Nhiễm HPV

HPV thường lây truyền qua đường tình dục hoặc qua sự tiếp xúc da trực tiếp. Có thể bảo vệ cơ thể chống lại các chủng HPV gây mụn cóc sinh dục và ung thư cổ tử cung bằng cách tiêm vắc-xin.

HPV là gì?

HPV hay virus u nhú ở người (human papillomavirus) là một loại virus gây hình thành mụn cóc trên da hoặc niêm mạc ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể. Có hơn 100 chủng HPV khác nhau. Một số chủng gây ra mụn cóc trong khi một số lại gây ra các bệnh ung thư.

Mặc dù hầu hết các trường hợp nhiễm HPV đều không bị ung thư một số chủng HPV có thể gây ung thư cổ tử cung. Ngoài ra, chúng còn có thể gây ra các bệnh ung thư khác, gồm có ung thư hậu môn, ung thư dương vật, ung thư âm đạo, ung thư âm hộ và ung thư vòm họng.

HPV thường lây truyền qua đường tình dục hoặc qua sự tiếp xúc da trực tiếp. Có thể bảo vệ cơ thể chống lại các chủng HPV gây mụn cóc sinh dục và ung thư cổ tử cung bằng cách tiêm vắc-xin.

Dấu hiệu, triệu chứng

Mục cóc

Trong hầu hết các trường hợp nhiễm HPV, hệ miễn dịch của cơ thể tiêu diệt virus trước khi chúng gây hình thành mụn cóc. Nhưng đôi khi, virus vẫn tồn tại và gây mụn cóc. Một số loại mụn cóc phổ biến nhất là:

  • Mụn cóc sinh dục: hình thành dưới dạng các sẩn dẹt, nhỏ và sần sùi giống như súp lơ hoặc có những mấu nhỏ giống như thân cây. Ở phụ nữ, mụn cóc sinh dục chủ yếu xuất hiện trên âm hộ nhưng cũng có thể xuất hiện gần hậu môn, trên cổ tử cung hoặc bên trong âm đạo. Ở nam giới, mụn cóc sinh dục xuất hiện trên dương vật và bìu hoặc xung quanh hậu môn. Mụn cóc sinh dục hiếm khi gây khó chịu hay đau đớn nhưng thường ngứa ngáy.
  • Mụn cóc thông thường: mụn cóc thông thường có dạng những nốt sần sùi, nhô lên và thường xuất hiện trên bàn tay, ngón tay. Trong hầu hết các trường hợp, mụn cóc thông thường chỉ trông khó coi nhưng đôi khi cũng có thể gây đau đớn, dễ bị trầy xước và chảy máu.
  • Mụn cóc Plantar: mụn cóc Plantar là những mụn cóc cứng, sần sùi, thường hình thành ở gót chân hoặc vùng đệm thịt ở lòng bàn chân. Loại mụn cóc này thường gây khó chịu.
  • Mụn cóc phẳng: mụn cóc phẳng là những sẩn chỉ hơi nhô lên bề mặt da, đỉnh phẳng. Chúng có thể xuất hiện ở bất cứ đâu nhưng trẻ em thường có mụn cóc phẳng ở mặt. Ở nam giới, mụn cóc phẳng thường xuất hiện ở cằm và quanh hàm còn ở phụ nữ, mụn cóc phẳng thường xuất hiện trên chân.

Ung thư cổ tử cung

Phần lớn các trường hợp ung thư cổ tử cung đều là do nhiễm HPV nhưng thường phải sau vài chục năm kể từ khi bị nhiễm virus thì ung thư mới phát sinh. Nhiễm HPV và ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu thường không biểu hiện triệu chứng rõ rệt. Tiêm vắc-xin ngừa HPV là cách tốt nhất để phòng ung thư cổ tử cung.

Vì ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu không có các triệu chứng nên phụ nữ cần phải tầm soát định kỳ để phát hiện sớm bất kỳ thay đổi tiền ung thư nào ở cổ tử cung. Nếu không can thiệp, những thay đổi này có thể trở thành ung thư. Các hướng dẫn hiện tại khuyến nghị phụ nữ từ 21 đến 29 tuổi nên làm xét nghiệm Pap 3 năm một lần. Phụ nữ từ 30 đến 65 tuổi nên tiếp tục làm xét nghiệm Pap 3 năm một lần hoặc xét nghiệm HPV - DNA và xét nghiệm Pap đồng thời 5 năm một lần. Phụ nữ trên 65 tuổi có thể ngừng làm xét nghiệm nếu 3 lần xét nghiệm Pap gần nhất đều cho kết quả bình thường hoặc 2 lần xét nghiệm HPV - DNA và Pap trước đó không cho kết quả bất thường.

Khi nào cần đi khám?

Nếu mụn cóc gây khó chịu, xấu xí hoặc đau đớn thì có thể đi khám để được tư vấn cách xử lý. Và như đã nói bên trên, phụ nữ nên tầm soát định kỳ để phát hiện các thay đổi bất thường ở cổ tử cung.

Nguyên nhân

Nhiễm HPV xảy ra khi virus xâm nhập vào cơ thể, thường là qua vết xước hoặc vết rách nhỏ trên da. Virus này lây truyền chủ yếu qua sự tiếp xúc da trực tiếp.

Các chủng HPV gây mụn cóc sinh dục và ung thư cổ tử cung lây truyền qua quan hệ tình dục, bao gồm cả quan hệ đường hậu môn và các hình thức tiếp xúc da khác ở vùng sinh dục. Một số chủng HPV gây ra vấn đề ở khoang miệng hoặc đường hô hấp trên và chúng lây truyền qua quan hệ tình dục bằng miệng.

Những phụ nữ mang thai và bị mụn cóc sinh dục có thể sẽ lây truyền HPV sang con. Trong một số trường hợp, virus này có thể gây hình thành u nhú (các khối lành tính, không phải ung thư) trong thanh quản của trẻ.

Mụn cóc rất dễ lây lan. Bạn có thể bị lây khi đụng chạm trực tiếp vào mụn cóc của ai đó hoặc dùng một vật dụng đã từng chạm vào mụn cóc. Mụn cóc cũng có thể lây lan từ một bộ phận trên cơ thể sang các bộ phận khác.

Các yếu tố nguy cơ

Nhiễm HPV xảy ra rất phổ biến và các yếu tố làm tăng nguy cơ gồm có:

  • Có nhiều bạn tình: càng có nhiều bạn tình thì khả năng tiếp xúc với HPV càng cao. Quan hệ tình dục với người có nhiều bạn tình cũng làm tăng nguy cơ.
  • Tuổi tác: mụn cóc thông thường chủ yếu xảy ra ở trẻ em trong khi mụn cóc sinh dục lại thường hình thành ở độ tuổi thanh thiếu niên.
  • Hệ miễn dịch suy yếu: những người có hệ miễn dịch suy yếu có nguy cơ nhiễm HPV cao hơn. Điều này có thể xảy ra do nhiễm HIV/AIDS hoặc do dùng các loại thuốc ức chế hệ miễn dịch, ví dụ như thuốc chống thải ghép dùng sau phẫu thuật ghép tạng.
  • Da bị tổn thương: những vùng da có vết thương hở sẽ dễ bị mụn cóc thông thường hơn.
  • Tiếp xúc với mụn cóc: chạm vào mụn cóc của ai đó hoặc tiếp xúc với các bề mặt có thể dính HPV, chẳng hạn như vòi nước trong nhà vệ sinh công cộng hoặc bể bơi có thể làm tăng nguy cơ nhiễm HPV và mụn cóc.

Biến chứng

  • Tổn thương miệng và đường hô hấp trên: Một số chủng HPV gây ra các tổn thương trên lưỡi, amidan, vòm miệng mềm hoặc trong thanh quản và mũi.
  • Ung thư: Một số chủng HPV có thể gây ung thư cổ tử cung. Những chủng này cũng là thủ phạm gây ra ung thư ở bộ phận sinh dục, hậu môn, miệng và đường hô hấp trên.

Biện pháp chẩn đoán

Bác sĩ có thể chẩn đoán nhiễm HPV bằng cách quan sát mụn cóc.

Nếu như không thể nhìn thấy mụn cóc thì sẽ cần thực hiện các phương pháp kiểm tra sau:

  • Bôi dung dịch giấm (axit axetic): bôi dung dịch giấm lên vùng nghi bị nhiễm HPV để khiến cho mô chuyển sang màu trắng. Điều này giúp xác định các tổn thương phẳng khó thấy.
  • Xét nghiệm Pap: lấy một mẫu tế bào từ cổ tử cung hoặc âm đạo và phân tích để phát hiện những bất thường có thể dẫn đến ung thư.
  • Xét nghiệm HPV - DNA: xét nghiệm này được tiến hành trên mẫu tế bào từ cổ tử cung, giúp phát hiện DNA của các chủng HPV nguy cơ cao (các chủng làm tăng nguy cơ ung thư). Phương pháp xét nghiệm này được khuyến nghị cho phụ nữ từ 30 tuổi trở lên.

Điều trị

Mụn cóc

Mụn cóc thường tự biến mất sau một thời gian mà không cần điều trị, đặc biệt là ở trẻ em. Tuy nhiên, virus vẫn sẽ tồn tại trong cơ thể và không có cách nào tiêu diệt được. Vì vậy nên mụn cóc thường sẽ xuất hiện trở lại, có thể vẫn ở vị trí đó hoặc ở những vị trí khác. Nếu muốn xử lý mụn cóc thì có các biện pháp dưới đây:

Dùng thuốc

Các loại thuốc để loại bỏ mụn cóc thường được bôi trực tiếp lên da và thường phải dùng nhiều lần. Một số loại thuốc được dùng phổ biến gồm có:

  • Axit salicylic: axit salicylic có cơ chế hoạt động là làm bong từng lớp da của mụn cóc và dần dần khiến cho mụn biến mất. Axit salicylic thường được sử dụng cho mụn cóc thông thường, có thể gây kích ứng da và không được bôi lên mặt.
  • Imiquimod: thuốc này có tác dụng tăng cường khả năng chống lại HPV của hệ miễn dịch. Các tác dụng phụ thường gặp gồm có mẩn đỏ và sưng tại vị trí bôi thuốc.
  • Podofilox: được dùng cho mụn cóc sinh dục và hoạt động với cơ chế phá hủy mô mụn cóc. Podofilox có thể gây bỏng rát và ngứa ở vị trí bôi thuốc.
  • Axit tricloaxetic: có tác dụng phá huỷ mụn cóc trên lòng bàn tay, lòng bàn chân và bộ phận sinh dục. Thuốc này có thể gây kích ứng cục bộ.

Các thủ thuật loại bỏ mụn cóc

Nếu đã dùng thuốc nhưng không hiệu quả thì có thể loại bỏ mụn cóc bằng một trong các thủ thuật sau:

  • Liệu pháp áp lạnh: đông lạnh và phá hủy mụn cóc bằng nitơ lỏng
  • Đốt điện
  • Phẫu thuật cắt bỏ
  • Đốt mụn cóc bằng laser

Điều trị nhiễm HPV ở cổ tử cung

Nếu có kết quả xét nghiệm HPV hoặc xét nghiệm Pap bất thường thì sẽ cần thực hiện phương pháp soi cổ tử cung. Sử dụng một thiết bị phóng đại hình ảnh (máy soi cổ tử cung), bác sĩ sẽ quan sát kỹ cổ tử cung và lấy mẫu (sinh thiết) tại bất kỳ khu vực nào có vẻ bất thường.

Khi phát hiện bất kỳ tổn thương tiền ung thư nào thì cũng cần phải loại bỏ bằng các thủ thuật như phẫu thuật lạnh, đốt bằng laser, phẫu thuật cắt bỏ hay khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện (LEEP). LEEP là kỹ thuật sử dụng một vòng dây kim loại mảnh có dòng điện chạy qua để loại bỏ một vùng mô hình nón ở cổ tử cung.

Phòng ngừa

Mụn cóc thông thường

Rất khó để ngăn ngừa các chủng HPV gây ra mụn cóc thông thường. Nếu đã bị mụn cóc thông thường thì không được chọc, cậy nốt mụn và không cắn móng tay để tránh virus lây lan sang những vị trí khác trên cơ thể.

Mụn cóc Plantar

Để giảm nguy cơ bị mụn cóc Plantar thì hãy đi giày hoặc dép ở bể bơi, phòng tắm công cộng và phòng thay đồ.

Mụn cóc sinh dục

Có thể giảm nguy cơ bị mụn cóc sinh dục và các tổn thương khác ở bộ phận sinh dục liên quan đến HPV bằng cách:

  • Hạn chế số lượng bạn tình
  • Sử dụng bao cao su mỗi khi quan hệ tình dục
  • Không quan hệ tình dục khi phát hiện những dấu hiệu bất thường ở bộ phận sinh dục của bạn tình
  • Tiêm vắc-xin ngừa HPV

Hiện đã có 3 loại vắc-xin ngừa HPV được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) chính thức phê duyệt và đưa vào sử dụng, đó là Cervarix, Gardasil 4 và Gardasil 9. Vắc-xin Gardasil 9 là loại được phê duyệt gần đây nhất, có thể sử dụng cho nam và nữ trong độ tuổi từ 9 đến 45 để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung và mụn cóc sinh dục. Vắc-xin này có khả năng chống lại 9 chủng HPV là 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58. Vắc-xin Gardasil 4 bảo vệ cơ thể khỏi 4 chủng HPV (6, 11, 16, 18) và vắc-xin Cervarix ngừa 2 chủng HPV là 16 và18.

Tại Việt Nam, tất cả phụ nữ trong độ tuổi từ 9 - 26 được khuyến nghị tiêm vắc-xin ngừa HPV. Tốt nhất là nên tiêm trước khi bắt đầu quan hệ tình dục nhưng kể cả đã từng quan hệ thì vẫn có thể tiêm. Điều này sẽ không làm giảm hiệu quả của vắc-xin.

Nếu được tiêm trước khi bị nhiễm HPV, vắc-xin có thể ngăn ngừa hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung.

Hai loại vắc-xin được sử dụng tại Việt Nam hiện nay là Gardasil 4 và Cervarix. Lịch tiêm như sau:

Vắc-xin Gardasil: Tiêm 3 mũi theo lịch 0 - 2 – 6:

  • Mũi 1 tiêm tại thời điểm bất kì
  • Mũi 2 cách mũi đầu 2 tháng
  • Mũi 3 cách mũi đầu 6 tháng

Vắc-xin Cervarix: Cũng tiêm 3 mũi, theo lịch 0 - 1 – 6:

  • Mũi đầu tiên được tiêm vào thời điểm bất kỳ trong độ tuổi từ 11 – 26
  • Mũi thứ 2 cách mũi đầu 1 tháng
  • Mũi thứ 3 cách mũi đầu 6 tháng.

Phải tiêm đủ số mũi theo đúng lịc để vắc-xin có hiệu quả.

Một số tác dụng phụ có thể xảy ra sau khi tiêm vắc-xin:

  • Sưng, đau, nóng, đỏ và bầm tím tại vị trí tiêm
  • Nổi mẩn hay ngứa nhưng những hiện tượng này sẽ giảm dần và tự hết hẳn sau một thời gian ngắn

Một số trường hợp không nên tiêm vắc-xin ngừa HPV:

  • Đang mắc các bệnh cấp tính nghiêm trọng
  • Phụ nữ đang mang thai hoặc có kế hoạch mang thai trong tương lai gần (6 tháng tới) và phụ nữ đang cho con bú. Nếu có thai trong thời gian tiêm phòng HPV thì phải dừng tiêm các mũi sau và chờ cho đến khi sinh con xong mới tiêm nốt. Tuy nhiên, tổng thời gian từ mũi đầu cho đến mũi cuối không được vượt quá 2 năm
  • Những người bị dị ứng với thành phần trong vắc-xin

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Nhiễm khuẩn âm đạo (viêm âm đạo do vi khuẩn)

Nhiễm khuẩn âm đạo xảy ra do sự phát triển quá mức của một số loại vi khuẩn vốn tồn tại trong âm đạo.

Nhiễm nấm âm đạo (viêm âm đạo do nấm)

Nguyên nhân gây nhiễm nấm âm đạo là do một chủng nấm men có tên là Candida albicans. Do đó mà tình trạng này còn được gọi là nhiễm trùng nấm men hay nhiễm nấm Candida.

Nhiễm trichomonas

Nhiều phụ nữ và hầu hết nam giới bị nhiễm trichomonas đều không có triệu chứng, đặc biệt là trong thời gian đầu.

Nhiễm trùng thận

Nhiễm trùng thận nặng có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể đe dọa tính mạng. Đến bệnh viện hoặc gọi cấp cứu ngay lập tức nếu có các triệu chứng nhiễm trùng thận đồng thời bị tiểu ra máu hoặc buồn nôn và nôn ói.

Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI)

Nhiễm trùng đường tiết niệu chủ yếu xảy ra ở phụ nữ và ảnh hưởng đến bàng quang và/hoặc niệu đạo.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây