Rong kinh

Một số trường hợp bị rong kinh mà không rõ nguyên nhân nhưng ở nhiều phụ nữ thì vấn đề này là dấu hiệu của một bệnh lý tiềm ẩn.

Rong kinh là gì?

Rong kinh là thuật ngữ y khoa chỉ tình trạng kinh nguyệt ra quá nhiều hoặc kéo dài bất thường. Mặc dù kinh nguyệt ra nhiều là một vấn đề phổ biến nhưng ở đa số phụ nữ thì kinh nguyệt không nhiều đến mức được coi là rong kinh.

Khi bị rong kinh, phụ nữ sẽ không thể thực hiện được các hoạt động hàng ngày một cách bình thường do mất nhiều máu và đau đớn. Nếu tình trạng này tiếp diễn liên tục và gây cản trở cuộc sống thì hãy đi khám. Có rất nhiều phương pháp để điều trị rong kinh.

Biểu hiện của rong kinh

Các biểu hiện của rong kinh gồm có:

  • Máu kinh thấm kín băng vệ sinh hoặc tampon trong vòng 1 tiếng và tiếp diễn trong vài tiếng liên tục
  • Phải sử dụng hai băng vệ sinh hoặc một băng vệ sinh và tampon mỗi khi có kinh nguyệt
  • Phải thức dậy giữa đêm để thay băng vệ sinh
  • Kinh nguyệt kéo dài quá một tuần
  • Máu kinh có các cục máu đông lớn
  • Các hoạt động hàng ngày bị ảnh hưởng do kinh nguyệt ra nhiều
  • Có các dấu hiệu thiếu máu, chẳng hạn như mệt mỏi, choáng, da xanh xao và khó thở

Khi nào cần đi khám?

Hãy khám bác sĩ sản phụ khoa nếu như:

  • Ra máu kinh nhiều đến mức phải thay băng vệ sinh hoặc tampon cách một tiếng một lần
  • Chảy máu âm đạo bất thường, ví dụ như ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt hoặc sau khi quan hệ tình dục
  • Chảy máu âm đạo sau khi mãn kinh

Nguyên nhân

Một số trường hợp bị rong kinh mà không rõ nguyên nhân nhưng ở nhiều phụ nữ thì vấn đề này là dấu hiệu của một bệnh lý tiềm ẩn. Các nguyên nhân phổ biến gồm có:

  • Mất cân bằng nội tiết tố: Trong chu kỳ kinh nguyệt bình thường, sự cân bằng giữa hormone estrogen và progesterone kiểm soát sự dày lên của lớp niêm mạc tử cung (nội mạc tử cung) để chuẩn bị cho trứng sau khi thụ tinh sẽ bám vào và làm tổ. Khi trứng không được thụ tinh, lớp mô này sẽ bị bong ra và thoát ra ngoài cùng với máu, tạo nên hiện tượng hành kinh. Nếu hai hormone này bị mất cân bằng thì niêm mạc tử cung sẽ dày lên quá mức và kết quả là kinh nguyệt ra nhiều. Một số bệnh lý có thể gây ra sự mất cân bằng hormone, ví dụ như hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), béo phì, kháng insulin và các vấn đề về tuyến giáp.
  • Suy giảm chức năng buồng trứng: Nếu buồng trứng không phóng trứng trong chu kỳ kinh nguyệt (sự rụng trứng) thì cơ thể sẽ không sản xuất hormone progesterone. Điều này dẫn đến sự mất cân bằng hormone và dẫn đến rong kinh.
  • U xơ tử cung: U xơ là những khối u lành tính hình thành ở tử cung trong độ tuổi sinh sản. Một trong những triệu chứng của vấn đề này là kinh nguyệt ra nhiều hoặc kéo dài hơn bình thường.
  • Polyp tử cung: Những khối u nhỏ, lành tính hình thành trên niêm mạc tử cung có thể gây ra hiện tượng máu kinh ra nhiều hoặc kéo dài.
  • Cơ tuyến tử cung: Tình trạng mà mô niêm mạc tử cung hình thành vào các lớp cơ của thành tử cung, cũng gây triệu chứng ra máu nhiều và đau đớn.
  • Đặt vòng tránh thai: Rong kinh là một tác dụng phụ thường gặp của vòng tránh thai không chứa nội tiết tố. Nếu xảy ra tác dụng phụ này thì bác sĩ sẽ tư vấn các lựa chọn thay thế.
  • Biến chứng khi mang thai: Nếu kinh nguyệt bị trễ và đột nhiên thấy ra nhiều máu thì có thể là đã sảy thai. Một nguyên nhân khác gây chảy máu nhiều khi mang thai là do vị trí bất thường của nhau thai, chẳng hạn như nhau bám thấp hay nhau tiền đạo.
  • Ung thư: Ung thư tử cung và ung thư cổ tử cung có thể gây triệu chứng kinh nguyệt ra quá nhiều, đặc biệt là ở những phụ nữ đã mãn kinh hoặc từng có kết quả xét nghiệm Pap bất thường.
  • Rối loạn chảy máu di truyền: Một số dạng rối loạn chảy máu, chẳng hạn như bệnh von Willebrand - tình trạng mà một yếu tố đông máu quan trọng bị thiếu hoặc suy giảm - có thể khiến kinh nguyệt ra nhiều hoặc kéo dài.
  • Thuốc men: Một số loại thuốc, ví dụ như thuốc chống viêm, thuốc nội tiết tố như estrogen và progestin, thuốc chống đông máu như warfarin (Coumadin, Jantoven) và enoxaparin (Lovenox) có thể góp phần ảnh hưởng đến mức độ ra máu và thời gian kéo dài kỳ kinh nguyệt.
  • Các vấn đề khác: Một số bệnh lý khác, gồm có bệnh gan hoặc thận, có thể gây rong kinh.

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố nguy cơ liên quan đến rong kinh thay đổi theo từng độ tuổi và tình trạng sức khỏe (có mắc các bệnh lý khác gây rong kinh hay không). Trong chu kỳ kinh nguyệt bình thường, sự phóng trứng từ buồng trứng sẽ kích thích cơ thể sản xuất progesterone – một hormone nữ có vai trò quan trọng nhất trong việc điều hòa chu kỳ kinh nguyệt đều đặn. Khi không diễn ra sự rụng trứng thì cơ thể sẽ không sản sinh đủ progesterone và điều này sẽ dẫn đến kinh nguyệt ra nhiều.

Rong kinh ở tuổi dậy thì thường là do không rụng trứng. Đây là một vấn đề rất phổ biến trong vòng một năm đầu tiên sau khi bắt đầu có kinh nguyệt.

Rong kinh ở phụ nữ trưởng thành thường là do bệnh lý tử cung, gồm có u xơ, polyp và cơ tuyến tử cung. Tuy nhiên, các vấn đề khác, chẳng hạn như ung thư tử cung, rối loạn chảy máu, tác dụng phụ của thuốc và bệnh gan hoặc thận có thể là nguyên nhân.

Biến chứng

Kinh nguyệt ra quá nhiều hoặc kéo dài có thể dẫn đến các vấn đề khác, gồm có:

  • Thiếu máu: Rong kinh sẽ gây thiếu máu do tình trạng mất máu nhiều làm giảm số lượng hồng cầu. Số lượng hồng cầu được đo bằng chỉ số hemoglobin (chỉ số HgB) - một loại protein giúp hồng cầu vận chuyển oxy đến các mô trong cơ thể. Thiếu máu do thiếu sắt xảy ra khi cơ thể cố gắng bù đắp lượng hồng cầu đã mất bằng cách sử dụng nguồn dự trữ sắt để tạo ra nhiều hemoglobin hơn nhằm mang oxy đến các tế bào hồng cầu. Rong kinh sẽ làm giảm lượng sắt và dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt với các dấu hiệu gồm có da xanh xao, cơ thể suy nhược, hoa mắt và mệt mỏi. Chế độ ăn uống cũng có thể là nguyên nhân gây thiếu máu do thiếu sắt và vấn đề sẽ càng trở nghiêm trọng hơn nếu bị rong kinh.
  • Đau đớn dữ dội: Ngoài kinh nguyệt ra nhiều hay kéo dài, một triệu chứng thường gặp ở những phụ nữ bị rong kinh là đau bụng (thống kinh). Đôi khi các cơn đau dữ dội đến mức không thể sinh hoạt bình thường.

Biện pháp chẩn đoán

Trước tiên, bác sĩ sẽ hỏi về bệnh sử và chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng. Trước khi đi khám nên theo dõi kinh nguyệt của mình, gồm có thời gian bắt đầu, thời gian kéo dài và mức độ ra máu.

Sau đó sẽ tiến hành các biện pháp dưới đây:

  • Xét nghiệm máu: nhằm đánh giá tình trạng thiếu máu và các vấn đề khác, chẳng hạn như bệnh tuyến giáp hoặc rối lọan đông máu.
  • Xét nghiệm Pap: lấy mẫu tế bào từ cổ tử cung và phân tích nhằm phát hiện nhiễm trùng, viêm hoặc những bất thường khác, bao gồm cả thay đổi tiền ung thư.
  • Sinh thiết nội mạc tử cung: lấy một mẫu mô từ bên trong tử cung để phân tích.
  • Siêu âm: sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của tử cung, buồng trứng và khoang chậu.

Tùy theo kết quả của quá trình kiểm tra ban đầu này mà có thể sẽ cần thực hiện thêm các phương pháp khác, gồm có:

  • Siêu âm bơm nước buồng tử cung: luồn một ống rỗng nhỏ qua âm đạo và cổ tử cung để đưa dung dịch nước muối vô trùng vào trong tử cung. Điều này làm cho buồng tử cung căng lên, giúp cho bác sĩ có thể quan sát niêm mạc tử cung rõ hơn trên hình ảnh siêu âm và phát hiện các vấn đề bất thường.
  • Nội soi buồng tử cung: đưa một dụng cụ dài, nhỏ gọi là ống nội soi qua âm đạo và cổ tử cung vào tử cung để kiểm tra bên trong tử cung.

Điều trị

Việc điều trị rong kinh tùy thuộc vào một số yếu tố như:

  • Tình trạng sức khỏe tổng thể và bệnh sử
  • Nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của rong kinh
  • Kế hoạch sinh con trong tương lai
  • Ảnh hưởng của vấn đề đến cuộc sống

Dùng thuốc

Một số loại thuốc điều trị rong kinh:

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): một số thuốc chống viêm không steroid, chẳng hạn như ibuprofen hay naproxen sodium có thể làm giảm mức độ ra máu khi hành kinh. Ngoài ra, NSAID còn giúp làm giảm đau bụng kinh.
  • Axit tranexamic: có tác dụng giảm lượng máu kinh và chỉ cần uống khi bắt đầu hành kinh.
  • Thuốc tránh thai: ngoài tác dụng là một biện pháp tránh mang thai ngoài ý muốn, thuốc tránh thai còn giúp điều hòa chu kỳ kinh nguyệt và giảm tình trạng kinh nguyệt ra quá nhiều hoặc kéo dài.
  • Progesterone đường uống: hormone progesterone có thể giúp khôi phục sự cân bằng hormone và giảm chứng rong kinh.
  • Vòng tránh thai nội tiết (ví dụ như Mirena): vòng tránh thai giải phóng một loại progestin có tên là levonorgestrel làm cho niêm mạc tử cung mỏng đi, nhờ đó giảm lưu lượng máu kinh và các cơn đau bụng.

Nếu bị rong kinh do dùng thuốc nội tiết thì có thể khắc phục bằng cách ngừng thuốc hoặc đổi thuốc khác.

Nếu rong kinh gây thiếu máu thì nên uống bổ sung chất sắt. Kể cả khi nồng độ sắt thấp nhưng vẫn chưa đến mức thiếu máu thì vẫn nên uống bổ sung.

Các thủ thuật điều trị

Nếu các phương pháp trên không hiệu quả thì có thể cần phải phẫu thuật để điều trị tình trạng rong kinh. Các quy trình phẫu thuật gồm có:

  • Nong cổ tử cung và nạo lòng tử cung (D&C): Trong quy trình này, bác sĩ mở rộng (nong) cổ tử cung và sau đó nạo hoặc hút mô niêm mạc tử cung để giảm lượng máu kinh. Đây là một thủ thuật phổ biến và rất hiệu quả trong việc điều trị tình trạng kinh nguyệt ra nhiều nhưng có thể sẽ cần lặp lại nếu tiếp tục bị rong kinh trong tương lai.
  • Nút mạch u xơ tủ cung: Ở những phụ nữ bị rong kinh do u xơ tử cung thì có thể điều trị bằng phương pháp nút mạch u xơ nhằm thu nhỏ các khối u xơ. Bác sĩ đưa một ống thông qua động mạch lớn ở đùi (động mạch đùi) đến động mạch tử cung rồi tiêm một loại vật liệu gây bít mạch máu vào trong. Điều này chặn sự lưu thông máu đến khối u xơ và dần khiến khối u teo đi.
  • Điều trị bằng siêu âm hội tụ cường độ cao (HIFU): Tương tự như nút mạch u xơ tử cung, phương pháp điều trị bằng siêu âm hội tụ cường độ cao khắc phục tình trạng rong kinh do u xơ tử cung bằng cách thu nhỏ kích thước khối u. Thủ thuật này sử dụng sóng siêu âm để phá hủy các mô u xơ. Đây là một thủ thuật không xâm lấn.
  • Cắt u xơ: làm phẫu thuật cắt bỏ trực tiếp khối u xơ trong tử cung. Tùy thuộc vào kích thước, số lượng và vị trí của u xơ mà có thể phẫu thuật bằng kỹ thuật mổ mở, phẫu thuật nội soi qua thành bụng hoặc phẫu thuật nội soi qua đường âm đạo.
  • Đốt nội mạc tử cung: Thủ thuật này phá hủy lớp niêm mạc tử cung bằng tia laser, sóng vô tuyến (radiofrequency) hoặc nhiệt. Sau khi đốt nội mạc tử cung, hầu hết phụ nữ sẽ ra máu ít hơn nhiều vào kỳ kinh. Tuy nhiên, nếu mang thai sau khi thực hiện thủ thuật này thì sẽ có nguy cơ xảy ra biến chứng do lớp niêm mạc tử cung quá mỏng. Do đó, nếu đã đốt nội mạc tử cung thì nên sử dụng biện pháp tránh thai cho đến khi mãn kinh.
  • Cắt bỏ nội mạc tử cung: Phương pháp này sử dụng một vòng dây điện để loại bỏ lớp niêm mạc tử cung. Cả đốt nội mạc tử cung và cắt bỏ nội mạc tử cung đều giúp cải thiện tình trạng kinh nguyệt ra nhiều và kéo dài nhưng không nên mang thai sau những thủ thuật này.
  • Cắt tử cung: Giải pháp cuối cùng là phẫu thuật cắt bỏ tử cung và cổ tử cung. Sau phẫu thuật, phụ nữ sẽ không còn khả năng sinh sản và kinh nguyệt. Quy trình cắt tử cung được thực hiện khi gây mê toàn thân và cần nhập viện. Đôi khi sẽ cần cắt bỏ cả buồng trứng và nếu vậy thì sẽ dẫn đến mãn kinh sớm.

Một số thủ thuật được thực hiện ngay tại các phòng khám sản phụ khoa và người bệnh có thể ra về ngay trong ngày. Tuy nhiên, sau phẫu thuật cắt u xơ tử cung và cắt tử cung thì phải nằm viện theo dõi.

Nếu rong kinh là dấu hiệu của một bệnh lý khác, chẳng hạn như bệnh tuyến giáp, thì cần phải điều trị bệnh lý đó để chu kỳ kinh nguyệt trở lại bình thường.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Vô kinh

Vô kinh có thể xảy ra vì nhiều lý do. Một số trong đó là những hiện tượng bình thường diễn ra trong cuộc đời của phụ nữ nhưng cũng có thể là do tác dụng phụ của thuốc hoặc dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe.

Đau bụng kinh (thống kinh)

Ở một số phụ nữ, các cơn đau chỉ ở mức độ nhẹ và sau 1 – 2 ngày là hết nhưng ở nhiều người, tình trạng đau bụng kinh lại nghiêm trọng đến mức cản trở các hoạt động hàng ngày và tiếp diễn trong suốt thời gian hành kinh.

Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS)

Các triệu chứng tiền kinh nguyệt thường diễn ra tương đối đều đặn hàng tháng. Tuy nhiên, những thay đổi về thể chất và cảm xúc mà mỗi người gặp phải là khác nhau, với mức độ từ nhẹ cho đến dữ dội, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.

Tiền mãn kinh

Mỗi phụ nữ bắt đầu tiền mãn kinh ở một độ tuổi khác nhau. Đa số phụ nữ gặp các dấu hiệu tiền mãn kinh, chẳng hạn như kinh nguyệt không đều, từ khoảng độ tuổi 40 những cũng có nhiều người nhận thấy những thay đổi ngay từ giữa độ tuổi 30.

Mãn kinh

Mãn kinh là một quá trình sinh học tự nhiên. Thời kỳ mãn kinh thường bắt đầu diễn ra ở độ tuổi 40 đến 50.Mãn kinh là một quá trình sinh học tự nhiên.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây