Đau bụng kinh (thống kinh)
Đau bụng kinh hay thống kinh là hiện tượng đau quặn hoặc đau âm ỉ ở vùng bụng dưới vào kỳ kinh nguyệt. Đây là một tình trạng mà rất nhiều phụ nữ gặp phải hàng tháng.
Ở một số phụ nữ, các cơn đau chỉ ở mức độ nhẹ và sau 1 – 2 ngày là hết nhưng ở nhiều người, tình trạng đau bụng kinh lại nghiêm trọng đến mức cản trở các hoạt động hàng ngày và tiếp diễn trong suốt thời gian hành kinh.
Đau bụng kinh dữ dội có thể là dấu hiệu của các bệnh lý như lạc nội mạc tử cung hoặc u xơ tử cung. Trong những trường hợp này, phải điều trị nguyên nhân gốc rễ để giảm đau. Nếu đau bụng kinh chỉ đơn giản là một hiện tượng bình thường diễn ra hàng tháng và không phải do vấn đề về sức khỏe thì thường sẽ giảm dần theo thời gian và cải thiện sau khi sinh nở.
Biểu hiện
Các biểu hiện của đau bụng kinh gồm có:
- Đau âm ỉ hoặc đau quặn từng cơn ở bụng dưới
- Bắt đầu từ 1 đến 3 ngày trước khi có kinh, đau nhất sau khi bắt đầu hành kinh khoảng 1 ngày và giảm dần sau 2 đến 3 ngày
- Đau lan đến vùng thắt lưng và đùi
Ở một số phụ nữ, đau bụng kinh còn đi kèm những hiện tượng như:
- Buồn nôn
- Nôn
- Đi ngoài phân lỏng
- Đau đầu
- Chóng mặt
Khi nào cần đi khám?
Nên đi khám bác sĩ nếu:
- Tình trạng đau bụng kinh làm gián đoạn cuộc sống trong thời gian hành kinh
- Các triệu chứng ngày càng nghiêm trọng
- Bắt đầu bị đau bụng kinh dữ dội sau 25 tuổi
Nguyên nhân
Trong kỳ kinh nguyệt hàng tháng, tử cung co thắt để đẩy niêm mạc ra ngoài. Vào thời gian này, các chất tương tự như hormone (prostaglandin) là nguyên nhân gây ra cảm giác đau và phản ứng viêm kích hoạt các cơn co thắt tử cung. Nồng độ prostaglandin càng cao thì đau bụng kinh càng dữ dội.
Tình trạng đau bụng kinh có thể nặng hơn bình thường do những nguyên nhân như:
- Lạc nội mạc tử cung: tình trạng mô niêm mạc tử cung phát triển ở bên ngoài tử cung, phổ biến nhất là trên ống dẫn trứng, buồng trứng hoặc niêm mạc khoang chậu.
- U xơ tử cung: các khối u lành tính hình thành trong thành tử cung có thể gây đau.
- Cơ tuyến tử cung: mô niêm mạc tử cung phát triển vào bên trong lớp thành cơ của tử cung.
- Bệnh viêm vùng chậu: bệnh nhiễm trùng xảy ra ở các cơ quan sinh dục nữ như tử cung, buồng trứng hay ống dẫn trứng, thường là do các bệnh lây truyền qua đường tình dục gây ra.
- Hẹp cổ tử cung: ở một số phụ nữ, cổ tử cung quá hẹp và gây cản trở máu kinh chảy ra bên ngoài. Máu ứ lại làm tăng áp lực trong tử cung và gây đau đớn.
Các yếu tố nguy cơ
Bất cứ phụ nữ nào cũng có thể bị đau bụng kinh nhưng nguy cơ cao hơn ở những người:
- Dưới 30 tuổi
- Bắt đầu dậy thì sớm (trước 12 tuổi)
- Kinh nguyệt ra nhiều hoặc kéo dài (rong kinh)
- Kinh nguyệt không đều
- Có tiền sử gia đình bị đau bụng kinh
- Hút thuốc lá
Biến chứng
Đau bụng kinh không gây ra biến chứng nhưng sẽ cản trở việc học tập, làm việc và các hoạt động hàng ngày.
Tuy nhiên, một số vấn đề gây đau bụng kinh lại có thể dẫn đến biến chứng. Ví dụ, lạc nội mạc tử cung sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ. Bệnh viêm vùng chậu có thể gây hình thành sẹo ở ống dẫn trứng và làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung (trứng sau khi thụ tinh làm tổ ở bên ngoài tử cung).
Biện pháp chẩn đoán nguyên nhân
Trước tiên bác sĩ sẽ đánh giá bệnh sử và khám lâm sàng. Trong quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ kiểm tra những bất thường ở cơ quan sinh dục và tìm các dấu hiệu nhiễm trùng.
Nếu nghi ngờ có vấn đề tiềm ẩn gây đau bụng kinh thì sẽ cần thực hiện các biện pháp kiểm tra dưới đây:
- Siêu âm: sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của tử cung, cổ tử cung, ống dẫn trứng và buồng trứng.
- Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác: phương pháp chụp CT hoặc cộng hưởng từ MRI cung cấp hình ảnh chi tiết hơn so với siêu âm và giúp bác sĩ chẩn đoán các bệnh lý tiềm ẩn. Chụp CT kết hợp ảnh chụp X–quang từ các góc khác nhau để tạo ra hình ảnh mặt cắt của xương, cơ quan và mô mềm bên trong cơ thể. MRI sử dụng sóng vô tuyến (radio frequency) và từ trường mạnh để tạo ra hình ảnh chi tiết của các cấu trúc bên trong cơ thể. Cả hai phương pháp này đều không xâm lấn và không gây đau đớn.
- Nội soi ổ bụng: mặc dù thường không cần thiết để chẩn đoán nguyên nhân gây đau bụng kinh nhưng nội soi ổ bụng sẽ giúp phát hiện các vấn đề tiềm ẩn, chẳng hạn như lạc nội mạc tử cung, các cơ quan nội tạng bị dính do mô sẹo, u xơ tử cung, u nang buồng trứng và thai ngoài tử cung. Trong quá trình nội soi ổ bụng, bác sĩ đưa ống nội soi vào qua một đường rạch nhỏ trên bụng và quan sát khoang bụng cùng với các cơ quan sinh dục.
Điều trị
Các biện pháp để điều trị tình trạng đau bụng kinh:
- Dùng thuốc giảm đau: có thể kiểm soát đau bụng kinh bằng các loại thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như ibuprofen hoặc naproxen sodium với liều lượng thông thường. Bắt đầu dùng từ một ngày trước khi hành kinh hoặc ngay khi nhận thấy các triệu chứng tiền kinh nguyệt (ví dụ như đau bụng, mỏi lưng,…) và tiếp tục dùng trong 2 đến 3 ngày tiếp theo hoặc cho đến khi không còn thấy đau.
- Các biện pháp tránh thai nội tiết: thuốc tránh thai đường uống có chứa các hormone ngăn rụng trứng và có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của các cơn đau bụng kinh. Ngoài ra cũng có thể dùng các biện pháp tránh thai nội tiết khác như thuốc tiêm, miếng dán, que cấy, vòng âm đạo hoặc vòng tránh thai.
- Phẫu thuật: nếu nguyên nhân gây đau bụng kinh là do các bệnh lý như lạc nội mạc tử cung hoặc u xơ tử cung thì cần phẫu thuật để khắc phục vấn đề và cải thiện các triệu chứng. Khi đã thử hết các phương pháp khác mà vẫn bị đau đớn dữ dội và không còn kế hoạch sinh con trong tương lai thì có thể cân nhắc phẫu thuật cắt tử cung.
Ngoài ra cũng có thể kết hợp thêm các cách dưới đây để làm giảm cơn đau:
- Tập luyện đều đặn: hoạt động thể chất sẽ giúp giảm đau.
- Chườm ấm: ngâm mình trong bồn nước ấm, sử dụng túi chườm, chai nước nóng hoặc miếng dán nhiệt ở bụng dưới có thể làm dịu cơn đau.
- Thử dùng thực phẩm chức năng: một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng bổ sung vitamin E, axit béo omega-3, vitamin B1 (thiamin), vitamin B6 và magiê có thể làm giảm tình trạng thống kinh.
- Giảm căng thẳng: tâm lý căng thẳng có thể làm tăng nguy cơ và mức độ đau bụng kinh.
Biện pháp điều trị thay thế
Hầu hết các biện pháp dưới đây đều chưa được nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh tác dụng đối với tình trạng thống kinh. Tuy nhiên, nhiều người đã thử và thấy có hiệu quả. Hơn nữa, các biện pháp này cũng không gây hại nên bạn có thể thử:
- Châm cứu: là liệu pháp sử dụng các cây kim dài, mảnh đâm qua da ở những điểm cụ thể trên người (các huyệt). Một số nghiên cứu đã cho thấy rằng châm cứu giúp giảm đau bụng kinh.
- Kích thích thần kinh bằng xung điện qua da (TENS): thiết bị TENS gồm có các điện cực đưa dòng điện với nhiều mức cường độ khác nhau qua da đến các dây thần kinh cảm giác để giảm đau. TENS có cơ chế hoạt động là nâng ngưỡng đau và kích thích sự giải phóng các chất giảm đau tự nhiên của cơ thể (endorphin). Trong một nghiên cứu, TENS rất hiệu quả trong việc làm giảm các cơn đau quặn ở bụng dưới trong kỳ kinh nguyệt.
- Thảo dược: một số thành phần thảo dược, chẳng hạn như pycnogenol (chiết xuất từ vỏ cây thông), thì là (tiểu hồi), gừng, đương quy, quế và cam thảo có thể giúp giảm đau đớn vào kỳ kinh.
- Bấm huyệt: giống như châm cứu, bấm huyệt cũng là phương pháp trị liệu cổ truyền kích thích các huyệt nhất định trên cơ thể nhưng khác là sử dụng lực tác động ngoài da thay vì dùng kim. Bấm huyệt có thể làm giảm tình trạng đau nhức ở nhiều vị trí trên cơ thể, trong đó có cả đau bụng kinh.
Vô kinh
Vô kinh có thể xảy ra vì nhiều lý do. Một số trong đó là những hiện tượng bình thường diễn ra trong cuộc đời của phụ nữ nhưng cũng có thể là do tác dụng phụ của thuốc hoặc dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe.
Rong kinh
Một số trường hợp bị rong kinh mà không rõ nguyên nhân nhưng ở nhiều phụ nữ thì vấn đề này là dấu hiệu của một bệnh lý tiềm ẩn.
Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS)
Các triệu chứng tiền kinh nguyệt thường diễn ra tương đối đều đặn hàng tháng. Tuy nhiên, những thay đổi về thể chất và cảm xúc mà mỗi người gặp phải là khác nhau, với mức độ từ nhẹ cho đến dữ dội, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.
Tiền mãn kinh
Mỗi phụ nữ bắt đầu tiền mãn kinh ở một độ tuổi khác nhau. Đa số phụ nữ gặp các dấu hiệu tiền mãn kinh, chẳng hạn như kinh nguyệt không đều, từ khoảng độ tuổi 40 những cũng có nhiều người nhận thấy những thay đổi ngay từ giữa độ tuổi 30.
Mãn kinh
Mãn kinh là một quá trình sinh học tự nhiên. Thời kỳ mãn kinh thường bắt đầu diễn ra ở độ tuổi 40 đến 50.Mãn kinh là một quá trình sinh học tự nhiên.
Ý kiến bạn đọc