Các câu hỏi thường gặp về vắc-xin

Hầu hết các bậc cha mẹ hiện nay đều nhận thức được rõ tầm quan trọng của vắc-xin và đưa con đi tiêm chủng đúng theo khuyến nghị. Tuy nhiên nhiều người vẫn còn thắc mắc về các loại vắc-xin.

Dưới đây là một số câu hỏi phổ biến cùng với lời giải đáp để giúp cho cha mẹ hiểu hơn về tính an toàn của vắc-xin, lịch tiêm được khuyến nghị, cơ chế mà vắc-xin bảo vệ cơ thể khỏi các căn bệnh phổ biến và nhiều thông tin có ích khác. Đây đều là những câu hỏi được Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) tổng hợp và trả lời.

Hỏi: Tiêm vắc-xin có an toàn không?

Trả lời: Vắc-xin rất an toàn. Mỗi một loại vắc-xin đều phải trải qua quá trình nghiên cứu và thử nghiệm nghiêm ngặt gồm có nhiều bước trước khi được cấp phép và đưa vào sử dụng rộng rãi cho người dân. Quá trình sử dụng vắc-xin cũng được theo dõi sát sao để phát hiện và can thiệp xử lý các vấn đề phát sinh. Hàng triệu trẻ em được tiêm chủng an toàn mỗi năm. Các tác dụng phụ thường gặp nhất thường chỉ rất nhẹ, chẳng hạn như đau hoặc sưng tấy tại vị trí tiêm.

Hỏi: Có những tác dụng phụ nào xảy ra khi tiêm vắc-xin? Nếu xảy ra thì cần phải làm thế nào?

Trả lời: Giống như bất kỳ loại thuốc nào, vắc-xin cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ. Hầu hết các tác dụng phụ này đều chỉ rất nhẹ, chẳng hạn như sưng đau tại vị trí tiêm, trẻ quấy khóc hoặc sốt nhẹ. Những tác dụng phụ sau tiêm vắc-xin thường chỉ kéo dài vài ngày và hoàn toàn có thể điều trị được. Ví dụ, bố mẹ có thể chườm mát lên vị trí bị sưng đau để giảm bớt sự khó chịu cho con. Rất hiếm khi xảy ra phản ứng nghiêm trọng sau khi tiêm vắc-xin. Tuy nhiên, nếu bố mẹ nhận thấy có bất kỳ hiện tượng bất thường nào thì hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay.

Hỏi: Tiêm vắc-xin có những lợi ích và rủi ro nào?

Trả lời: Vắc-xin giúp phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm đã từng gây tử vong hoặc tổn hại đến sức khỏe của nhiều trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và cả người trưởng thành. Nếu không có vắc-xin, trẻ sẽ có nguy cơ bị mắc các bệnh nghiêm trọng, đau đớn, tàn tật và thậm chí là tử vong do các bệnh như sởi và ho gà. Các rủi ro khi tiêm vắc-xin chủ yếu chỉ là các tác dụng phụ mà đa phần là không đáng kể, ví dụ như sưng đỏ tại chỗ tiêm và sẽ tự hết sau vài ngày. Các tác dụng phụ nghiêm trọng, chẳng hạn như phản ứng dị ứng cấp độ nặng, rất hiếm khi xảy ra và nếu được phát hiện kịp thời thì cũng hoàn toàn có thể điều trị được. Phòng bệnh hơn chữa bệnh và lợi ích của việc tiêm chủng luôn lớn hơn nhiều so với các tác dụng phụ, chỉ có một số trường hợp ngoại lệ là những trẻ mắc các bệnh mãn tính nghiêm trọng như ung thư hoặc bệnh làm suy giảm hệ miễn dịch và những trẻ bị dị ứng nghiêm trọng vào lần tiêm vắc-xin trước đó.

Hỏi: Tiêm vắc-xin có gây bệnh tự kỷ không?

Trả lời: Các nghiên cứu khoa học đến nay đều không tìm thấy mối liên hệ giữa tiêm vắc-xin và chứng tự kỷ. Một số ý kiến cho rằng thành phần thimerosal (một hợp chất có chứa thủy ngân) trong các loại vắc-xin dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể là một nguyên nhân gây ra bệnh tự kỷ. Cũng có giả thuyết cho rằng vắc-xin MMR (vắc-xin phòng bệnh sởi, quai bị và rubella) làm tăng nguy cơ tự kỷ. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu về vắc-xin MMR cũng như là thimerosal và đưa ra kết luận: không hề có mối liên hệ nào giữa vắc-xin MMR hoặc thimerosal và chứng tự kỷ.

Hỏi: Vắc-xin có thể gây quá tải hệ miễn dịch của trẻ không?

Trả lời: Vắc-xin không làm quá tải hệ miễn dịch. Mỗi ngày, hệ miễn dịch của trẻ khỏe mạnh sẽ chống lại hàng ngàn vi trùng. Khi vào cơ thể, kháng nguyên của vi trùng sẽ kích hoạt hệ miễn dịch tạo ra các kháng thể tấn công. Thành phần kháng nguyên trong vắc-xin đến từ chính vi trùng nhưng chúng đã bị suy yếu, bất hoạt hoặc bị tiêu diệt nên không còn khả năng gây bệnh nữa. Ngay cả khi trẻ sơ sinh được tiêm chủng nhiều lần trong một ngày thì lượng kháng nguyên trong vắc-xin cũng chỉ bằng một phần nhỏ so với lượng mà cơ thể phải đối phó hàng ngày từ môi trường. Vắc-xin cung cấp cho cơ thể của trẻ các kháng thể cần thiết để chống lại nhiều bệnh tật khác nhau.

Hỏi: Tại sao mỗi loại vắc-xin lại phải tiêm nhiều mũi?

Trả lời: Tiêm đủ số mũi vắc-xin theo như khuyến nghị sẽ giúp tạo sự bảo vệ tốt nhất cho trẻ. Số mũi cần tiêm sẽ tùy thuộc vào loại vắc-xin cụ thể nhưng thường là từ 2 mũi trở lên để phát triển khả năng miễn dịch ngăn ngừa bệnh tật hoặc tăng cường chức năng miễn dịch bị giảm dần theo thời gian. Trẻ cũng có thể sẽ phải tiêm nhắc lại để đảm bảo cơ thể được bảo vệ tối đa nếu mũi đầu tiên chưa tạo được sự miễn dịch hoặc để ngăn ngừa các mầm bệnh có khả năng biến đổi theo thời gian, chẳng hạn như bệnh cúm. Tiêm đủ số mũi là điều rất quan trọng vì mỗi mũi đều giúp chống lại các bệnh truyền nhiễm có thể đặc biệt nghiêm trọng đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Hỏi: Tại sao lại phải tiêm vắc-xin ngay từ khi còn nhỏ?

Trả lời: Sở dĩ cần phải bắt đầu tiêm vắc-xin ngay từ sớm vì hệ miễn dịch của trẻ chưa đủ khỏe và rất dễ mắc bệnh khi còn nhỏ. Vắc-xin giúp phát triển khả năng miễn dịch trước khi trẻ tiếp xúc với các mầm bệnh. Hậu quả của những căn bệnh này có thể rất nghiêm trọng, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Hỏi: Điều gì sẽ xảy ra nếu trì hoãn tiêm vắc-xin hoặc tiêm không đúng lịch?

Trả lời: Việc trì hoãn tiêm chủng hay tiêm không đúng lịch không hề có bất kỳ lợi ích nào. Những trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ được tiêm không đúng lịch hoặc tiêm không đủ số mũi sẽ có nguy cơ mắc bệnh trong khoảng thời gian giữa các mũi tiêm. Một số bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc-xin vẫn còn phổ biến và trẻ em có thể tiếp xúc với những bệnh này trong thời gian không được vắc-xin bảo vệ, sau đó mắc bệnh và nhiều trường hợp còn gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng đến mức phải nhập viện hoặc thậm chí tử vong.

Hỏi: Có thể không cần tiêm các bệnh hiếm gặp không?

Trả lời: Một số bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc-xin, ví dụ như ho gà và thủy đậu, vẫn còn rất phổ biến. Mặt khác cũng có những bệnh đã trở nên vô cùng hiếm gặp hay gần như bị xóa sổ nhờ có vắc-xin. Tuy nhiên, nếu như ngừng tiêm chủng thì số ca mắc các bệnh này có thể tăng lên nhanh chóng, từ một vài ca hiện nay sẽ tăng lên hàng chục rồi hàng trăm nghìn. Mặc dù nhiều bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc-xin đã không còn phổ biến ở Việt Nam nhưng lại vẫn đang xảy ra ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Chúng ta có thể bị lây bệnh khi đi du lịch nước ngoài hoặc khi tiếp xúc với những người mang bệnh xung quanh. Những đối tượng dễ bị tổn thương, ví dụ như trẻ em không được tiêm vắc-xin có thể sẽ mắc bệnh nặng khi tiếp xúc với những mầm bệnh này và sau đó lây lan ra cộng đồng.

Hỏi: Vắc-xin phối hợp là gì? Có những ưu điểm nào?

Trả lời: Vắc-xin phối hợp có chứa một số loại vắc-xin khác nhau, giúp phòng ngừa nhiều bệnh cùng lúc chỉ với một mũi tiêm duy nhất. Loại vắc-xin này giúp giảm số mũi tiêm và số lần phải đi tiêm, điều này không chỉ tiết kiệm thời gian và tiền bạc mà còn giúp trẻ không phải chịu đau đớn, khó chịu nhiều lần. Một số vắc-xin phối hợp phổ biến là Pediarix (kết hợp vắc-xin DTaP phòng bạch hầu, uốn ván, và ho gà, vắc-xin phòng viêm gan B và vắc-xin IPV phòng bệnh bại liệt) và ProQuad (kết hợp vắc-xin MMR phòng bệnh sởi, quai bị, rubella và vắc-xin phòng thủy đậu).

Hỏi: Có thể đợi đến khi trẻ bắt đầu đi học mới tiêm vắc-xin không?

Trả lời: Trước khi đi học, trẻ nhỏ có thể bị lây các bệnh truyền nhiễm từ cha mẹ, anh chị và những người khác xung quanh. Những trẻ dưới 5 tuổi đặc biệt dễ mắc bệnh vì hệ miễn dịch còn chưa xây dựng được hệ thống phòng thủ cần thiết để chống lại nhiễm trùng. Cha mẹ cần bắt đầu đưa con đi tiêm và tiêm theo đúng lịch được khuyến nghị để tạo sự bảo vệ cho bé khỏi bệnh tật.

Hỏi: Tại sao cần phải tiêm phòng thủy đậu?

Trả lời: Trẻ cần được tiêm phòng bệnh thủy đậu vì căn bệnh này có thể rất nghiêm trọng. Mặc dù không phải ai cũng bị thủy đậu và đa số các trường hợp đều chỉ ở mức độ nhẹ nhưng không ít trẻ lại bị nổi mụn nước nặng và nhiễm trùng. Nhiều trường hợp thủy đậu còn bị viêm phổi. Không có cách nào có thể dự đoán trước trẻ có bị thủy đậu trong tương lai hay không và các triệu chứng gặp phải sẽ nặng hay nhẹ. Trước đây khi chưa có vắc-xin, hàng năm có khoảng 50 trẻ em tử vong do bệnh thủy đậu và cứ 500 trẻ bị bệnh nay thì có khoảng 100 trẻ phải nhập viện điều trị.

Hỏi: Hiện tại con tôi đang bị ốm thì có nên tiêm vắc-xin không?

Trả lời: Thông thường vẫn có thể tiêm chủng khi trẻ bị các bệnh nhẹ như cảm lạnh, đau tai, sốt nhẹ hoặc tiêu chảy nhưng tốt nhất vẫn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tiêm.

Hỏi: Vắc-xin có chứa những thành phần nào?

Trả lời: Vắc-xin có chứa các thành phần làm cho cơ thể hình thành khả năng miễn dịch. Vắc-xin còn chứa một lượng rất nhỏ các thành phần khác. Tất cả các thành phần này đều đóng vai trò quan trọng trong việc chế tạo ra vắc-xin hoặc đảm bảo tính an toàn và hiệu quả của thành phẩm cuối cùng.

Hỏi: Trẻ sơ sinh cũng có khả năng miễn dịch tự nhiên và không phải miễn dịch tự nhiên vẫn tốt hơn miễn dịch do vắc-xin hay sao?

Trả lời: Trẻ sơ sinh được hưởng một phần khả năng miễn dịch tạm thời từ mẹ trong vài tuần cuối của thai kỳ nhưng chỉ có thể chống lại những bệnh mà người mẹ đã được miễn dịch. Việc nuôi con bằng sữa mẹ cũng giúp tạm thời bảo vệ bé khỏi các bệnh nhiễm trùng nhẹ, ví dụ như cảm lạnh. Tuy nhiên, các kháng thể này không tồn tại được lâu nên bé rất dễ mắc bệnh trong những năm tháng đầu đời. Sự miễn dịch tự nhiên hình thành sau khi trẻ tiếp xúc với một căn bệnh nào đó và bị nhiễm bệnh. Đúng là miễn dịch tự nhiên thường tốt hơn so với sự miễn dịch có được nhờ tiêm vắc-xin nhưng rủi ro cũng lớn hơn rất nhiều. Những trẻ không tiêm vắc-xin và bị thủy đậu có thể bị viêm phổi trong khi nếu tiêm vắc-xin thì sẽ chỉ bị đau cánh tay trong khoảng vài ngày.

Hỏi: Con tôi không đi nhà trẻ thì có thể để sau này mới tiêm phòng cho cháu không?

Trả lời: Ngay cả những trẻ không đi nhà trẻ và có người trông giữ tại nhà cũng vẫn có thể tiếp xúc với các bệnh truyền nhiễm. Vì vậy, bố mẹ cần đưa con đi tiêm tất cả các loại vắc-xin được khuyến nghị theo đúng độ tuổi. Trẻ có thể bị lây những căn bệnh này từ bất kỳ ai và bất kỳ địa điểm nào, từ bố mẹ, anh chị em, khách đến chơi nhà, những trẻ khác, khu vui chơi, siêu thị,... Bất kể được trông tại nhà hay đi nhà trẻ thì bé đều phải tiếp xúc với rất nhiều mầm bệnh trong suốt cả ngày và trong số những người xung quanh sẽ có nhiều người mang bệnh mà không biểu hiện triệu chứng. Những người này sẽ truyền bệnh sang cho trẻ. Nhiều bệnh trong số này có thể không gây hại cho người lớn nhưng lại đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ nhỏ. Vì vậy, bố mẹ cần cho con đi tiêm chủng ở độ tuổi được khuyến nghị để bảo vệ sức khỏe cho trẻ.

Hỏi: Nếu đang cho con bú thì tôi có phải đưa con đi tiêm đúng lịch không?

Trả lời: Có, ngay cả trẻ sơ sinh đang bú mẹ cũng cần được bảo vệ bằng cách tiêm vắc-xin ở độ tuổi khuyến nghị. Sau khi sinh, hệ miễn dịch chưa phát triển đầy đủ nên bé sẽ có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cao hơn. Sữa mẹ giúp tạo sự bảo vệ khỏi một số bệnh nhiễm trùng khi hệ miễn dịch còn đang phát triển. Ví dụ, những trẻ bú mẹ sẽ có nguy cơ bị viêm tai, viêm đường hô hấp và tiêu chảy thấp hơn. Tuy nhiên, sữa mẹ không thể bảo vệ trẻ khỏi mọi bệnh tật. Ngay cả ở những trẻ sơ sinh được nuôi bằng mẹ thì vắc-xin vẫn là cách hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh tật. Chỉ khi tiêm đủ tất cả các loại vắc-xin theo đúng lịch trình khuyến nghị thì trẻ mới được bảo vệ lâu dài.

Hỏi: Tôi sẽ cho con tiêm đủ tất cả các loại vắc-xin nhưng không theo đúng lịch thì có sao không?

Trả lời: Do hệ miễn dịch còn yếu nên một khi mắc bệnh, trẻ nhỏ sẽ có nguy cơ cao gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng, có thể phải nhập viện điều trị hoặc tử vong. Việc tiêm vắc-xin không theo đúng lịch được khuyến nghị sẽ khiến cho trẻ dễ mắc bệnh trong thời gian cần được bảo vệ bằng vắc-xin nhất. Ví dụ, các bệnh như nhiễm vi khuẩn Hib (Haemophilus Influenzae type b) hoặc nhiễm phế cầu khuẩn chủ yếu xảy ra trong 2 năm đầu đời của trẻ. Và một số bệnh khác, ví dụ như viêm gan B hoặc ho gà sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng hơn nếu trẻ bị bệnh khi còn nhỏ. Tiêm vắc-xin cho con theo đúng lịch tiêm chủng sẽ giúp tạo được sự bảo vệ tối ưu.

Hỏi: Tôi đã tiêm vắc-xin ho gà và cúm khi mang thai thì sau khi sinh có phải tiêm cho con nữa không?

Trả lời: Sự bảo vệ (kháng thể) mà người mẹ truyền cho thai nhi trong thời gian mang thai sẽ giúp cho trẻ cũng được bảo vệ phần nào khỏi bệnh ho gà và cúm. Tuy nhiên, những kháng thể này sẽ chỉ tồn tại trong cơ thể được một thời gian ngắn. Vì vậy mà sau khi sinh, bé vẫn cần được tiêm vắc-xin để cơ thể tự hình thành khả năng chống lại những căn bệnh này.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Sức khỏe âm đạo: Thế nào là bình thường? Thế nào là có vấn đề?

Sức khỏe âm đạo có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tổng thể cũng như là chức năng sinh sản và đời sống tình dục của người phụ nữ. Hãy cũng tìm hiểu về các vấn đề thường gặp ở âm đạo và các cách để duy trì vùng kín khỏe mạnh.

Chu kỳ kinh nguyệt: Thế nào là bình thường? Thế nào là không bình thường?

Chu kỳ kinh nguyệt nói lên rất nhiều điều về sức khỏe người phụ nữ. Do đó mà mỗi phụ nữ đều phải theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của mình và biết cách xử lý khi nhận thấy những điều bất thường.

Các câu hỏi thường gặp về tiêm chủng khi mang thai

Ở những phụ nữ đang mang thai hoặc dự định mang thai, các loại vắc-xin cụ thể cần tiêm sẽ phụ thuộc vào độ tuổi, lối sống, tình trạng sức khỏe và những lần tiêm phòng trước đó.

Mụn cóc thông thường

Mụn cóc thông thường là do virus HPV gây ra và có thể lây khi chạm. Mụn cóc thường hình thành sau 2 – 6 tháng kể từ khi tiếp xúc với virus.

Các nguyên nhân khiến nước tiểu có màu bất thường

Nước tiểu bình thường có nhiều màu sắc khác nhau, tùy thuộc vào lượng nước uống. Tuy nhiên, nếu nước tiểu chuyển màu đỏ, xanh lam, xanh lục, nâu sẫm hay trắng đục thì đó lại là dấu hiệu của những vấn đề bất thường với sức khỏe.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây