chứng rối loạn ăn uống, chẳng hạn như chán ăn hoặc ăn uống vô độ có thể làm tăng nguy cơ vô kinh.
- Tập thể dục nặng: Thường xuyên phải tập thể dục cường độ quá cao có thể gây gián đoạn chu kỳ kinh nguyệt.
Biến chứng
Vô kinh có thể dẫn đến những vấn đề như:
- Vô sinh: Nếu không rụng trứng và không có kinh nguyệt thì phụ nữ sẽ không thể mang thai.
- Loãng xương: Nếu tình trạng vô kinh là do lượng estrogen thấp thì sẽ còn có nguy cơ bị loãng xương (mật độ xương thấp) và khiến cho cấu trúc xương suy yếu.
Biện pháp chẩn đoán
Khi đi khám, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra xem có vấn đề gì ở các cơ quan sinh dục hay không. Ở những bé gái không có kinh nguyệt khi đến tuổi thì phải kiểm tra vú và bộ phận sinh dục để xem đã có những thay đổi bình thường của tuổi dậy thì hay chưa. Vô kinh có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề phức tạp về nội tiết tố. Việc tìm ra nguyên nhân tiềm ẩn có thể sẽ khá mất thời gian và cần tiến hành nhiều biện pháp chẩn đoán khác nhau.
Các xét nghiệm
Để tìm nguyên nhân gây vô kinh thì có thể phải làm các xét nghiệm dưới đây:
- Thử thai: đây là xét nghiệm đầu tiên cần thực hiện nhằm kiểm tra xem nguyên nhân không có kinh nguyệt có phải là do mang thai hay không.
- Xét nghiệm chức năng tuyến giáp: đo nồng độ hormone kích thích tuyến giáp (TSH) trong máu để kiểm tra hoạt động của tuyến giáp.
- Xét nghiệm chức năng buồng trứng: đo nồng độ hormone kích thích nang trứng (FSH) trong máu để kiểm tra hoạt động của buồng trứng.
- Xét nghiệm prolactin: nồng độ hormone prolactin thấp có thể là dấu hiệu cho thấy có khối u trong tuyến yên.
- Xét nghiệm nồng độ nội tiết tố nam: nếu bị rậm lông trên mặt và giọng nói trầm thì sẽ phải làm xét nghiệm đo nồng độ nội tiết tố nam trong máu.
Kích thích kinh nguyệt
Dùng thuốc nội tiết tố trong 7 đến 10 ngày để kích hoạt kinh nguyệt. Kết quả từ phương pháp kiểm tra này sẽ cho bác sĩ biết liệu có phải chu kỳ kinh nguyệt bị ngừng do thiếu hụt estrogen hay không.
Các biện pháp chẩn đoán hình ảnh
Tùy thuộc vào các dấu hiệu, triệu chứng và kết quả của các xét nghiệm nêu trên mà có thể còn phải thực hiện các biện pháp chẩn đoán hình ảnh, gồm có:
- Siêu âm: sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của các cơ quan trong cơ thể. Nếu chưa từng có kinh nguyệt thì sẽ phải siêu âm để kiểm tra xem có bất thường nào trong cơ quan sinh dục không.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): kết hợp ảnh chụp X-quang từ các góc khác nhau để tạo ra hình ảnh mặt cắt của các cấu trúc bên trong cơ thể. Chụp CT sẽ cho biết tử cung, buồng trứng và thận có bình thường hay không.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): sử dụng sóng vô tuyến (radio frequency) kết hợp với từ trường mạnh để tạo ra hình ảnh rất chi tiết của các mô mềm bên trong cơ thể. Có thể phải chụp MRI để kiểm tra khối u tuyến yên.
Nội soi
Nếu đã thực hiện các phương pháp trên mà vẫn không thể xác định được nguyên nhân cụ thể gây vô kinh thì sẽ phải nội soi buồng tử cung. Đây là phương pháp sử dụng một thiết bị dài, nhỏ có gắn máy ảnh và đèn chiều sáng (ống nội soi) được đưa qua âm đạo và cổ tử cung để quan sát bên trong tử cung.
Điều trị
Việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng vô kinh. Trong một số trường hợp, có thể dùng thuốc tránh thai hoặc các liệu pháp hormone khác để đưa chu kỳ kinh nguyệt trở lại bình thường. Vô kinh do vấn đề tuyến giáp hoặc tuyến yên có thể được điều trị bằng thuốc. Nếu khối u hoặc tắc nghẽn âm đạo là nguyên nhân gây ra vấn đề thì sẽ cần làm phẫu thuật.
Một số yếu tố về lối sống, chẳng hạn như tập thể dục quá nhiều, ăn quá ít hoặc căng thẳng có thể gây ra vô kinh. Vì vậy hãy cố gắng cân bằng công việc và thời gian nghỉ ngơi mỗi ngày, hạn chế căng thẳng một cách tối đa, tập thể dục cường độ vừa phải và ăn uống điều độ.
Phụ nữ cần nhận biết những thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt của mình và đi khám bác sĩ nếu thấy có vấn đề không bình thường. Hãy ghi lại thời gian có kinh hàng tháng, lưu ý ngày bắt đầu, thời gian kéo dài và các triệu chứng gặp phải.
Rong kinh
Một số trường hợp bị rong kinh mà không rõ nguyên nhân nhưng ở nhiều phụ nữ thì vấn đề này là dấu hiệu của một bệnh lý tiềm ẩn.
Đau bụng kinh (thống kinh)
Ở một số phụ nữ, các cơn đau chỉ ở mức độ nhẹ và sau 1 – 2 ngày là hết nhưng ở nhiều người, tình trạng đau bụng kinh lại nghiêm trọng đến mức cản trở các hoạt động hàng ngày và tiếp diễn trong suốt thời gian hành kinh.
Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS)
Các triệu chứng tiền kinh nguyệt thường diễn ra tương đối đều đặn hàng tháng. Tuy nhiên, những thay đổi về thể chất và cảm xúc mà mỗi người gặp phải là khác nhau, với mức độ từ nhẹ cho đến dữ dội, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.
Tiền mãn kinh
Mỗi phụ nữ bắt đầu tiền mãn kinh ở một độ tuổi khác nhau. Đa số phụ nữ gặp các dấu hiệu tiền mãn kinh, chẳng hạn như kinh nguyệt không đều, từ khoảng độ tuổi 40 những cũng có nhiều người nhận thấy những thay đổi ngay từ giữa độ tuổi 30.
Mãn kinh
Mãn kinh là một quá trình sinh học tự nhiên. Thời kỳ mãn kinh thường bắt đầu diễn ra ở độ tuổi 40 đến 50.Mãn kinh là một quá trình sinh học tự nhiên.
Ý kiến bạn đọc